10 thương hiệu đồng hồ độc lập ấn tượng mà có thể bạn chưa từng nghe qua

31/12/2022
Kiến thức

10 thương hiệu đồng hồ độc lập ấn tượng mà có thể bạn chưa từng nghe qua

Trong thời gian gần đây, các thương hiệu đồng hồ độc lập đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Ở họ hội tụ đầy đủ các yếu tố khiến nhiều người thích thú như phong cách riêng biệt, số lượng giới hạn và sự kết nối với người nghệ nhân đồng hồ tài năng. Và trong đó, một số cái tên đã dần trở nên thân thuộc với người chơi như Philippe Dufour, Roger W. Smith, Kari Voutilainen hay là Rexhep Rexhepi.

Tuy vậy, bên cạnh những cá nhân nổi bật, ta vẫn còn có hàng tá nghệ nhân độc lập vẫn còn đang nằm ngoài tầm phủ sóng của những người chơi đồng hồ. Họ đều đầu tư tất cả thời gian vào việc sản xuất đồng hồ chất lượng, thế nhưng lại quên đi việc đánh bóng thương hiệu của mình. Chính vì vậy, mặc dù sản phẩm của những người nghệ nhân này hết sức chất lượng nhưng vẫn còn ít người biết đến.

Và cũng chính vì thế, Gia Bảo muốn gửi bài viết này tới các bạn độc giả. Dưới đây là 10 thương hiệu đồng hồ độc lập mà có thể bạn chưa từng nghe qua, nhưng lại là những cái tên mà bạn nên biết. Con số 10 chắc chắn mới chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi, và chúng tôi sẽ còn tiếp tục giới thiệu tới các bạn những thương hiệu mới hơn trong tương lai.

HAJIME ASAOKA

Để bắt đầu danh sách, chúng ta hãy cùng đến với một nghệ nhân đồng hồ Nhật Bản. Điểm đặc biệt ở Hajime Asaoka chính là xuất phát điểm của ông. Thay vì đi lên từ vị trí thợ sửa chữa đồng hồ như bao người khác, ông lại bắt đầu với vị trí thiết kế, tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật Tokyo vào năm 1990.

Khi đến với thế giới đồng hồ, Hajime Asaoka đã tận dụng rất tốt nền tảng thiết kế của mình. Tất cả những khách hàng của ông đều sở hữu thiết kế riêng, được tùy biến hoàn toàn cho từng cá nhân. Có thể Hajime Asaoka cho ra đời 2 chiếc đồng hồ cùng tên, thế nhưng ngoại hình của chúng chắc chắn sẽ rất khác biệt.

Điểm chung duy nhất của những thiết kế của Hajime Asaoka chính là sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Tất cả đồng hồ của ông đều được hoàn thiện đến một tầm cao mới, từng chi tiết trong bộ máy cũng được chăm chút, phối màu cực kỳ ấn tượng. Thay vì tông vàng hay xám truyền thống, máy đồng hồ của Hajime Asaoka là bức tranh với những màu xám và đen phối hợp một cách hài hòa.

Nghệ nhân đồng hồ người Nhật Bản luôn theo đuổi phong cách tối giản. Bạn sẽ không thấy những chiếc mặt số được trang trí cầu kỳ với nhiều chi tiết, không thấy những vỏ máy được chạm khắc công phu. Thay vào đó, những ý tưởng của ông luôn có nét đơn giản đúng theo tinh thần người Nhật.

Hajime Asaoka giới thiệu chiếc đồng hồ đầu tiên của mình vào năm 2005, và tiếp sau đó là thiết kế với Tourbillon vào năm 2009. Và cũng giống với nhiều nghệ nhân độc lập khác, sản phẩm của ông đều được sản xuất thủ công với những kỹ thuật truyền thống. 

Tới thời điểm hiện tại, bộ sưu tập của Hajime Asaoka đã có 4 dòng sản phẩm bao gồm Tsunami, Tourbillon Pura, Project-T Tourbillon và một mẫu Chronograph. Mỗi một sản phẩm đều có nét riêng, hướng đến một phân khúc khách hàng nhất định.

BEXEI

Thương hiệu tiếp theo đến từ một đất nước không quá quen thuộc với những người yêu đồng hồ. Không đến từ Thụy Sĩ, Đức hay Nhật Bản, nghệ nhân Aaron Becsei mang trong mình quốc tịch Hungary. Ông sinh ra trong gia đình có ba đời sửa chữa đồng hồ và xưởng đồng hồ ở quê nhà ông vẫn hoạt động cho tới ngày nay.

Mặc dù lớn lên trong gia đình có truyền thống sửa chữa đồng hồ, thế nhưng Aaron Becsei lại luôn muốn phát triển những thiết kế mới của riêng mình. Ông áp dụng cả những công nghệ mới nhất, trong đó có cả tiện CNC để có thể chế tạo ra những chi tiết cực kỳ phức tạp trong thời gian ngắn. Đương nhiên là những chi tiết thô đó cũng phải được xử lý thủ công để đảm bảo chất lượng cao nhất.

Đồng hồ của Aaron Becsei là sự kết hợp giữa nét đẹp theo phong cách Gothic cổ điển cùng những đường nét hoàn thiện chỉn chu. Đặc biệt hơn, ông tự chế tác gần như tất cả các linh kiện bên trong chiếc đồng hồ của mình. Sản phẩm của Aaron Becsei luôn nổi bật trong đám đông với những đường nét chạm khắc tinh xảo cả ở trên vỏ và bộ máy.

Lớn lên trong môi trường đầy các chi tiết cơ khí, không có gì lạ khi Becsei đã trở thành thành viên trẻ tuổi nhất của hiệp hội nghệ nhân đồng hồ độc lập AHCI (Académie Horlogère des Créateurs Indépendants). Vào năm 2005, ông đã giới thiệu chiếc đồng hồ để bàn đầu tiên của mình tại hội chợ Baselworld. Ba năm sau đó, chiếc đồng hồ đầu tiên của Becsei cũng ra đời với cơ chế Tourbillon ba trục hết sức ấn tượng.

Tới thời điểm hiện tại, Aaron Becsei đã phát triển thương hiệu của riêng mình mang tên Bexei với 3 dòng đồng hồ đặc trưng. Ông vẫn giữ nguyên phong cách cũ, tự thực hiện tất cả các chi tiết bên trong đồng hồ, vậy nên chỉ làm được vỏn vẹn 8 chiếc mỗi năm. 

MCGONIGLE

Thương hiệu này được sáng lập bởi hai anh em người Ireland là John McGonigle và Stephen McGonigle. Hai anh em nhà McGonigle cũng sinh ra trong gia đình có truyền thống sửa đồng hồ, và điều đó cũng thúc đẩy họ nối nghiệp gia đình. 

Stephen hoàn thành khóa học về đồng hồ vào năm 1996 tại Dublin, và sau đó dần phát triển bằng công việc phục chế đồng hồ tại London. Trong những năm tiếp theo, ông đã phát triển thêm những chiếc đồng hồ sở hữu cơ chế Tourbillon và Minute Repeater cho thương hiệu Christophe Claret và thậm chí còn trở thành quản lý cấp cao tại Breguet. 

Tới năm 2003, Stephen McGonigle mở thương hiệu của riêng mình và bắt đầu chế tác nhiều tính năng cơ học cho các thương hiệu nổi tiếng. John McGonigle cũng hỗ trợ rất nhiều cho anh trai trong thời gian này, và cuối cùng hai anh em đã cho ra mắt chiếc đồng hồ đầu tiên vào năm 2007. 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc sản xuất tính năng, không có gì khó hiểu khi mẫu đồng hồ đầu tiên của McGonigle sở hữu cơ chế Tourbillon cực kỳ phức tạp. Và giống như các nhà sản xuất độc lập khác, họ cũng chỉ làm theo yêu cầu của các khách hàng đặc biệt với độ tùy biến được đẩy lên mức tối đa.

CHRISTIAN KLINGS

Các sản phẩm của Christian Klings cho ta thấy rõ các kỹ thuật chế tác truyền thống vẫn có thể áp dụng ở thời hiện đại. Tại một ngôi xưởng nhỏ ở vùng ngoại ô Dresden, Đức, ông vẫn đang ngày ngày chế tác đồng hồ theo phương thức thủ công với một vài cỗ máy đơn giản. 

Trong sự nghiệp hơn 20 năm của mình, Christian Klings chỉ cho ra đơn hơn 20 cỗ máy thời gian. Và cũng chính vì vậy, tên tuổi ông chỉ được những người chơi đồng hồ sành sỏi, gạo cựu biết tới. Với số đông bên ngoài, Christian Klings vẫn là một cái tên xa lạ. 

Lý do của số lượng ít ỏi này cũng rất dễ hiểu, bởi ông thiết kế từng chi tiết máy trên giấy, sau đó tự làm trong xưởng của mình. Tất cả các chi tiết như khung máy, bánh răng, lò xo cho đến lồng Tourbillon cũng đều được làm thủ công. Klings ví công việc của mình như một nghệ nhân điêu khắc, ông thích tạo hình từng chi tiết bằng tay với chỉ một chiếc dũa nhỏ và một que gỗ để đánh bóng. Và chính vì thế, mỗi sản phẩm của ông đều rất có hồn, có những nét riêng mà không một máy móc nào có thể thực hiện được.

Với phương thức như trên, Klings chỉ có thể chế tạo đồng hồ theo đơn hàng của từng vị khách. Mỗi khách có một nhu cầu riêng, do đó sản phẩm của ông cũng hết sức đa dạng. Chúng ta có lồng Tourbillon quay mỗi vòng hết chỉ 10 giây, những bộ thoát mà không có bánh lắc và cả những mẫu đồng hồ đơn giản chỉ hiện giờ nhưng được hoàn thiện cực kỳ tinh tế. Tác phẩm của Christian Klings đặc biệt hấp dẫn với những khách hàng quan trọng kỹ năng chế tác, và đặc biệt có tính kiên nhẫn cao.

FRODSHAM

Trong quá khứ, đồng hồ Anh đã có một lịch sử huy hoàng với nhiều thành tựu lớn. Tuy vậy, tới thời điểm hiện tại không có nhiều thợ đồng hồ làm việc tại xứ sở sương mù. George Daniels và Derek Pratt là hai cái tên nổi bật nhất trong thời cận đại, nhưng thật đáng buồn là hai huyền thoại này đều đã qua đời.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu sâu hơn một chút thì còn có một thương hiệu Anh vẫn đang miệt mài làm việc và cho ra đời những chiếc đồng hồ chất lượng. Thương hiệu này có tuổi đời gần 200 năm bởi Charles Frodsham, và công việc chính của họ là khôi phục những chiếc đồng hồ để bàn hay đồng hồ bỏ túi cổ.

Bên cạnh công việc phục chế, những người nghệ nhân tại Frodsham cũng liên tục nghiên cứu để cho ra sản phẩm mới của riêng mình. Vừa mới năm ngoái đây, họ đã cho ra mắt mẫu đồng hồ đeo tay đầu tiên mang tên Double Impulse Chronometer

Cỗ máy thời gian này sở hữu cơ chế đến từ Anh mang tên Double Impulse Chronometer Escapement. Đây là một bộ thoát được phát triển bởi George Daniels, kế thừa từ những ghi chép của Abraham-Louis Breguet. Trước khi mẫu đồng hồ của Frodsham được giới thiệu, cơ chế đặc biệt này chỉ xuất hiện trên đồng hồ bỏ túi mà thôi.

CYRIL BRIVET-NAUDOT

Cyril Brivet-Naudot chính là người nghệ nhân đồng hồ trẻ tuổi nhất trong danh sách này. Với việc lọt vào vòng chung kết của hạng mục Chronometry trong cuộc thi Grand Prix d'Horlogerie de Genève, anh đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của những người mê đồng hồ. 

Mẫu Eccentricity của Cyril Brivet-Naudot không sử dụng bất cứ máy móc hiện đại nào, hoàn toàn là các kỹ thuật truyền thống. Tất cả các linh kiện đều được cắt, gọt, hoàn thiện và đánh bóng hoàn toàn bởi bàn tay người nghệ nhân trẻ.

Xét theo gia phả, ông và cụ của Brivet-Naudot đều là những người thợ đồng hồ lành nghề. Cũng vì thế, anh đã tiếp cận với những kỹ thuật chế tác thủ công từ rất sớm. Dần dần, anh tích lũy kinh nghiệm bằng cách phục chế đồng hồ cổ và làm việc cho một số thương hiệu danh tiếng. 

Đến khi đã thật sự sẵn sàng, Cyril Brivet-Naudot đã tự đứng lên và tạo cho mình một thương hiệu riêng. Như đã nói ở trên, sản phẩm của anh đều được làm bằng kỹ thuật thủ công và vì thế mất rất nhiều thời gian. Ví dụ điển hình chính là mẫu Eccentricity đầu tiên - đã ngốn 3 năm trời của anh.

Việc lắp ráp thủ công cũng cũng đã tạo nên một vấn đề nan giải. Mặc dù đã có sự giúp đỡ của máy tính trong quá trình thiết kế, thế nhưng việc đảm bảo độ chính xác cao và sai số thấp vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, điều này vẫn không làm cho Cyril Brivet-Naudot cảm thấy nao núng, đây là cách anh tri ân những cống hiến vĩ đại của các thế hệ xưa, trước thời của công nghệ, của đồng hồ thạch anh.

Có 4 thứ mà hiện tại Cyril Brivet-Naudot vẫn chưa thể sản xuất thủ công được, đó là dây cót, dây tóc, chân kính và mặt kính. Việc sản xuất các chi tiết này với quy mô nhỏ tốn rất nhiều thời gian và công sức, và điều này rất ít người có thể thực hiện được.

Giờ đây, ta hãy nhìn vào mẫu đồng hồ Eccentricity và cảm nhận rõ nét hoài cổ của nó. Cỗ máy thời gian này có một khung máy được tạo hiệu ứng “đóng băng” với hàng ngàn cú gõ búa, những chiếc đinh ốc được xử lý nung xanh óng ánh. Và nếu những kỹ thuật đó chưa đủ thuyết phục, thì mẫu đồng hồ này còn không có núm vặn, thay vào đó là một cơ chế khóa nối trực tiếp vào hộp cót - một cơ chế đặc trưng của những chiếc đồng hồ cổ.

KONSTANTIN CHAYKIN

Khác với những thương hiệu đã nói ở trên, Konstantin Chaykin có cách tiếp cận hiện đại và phóng khoáng hơn rất nhiều. Nghệ nhân đồng hồ người Nga sở hữu những mẫu đồng hồ vui nhộn và cực kỳ nổi bật, không đi theo phong cách truyền thống thường thấy. Ví dụ như chiếc Wristmons có mặt số tạo thành hình gương mặt với hai chỉ báo giờ phút là hai con mắt, lịch tuần trăng lại được đặt ở vị trí mồm. Và cái tên nổi bật nhất trong dòng Wristmons chính là chiếc Joker đã quá nổi tiếng.

Trông gương mặt của gã hề này có vẻ cợt nhả, thế nhưng phía sau đó là rất nhiều chất xám đã phải bỏ ra. Konstantin Chaykin sở hữu rất nhiều bằng sáng chế về các tính năng cơ học, cùng với đó là nét thiết kế đặc trưng. Nhìn vào đây, ta cũng thấy rõ là nghệ nhân đồng hồ người Nga lấy cảm hứng rất nhiều từ những câu chuyện giả tưởng.

Là một nghệ nhân tài năng, Konstantin Chaykin không chỉ ”vắt sữa” những mẫu Joker của mình. Thay vào đó, ông liên tục sáng tạo và đưa ra các sản phẩm mới ấn tượng hơn, phức tạp hơn. 

Trong những năm gần đây, Konstantin Chaykin tập trung rất nhiều vào chủ đề du hành vũ trụ. Thiết kế đầu tiên trong bộ sưu tập này có khả năng hiển thị giờ ở hai hành tinh (Trái Đất và sao Hỏa), nhưng chỉ sử dụng duy nhất một bộ máy. 

Và không chỉ dừng ở đồng hồ đeo tay, ông còn phát triển cả những mẫu đồng hồ để bàn cực kỳ phức tạp. Ví dụ điển hình nhất chính là chiếc Moscow Computus Clock, được lắp ráp từ hơn 2,500 linh kiện và là mẫu đồng hồ phức tạp nhất đến từ Nga.

Nhìn thoáng qua, các tác phẩm của Konstantin Chaykin khá đa dạng và đi theo nhiều chủ đề. Tuy nhiên, tựu chung lại thì những cỗ máy thời gian này vẫn có chút gì đó kết nối với nước Nga. Một ví dụ cho điều đó là chiếc Mars Conqueror MK3 Fighter được lấy cảm hứng từ buồng lái của máy bay Xô Viết.

RAÚL PAGÈS

Nhìn vào thuở thiếu thời, Raúl Pagès đã đi theo đúng con đường truyền thống của một người nghệ nhân đồng hồ độc lập. Ông dành 7 năm theo học trường đồng hồ tại Le Locle, với 4 năm học kiến thức cơ bản, 2 năm học phục chế đồng hồ và một năm học chế tạo các tính năng cơ học. Tiếp theo đó, ông bắt đầu làm tại xưởng phục chế, hồi sinh những mẫu đồng hồ cổ.

Tuy nhiên, con đường truyền thống đó chấm dứt khi ông quyết định tiếp cận thế giới cơ khí theo một hình thức khác. Sản phẩm đầu tiên mang tên Raúl Pagès là một con rùa cơ khí, có khả năng cử động và lấy năng lượng hoàn toàn từ năng lượng cơ học.

Kỹ năng sản xuất rối cơ học được Raúl Pagès tiếp thu trong quá trình phục chế đồng hồ của mình, và con rùa cơ khí là kết tinh của điều đó. Bộ máy bên trong con rùa khá tương đồng với đồng hồ, sử dụng năng lượng dây cót. Lớp vỏ bên ngoài thì được làm bằng vàng khối, tráng men và trang trí bởi rất nhiều kim cương và cả Sapphire.

Nếu chỉ tập trung vào rối cơ khí, chắc chắn Raúl Pagès sẽ không xuất hiện trong danh sách này. Những năm gần đây, ông bắt đầu chuyển hướng qua sản xuất đồng hồ đeo tay. Với những kinh nghiệm phục chế đồng hồ cổ, không quá khó hiểu khi Raúl Pagès quyết định sử dụng một bộ máy có tuổi đời gần một trăm năm thay vì tự làm ra một thiết kế mới. Mẫu Soberly Onyx của ông được sáng tạo dựa theo máy 586k của Cyma, được sản xuất vào những năm 1940.

Bộ máy 80 tuổi đã có một sự lột xác hoàn toàn dưới tay nghệ nhân Raúl Pagès. Phần lớn những chi tiết thừa thãi đều đã bị bỏ đi, và những chi tiết còn lại thì được chăm chút cực kỳ tỉ mẩn. Chúng được làm sần, được đánh bóng tất cả các góc cạnh để đảm bảo vẻ bề ngoài hoàn hảo nhất.

Ngoài ra, Raúl Pagès còn thêm vào những linh kiện của riêng mình. Trong đó, đặc biệt nhất chính là bánh lắc được làm thủ công, dựa theo thiết kế của George Daniels. Vâng, lại một lần nữa thì huyền thoại người Anh đã là nguồn cảm hứng cho những người nghệ nhân đồng hồ tài ba. 

Trái ngược với sự hào nhoáng của bộ máy, vẻ bề ngoài của chiếc Soberly Onyx lại rất đơn giản và đi theo phong cách đương đại. Mặt số đồng hồ được làm từ đá Onyx đen tuyền với những cọc số bằng vàng trắng. Bộ kim hình kiếm được đánh bóng tỉ mỉ, có thêm điểm nhấn là kim giây rốn ở góc 6 giờ. Như vậy, cả về khả năng phục chế đồng hồ, sáng tạo máy cơ khí và cả hoàn thiện các linh kiện, Raúl Pagès đều đã đạt nhiều thành tựu to lớn.

HALDIMANN

Haldimann đang khá nổi bật trong giới nghệ nhân đồng hồ độc lập. Beat haldimann đã sản xuất đồng hồ được gần hai thập kỷ, với sản phẩm đầu tiên sở hữu cơ chế cộng hưởng độc đáo, sử dụng tới hai bánh lắc. Ngoài ra, ông còn gây ấn tượng với cơ chế Flying Tourbillon cực kỳ phức tạp.

Sự nghiệp đồng hồ của Haldimann bắt đầu từ năm 1991, khi ông biết rằng gia đình mình đã có gắn bó với ngành đồng hồ từ rất nhiều đời trước. Trên thực tế, thương hiệu Haldimann đã xuất hiện từ thế kỷ 17, với chiếc đồng hồ đầu tiên của họ ra đời vào năm 1642. Để tôn vinh truyền thống đó, Beat Haldimann hiện vẫn nhận khôi phục các mẫu đồng hồ cổ cho khách hàng, đồng thời tạo nên bộ sưu tập cho riêng mình.

Beat Haldimann làm việc tại một căn nhà nhỏ bên bờ sông Aare, tránh xa khỏi thế giới xô bồ. Huyền thoại George Daniels đã ghé thăm ông và miêu tả rằng đây là nơi tuyệt vời để làm việc. Tại căn xưởng này, Beat Haldimann đã khéo léo kết hợp những ý tưởng vượt thời đại và kỹ thuật truyền thống, tạo nên nhiều sản phẩm cực kỳ ấn tượng.

F.P. Journe là người nổi tiếng nhất với cơ chế cộng hưởng trong đồng hồ, thế nhưng Haldimann cũng không hề kém cạnh. Chiếc H101 của ông được giới thiệu vào thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, sở hữu tới hai bánh lắc cộng hưởng với nhau để tăng thêm độ chính xác. Chưa hết, nó còn được tích hợp thêm bộ thoát độc quyền của Haldimann, đảm bảo sai số được giữ dưới 1/10 giây mỗi ngày.

Haldimann còn khiến người mê đồng hồ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi cho ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay với cơ chế Flying Tourbillon quay trên cầu nối có hình chiếc đàn hạc. Và để nhấn mạnh hơn nữa, ông đem cơ chế dao động của bộ máy đặt ngay trên mặt số, giúp ai cũng có thể dễ dàng quan sát.

Trong thời hiện đại như ngày nay, Haldimann vẫn làm việc theo phong cách truyền thống từ hàng trăm năm trước. Ông tự chế tác các linh kiện thủ công, không sử dụng các máy CNC công nghiệp. Điều này thật sự khó khăn và cũng thật sự đáng nể phục, đặc biệt là với những cơ chế phức tạp như Tourbillon. Các chi tiết càng bé thì lại càng mong manh, và chỉ một sai sót nhỏ là đủ khiến công sức bao lâu bị tan thành mây khói.

OCHS UND JUNIOR

Ochs Und Junior sử dụng cách tiếp cận khác hẳn với những mẫu đồng hồ thông thường. Đây là phong cách thiết kế của Ludwig Oechslin, là người đã sáng tạo ra mẫu Freak nổi tiếng của thương hiệu Ulysse Nardin. Ngoài ra, ông cũng đã điều hành bảo tàng Musée International d’Horlogerie (MIH) tại La Chaux-de-Founds trong hơn một thập kỷ.

Không chỉ có ngôn ngữ thiết kế riêng, cách hoạt động của thương hiệu Ochs Und Junior cũng khác biệt hoàn toàn. Họ tôn trọng các đối tác của mình, đưa tên toàn bộ đối tác lên trên website, hoàn toàn minh bạch với khách hàng. Họ cũng không tự nhận về mình chữ In-House, không tự nhận mình làm ra tất cả các linh kiện. 

Thật sự, rất ít thương hiệu đồng hồ nào dám làm như thế trong thời điểm hiện tại. Họ sẽ cố tình “quên” đi một thứ gì đó và tự nhận mình làm được tất cả các linh kiện nhằm đẩy giá trị đồng hồ lên.

Thiết kế đồng hồ của Ochs Und Junior có thể hiện đại, nhưng công nghệ bên trong lại đi theo đúng phong cách truyền thống. Thương hiệu này cũng sản xuất những tính năng lịch phức tạp như Thường niên hay Vạn niên, và có cả những chiếc Dual Time thể hiện hai múi giờ.

Nhiều thương hiệu muốn đẩy số linh kiện có trong bộ máy lên để cho người ta thấy sự phức tạp, sự kỳ công của cỗ máy thời gian. Tuy nhiên, Ochs Und Junior lại đi theo hướng khác. Các tính năng phức tạp của họ đều được cải tiến để có thể hoạt động theo cách đơn giản nhất, theo thiết kế tường minh nhất. Minh chứng cho điều đó là cơ chế Lịch vạn niên với chỉ 9 LINH KIỆN. Vâng, bạn không nhầm đâu, chỉ cần thêm 9 linh kiện mà Ochs Und Junior có thể làm ra một mẫu đồng hồ có lịch vạn niên.

Sử dụng các máy ebauche của Ulysse Nardin và ETA, sản phẩm của Ochs Und Junior có mức giá thấp hơn hẳn so với các thương hiệu đồng hồ độc lập khác. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng thì họ hoàn toàn không ngại bất cứ cái tên nào.

LỜI KẾT

Ngày nay, người ta đang cảm thấy nhàm chán với những mẫu đồng hồ đến từ các thương hiệu lớn. Nhiều sản phẩm với nhiều cái tên nhưng lại như từ một khuôn đúc ra. Thật có quá nhiều sản phẩm nhưng lại quá một màu, và vì thế các thương hiệu độc lập lại trở nên đáng trân trọng hơn.

Như đã nói từ đầu bài viết, 10 thương hiệu được kể tên trong bài viết chỉ là một phần rất nhỏ trong danh sách dài những người nghệ nhân độc lập. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thêm các thông tin về thế giới đồng hồ, về sự đa dạng và hấp dẫn của những cỗ máy thời gian. Các bạn hãy đón xem trong các bài viết tiếp theo nhé!

Kiến thức
Zalo