Đồng hồ Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe: “Bạn đã sẵn sàng cho một chiếc đồng hồ thực thụ hay chưa”
Mẫu đồng hồ Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe là một thiết kế dành riêng cho những người thực sự đam mê đồng hồ. Thiết kế ấn tượng, sự kết hợp giữa những đường nét cơ khí và cả vẻ cổ điển là điểm cộng đầu tiên của chiếc đồng hồ. Và đào sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy được những điều quan trọng hơn, những chi tiết đó được thiết kế bởi những người yêu đồng hồ, dành cho những người yêu đồng hồ.
Và chính những chiếc đồng hồ như Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe đã giải thích vì sao slogan gần đây của thương hiệu được đổi thành: “Bạn đã sẵn sàng cho một chiếc đồng hồ thực thụ hay chưa”.
Chiếc Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe mang mã hiệu 6012521 nằm trong bộ sưu tập Duometre, sở hữu bộ máy được sản xuất In-House bởi Jaeger-LeCoultre. Vì thế, trước khi nói về thiết kế này, chúng ta cũng cần hiểu thêm về bộ sưu tập. Điều khiến cho bộ máy Duometre trở nên độc đáo nằm ở hai điểm
Thứ nhất, bộ máy sử dụng cầu nối được làm từ Bạc Đức. Phần lớn bộ máy được làm từ đồng thau và sau đó mạ thêm một lớp hợp kim. Tuy nhiên, Bạc Đức thì không cần phải có thêm công đoạn xử lý nào sau khi được hoàn thiện.
Và các bạn cũng đừng nhầm, vì Bạc Đức thực tế không có chút nguyên tố bạc nào ở bên trong, và sẽ bị đổi màu theo thời gian, chuyển qua tông vàng nhạt. Chất liệu này được sử dụng rất nhiều bởi thương hiệu Đức A. Lange & Sohne - và đây cũng là người anh em với Jaeger-LeCoultre, cùng nằm trong tập đoàn Richemont Group. Chất liệu Bạc Đức đã giúp cho những chiếc Duometre có một vẻ ngoài rất đặc trưng.
Một đặc điểm quan trọng khác của các bộ máy trong dòng Duometre đó là cơ chế “Dual-Wing”. Đây là một ý tưởng thật sự thú vị, với việc chia cắt rõ ràng hai nguồn cấp năng lượng: một cho tính năng hiển thị thời gian, một cho các tính năng khác. Như vậy, trong trường hợp này, sẽ có một hộp cót cung cấp năng lượng cho việc đếm giờ, và một hộp cót khác phục vụ tính năng Chronograph.
Vậy tại sao phải chia nguồn năng lượng ra? Điều này không nhằm mục đích tăng thời lượng cót (vì thực sự thời lượng cót 50 giờ của chiếc đồng hồ không quá ấn tượng), mà thay vào đó là tăng độ chính xác. Trong phần lớn thiết kế, mỗi khi kích hoạt tính năng Chronograph thì nó sẽ lấy một phần năng lượng và sẽ ảnh hưởng tới dao động của bộ máy. Với cơ chế Dual-Wing, điều này sẽ được loại bỏ và sẽ giúp tăng độ chính xác theo thời gian.
Tuy nhiên, độ chính xác được tăng như thế nào thì thật sự khó để đo đếm, và tôi cũng không nghĩ rằng có ai có khả năng đo đếm được điều đó. Đồng hồ cơ học ngày nay cũng không quá quan trọng hóa độ chính xác, và những mọi người hứng thú với việc đưa những ý tưởng vào hiện thực, chứ không quá quan tâm tới ứng dụng đó hoạt động ra sao ngoài thực tế.
Phiên bản Duometre này có hai “đôi cánh” được thiết kế theo phong cách skeleton đặt đối xứng nhau trên mặt số, và ở đây bạn cũng có thể thấy năng lượng còn lại của cả hai hộp cót. Không phải thiết kế Duometre nào cũng có mặt số Skeleton như thế này, và cá nhân tôi thật sự thích kết cấu cơ học được lộ diện trên mặt số.
Bố cục của mặt số được sắp xếp gọn gàng và đối xứng, với bộ kim được phân màu rõ ràng dễ quan sát. Thiết kế với hai mặt số lớn đặt cạnh nhau không thường xuyên xuất hiện trên những chiếc đồng hồ bình thường, nhưng với ý tưởng của dòng Duometre thì lại thật sự phù hợp. Bên cạnh đó, Jaeger-LeCoultre còn hoàn thiện mặt số một cách cực kỳ tinh xảo và trang nhã, cho chúng ta một thiết kế thật sự dễ quan sát.
Có lẽ cơ chế thú vị nhất trên chiếc Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe chính là Chronograph. Không đơn thuần là Chronograph, đây còn là Monopusher Chronograph và chỉ sử dụng một nút bấm duy nhất cho tất cả công đoạn. Cơ chế này vừa có vẻ thanh lịch hơn, nhưng cũng vừa phức tạp hơn rất nhiều so với Chronograph thông thường.
Một đặc điểm dễ nhận thấy và tạo sự khác biệt so với những chiếc Chronograph khác chính là hai cây kim giây được đặt ở trung tâm mặt số. Thông thường, một chiếc đồng hồ Chronograph chỉ có kim giây bấm giờ ở trung tâm, còn kim giây thật thường được đặt trên một mặt số phụ nào đó. Việc sử dụng hai kim giây trung tâm sẽ giúp lược bớt một mặt số phụ, đồng thời cũng rất dễ nhìn vì màu sắc được phân biệt rõ ràng: kim vàng chỉ giờ, kim xanh phục vụ Chronograph.
Ở vị trí 6 giờ, chúng a có một cơ chế đặc biệt khác - kim foudroyante. Cây kim này có tốc độ quay 1 vòng mỗi giây, với 6 khoảnh khắc dừng rất nhỏ trên mặt số. Về lý thuyết, kim foudroyante có khả năng đo thời gian ⅙ giây, nhưng thực sự thì không mấy ai quan tâm tới tính năng này, họ chỉ thấy một cơ chế vui mắt trên mặt số mà thôi.
Bộ máy được đặt bên trong chiếc Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe được thương hiệu sản xuất In-House hoàn toàn, với mã hiệu Caliber 380A. Đây là bộ máy tự động được lắp ráp từ 445 linh kiện, có thời lượng cót 50 giờ và tần số hoạt động 3Hz. Sự kết hợp của tông màu vàng của Bạc Đức, màu xanh của đinh ốc và màu đỏ của chân kính Ruby đã tạo ra một cỗ máy tuyệt đẹp.
Khi lên tay, chiếc Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe không quá cồng kềnh với đường kính 42mm. Đây là kích thước hoàn toàn phù hợp với một thiết kế ấn tượng, và cũng rất dễ đeo. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn thấy kích thước 42mm chưa phù hợp, bạn có thể tìm một số mẫu Duometre với đường kính 40mm. Với khả năng chống nước 50m, bạn sẽ không phải lo về việc nước vào máy khi đi mưa hay vô tình bị dính nước.
Hiện tại, có tất cả 4 phiên bản của mẫu Jaeger-LeCoultre Duomètre à Chronographe để người dùng có thể lựa chọn
-
Mã hiệu 6012521 với vỏ vàng hồng với mặt số Skeleton
-
Mã hiệu 6013470 với vỏ vàng trắng, mặt số đen
-
Mã hiệu 6016490 với vỏ Platinum
-
Mã hiệu 6012420 với vỏ vàng hồng, nhưng không có mặt số Skeleton.
Cả bốn thiết kế đều có vẻ đẹp riêng, và quan trọng nhất là việc sở hữu cơ chế bộ máy hai trong một độc đáo. Với mẫu đồng hồ này, Jaeger-LeCoultre đã xây nên một cây cầu kết nối hai phong cách: vừa thanh lịch nhã nhặn, nhưng cũng vừa phức tạp và hiện đại. Đi kèm với chiếc đồng hồ là bộ dây da cá sấu với màu sắc phù thuộc vào từng phiên bản.