Cuộc đấu giá Phillips Reloaded mang tới những mẫu đồng hồ tân cổ điển tốt nhất cho nhà sưu tập
Tại các cuộc đấu giá, chúng ta có thể tìm thấy mọi thứ. Điều này cũng rất đúng với các cuộc đấu giá đồng hồ, những chiếc đồng hồ quý hiếm, khác biệt ngày một lộ diện nhiều hơn trong các cuộc đấu giá từ lớn tới nhỏ. Nhà đấu giá Phillips vừa mới công bố về cuộc đấu giá Reloaded và ngay lập tức, những tay “săn hàng" đã nhận ra ngay đâu là báu vật.
Thế giới đấu giá chứa đựng rất nhiều điều khó hiểu với đa dạng thuật ngữ, khái niệm. Không thiếu những chiếc đồng hồ có vẻ ngoài tương tự nhau nhưng lại được bán với giá chênh lệch rất lớn. Ngày càng nhiều các cuộc đấu giá đồng hồ được tổ chức từ riêng tư tới công khai, từ offline cho tới online trên toàn thế giới. Dù khác nhau và đa nhưng các cuộc đấu giá luôn có điểm chung: có những viên ngọc thật sự quý giá cần được đánh giá đúng về mặt giá trị.
Trong bài viết này là danh sách những chiếc đồng hồ nằm ở phân khúc cao cấp nhất của thị trường. Tất cả những chiếc đồng hồ này được ước tính sẽ bán được hơn 1 triệu CHF, nhưng mức giá không phải yếu tố khiến chúng xuất hiện trong danh sách này. Đã qua rồi thời kỳ của những chiếc đồng hồ đắt đỏ, đi theo đám đông. Ngày nay, để có mức giá trên 1 triệu CHF, một chiếc đồng hồ ắt hẳn phải có cả một câu chuyện quan trọng đi kèm. Và ở bài viết này, chúng ta hãy khám phá về một giai đoạn đặc biệt, giai đoạn mà những chiếc đồng hồ này ra đời: 1980-1999, một kỷ nguyên được gọi là tân cổ điển trong cộng đồng sưu tập.
Nhưng tân cổ điển là gì? Thuật ngữ này bắt đầu được các nhà sưu tập đồng hồ sử dụng cách đây vài năm để mô tả một giai đoạn chuyển tiếp trong ngành, khi các quy tắc thẩm mỹ cổ điển, lựa chọn thiết kế và phong cách vẫn được sử dụng, nhưng các vật liệu, phương pháp tiến bộ, hiện đại xuất hiện. Giống như nhiều thứ khác trong giới sưu tập, tân cổ điển không có định nghĩa cố định về mặt thời gian. Do đó chúng ta xác định một vật theo phong cách tân cổ điển là nên nhìn vào các đặc điểm của nó thay vì nhìn vào năm nó xuất hiện.
Và trong khi những chiếc đồng hồ này từng bị các nhà sưu tập kỳ cựu xem nhẹ khi đặt cạnh nhóm các mẫu cổ điển truyền thống hoặc đồng hồ hiện đại thực sự, thì giờ đây chúng đang có dấu hiệu trỗi dậy. Tương tự như cách thời trang thập niên 90 đang quay trở lại thông qua thế hệ Gen-Z, đồng hồ tân cổ điển đang tìm thấy một vị thế mới. Và đó là lý do bốn chiếc đồng hồ bên dưới được nhắc tới trong bài viết này:
Đồng hồ F.P. Journe Tourbillon Souverain à Remontoir d’Egalité 15/93
Cái tên FP Journe đã nhận được nhiều lời tán dương hơn hầu hết các thương hiệu độc lập khác gần đây, và điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Thương hiệu này được xây dựng hoàn toàn dựa vào tầm nhìn khác biệt của nghệ nhân François-Paul Journe, một thợ làm đồng hồ người Pháp dường như chưa bao giờ dao động khỏi hệ tư tưởng ban đầu của mình. Và F.P. Journe Tourbillon Souverain à Remontoir d’Egalité đại diện cho những bước đi đầu tiên trong hành trình đạt đến đẳng cấp như hiện tại của nghệ nhân François-Paul Journe.
Tourbillon Souverain vốn là một mẫu đồng hồ huyền thoại trong danh mục các sản phẩm của François-Paul Journe, vì đây là chiếc đồng hồ đầu tiên mà ông đưa ra thị trường khi ra mắt thương hiệu riêng. Trong một động thái vô cùng dũng cảm, ông đã chứng minh ngay lập tức tài năng chế tạo đồng hồ của mình, và chiếc đồng hồ được đánh dấu 15/93 trên mặt đồng hồ này là chiếc đồng hồ đeo tay thứ ba mà ông từng chế tạo, chiếc đầu tiên có khắc số 11/91 và một loại chỉ báo dự trữ năng lượng khác.
Những chiếc đồng hồ này đóng vai trò như các nguyên mẫu mà nghệ nhân Journe trưng bày trong các địa điểm ví dụ như gian hàng AHCI tại Hội chợ Basel năm 1991, khi ông bắt đầu hình thành ý tưởng về thương hiệu mà chúng ta biết đến ngày nay. Các nhà sưu tập bị thu hút ngay lập tức về chiếc đồng hồ này. Từ đó, họ muốn tìm hiểu về nguồn gốc của cái tên F.P. Journe hay người đã tạo ra nó, giông như cách các fan hâm mộ muốn tìm hiểu mọi thứ về thần tượng của họ, bao gồm đĩa nhạc phát hành đầu tiên, quê hương của thần tượng,...
Được sản xuất vào năm 1993, F.P. Journe Tourbillon Souverain à Remontoir d’Egalité 15/93 thực sự là chiếc đồng hồ đầu tiên mà ông Journe từng bán, và thậm chí là còn có trước loạt Souscription gồm 20 mẫu Tourbillon Souverain được giao vào năm 1999 cho bạn bè và gia đình của ông Journe với mức giá chiết khấu là 27.500 CHF.
Đề cập lại về tầm quan trọng của Souverain trong giới đấu giá thì cỗ máy Souscription No. 2 đã được bán vào năm ngoái với giá 2,7 triệu CHF, đây là lần đầu tiên nó xuất hiện trên thị trường lớn, thu về lợi nhuận gấp trăm lần so với khoản đầu tư ban đầu. Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng chiếc đồng hồ F.P. Journe Tourbillon Souverain à Remontoir d’Egalité 15/93 trong cuộc đấu giá Phillips Reloaded tháng 11 hoàn toàn có khả năng được bán với giá ngoài 2 triệu CHF.
Đồng hồ Philippe Dufour Duality
Với nguồn thông tin khổng lồ, có sẵn về đồng hồ hiếm có và đồng hồ đáng để sưu tầm như ngày nay thật khó tin rằng vẫn có những chiếc đồng hồ chưa từng được biết đến. Đó là trường hợp của chiếc Duality này đây. Cỗ máy này được chế tạo bởi người đàn ông thường được gọi là cha đẻ của ngành chế tạo đồng hồ độc lập, Philippe Dufour. Trước đây, có thông tin rằng chỉ có 9 chiếc Philippe Dufour Duality là tồn tại. Nhưng với chiếc Philippe Dufour Duality hiện được đơn vị đấu giá Phillips tung ra, giờ chúng ta biết ông đã chế tạo tới 10 chiếc.
Duality là mẫu đồng hồ thứ hai mà ngài Dufour phát hành dưới tên của chính mình, mẫu đầu tiên là Grande et Petite Sonnerie. Cả hai chiếc đồng hồ này đều được chứng minh là những sản phẩm đầu tiên của ông, một là lần đầu tiên Grande et Petite Sonnerie xuất hiện trên đồng hồ đeo tay, và Duality là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên có hai bộ thoát. Mặc dù chúng được ghép nối bằng một bánh răng vi sai, Duality không sử dụng hiện tượng cộng hưởng, giống như dòng Resonance được giới thiệu sau này của FP Journe, hoặc các sản phẩm từ Armin Strom .
Ngài Dufour đã xây dựng danh tiếng của mình thông qua kỹ thuật hoàn thiện vô song mà ông có thể đạt được trên các bộ máy của mình. Hoàn thành tất cả bằng tay, ông sử dụng các kỹ thuật có từ nhiều thế kỷ trước để đạt được kết quả gần như hoàn hảo. Trên thực tế, những bộ máy đồng hồ của ngài Philippe Dufour vốn đã rất chất lượng, nhưng cách mà nghệ nhân làm cho ánh sáng có thể nhảy múa trên các tấm khung và cầu nối khác nhau đã đưa ông lên cao hơn hầu hết những người người khác.
Chiếc đồng hồ Philippe Dufour Duality xuất hiện trong cuộc đấu giá Phillips Reloaded tháng 11 mang trong mình sự kết hợp chưa từng thấy trước đây: mặt số màu xám đen và các chỉ số và kim bằng vàng hồng, trong khi mặt sau của chiếc đồng hồ này mới thực sự là báu vật của mọi tín đồ cơ khí. Hiện ước tính cho chiếc đồng hồ này được đặt ở mức 800.000 - 1.600.000 CHF. Tuy nhiên, một nhà đấu giá uy tín khác, A Collected Man gần đây đã niêm yết một trong 10 chiếc đồng hồ Duality được biết với giá 1.415.000 bảng Anh, thì bạn thử đoán xem cỗ máy Philippe Dufour Duality mà đơn vị Phillips sắp đấu giá sẽ đạt đến ngưỡng nào?
Đồng hồ bỏ túi Urban Jürgensen Oval của nghệ nhân Derek Pratt
Derek Pratt là một cái tên không hề phổ biến trong thời đại này. Tên của ông có lẽ chỉ được biết đến trong nhóm những nhà sản xuất đồng hồ độc lập, hay nhóm nhỏ những nhà sưu tập kỳ cựu, những người truy tìm các món “hàng hiếm" để gom về kho tàng riêng. Trong số 4 chiếc đồng hồ nằm trong danh sách này, đây cũng là chiếc đồng hồ bỏ túi duy nhất. Cỗ máy này được làm thủ công bởi nghệ nhân quá cố Derek Pratt dành cho Urban Jürgensen với chủ sở hữu là Peter Baumberger. Lúc chế tạo, Derek Pratt là Giám đốc Kỹ thuật của công ty Urban Jürgensen.
Theo Tiến sĩ Helmut Crott - chủ sở hữu hiện tại của chiếc đồng hồ này: nghệ nhân Pratt đã sản xuất tổng cộng 34 chiếc đồng hồ bỏ túi cho thương hiệu Urban Jürgensen, trong đó chiếc này dường như là nổi bật nhất (về mặt nguồn gốc). Tiến sĩ Helmut Crott đã mua chiếc đồng hồ này cách đây 21 năm từ chủ ban đầu, kiêm chủ sở hữu của công ty Urban Jürgensen vào thời điểm đó. Tiến sĩ Crott chia sẻ rằng, phi vụ mua sắm mang tính nhất thời ấy lại có ý nghĩa to lớn, là một khoản tài trợ cho những phát triển tiếp theo cho công ty Urban Jürgensen. Thật thú vị, tiến sĩ Crott đã tiếp tục điều hành công ty Urban Jürgensen vài năm sau đó sau cái chết đột ngột của ngài Baumberger, vì vậy ông ấy cũng vô cùng gắn bó với chiếc đồng hồ này.
Ngài Peter Baumberger đang cầm chiếc đồng hồ bỏ túi hình bầu dục trước khi nó được bán cho Tiến sĩ Crott.
Khi bàn về chiếc đồng hồ, Tiến sĩ Crott kể rằng ông đeo đồng hồ thường xuyên để nhiều người biết đến cái tên Urban Jürgensen hơn. Ông cũng mang đồng hồ ra trưng bày tại các hội chợ và triển lãm thương mại như Basel Fair, nơi mà giá trị của đồng hồ được nhìn nhận, đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các nhà chế tác đồng hồ vĩ đại như Michel Navas và Philippe Dufour. Ngày nay, thương hiệu Urban Jürgensen đang trên đà hồi sinh dưới đôi bàn tay của nghệ nhân độc lập được nhiều người con trọng Kari Voutilainen. Còn Tiến sĩ Crott, ông cảm thấy rằng mình đã nhận được đủ cảm xúc mà chiếc đồng hồ này mang lại, và có vẻ như đã đến lúc để nó đến một ngôi nhà mới.
Bàn về chiếc đồng hồ bỏ túi có vẻ ngoài lập dị này, có rất nhiều thứ đang diễn ra. Có một tourbillon bay chứa remontoir và một bộ thoát chốt hãm - hai thứ bạn hiếm khi thấy trong một chiếc đồng hồ, bởi vì chúng nổi tiếng là khó sản xuất. Khó sản xuất đến đâu? Câu trả lời đến từ thời gian mà nghệ nhân Derek Pratt đã dành ra để hoàn thành chiếc đồng hồ này: từ năm 1983 đến năm 2005. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là nghệ nhân Pratt đã chế tạo chiếc đồng hồ này hoàn toàn bằng tay, ngay từ đầu. Không có máy CNC, không có thiết bị điện tử, ông chỉ sử dụng các công cụ truyền thống để định hình các tấm khung và “hô biến" các thanh nguyên liệu thô thành một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh, sắp được bán đấu giá công khai lần đầu tiên, với giá ước tính vượt quá 1 triệu CHF.
Đồng hồ Rolex Cosmograph Daytona Rainbow
Giống như chiếc đồng hồ Journe đã được nhắc tới ở phần trên của bài viết, chiếc Rolex Cosmograph Daytona là một ví dụ khác cho một biểu tượng trong ngành đồng hồ. Rainbow Daytona là một chiếc đồng hồ chứa đựng những mâu thuẫn, và chính nó đã chứng minh được sự chia rẽ cực độ trong ngành. Với một số người coi Daytona Rainbow là hiện thân của thị hiếu hào nhoáng, lòe loẹt không gì hơn là sự phô trương xa hoa, trong khi những người khác coi những chiếc đồng hồ này là khía cạnh thú vị của Rolex, nơi màu sắc và đá quý tinh xảo kết hợp với kỹ thuật chế tạo đồng hồ có độ chính xác cao, điều mà Rolex vốn nổi tiếng. Dù bạn nhìn nhận theo cách nào, Rainbow Daytona đã tạo ra tác động đáng kể đến toàn ngành công nghiệp đồng hồ, với một loạt các thương hiệu noi theo và sản xuất đồng hồ nhiều màu của riêng họ.
Về nguồn gốc, chiếc đồng hồ này được thương hiệu Rolex sản xuất như một đơn đặt hàng đặc biệt chỉ có một lần cho một khách hàng của hãng. Và chắc chắn rồi, đó ắt hẳn là một khách hàng lớn của thương hiệu này vào những năm 90. Mặc dù trước đó đã có những chiếc Daytona chạy bằng máy El Primero được gắn thêm kim cương, nhưng chúng chỉ có một hoặc có thể là hai màu đá. Việc phát triển từ một thiết kế khá kỳ lạ: một dãy đá quý đủ màu sắc trên một chiếc đồng hồ cơ lúc này là một lựa chọn táo bạo.
Trong khi mẫu đồng hồ này đã đến tay nhà sưu tập vào những năm 90, thì phải đến Baselworld 2012 thì các phiên bản Rolex Cosmograph Daytona Rainbow công khai mới được tung ra thị trường và nằm trong top các sản phẩm có giá bán cao nhất của hãng hiện nay.
Cỗ máy Rolex Cosmograph Daytona Rainbow bằng vàng trắng này có một sức lôi cuốn cực kỳ cao, điều này được thể hiện rõ ràng qua mức giá ước tính cực kỳ cao: vượt quá 3 triệu CHF. Những mẫu đồng hồ Rolex hiếm và độc đáo sẽ luôn thu hút đám đông.
Buổi bán đấu giá mang tên Reloaded: The Rebirth of Mechanical Watchmaking sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 11 tại Khách sạn President ở Geneva, với các buổi giới thiệu trước diễn ra trên toàn thế giới trong thời gian diễn ra sự kiện và danh mục đầy đủ sẽ sớm được đơn vị đấu giá Phillips công bố.