Giải mã quy trình sản xuất mặt số tại Rolex
Nguồn: SJX
Tác giả: JX Su, đồng tác giả David Ichim
Khi nói về đồng hồ, mặt số thường ít được chú ý hơn so với bộ máy hay thiết kế vỏ, nhưng thực chất đây lại là phần trung tâm, thu hút mọi ánh nhìn. Dù thiết kế của Rolex mang phong cách cổ điển, các chi tiết trên mặt số lại thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, được hoàn thiện nhờ công nghệ sản xuất tiên tiến.
Phức tạp hơn vẻ bề ngoài
Mặt số đồng hồ, dù trông có vẻ đơn giản, thực chất lại là một trong những phần phức tạp nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Từ tấm nền, các chi tiết trang trí, lớp hoàn thiện bề mặt, cọc số bằng vàng, đến men "grand feu" – mọi khía cạnh đều phải đạt đến độ hoàn hảo.
Cơ sở sản xuất mặt số tại Rolex
Rolex rất nghiêm túc trong việc chế tác mặt số. Hãng đầu tư mạnh mẽ vào quy trình sản xuất đồng hồ, bao gồm cả việc tự sản xuất mặt số tại cơ sở Chêne-Bourg ở Geneva, nơi tập trung khoảng 500 nhân viên làm việc chỉ để lên ý tưởng, thử nghiệm, và sản xuất mặt số. Tại đây cũng diễn ra các công đoạn đính đá quý và sản xuất các chi tiết Cerachrom như vòng bezel GMT-Master II.
Việc tự sản xuất cho phép Rolex kiểm soát toàn bộ quy trình, từ đó đổi mới liên tục, thậm chí thiết kế lại nền tảng cơ bản của mặt số, như cách nó được gắn vào bộ máy.
Đổi mới trong thiết kế cơ bản
Rolex đã tái định nghĩa cách gắn mặt số vào bộ máy, thay thế phương pháp truyền thống bằng sáng chế mới. Thay vì sử dụng chân mặt số (feet) – vốn dễ bị cong hoặc gãy khi sửa chữa – Rolex áp dụng một vòng gờ đàn hồi đặc biệt tích hợp bên dưới mặt số, được cấp bằng sáng chế EP2743783B1 năm 2022.
Khi lắp ráp, các phần đàn hồi của vòng gờ này bám chặt vào vành bộ máy, giúp cố định mặt số chắc chắn mà không cần ốc vít. Thiết kế này được áp dụng trên các bộ máy thế hệ mới như dòng cal. 32xx, giúp mặt số ổn định hơn, giảm thiểu rủi ro hỏng hóc trong quá trình sử dụng và bảo trì.
Kỹ thuật hoàn thiện mặt số
Mặt số thiên thạch
Để tạo nên vẻ ngoài hấp dẫn, bề mặt mặt số được hoàn thiện qua ba phương pháp chính:
Mạ điện (Electroplating):
Tấm nền bằng đồng hoặc vàng được phủ lớp kim loại như vàng hoặc niken để chống ăn mòn, tạo bề mặt tối ưu cho các bước xử lý tiếp theo.
Phủ hơi vật lý (PVD):
Phương pháp này tạo lớp phim kim loại mỏng với màu sắc đa dạng, thường dùng cho các mẫu mặt số có màu sắc rực rỡ. Lớp phủ PVD giúp tăng độ bền, mang lại bề mặt bóng mượt và màu sắc phong phú.
Sơn mài (Lacquering):
Lớp sơn mài tạo chiều sâu và độ bóng cao. Tại Rolex, sơn mài được phun bằng công nghệ hiện đại trong phòng sạch, loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Mặt số sau đó được phủ lớp sơn bóng và đánh bóng để hoàn thiện.
Ngoài các vật liệu phổ biến như đồng và vàng, Rolex còn sử dụng các chất liệu đặc biệt như thiên thạch để tạo nên sự khác biệt cho mặt số.
Mặt số nhiều lớp và chi tiết phức tạp
Mặt số Sky-Dweller màu xanh bạc hà
Một số mẫu đồng hồ phức tạp của Rolex như Cosmograph Daytona hay Sky-Dweller có mặt số cấu thành từ nhiều lớp. Ví dụ, mặt số của Sky-Dweller gồm hai tấm đồng tâm, một phần để lộ đĩa 24 giờ của chức năng GMT. Với các mẫu có mặt số chải tia, các lớp phải được căn chỉnh hoàn hảo để tạo cảm giác liền mạch.
Cọc số vàng 18k – Điểm nhấn tinh tế
Rolex là một trong số ít thương hiệu sử dụng cọc số vàng 18k cho mọi mẫu đồng hồ, kể cả dòng cơ bản như Oyster Perpetual. Các cọc số này được đính thủ công bằng quy trình chính xác cao, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ. Sau khi lắp ráp, mặt số được kiểm tra kỹ lưỡng qua các bài kiểm tra va đập và rơi để đảm bảo chất lượng.
Đồng hồ Oyster Perpetual Day-Date 40 với mặt số sơn mài màu xanh lá cây
Bài viết được thực hiện với sự hợp tác của The Hour Glass, nhà bán lẻ được ủy quyền của Rolex.