Blancpain Fifty Fathoms - Bộ sưu tập định hình dòng đồng hồ lặn
Để làm việc ở dưới đáy đại dương, những người thợ lặn phải sử dụng rất nhiều công cụ đặc biệt. Trong đó, chắc chắn phải có một chiếc đồng hồ với khả năng chống nước tốt, hoạt động ổn định. Vào thế kỷ trước, chúng ta không có những cỗ máy điện tử tinh vi để giải quyết vấn đề tính toán thời gian, mà thay vào đó chỉ có đồng hồ cơ học.
Chính vì vậy, những thiết kế như Seamaster, Submariner mới có được chỗ đứng vững chắc như ngày hôm nay. Vào thời điểm đó, những chiếc đồng hồ này là công cụ của người thợ lặn, giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho họ. Tuy nhiên, ít người biết được rằng trước hai cái tên nổi tiếng kia, chúng ta còn có dòng Fifty Fathoms của Blancpain.
Lịch sử của dòng Fifty Fathoms
Dòng đồng hồ này được thiết kế để phục vụ những đơn vị chiến đấu dưới nước đặc biệt. Những người lính này có khả năng lặn sâu, bơi qua những vùng nước lạnh để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, các nhiệm vụ nổi bật nhất của họ là bảo vệ tàu thuyền hay các thiết bị của hải quân, thực hiện cứu hộ hoặc các công việc phục hồi thiên nhiên sau thảm họa.
Thời xưa, các đơn vị này được gọi chung với một cái tên hết sức dân dã - người nhái.
Mẫu Blancpain Fifty Fathoms ra mắt năm 1953
Pháp là một trong những quốc gia sở hữu đơn vị người nhái lâu đời nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới. Đơn vị này được thành lập bởi Bộ Quốc Phòng Pháp năm 1952. Tất cả thành viên trong đội đặc nhiệm đều là những người lính dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản và có kỹ năng cao.
Yếu tố con người rất quan trọng, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Họ cần những công cụ hỗ trợ mạnh mẽ như đồ lặn và một thiết bị đếm thời gian hoạt động ổn định và chính xác, cho dù đó có là dưới đáy đại dương.
Đó chính là những yêu cầu mà quân đội Pháp đưa ra với các công ty sản xuất đồng hồ. Tuy nhiên, do yêu cầu quá cao, không có một đơn vị nào dám thực hiện đơn đặt hàng đó. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi họ liên lạc với thương hiệu Blancpain, và được trả lời bởi Jean-Jacques Fiechter.
Jean-Jacques Fiechter không chỉ là CEO của Blancpain (trong giai đoạn 1950-1980), mà ông còn là một người đam mê bộ môn lặn biển. Chính vì thế, ông đã chấp nhận thử thách này. Sau đó, chiếc đồng hồ dần dần được định hình.
Chiếc Fifty Fathoms đầu tiên
Chiếc đồng hồ này có một mặt số màu đen, với những chữ số chỉ giờ kích thước lớn, rõ ràng. Bên cạnh đó, thiết kế còn có một vành bezel có khả năng xoay để hiển thị thời gian. Theo như yêu cầu của Đại úy Robert “Bob” Maloubier, họ cần điều chỉnh sao cho vành bezel thẳng hàng với kim phút, giúp dễ dàng quan sát thời gian đã lặn xuống dưới nước. Quan trọng nhất, những chỉ báo này phải có khả năng tự phát sáng.
Đại úy Robert “Bob” Maloubier với chiếc Blancpain Fifty Fathoms trên tay
Blancpain đã thực hiện đúng những yêu cầu đó, và cho ra mắt phiên bản đồng hồ lặn đầu tiên vào năm 1953, chiếc đồng hồ này có tên là Fifty Fathoms. Cho dù đã ra đời từ 70 năm về trước, chiếc đồng hồ vẫn giữ được những chi tiết đặc trưng của dòng Fifty Fathoms hiện đại.
Chúng ta có mặt số màu đen với những cọc số có độ tương phản cao, được phủ chất phản quang. Vành bezel chỉ có thể xoay một chiều, nhằm đảm bảo an toàn trong việc đếm thời gian. Chi tiết này cũng được thiết kế với màu đen, đi kèm các chữ số được phủ chất phản quang.
Trong thời đại của những chiếc đồng hồ nhỏ bé, thanh lịch, kích thước đường kính 42mm của chiếc Fifty Fathoms quả là một con số khổng lồ. Chiếc đồng hồ này có khả năng chống nước ở độ sâu 50 fathoms (và đó cũng chính là lý do Blancpain sử dụng cái tên Fifty Fathoms).
Nếu quy ra hệ mét, khoảng cách này sẽ tương đương với 91.45 mét. Vào thời điểm những năm 1950, đây là độ sâu tối đa một người thợ lặn có thể đạt được và trở về an toàn. Khả năng chống nước vượt trội này (theo tiêu chuẩn của năm 1953) được thực hiện nhờ vào mặt đáy vặn chặt bằng đinh vít, cùng với cơ chế núm vặn được gia cố thêm bằng hai gioăng cao su.
Với việc sử dụng bộ máy tự động và chống từ, việc rút núm vặn ra để chỉnh giờ được hạn chế tối đa. Cũng vì vậy, tuổi thọ và khả năng chống nước của chiếc đồng hồ được giữ lâu hơn.
Quảng cáo giới thiệu chiếc Blancpain Fifty Fathoms vào năm 1953
Thành công của bộ sưu tập
Sau một thời gian kiểm nghiệm, dòng Fifty Fathoms đã chứng minh được độ ổn định và hiệu năng cao. Chính vì thế, có rất nhiều đơn vị hải quân khác cũng bắt đầu sử dụng dòng đồng hồ này, bao gồm Israel, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ. Ngay cả nhà thám hiểm Jacques Cousteau cùng đạo diễn Louis Malle cũng sử dụng chiếc Blancpain Fifty Fathoms trong quá trình quay phim “Le Monde du Silence”. Bộ phim này đã đoạt giải thưởng phim tài liệu xuất sắc vào năm 1957.
Tất nhiên, những người thợ lặn dân dụng cũng bắt đầu thêm chiếc Blancpain vào danh sách đồ nghề của mình. Vào thời đó, chiếc Fifty Fathoms mang đúng nghĩa một công cụ đo thời gian, và được bán ở các cửa hàng chuyên về đồ lặn thay vì những cửa hàng đồng hồ hào nhoáng như ngày nay.
Những phiên bản đặc biệt
Trong số những nhà phân phối dòng Fifty Fathoms, chúng ta có một cái tên hết sức nổi bật - Aqualung. Với sự quan trọng của Aqualung, Blancpain đã quyết định ra một phiên bản đặc biệt để tri ân đối tác này, với tên Blancpain Fifty Fathoms Aqualung.
Phiên bản Blancpain Fifty Fathoms Aqualung cổ
Theo thời gian, thiết kế của dòng Fifty Fathoms cũng có sự thay đổi. Trong đó, chúng ta có nhiều thiết kế vỏ (có cả dáng vỏ Cushion) và mặt số khác nhau. Vào năm 1975, Blancpain nhận được một đơn đặt hàng đặc biệt, và họ cho ra mắt phiên bản 3H Fifty Fathoms. Đây là một mẫu đồng hồ rất hiếm, với 3 chữ H trên mặt số và không có số trên vành bezel.
Mẫu đồng hồ Blancpain 3H Fifty Fathoms
Sự phát triển của Fifty Fathoms trong thời hiện đại
Sau một khoảng thời gian ngừng sản xuất do bị ảnh hưởng bởi đồng hồ Quartz, dòng Fifty Fathoms được giới thiệu lại vào năm 1999 với một diện mạo mới. Thiết kế này có vành bezel kim loại khác biệt so với vành đen ở các phiên bản cũ.
Tuy nhiên, tới năm 2007, Blancpain đã quyết định quay trở lại thiết kế truyền thống. Và đây mới chính thức là sự khởi đầu của dòng Fifty Fathoms hiện đại. Chiếc đồng hồ này đã có những thông số hợp với thời đại mới, có khả năng chống nước 300m với vành bezel xoay và các chữ số phản quang. Bên cạnh đó, mặt kính mica trước đây cũng đã được thay bằng kính Sapphire vòm.
Phiên bản Blancpain Fifty Fathoms được giới thiệu năm 2007
Đi kèm với chiếc đồng hồ này còn là một bộ máy tự động mới, được sản xuất In-House hoàn toàn bởi Blancpain. Bộ máy này mang mã hiệu Caliber 1315, hoạt động cực kỳ ổn định và mạnh mẽ. Tuy vậy, về mặt thẩm mỹ, Caliber 1315 lại không được chăm chút quá nhiều.
Bộ máy tự động này sử dụng rotor có thể lên cót theo hai chiều, kết nối với 3 hộp cót. Do đó, thời lượng cót của chiếc đồng hồ được giữ ở mức rất cao so với máy tự động - khoảng 5 ngày. Không chỉ vậy, Caliber 1315 còn có bánh xe cân bằng được điều chỉnh bởi quả nặng, ít bị ảnh hưởng bởi chấn động hơn.
Caliber 1315 sử dụng khá nhiều chân kính bằng ruby với kích thước lớn, được đặt trực tiếp lên cầu nối hay khung máy. Phương pháp hoàn thiện máy cũng rất cơ bản: vát cạnh ở cầu nối, vân tròn ở khung máy và những đường xước vòng cung trên bề mặt các chi tiết. Theo đúng truyền thống của dòng Fifty Fathoms, Caliber 1315 cũng được bao bọc bởi một lớp chống từ trường.
Bộ máy Caliber 1315 của Blancpain
Bên cạnh phiên bản máy tự động ở trên, Blancpain còn cải tiến bộ sưu tập Fifty Fathoms với nhiều tính năng như Flyback Chronograph hay Tourbillon. Dù vậy, thiết kế của chiếc đồng hồ vẫn giữ nguyên theo phong cách Tool Watch: mặt số đen với các chữ số tương phản cao, bộ kim lớn và vành bezel xoay một chiều.
Bộ dây đeo được sử dụng với dòng Fifty Fathoms là dây canvas được bọc cao su, rất chắc chắn và có khả năng chống nước. Cơ chế nút bấm Chronograph cũng rất đặc biệt, cho phép sử dụng bình thường ở độ sâu 300m dưới mặt nước. Cơ chế Fly-Back Chronograph sẽ cho phép người dùng khởi động lại tính năng này một cách nhanh chóng, chỉ cần nhấn nút ở góc 4 giờ.
Vào năm 2012, Blancpain giới thiệu một phiên bản Fifty Fathoms thật sự đặc biệt và ấn tượng, mang tên X-Fathoms. Bộ vỏ có đường kính lên tới 55mm, được làm từ Titanium và có khả năng chống nước 300m. Điểm đặc biệt của chiếc đồng hồ này là cơ chế đo độ sâu của người thợ lặn với độ chính xác cao (sai số trong khoảng 30cm), cùng với bộ đếm 5 phút bằng kim Retrograde.
Blancpain Fifty Fathoms X-Fathoms
Tới năm 2013, Blancpain đã giới thiệu một dòng mới của Fifty Fathoms tại Baselworld. Mẫu đồng hồ mới mang tên Bathyscaphe, được lấy cảm hứng từ các mẫu đồng hồ lặn cổ của thương hiệu. Thiết kế này có mặt số cùng vành bezel cực kỳ rõ ràng và dễ quan sát. Một năm sau, dòng đồng hồ này có thêm phiên bản Fly-Back Chronograph với bộ máy In-House tần số cao.
Blancpain Bathyscaphe Chronographe Flyback
Kết luận
Bộ sưu tập Fifty Fathoms chắc chắn là một trong những dòng đồng hồ lặn có đóng góp lớn nhất cho ngành đồng hồ. Cùng với dòng Submariner, Fifty Fathoms đã định hình tiêu chuẩn và quy tắc thiết kế đồng hồ lặn: thiết kế rõ ràng, dễ nhìn, vành bezel xoay và mặt số được phủ chất phản quang. Nếu bạn là một người mê đồng hồ lặn, chắc chắn đây là một thiết kế không thể bỏ qua.