Bắt đầu bước chân vào phân khúc đồng hồ độc lập? - Đây là những cái tên bạn phải biết (phần 1)
Để khởi đầu một năm mới, chúng ta hãy cùng khám phá một vùng đất mới mà ít ai đặt chân đến. Có rất nhiều người biết về Rolex, về Patek Philippe, về Omega, nhưng những cái tên dưới đây thì phải là những “con mọt” đồng hồ mới nghe đến. Nào, hãy cùng Gia Bảo khám phá sự kỳ thú của những thương hiệu đồng hồ độc lập.
Kỷ nguyên của những nghệ nhân chế tác độc lập
Trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường quốc tế đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Người ta quan tâm nhiều hơn tới những thương hiệu độc lập, tới những chiếc đồng hồ đặc biệt. Những người nghệ nhân đồng hồ trước đây vốn lặng thầm làm việc, nay đã nhận được sự công nhận thích đáng của giới mộ điệu.
Bản chất của các thương hiệu độc lập đưa ta về đúng với lịch sử của ngành đồng hồ, về những giá trị nguyên sơ nhất. Những giá trị đó giờ gần như đã bị thay thế hoàn toàn bởi những chiếc máy CNC, bởi những dây chuyền sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, các nghệ nhân độc lập một lần nữa lại thổi cái hồn vào những chi tiết cơ khí, vào những yếu tố kỹ thuật tưởng chừng khô khan.
Những nghệ nhân độc lập đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển chung của ngành đồng hồ, họ giúp thúc đẩy và sáng tạo ra những cơ chế đặc biệt mà chưa từng xuất hiện. Tuy nhiên, với quá nhiều tâm huyết vào một sản phẩm, số đồng hồ mà họ cho ra mắt lại tỷ lệ nghịch với đóng góp của họ cho ngành công nghiệp này.
Để nhìn lại khởi điểm của những thương hiệu độc lập, ta không thể không nhắc tới George Daniels. Nghệ nhân đồng hồ người Anh này là phòng tuyến cuối cùng của đồng hồ cơ khí trước sự tấn công mạnh mẽ của đồng hồ điện tử. Vào thời đó, việc sản xuất đồng hồ phần lớn do đội ngũ công nhân làm từng linh kiện, sau đó ráp vào với nhau. Tuy nhiên, George Daniels là người đầu tiên thành thạo 32 trên tổng số 34 kỹ năng cần thiết kể tạo nên một cỗ máy thời gian cơ khí.
Đặc biệt hơn, ông cũng là người đầu tiên thiết kế ra một bộ thoát có hiệu năng vượt trên cơ chế đòn bẩy vốn đã tồn tại hơn 250 năm. Và bộ thoát đó ngày nay vẫn đang được sử dụng bởi thương hiệu Omega danh tiếng, mang tên Co-Axial.
George Daniels
Và trong ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những người nghệ nhân giống với George Daniels. Họ là những con người làm việc trong xưởng chế tác nhỏ bé, nhưng lại giúp mở rộng thêm giới hạn của nghệ thuật chế tác đồng hồ. Hãy bắt đầu với những huyền thoại sống nhé!
Những huyền thoại sống trong số những nghệ nhân độc lập
Svend Andersen
Svend Anderson được biết đến nhiều nhất với tư cách nhà đồng sáng lập AHCI - Hiệp hội nghệ nhân chế tác đồng hồ độc lập. Ông nằm trong danh sách những nhà tiên phong, tập trung rất nhiều vào các tác phẩm tùy biến theo nhu cầu của khách hàng. Những chiếc đồng hồ World Time của Andersen Geneve cũng được vinh danh trong top đầu, được nhiều nhà sưu tập yêu thích.
Svend Andersen còn có thêm một thành tựu khác mà ít người biết đến hơn, đó chính là chiếc đồng hồ đeo tay với cơ chế Lịch vạn niên TỐI THƯỢNG. Bạn vẫn biết là Lịch vạn niên sẽ hiển thị đúng ngày 29/2 với cả năm nhuận đúng không? Tuy nhiên, điều này chưa thật sự chính xác.
Vào các năm đầu thế kỷ nhưng không chia hết cho 400 (VD 2100, 2200, 2300), Tháng Hai vẫn chỉ có 28 ngày mà thôi. Lịch vạn niên thông thường sẽ hiển thị sai các năm này, nhưng Lịch vạn niên TỐI THƯỢNG của Svend Andersen thì có thể hiển thị một cách chính xác. Tất nhiên, đến thời điểm đó thì chúng ta chưa chắc đã còn sống, thế nhưng đây vẫn là một cơ chế ấn tượng trên một chiếc đồng hồ cơ học.
Svend Andersen Secular Perpetuel Calendar được sản xuất năm 1996
Felix Baumgartner và Martin Frei với thương hiệu URWERK
Martin Frei và Felix Baumgartner
Sự ra đời của thương hiệu Urwerk đánh dấu một bước chuyển mình mới của ngành đồng hồ. Những cỗ máy đồng hồ cơ học không còn hiển thị thời gian một cách nhàm chán nữa. Thay vào đó, chúng có hiệu ứng hình ảnh cực kỳ ấn tượng mang hơi hướng tương lai.
Thương hiệu Urwerk được thành lập bởi hai nghệ nhân đồng hồ Felix Baumgartner và Martin Frei. Hai người đã mạnh dạn loại bỏ kim trong thiết kế analog truyền thống, kết nối các trục xoay và đĩa bánh răng để hiển thị thời gian trong không gian ba chiều. Bộ đôi này cũng đã kết hợp cùng thương hiệu Harry Winston nổi tiếng, cho ra đời chiếc Opus V vào năm 2005.
Urwerk UR-110
Tới năm 2013, Felix Baumgartner và Martin Frei tiếp tục cho ra mắt mẫu đồng hồ Electro Mechanical Control (EMC). Đây là chiếc đồng hồ cơ học nhưng lại có cơ chế tự đo lường sai số. Sau mỗi ngày, bạn sẽ biết đồng hồ chạy nhanh bao nhiêu giây, chậm bao nhiêu giây để có thể căn chỉnh cho phù hợp. Cuối cùng là mẫu đồng hồ Atomic Mechanical Control (AMC), có thể tự điều chỉnh thời gian theo đồng hồ lượng tử.
Maximilian Büsser, MB&F
Maximilian Büsser
Maximilian Büsser là người đóng góp rất nhiều cho công cuộc phát triển thương hiệu độc lập qua bộ sưu tập Opus. Đây là sản phẩm kết hợp giữa ông và thương hiệu Harry Winston, với mỗi phiên bản là một thiết kế đặc biệt, được kết nối với một nghệ nhân độc lập nào đó. Đây là một bước đệm tuyệt vời cho những người nghệ sĩ cơ khí tài năng có thể vươn lên, được giới mộ điệu biết đến nhiều hơn.
Tới năm 2005, Maximilian Büsser đã cho ra mắt thương hiệu MB&F với phương châm hoạt động đặc biệt. Các sản phẩm của thương hiệu đều là những cỗ máy cơ khí tuyệt vời, mang hơi hướng phim khoa học viễn tưởng.
MB&F Legacy Machine Split Escapement EVO
Mẫu đồng hồ độc bản M.A.D.1 mặt số hồng, được tạo ra để tham gia buổi đấu giá #ThePinkDialProject
Sản phẩm của MB&F chia thành hai dòng. Horological Machines chính là những chiếc đồng hồ với thiết kế ấn tượng, không đi theo lối mòn. Ngược lại, Legacy Machines lại có thiết kế đi theo thiên hướng truyền thống với những tính năng quen thuộc như Tourbillon, Lịch vạn niên hay gần đây nhất là Chronograph.
Nếu như bạn chưa biết thì MB&F chính là viết tắt của Maximilian Büsser & Friends. Đúng vậy, ông luôn kết nối với những người bạn là nghệ nhân đồng hồ, nhà thiết kế hay chuyên gia ở lĩnh vực nào đó để cho ra mắt những cỗ máy cơ học đẹp tuyệt vời. Hành động này không chỉ giúp tôn vinh nghệ thuật cơ khí, mà nó còn giúp chắp cánh cho những nghệ nhân chưa nổi tiếng được bay xa.
Philippe Dufour
Philippe Dufour
Có lẽ không nghệ nhân đồng hồ nào hiểu rõ về nghệ thuật chế tác truyền thống hơn Philippe Dufour. Với tài năng của mình, ông đã đem tới những sản phẩm ấn tượng như chiếc đồng hồ đeo tay Grande et Petite Sonnerie với khả năng đánh chuông báo giờ tự động.
Nhắc tới Philippe Dufour, ta còn phải nhắc tới cơ chế bộ dao động cộng hưởng ít người có khả năng chế tác được. Khác với những đồng nghiệp của mình, ông không tập trung vào việc nâng cao sản lượng. Số lượng đồng hồ được ông làm ra mỗi năm có thể đếm trên đầu ngón tay, và chúng được săn đón gắt gao bởi những nhà sưu tập sừng sỏi.
Laurent Ferrier
Laurent Ferrier
Sau 37 năm làm việc tại thương hiệu Patek Philippe danh tiếng, Laurent Ferrier đã quyết định tự làm ra những chiếc đồng hồ mang tên mình. Các sản phẩm của ông được đánh bóng kỹ lưỡng, mang trong mình vẻ thanh lịch và kèm theo một mặt số giàu cá tính, một bộ máy được hoàn thiện tới từng chi tiết nhỏ.
Hơn thế nữa, Laurent Ferrier đã thể hiện sự quyết tâm theo đuổi độ chính xác tuyệt đối của đồng hồ với việc sử dụng hai dây tóc trong cơ chế Tourbillon. Ông còn áp dụng thêm những công nghệ hiện đại như silicon và LIGA, giúp giảm tối đa sự ăn mòn các chi tiết, đảm bảo đồng hồ hoạt động chính xác trong thời gian rất dài.
Denis Flageollet, De Bethune
Denis Flageollet
Từ khi được thành lập vào năm 2002, thương hiệu De Bethune đã tạo ra những mẫu đồng hồ đặc biệt nhất trong ngành chế tác đương đại. Không chỉ áp dụng những vật liệu mới, không chỉ có mẫu mã ấn tượng, sản phẩm của De Bethune còn theo đuổi độ chính xác tuyệt đối.
Đứng đằng sau thương hiệu De Bethune chính là nghệ nhân đồng hồ huyền thoại Denis Flageollet. Ông đã cải tiến hệ thống bánh răng truyền động của từng cỗ máy thời gian, đem tới hiệu quả hoạt động tốt nhất. Năng lượng được truyền tải trơn tru từ hộp cót cho tới kim giờ phút, đảm bảo sự chính xác, ổn định và cả nét thẩm mỹ.
De Bethune DB25 Starry
Cùng với đó, thương hiệu De Bethune còn phá giới hạn của ngành chế tác truyền thống bằng sự ra mắt của nhiều cơ chế đặc biệt. Ta có Lịch tuần trăng 3D hình cầu, Tourbillon tốc độ cao, Chronograph với tất cả kim chỉ báo đều nằm ở trung tâm thay vì các mặt số phụ. Với sự kết hợp giữa kỹ thuật cơ khí và thiết kế ấn tượng, sản phẩm của De Bethune luôn được nhiều nhà sưu tập quan tâm và săn đón.
Romain Gauthier
Romain Gauthier
Romain Gauthier tập trung vào các mẫu đồng hồ chỉ hiển thị thời gian, làm cho chúng trở nên hoàn hảo. Ta không thể không nhắc đến mẫu Logical One với cơ chế fusee & chain giúp lực từ dây cót truyền tới các bánh răng luôn được giữ ở một mức cố định. Điều này loại bỏ sự thiếu nhất quán khi dây cót ở trạng thái căng và giãn, dẫn tới tốc độ chạy đồng hồ bị sai lệch.
Không chỉ tập trung vào cơ chế hoạt động, bộ máy đồng hồ của Romain Gauthier còn được lên cấu trúc và tự thiết kế hoàn toàn. Do đó, người nghệ nhân có thể tùy ý đặt các chi tiết để khoe ra vẻ đẹp mang đậm tính cơ khí. Và hơn thế nữa, Romain Gauthier còn sản xuất nhiều linh kiện cho các công ty đồng hồ khác, cho ta thấy chất lượng tuyệt hảo từ sản phẩm của ông.
Robert Greubel và Stephen Forsey - Greubel Forsey
Robert Greubel và Stephen Forsey
Tên thương hiệu Greubel Forsey được ghép lại từ hai nhà sáng lập là Robert Greubel và Stephen Forsey. Kể từ khi được thành lập vào năm 2004, họ đã đưa kỹ thuật chế tác và độ chính xác của đồng hồ cơ học lên một tầm cao mới. Trong các thành tựu của thương hiệu, ta không thể không nhắc tới cơ chế Tourbillon chéo.
Khi đặt Tourbillon chéo 1 góc 45 độ, ta sẽ tránh được phần lớn ảnh hưởng của trọng lực lên hoạt động của bánh lắc. Tuy vậy, điều này lại ảnh hưởng lớn tới độ dày của máy cơ học, không phù hợp với các mẫu đồng hồ đeo tay. Và thành công của Greubel Forsey nằm ở chính điều này, họ đã khéo léo sắp xếp các linh kiện để cho ra một bộ máy vừa đẹp, vừa hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh thành tựu trên, bộ đôi nghệ nhân còn phát triển thêm nhiều cơ chế giúp tăng độ chính xác của đồng hồ. Chúng ta có Tourbillon quay với tốc độ cao (24 giây/vòng), cơ chế bánh lắc kép được đặt chéo góc 45 độ, cùng với đó là Tourbillon 2 trục kết hợp cùng cơ chế lực bất biến. Chưa hết, họ cũng đã kết hợp các cơ chế phức tạp như GMT và Grande Sonnerie vào với nhau, tạo nên những cỗ máy thời gian hoàn hảo.
Trong thời gian gần đây, thương hiệu Greubel Forsey đã bắt đầu phát triển dòng đồng hồ thể thao mang tên Convexe. Thiết kế này là sự kết hợp hoàn hảo giữa bộ máy đa tầng nhiều lớp, vỏ Titanium với những đường cong mềm mại và độ hoàn thiện tuyệt vời. Đây là một lựa chọn không tồi đối với những nhà sưu tập đang tìm kiếm sự mới lạ cho kho tàng của mình.
Bart Grönefeld và Tim Grönefeld
Bart Grönefeld và Tim Grönefeld
Kể từ năm 2008, hai anh em nhà Grönefeld đã đem đến cho thế giới đồng hồ rất nhiều cơ chế đặc biệt, giúp tăng độ chính xác của đồng hồ cơ. Trong số đó, thiết kế ấn tượng nhất chính là One Hertz - mẫu đồng hồ có kim giây giật với hai hộp cót, hai hệ thống truyền động. Trong đó, riêng một hộp cót dùng để cấp năng lượng cho kim giây, đảm bảo tạo hiệu ứng kim giây giật chính xác.
Ngoài chiếc One Hertz, nhà Grönefeld còn có thêm mẫu 1941 Remontoire với cơ chế đảm bảo lực bất biến. Thay vì cơ chế Fusee & Chain ở trên, Remontoire cũng là một cách để giúp năng lượng cung cấp cho bánh lắc không thay đổi. Tính năng này sẽ cấp một lực nhỏ cho bánh lắc, giúp biên độ dao động luôn giữ nguyên, đảm bảo thời gian luôn được đếm chính xác.
Grönefeld 1941 Grönograaf
Gần đây nhất, thương hiệu Grönefeld đã cho ra mắt mẫu đồng hồ Chronograph đầu tiên của họ. Cỗ máy thời gian 1941 Grönograaf sở hữu một cơ chế rất hiếm, đó chính là kim phút Chronograph nhảy. Thay vì di chuyển từ từ trên mặt số, kim phút của chiếc 1941 Grönograaf sẽ nhảy khi kim giây di chuyển được một vòng. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng cơ chế này thật sự có độ phức tạp cao và đang được săn đón mạnh mẽ bởi giới mộ điệu.
Vianney Halter
Vianney Halter
Thế giới đồng hồ thật sự sẽ khá nhàm chán nếu thiếu đi những nghệ nhân đồng hồ sáng tạo. Và trong danh sách những nhân tố đột phá, Vianney Halter chính là cái tên đáng được nhắc đến nhất.
Vianney Halter Antiqua
Vào năm 1998, Vianney Halter đã giới thiệu chiếc đồng hồ đeo tay mang tên Antiqua. Đây là một thiết kế không đi theo lối mòn, sở hữu tới bốn mặt số và cơ chế Lịch vạn niên phức tạp. Phần vỏ đồng hồ được làm bất đối xứng, đem tới một phong cách Steampunk đặc trưng.
Tiếp nối thành công ở trên, nghệ nhân người Pháp đã đem đến cho giới mộ điệu chiếc đồng hồ Deep Space Tourbillon. Không cần là con mọt đồng hồ, bất cứ ai nhìn vào thiết kế trên cũng sẽ bị ấn tượng với cơ chế Tourbillon 3 trục khổng lồ nằm ở giữa mặt số. Và để tăng thêm sự ấn tượng, cỗ máy thời gian này có tới hai bánh lắc, được đặt đồng trục và tạo nên dao động cộng hưởng tuyệt vời.
François-Paul Journe
François-Paul Journe
François-Paul Journe (F.P. Journe) là một trong những nghệ nhân đồng hồ nổi tiếng và truyền nhiều cảm hứng cho các thế hệ kế cận. Ông thật sự là một thiên tài trong lĩnh vực chế tác cơ khí, có khả năng hồi sinh những tính năng tưởng chừng đã rơi vào quên lãng.
Các thiết kế của F.P. Journe thì có rất nhiều, những cái tên nổi bật có thể kể đến như chiếc Tourbillon Souverain, Chronomètre à Résonance hay Chronomètre Optimum. Mỗi sản phẩm đều có một nét riêng, đó có thể là cơ chế lực bất biến Remontoir, là hai bánh lắc cộng hưởng hay là bộ thoát với bánh răng hai trục. Tựu chung lại, các cỗ máy thời gian này cho ta thấy tầm vóc vượt trội của người nghệ nhân đồng hồ đến từ Pháp.
Cũng giống như George Daniels, F.P. Journe cũng lấy cảm hứng rất nhiều từ nghệ nhân đại tài Abraham-Louis Breguet. Từ đó, ông cho ra mắt các sản phẩm với cơ chế đặc biệt nhưng cũng hết sức thực tế và có tính ứng dụng cao. Nhờ sự thành công đó, các mẫu đồng hồ mang tên F.P. Journe cũng đang tăng giá chóng mặt, thường gấp nhiều lần giá niêm yết của thương hiệu.
Andreas Strehler
Andreas Strehler
Andreas Strehler được biết đến nhiều nhất với những cấu trúc máy siêu phức tạp, được ông tự mình thiết kế và lắp ráp. Sản phẩm đặc trưng nhất của Strehler chính là chiếc Sauterelle à Lune Perpétuelle 2M được giới thiệu vào năm 2014. Cỗ máy thời gian này đã đạt được kỷ lục Guinness với danh hiệu mẫu đồng hồ có cơ chế Lịch tuần trăng chính xác nhất Thế Giới. Với độ chính xác này, người dùng sẽ chỉ cần chỉnh lại Lịch tuần trăng một lần vào mỗi 2.045 triệu năm.
Không dừng lại ở đó, ông còn sáng lập nên thương hiệu thứ hai mang tên UhrTeil. Thay vì chế tác đồng hồ, thương hiệu này có nhiệm vụ phát triển và chế tạo những bộ máy đặc biệt, phục vụ các thương hiệu khác. Trong đó, nổi bật nhất chính là cơ chế Lịch vạn niên bên trong mẫu đồng hồ của thương hiệu H. Moser & Cie. Thay vì sử dụng các nút bấm, cơ chế này cho phép người dùng chỉnh tiến và lùi ngày chỉ với núm vặn.
Kari Voutilainen
Kari Voutilainen
Kari Voutilainen cho ra mắt thương hiệu mang tên mình vào năm 2002, và nổi lên với những sản phẩm mặt số Guilloche được thực hiện thủ công vô cùng đẹp mắt. Ngoài ra, cấu trúc bộ máy cũng là điểm nhấn trên chiếc đồng hồ của Voutilainen, với tầng tầng lớp lớp linh kiện và được sắp xếp vô cùng hài hòa.
3 năm kể từ khi thành lập thương hiệu, Voutilainen đã cho ra mắt mẫu đồng hồ đầu tiên có cơ chế dùng âm thanh báo thời gian (Minute Repeater) theo mỗi 10 phút.
Và tới năm 2011, ta có một thiết kế cho thấy sự thông minh và tinh quái của Kari Voutilainen trong việc thiết kế bộ máy đồng hồ. Ở mẫu Vingt-8, bánh răng điều khiển bánh xe gai được giấu kín đáo dưới khung máy. Do đó, ta sẽ chỉ nhìn thấy bánh xe gai tựa như đang tự di chuyển, không kết nối với bất cứ thứ gì.