Đồng hồ Vacheron Constantin Toledo 1952: Bùng nổ từ quá khứ
Thương hiệu Vacheron Constantin đã sản xuất đồng hồ từ năm 1755. Như vậy với hơn một phần tư thiên niên kỷ sản xuất đồng hồ liên tục, thứ mà Vacheron Constantin không thể bỏ qua chính là quá khứ, nhưng hãng vẫn phải tạo ra các thiết kế mới mẻ. Một cách đáp ứng được cả hai tiêu chí đó là thương hiệu tạo ra những chiếc đồng hồ tôn vinh tinh thần quá khứ nhưng phù hợp với thị trường ngày nay, như cách Patrimony và Traditionnelle đang thể hiện. Đó là những chiếc đồng hồ có thiết kế và tính hoàn thiện xuất sắc, đi kèm kiều dáng phù hợp với trang phục đương đại, kết hợp khả năng chống nước cao hơn hay trong nhiều trường hợp là khả năng trữ cót cũng kéo dài hơn.
Một con đường khác có thể tìm thấy tại Vacheron Constantin đó là lấy các thiết kế cụ thể trong quá khứ làm nguồn cảm hứng trực tiếp và là điểm bắt đầu cho một chiếc đồng hồ của hiện tại. Bộ sưu tập Historiques ra đời với cách thức như vậy. Ví dụ American 1921 lấy cảm hứng từ mẫu đồng hồ đặt núm vặn ở góc của vỏ và mặt số nghiêng 45 độ so với hướng thông thường. Trong khi kiểu dáng vỏ cushion, hướng mặt số được giữ lại, mẫu American 1921 có kích thước lớn hơn nhiều so với bản gốc. Rõ ràng, “copy" không phải từ nên nhắc cùng American 1921.
Vacheron Constantin đã mang đến điểm nhấn mới cho bộ sưu tập Historiques vào năm 2007 với sự ra mắt của mẫu Chronometer Royal 1907, và trung bình mỗi năm hãng lại phát hành một chiếc đồng hồ Historiques mới. Các sản phẩm tiếp theo là American 1921, Ultra-fine 1955 (với bộ máy lên cót tay) và Ultra-fine 1968 (với bộ máy tự động), Aronde 1954, Toledo 1952 và Toledo 1951.
Lịch sử của dáng vỏ Cioccolatone hay Cioccolato
Vacheron Constantin đã sử dụng “carre galbe”, một thuật ngữ đầy thi vị cho dáng vỏ hình vuông cong trong nhiều năm. Nhưng hãng đã tìm thấy một biểu tượng mới vào những năm 1950: Cioccolatone. Trong tiếng Ý, Cioccolato gợi nhớ đến những viên socola ô vuông, đại diện cho tình yêu đôi lứa.
Vacheron Constantin Cioccolatone Ref. 4821
Vào giai đoạn này, đồng hồ có vỏ tròn của Vacheron Constantin thường có kích thước nằm trong khoảng 34mm - 36mm. Tuy nhiên, cùng đường kính đó, ở bộ vỏ vuông, mặt số đồng hồ sẽ có bề mặt lớn đáng kể hơn vỏ tròn, nên hiện diện trên tay sẽ giống một chiếc đồng hồ tròn 38mm - 40mm. Vỏ Cioccolatone có thể được nhận diện qua các bậc khi nhìn chính diện từ trên xuống, kèm với đó là đường cong nhẹ dọc theo các cạnh. Tóm lại, các nhà sưu tập cảm thấy dáng vỏ Cioccolatone rất tinh tế và gợi cảm.
Thương hiệu Vacheron Constantin đã tạo ấn tượng tốt đầu tiên với giới sưu tầm khi phát hành đồng hồ có vỏ Cioccolatone trong ref. 4821 (bên trong là caliber 453), ref. 4822 (bên trong là caliber 454).
Vacheron Constantin ref. 6440Q
Khi các bộ máy tự động đã phổ biến trong giới vào những năm 1950, thương hiệu Vacheron Constantin cũng có những bộ máy tuyệt vời phù hợp với vỏ Cioccolatone để cung cấp cho khách hàng của mình. Phổ biến nhất là caliber 1019. Theo đó, mẫu bằng vàng vàng phổ biến nhất. Vàng hồng hiếm hơn và vàng trắng còn ít hơn, chỉ có 2 chiếc là được biết đến.
Khi các bộ máy tự động phát triển, thương hiệu Vacheron Constantin đã nâng cấp bộ máy bên trong, trang bị calibre 1071 cho ref. 6440, caliber 1072 (thêm ngày) cho ref. 6440Q.
Vacheron Constantin Cioccolatone Ref. 4764 - Ảnh SJX
Một trong những mẫu Vacheron Constantin có vỏ Cioccolatone được lòng giới sưu tầm nhất là chiếc 4764 phức tạp có các chức năng như lịch ngày, thứ, tháng và tuần trắng, kèm bộ máy lên cót tay 485/495, dựa trên chiếc 453.
Tất cả các mẫu này đều đã vượt qua thử thách của thời gian và sẽ là những sản phẩm nền tảng trong bất kỳ bộ sưu tập cổ điển nào của Vacheron Constantin trong tương lai.
Vacheron Constantin Cioccolatone (bên phải) 4764 bằng bạch kim được bán đấu giá bởi Sotheby's năm 2022, giá: 604.800 CHF, tương đương 15,6 tỷ đồng
Tái hiện vào những năm 1990
Với sự phục hưng của đồng hồ cơ vào những năm 1990, Vacheron Constantin đã nhìn lại di sản của mình để tìm kiếm cảm hứng cho các mẫu đồng hồ mới. Cioccolatone là một sự lựa chọn rõ ràng, cung cấp một kiểu dáng hộp độc nhất, gắn liền với tên tuổi của thương hiệu.
Vacheron Constantin ref. 42100 có caliber 1312 tự động (nền là máy Girard-Perregaux), kích thước 32 mm x 38 mm là đại diện cho đồng hồ giai đoạn này có vỏ Cioccolatone vuông tròn. Mặt số đồng hồ có phần hoạ tiết ở bên trong, vòng đếm phút dạng đường ray và các cọc số đính nổi dạng số La Mã và kim tự tháp.
Dành cho nữ giới, Vacheron Constantin phát hành ref. 31100 và nhiều biến thể (dây đeo, vành bezel kim cương, cọc kim cương), nhưng kích thước đều là 30mm x 34mm và bộ máy 1132 bên trong.
Bộ sưu tập Historiques từ năm 2003: Đồng hồ Toledo 1952
Vacheron Constantin đã đưa Cioccolatone trở lại kích thước ban đầu vào năm 2003 với Toledo 1952, có tính năng lịch gồm ba biến chứng, hoạt động dựa trên bộ máy nền tự động của JLC. Có ba mẫu trong đợt cung cấp đầu tiên: hai phiên bản tiêu chuẩn bằng vàng trắng và vàng vàng, một phiên bản giới hạn bằng bạch kim, mặt số xám.
Mẫu đồng hồ Vacheron Constantin Toledo 1952 là bức thư tình của thương hiệu vùng Geneva gửi đến những nhà sưu tập khó tính. Lấy cảm hứng từ dáng vỏ hộp hình chữ nhật bo tròn các góc Ciccolatone nổi tiếng năm 1950, Vacheron Constantin đã tạo ra model Toledo 1952 mới mẻ với chức năng lịch ba biến chứng kèm lịch tuần trăng.
Đồng hồ có kích thước lớn hơn, hiện đại hơn so với bản gốc. Cụ thể, khoảng cách giữa hai đầu càng nối dây là 41mm của đồng hồ Toledo 1952 sẽ tương tương với một chiếc đồng hồ tròn 42mm.
Vacheron Constantin hiện diện là một bậc thầy về phong cách. Các chi tiết trên vỏ và mặt số của chiếc Toledo 1952 hiện rất tinh tế. Bề mặt lớp vỏ sang trọng và sang trọng, trong khi đó, từng bậc trên vành bezel lại là điểm nhấn khi nhìn đồng hồ trực diện.
Trong khi đó, mặt số hình vuông thể hiện các chức năng hết mực truyền thống đã được tích luỹ hàng trăm năm. Với chức năng lịch, cho biết ngày, giờ, phút, Toledo 1952 là một mẫu đồng hồ sang trọng lại thiết thực. Phần mặt số có nhiều chi tiết nhỏ được hoàn thiện phức tạp, đáng mong đợi ở một nhà sản xuất đã hình thành từ thế kỷ 18.
Bên dưới của mặt số là sự có mặt của bộ máy đồng hồ, một sản phẩm của nhà Jaeger-LeCoultre. Việc bộ máy JLC nằm trong vỏ đồng hồ Vacheron Constantin là một truyền thống lâu đời, xuất phát từ đầu thế kỷ 20. Cả hai đều là những chuyên gia chế tác đồng hồ cao cấp tại Thuỵ Sỹ. Từ hợp tác trong các mẫu đồng hồ siêu mỏng, cho đến việc hiện cả hai đang đứng chung dưới tán ô của tập đoàn xa xỉ phẩm thứ hai thế giới Richemont, sợi dây liên kết giữa Jaeger-LeCoultre và Vacheron Constantin vẫn tiếp diễn. Thực tế, đây chính là cách ngành chế tạo đồng hồ Thuỵ Sĩ vận hành trong một giai đoạn lịch sử: mỗi bên mang đến bàn làm việc những gì họ làm tốt nhất. JLC cung cấp trái tim và Vacheron bổ sung linh hồn.