Audemars Piguet - Patek Philippe - Vacheron Constantin: Thương hiệu nào làm lịch vạn niên giỏi hơn?
Lịch vạn niên, tính năng mà ai cũng muốn có trên chiếc đồng hồ cơ của mình
Được mệnh danh là Tam Thánh (Holy Trinity), ba thương hiệu đến từ Thụy Sĩ thật sự đã trở thành tượng đài khiến nhiều người sưu tập đồng hồ phải mơ ước được sở hữu sản phẩm của họ. Và trong những sản phẩm đó, một chiếc Lịch vạn niên “siêu mỏng” lại nằm ở một phân khúc cao hơn nữa.
Trong thời đại của công nghệ kỹ thuật, tính năng lịch vạn niên trên đồng hồ thật sự không còn cần thiết. Bạn muốn biết năm nào là năm nhuận? Chỉ cần gõ lên Google là có ngay đáp án. Không chỉ thế, trong một thời gian ngắn nữa thôi thì bạn chỉ cần chat với một cái AI mang tên là ChatGPT là đủ. Bạn thấy đấy, đến Google cũng bắt đầu trở nên lỗi thời rồi!
Đúng là lịch vạn niên đã lỗi thời thật, nhưng đó lại là một tính năng nhiều người muốn sở hữu. Những người đam mê đồng hồ cơ luôn muốn tìm lại những giá trị truyền thống, những giá trị của sản phẩm thủ công, của cơ khí với kích thước siêu nhỏ. Và cũng vì lý do này, đồng hồ cơ đã tồn tại sau cuộc tấn công mạnh mẽ của đồng hồ pin, và chúng chắc chắn vẫn sẽ tồn tại đến mãi sau này, được nhiều người yêu thích.
Những chiếc đồng hồ Lịch vạn niên được đặt lên bàn cân
Lan man như thế là đủ rồi, giờ chúng ta hãy đi vào nội dung chính của bài viết. Ba chiếc đồng hồ Gia Bảo sẽ so sánh ngày hôm nay chính là:
-
Audemars Piguet ref. 25668, thân vỏ Platinum
-
Vacheron Constantin ref. 43032, vỏ Platinum
-
Patek Philippe ref. 3940J, vỏ vàng vàng
Nhìn vào danh sách trên, hẳn bạn sẽ thắc mắc về thiết kế của ba mẫu đồng hồ. Đúng là chiếc AP và Vacheron có vỏ Platinum và mặt số Skeleton, còn Patek thì không. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta khó có thể đòi hỏi và có được ba chiếc đồng hồ có giá lên tới cả trăm ngàn đô nằm cạnh nhau trong một khoảnh khắc được đúng không? Bên cạnh đó, Patek cũng chưa làm bàn 3940 nào có mặt số Skeleton cả.
Và trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng phân tích ứng cử viên đầu tiên - một cỗ máy thời gian đến từ thương hiệu Audemars Piguet.
Audemars Piguet 25668 với mặt số Skeleton
Không chỉ sở hữu chiếc đồng hồ đầu tiên được giới thiệu trong bài viết, Audemars Piguet cũng là thương hiệu đầu tiên cho ra mắt dòng đồng hồ Lịch vạn niên “siêu mỏng”. Mẫu đồng hồ này sử dụng bộ máy của Jaeger-LeCoultre mang mã hiệu 920 và vẫn được giới mộ điệu đón nhận nhiệt tình.
Điều này cũng chứng minh rằng phong trào sản xuất In-House toàn bộ hiện nay đã đi quá xa. Một nhà sản xuất hoàn toàn có thể sử dụng linh kiện của hãng khác, thế nhưng họ phải biết cách thêm vào đó những nét riêng của mình. Và trên thực tế, điều này cũng sẽ tốt hơn cho cả người mua và các thương hiệu đồng hồ. Các thương hiệu không phải tự sản xuất và sẽ cắt được khá nhiều chi phí phát triển, và người mua cũng sẽ có mức giá hợp lý hơn.
Với phần càng nối dây ngắn và cong, chiếc đồng hồ này sẽ ôm gọn lấy cổ tay người dùng. Và trên mặt số, ta có bốn chiếc mặt số, với nhiều chỉ báo khác nhau, phần nào thể hiện sự phức tạp của bộ máy bên trong. Chưa hết, mặt số Skeleton cũng đóng góp rất nhiều cho hiệu ứng thị giác của chiếc đồng hồ. Với tầng tầng lớp lớp các chi tiết máy, bất cứ người nào cũng sẽ phải chú ý tới cỗ máy thời gian trên cổ tay bạn.
Audemars Piguet giới thiệu thiết kế mặt số Skeleton trên chiếc Lịch vạn niên này vào những năm 80, và đây như thể một tuyên bố của thương hiệu đồng hồ truyền thống:
“Này, chúng tôi có thể đặt tới 212 chi tiết máy cơ khí vào trong bộ vỏ có cùng kích thước của đồng hồ pin đấy nhé! Và chưa hết đâu, chiếc đồng hồ này sẽ còn có thể hoạt động chính xác tới năm 2100. Đến lúc đó, hẳn mấy chiếc đồng hồ pin của các ông đã ngủm từ lâu rồi.”
Tất nhiên những câu nói trên là cách tôi cường điệu hóa mọi chuyện mà thôi, nhưng nó vẫn đang chính xác ít nhất là tới thời điểm này.
Với phiên bản hiện đại hơn mang mã hiệu 25668, các nút điều chỉnh lịch vạn niên đã được thu nhỏ nằm gọn bên trong thân vỏ, không còn bị đẩy ra ngoài nữa. Như vậy, phần vỏ đồng hồ có thêm sự gọn gàng, liền mạch và tất nhiên cũng thanh lịch hơn. Đây cũng là chi tiết của AP mà tôi đánh giá cao hơn so với VC - chiếc đồng hồ mà tôi sẽ phân tích ở phần dưới đây.
Theo thương hiệu Audemars Piguet, họ sản xuất tổng cộng 7,219 chiếc đồng hồ Lịch vạn niên trong khoảng thời gian 15 năm. Trong số đó, chỉ có 79 chiếc mang mã hiệu 25668 sở hữu bộ vỏ Platinum, khiến việc sở hữu chiếc đồng hồ này khó khăn hơn rất nhiều. Tôi thì không quá quan tâm tới độ hiếm, chỉ là tôi thích thiết kế và cảm giác lên tay của chiếc đồng hồ này mà thôi.
Vacheron Constantin 43032
Nếu tiêu chí đánh giá là về độ hiếm, dòng Lịch vạn niên của Vacheron Constantin chắc chắn sẽ giành ngôi vô địch. Họ sản xuất khoảng 2000 chiếc trong khoảng thời gian từ năm 1983 tới năm 2006, chỉ bằng ¼ nếu so với AP hay Patek.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, độ hiếm chỉ là thứ yếu khi so sánh giữa các mẫu đồng hồ. Không chỉ cần hiếm, một chiếc đồng hồ còn cần phải “quý” nữa. “Quý” ở đây là về thiết kế, về chất lượng và cả về giá trị. Nếu nhìn thoáng qua, có vẻ VC không làm được điều này. Bộ máy bên trong của chiếc Vacheron vẫn là JLC 920 giống của AP, họ cũng có bộ vỏ Platinum giống đối thủ của mình, và hiệu ứng Skeleton cũng không có quá nhiều khác biệt giữa hai phiên bản.
Tuy nhiên, đó chỉ là nhận xét chủ quan khi một người nhìn lướt qua hai mẫu đồng hồ. Với đồng hồ cơ khí, chúng ta phải đào sâu từng chi tiết mới thấy được sự thú vị của những cỗ máy thời gian.
Bộ vỏ của chiếc Vacheron Constantin 43032 sẽ đem đến trải nghiệm lên tay khác biệt so với mẫu AP. Phần càng nối dây giờ vuông vức hơn và dài hơn, tạo nên một bề mặt phẳng. Thiết kế này sẽ đặc biệt phù hợp với những người có xương cổ tay to, tạo nên bản tay vuông vức. Điều này tất nhiên sẽ kén người đeo hơn, nhưng lại khiến chiếc đồng hồ đẹp hơn khi đặt vào đúng tay chủ nhân.
Lịch tuần trăng đẹp tuyệt vời của chiếc Vacheron Constantin, được làm từ đá lapis lazuli
Một chi tiết khác khiến cho chiếc Vacheron trở nên nổi bật chính là chỉ báo Lịch tuần trăng. Cũng là màu xanh đậm, thế nhưng chi tiết này lại được làm từ đá lapis lazuli với những ánh kim loại nổi bật. Tuy nhỏ bé, nhưng chính bộ phận này lại làm nên phần hồn của chiếc đồng hồ. Thực tế, nó còn gây ấn tượng mạnh hơn so với mặt số Skeleton cầu kỳ.
Với càng nối dây vuông, chiếc đồng hồ sẽ khó ôm gọn cổ tay người dùng hơn
So về độ rõ ràng, chiếc Vacheron Constantin cũng được đánh giá cao hơn mẫu đồng hồ của Audemars Piguet. Với các mặt số phụ màu trắng, thiết kế này tạo được độ tương phản, khiến người dùng dễ theo dõi hơn. Tất nhiên, điều này cũng chỉ tương đối, do chẳng mấy người đeo đồng hồ để xem giờ hay xem ngày nữa.
Chúng tôi - những người viết về đồng hồ - cũng thường hay trêu đùa với nhau: “Nếu bạn đủ tiền sở hữu một chiếc AP và VC lịch vạn niên, hẳn mắt bạn cũng không còn đủ tinh để nhìn số trên đồng hồ nữa rồi.” Thật vậy, nhìn vào giá của những mẫu đồng hồ trên, tôi nghĩ mình phải mất khoảng ba đời người nữa mới đủ tiền sở hữu một chiếc.
Và cuối cùng: Patek Philippe 3940J
Sau hai chiếc Audemars Piguet và Vacheron Constantin ấn tượng ngang nhau, ta sẽ đến với một thiết kế nhã nhặn hơn, ít nổi bật hơn. Khi đặt cạnh hai đối thủ của mình, chiếc đồng hồ mang mã hiệu 3940J trông thật “giản đơn và kém sắc”. Tuy nhiên, chỉ với chữ Patek Philippe xuất hiện trên mặt số, nó đã trở thành một đối thủ xứng tầm rồi.
Đúng là chiếc Patek có cùng tính năng với hai chiếc Vacheron và Audemars. Tuy nhiên, ngoài chi tiết đó thì không còn điểm tương đồng nào nữa. Chiếc Patek Philippe 3940 đẹp theo một phong cách riêng, nhã nhặn hơn rất nhiều.
Là phiên bản thứ ba của dòng Lịch vạn niên, mẫu 3940J sở hữu mặt đáy bằng kính Sapphire. Ta sẽ không thể nhìn các chi tiết máy từ mặt số như hai chiếc đồng hồ ở trên, nhưng ít nhất là ta cũng không cần phải cậy mặt đáy để chiêm ngưỡng bộ máy.
Bộ phận Rotor cỡ nhỏ với những đường vân, đường chạm khắc tuyệt đẹp
Cỗ máy cơ học bên trong mẫu 3940J được sản xuất bởi chính Patek Philippe, mang mã hiệu 240Q. Đây là dòng máy sử dụng Micro Rotor, giúp cho độ dày của bộ máy giảm đi đáng kể. Và không chỉ thế, từng chi tiết nhỏ bé cũng cho ta thấy được sự tỉ mỉ của Patek, cho ta thấy được đỉnh cao trong việc hoàn thiện cơ khí. Tôi có thể dành cả ngày để theo dõi chiếc rotor di chuyển, cung cấp năng lượng cho bộ máy cơ học.
Để dễ hình dung, ta có thể ví chiếc AP và VC như hai chàng trai bụi bặm, khoác trên mình chiếc áo da đầy phong trần. Ngược lại, chiếc Patek như một quý ông đang diện Tuxedo đi trong buổi tiệc trang trọng. Cả hai đều có nét đẹp riêng, và vị trí số một sẽ tùy vào sở thích mỗi người.
AP ref. 25657
Vậy đâu mới là nhà vô địch trong việc chế tác Lịch vạn niên?
Ở phần cuối, tôi sẽ chỉ đưa ra nhận xét của cá nhân mình. Như đã nói ở trên, vẻ đẹp nằm trong mắt người cảm nhận. Với riêng tôi, mẫu Patek 3940J là tất cả những gì tôi cần ở một chiếc Lịch vạn niên. Chúng ta có thể để dành sự phá cách, tinh nghịch trong một dịp khác, còn với Lịch vạn niên thì chỉ cần lịch thiệp, trang trọng là quá đủ rồi!
Về cảm nhận lên tay, chiếc AP sẽ đem tới cảm giác dễ chịu và thoải mái nhất. Với phần càng nối dây ngắn, bộ dây da sẽ dễ ôm gọn lấy cổ tay người đeo. Cuối cùng, phần thân vỏ của chiếc Vacheron sẽ đem tới một kết cấu gồ ghề nhưng lại ấn tượng, cũng là một điểm nhấn cho chiếc đồng hồ.
(Bài viết gốc và Hình ảnh từ Hodinkee)