Cận cảnh đồng hồ Richard Mille RM033 Vàng trắng

Cận cảnh đồng hồ Richard Mille RM033 Vàng trắng

13/12/2023
Phillips
Review
Đấu giá
Đồng hồ Richard Mille

Khi cái tên Richard Mille xuất hiện, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiếc đồng hồ hình tonneau kích thước lớn, toát lên cảm giác thể thao và đầy tính kỹ thuật. Thế nhưng năm 2011, thương hiệu lại mang đến một thiết kế thật khác so với những gì chúng ta biết về Richard Mille, nhưng chắc chắn đó là một sản phẩm mang đậm DNA của thương hiệu xa xỉ này: RM 033.

Về thương hiệu Richard Mille 

Ngay sau khi thành lập thương hiệu cùng tên vào đầu thiên niên kỷ, Richard Mille đã nhìn thấy một công thức thành công và tuân thủ nó cho đến hiện tại. Một người ngoài ngành như Richard Mille đã tạo ra kỳ tích trong lĩnh vực chế tạo đồng hồ, tạo ra một thương hiệu đồng hồ xa xỉ bằng những thiết kế táo bạo và dễ dàng nhận biết ngay lập tức. Điều này cũng khá giống với trường hợp của chiếc Royal Oak nhà Audemars Piguet. Ra mắt vào năm 1972, Royal Oak có một mức giá bán cao đến “ngớ ngẩn" trong khi bề ngoài lại hết sức khác lạ khiến nhiều người (những người giàu có) chú ý hoặc bắt đầu quan tâm.

Nếu hỏi đâu là thiết kế Richard Mille thành công nhất, đó chắc chắn phải là loạt đồng hồ RM 011 và vô vàn phiên bản khác nhau của nó - chiếc đồng hồ tối thượng có vỏ tonneau được uốn cong theo mọi chiều không gian.

Về mẫu đồng hồ Richard Mille RM033

Khác rất nhiều với RM 011 nhưng vẫn là một chiếc Richard Mille đích thực, RM 033 được giới thiệu kể từ năm 2011. Chiếc đồng hồ này có tên đầy đủ là Richard Mille Automatic Extra Flat RM 033 điều khiến chúng ta ngầm hiểu nó là chiến binh đầy tiềm năng của thương hiệu trong đấu trường của những chiếc đồng hồ tự động siêu mỏng. 

Vỏ đồng hồ

Với đường kính 45,70mm và có sẵn bằng titan, vàng trắng hoặc vàng đỏ 18k, Richard Mille RM033 chỉ dày 6,30mm. Mẫu như trong ảnh được làm từ vàng trắng, điều được thể hiện rất rõ khi lật đồng hồ lại với dấu triện, vết khắc. Đáy thông thường sẽ có những thông số quan trọng của đồng hồ ví như chất liệu, khả năng chống nước, số thứ tự của đồng hồ, nó giống như số thẻ căn cước, dùng để định danh đồng hồ vậy.  

Điều quan trọng của phần vỏ trên chiếc RM 033 là nó được thực hiện rất tốt. Những đường hoàn thiện chải xước dọc đem lại cảm giác bụi bặm cho RM033 trái ngược hẳn với tính siêu mỏng. Vẻ bụi bặm này cũng đến từ những đinh ốc chức năng trên vành bezel. Có 8 đinh ốc và chúng được sắp đặt ở vị trí lệch với nhau, ít nhất là không đều chằn chặn giống như đinh ốc trên Audemars Piguet Royal Oak hay Hublot Classic Fusion.

Nhìn từ trên xuống có 4 vít nằm trong hốc nhỏ của riêng chúng. Xung quanh những vít này là phần viền cong được vát bóng rất sắc nét. Những bức ảnh cận cảnh sẽ cho thấy phần vỏ của đồng hồ RM 033 được hoàn thiện xuất sắc ra sao, đó là điều khách hàng luôn mong đợi ở mỗi chiếc đồng hồ có giá retail ngoài 6 con số.

Nếu có điểm phải chê trách thì chất liệu vàng trắng sẽ khiến đồng hồ dễ trầy xước hơn kim loại khác ví như thép không gỉ hay titanium. Nhưng nếu là titanium, cái giá phải trả là mất đi độ sáng bóng mà chỉ kim loại quý mới có thể mang đến.

Bộ phận vỏ duy nhất không làm toàn bộ từ vàng trắng là núm vặn. Ở RM033, núm vặn được làm gốm đen, và nó được hoàn thiện bởi hai kỹ thuật dù kích thước rất nhỏ, điều mà bạn sẽ hiếm gặp ở một thương hiệu khác. Nhưng để ý đến những chi tiết nhỏ nhất để đạt đến trạng thái hoàn hảo vẫn luôn là cách thức hoạt động của Richard Mille trong từng mẫu đồng hồ được phát hành.

Mặt số

Khi lựa chọn phong cách thiết kế skeleton cho phần mặt số, các nhà sản xuất đã phải bớt đi một phần tính mạch lạc, dễ xem giờ của đồng hồ. Đổi lại, họ được gì? Với RM033, Richard Mille đã tạo ra một mẫu đồng hồ chỉ có chức năng báo thời gian cơ bản một cách cá tính. Thương hiệu đã biến một loại đồng hồ cơ bản trở nên thú vị hơn, ít nhất về mặt thẩm mỹ.

Để bù lại cho khả năng dễ đọc đã bị mất, thương hiệu sử dụng hai kim lớn và có thêm chất phát quang ở một phần, không phải toàn bộ. Chất phát quang cũng được ứng dụng cho toàn bộ chấm tròn báo giờ ở ngoài rìa mặt số. Và để tránh cho mặt số không quá rối mắt, bên trong cũng chỉ còn 4 cọc báo giờ dạng số Ả Rập kích thước lớn. Nhưng chắc chắn rồi, chúng được làm rỗng để không che khuất các chi tiết máy bên dưới.

Điều thú vị là có thêm một tấm sapphire nhỏ khác (chỉ dày 0,30mm) trên mặt số của Richard Mille RM033. Nó nằm ngay giữa bộ máy và các kim báo giờ và phút với hình bầu dục. Quả thực tấm kính này đã khơi dậy trí tò mò của rất nhiều người. 

Richard Mille thực sự cung cấp một số thông số kỹ thuật thú vị mà chúng ta đánh mắt tìm kiếm trong ngành cũng chưa chắc có. Vỏ đồng hồ dày 6,3mm nhưng bộ máy bên trong chỉ dày 2,6mm. Thương hiệu cung cấp thêm mặt kính sapphire trước dày 1mm trong kinh mặt kính phía sau dày 1,00mm ở trung tâm và dày 1,53mm khi đi ra ngoài cùng. 

Nếu đo ở trung tâm, độ dày của bộ máy và 3 miếng kính đã là 4,9mm. Như vậy, chỉ còn khoảng 1,4mm khoảng trống cho các bánh răng của các kim cũng như hai kim chồng lên nhau vận hành. RM033 không phải chiếc đồng hồ mỏng nhất hiện có - nhưng ngay cả như vậy, không gian 1,4mm vẫn là một bí mật đáng để suy ngẫm.

Hiện diện dưới mặt kính sapphire là một phần của bộ máy được hoàn thiện theo phương pháp Titalyt, điều khiến nó có màu xám đậm hơi ánh xanh, như trên những chiếc xe tăng. Lựa chọn màu sắc này rất lạ, không nhiều thương hiệu áp dụng nếu không muốn nói là rất ít. Hiện có F.P.Journe Élégante Titalyt® 48mm là áp dụng phương pháp này, nhưng là trên vỏ.

Bộ máy

Mẫu Richard Mille RM033 được trang bị bộ máy có tên gọi là RMXP1. Bộ máy này có đường kính 33mm và chỉ dày 2,6mm, nó vừa vặn với vỏ một cách hoàn hảo. Các tấm khung quen thuộc và thường gặp tại Richard Mille được làm từ titan cấp 5 với hoàn thiện thủ công cho ra bề mặt phun cát với màu xám nhờ phương pháp Titalyt đề cập bên trên.

RMXP1 vận hành ở tần số 3Hz và vẫn chỉ cung cấp được năng lượng cho đồng hồ hoạt động trong vòng 45 giờ. Nó là sản phẩm của Vaucher Manufacturing, đơn vị chuyên nghiệp tạo ra những bộ máy chất lượng nhất trong ngành hiện nay. Nó đã được “skeleton" hoá rất nhiều. 

Trong bài viết là chiếc Richard Mille RM033 được đơn vị Phillips bán đấu giá vào ngày 25 tháng 11. Nó được bán với giá 482.600 HKD.

CEO Gia Bảo: Nguyễn Minh Hiệp và ngài Aurel Bacs - người đứng đầu bộ phận đồng hồ tại Phillips trong Hiệp hội với Bacs & Russo. Thương vụ mua bán nổi tiếng nhất của Aurel Bacs cho đến nay (và chiếc đồng hồ đeo tay đắt nhất từng được bán) là cuộc đấu giá chiếc Rolex Daytona cá nhân của Paul Newman, được bán với giá 17,75 triệu USD.

Phillips
Review
Đấu giá
Đồng hồ Richard Mille
Zalo