Grand Seiko T0 Constant Force Concept Tourbillon: Cơ chế Tourbillon đầu tiên của Grand Seiko

Grand Seiko T0 Constant Force Concept Tourbillon: Cơ chế Tourbillon đầu tiên của Grand Seiko

04/09/2020
Kiến thức
Đồng hồ Grand Seiko

Kể từ khi chuyển mình thành thương hiệu riêng, Grand Seiko đã liên tục có những bước phát triển. Tuy thay đổi nhiều là vậy, nhưng họ vẫn giữ nguyên mục tiêu là chất lượng và độ tinh xảo của đồng hồ. Bên cạnh đó Grand Seiko còn có thêm nhiều đồng hồ với các tầm giá cao hơn, với những công nghệ kỹ thuật độc đáo hơn.

Trong năm nay, Grand Seiko đem đến cho người chơi hai bộ máy mới: bộ máy Spring Drive Caliber 9RA5 và máy Hi-Beat Caliber 9SA5. Cả hai đều có những cải tiến đáng kể về độ linh hoạt và cả hiệu năng so với người tiền nhiệm. Tuy vậy, với những người mê đồng hồ, bộ máy 9SA5 nhận được nhiều sự chú ý hơn - Đơn giản bởi vì một bộ thoát mới là thứ rất hiếm khi xuất hiện trong thế giới đồng hồ.

Grand Seiko vừa thông báo thêm rằng bên cạnh việc phát triển máy 9SA5, họ còn triển khai thêm một bộ máy khác - là phiên bản “tối thượng” của Caliber 9SA5. Bộ máy thử nghiệm này thật sự thú vị, mang tên Caliber T0 và là bộ máy Tourbillon đầu tiên của Grand Seiko. Không chỉ thế, nó còn sở hữu cơ chế cung cấp lực bất biến hay còn được gọi là remontoire.

Caliber T0 với cơ chế lực bất biến, hai hộp cót và hai lồng Tourbillon

Đây là bộ máy Tourbillon đầu tiên của Grand Seiko, nhưng không phải bộ máy Tourbillon đầu tiên của Seiko. Chiếc đồng hồ đầu tiên với cơ chế này của Seiko là Credor "Fugaku" Tourbillon, được giới thiệu vào năm 2016. Tuy nhiên, đây là một thiết kế Tourbillon khá “bình thường”, ít nhất là về mặt kỹ thuật.

Nói là vậy, nhưng đây vẫn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, với mặt số tráng men tạo thành bức họa “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” của họa sỹ Hokusai. Và theo ý kiến cá nhân tôi, thiết kế này cũng có chung về tư duy thẩm mỹ với Caliber T0, nhưng về mặt cơ khí thì T0 đặc biệt hơn rất nhiều.

Mẫu đồng hồ Credor "Fugaku" Tourbillon ra mắt năm 2016

Bỏ qua mặt thẩm mỹ thì T0 sẽ có nhiều điểm tương đồng với 9SA5 hơn. Cả hai bộ máy đều đặt độ chính xác lên hàng đầu - và đây cũng là những gì Grand Seiko theo đuổi kể từ khi được sáng lập. Tuy nhiên, T0 đặc biệt hơn và được thiết kế để đạt giới hạn về độ chính xác của đồng hồ đeo tay.

Hiệu năng của T0 cực kỳ ấn tượng, với thời lượng cót 50 giờ được ổn định bằng tính năng remontoire. Không chỉ thế, sai số của bộ máy còn được giới hạn chỉ còn 0.5 giây mỗi ngày - một con số kinh khủng (vì Rolex với chuẩn Superlative Chronometer cũng chỉ là 2 giây/ngày). Grand Seiko cũng rất cẩn thận nói rõ rằng đây là thông số trong điều kiện phòng thí nghiệm và ngoài thực tế có thể sẽ sai lệch một chút, nhưng đây vẫn là kết quả ấn tượng.

Caliber 9SA5 - bộ máy Hi-Beat với bộ thoát Dual Impulse của Grand Seiko

Không có nhiều đồng hồ sở hữu cơ chế Remontoire, và một chiếc đồng hồ có cả Remontoire và Tourbillon còn ít hơn thế. Francois-Paul Journe là người đầu tiên ghép hai cơ chế này vào năm 1991, nhưng cũng chỉ có vài chiếc đồng hồ tương tự xuất hiện kể từ đó tới nay. 

IWC giới thiệu mẫu Sidérale Scafusia với hai tính năng này, và thêm cơ chế hiển thị thời gian tính bằng các thiên thể. Chúng ta cũng có mẫu Haldimann H2 Flying Resonance Tourbillon với cơ chế Tourbillon cộng hưởng và hai bộ Remontoire đi kèm hai bộ thoát. Chúng ta cũng không thể bỏ qua mẫu Andreas Strehler Trans-Axial Tourbillon mới được giới thiệu năm ngoái. 

Ý tưởng đằng sau cơ chế Remontoire đó là: Trong quá trình hoạt động, mô men lực từ hộp cót sẽ giảm dần khi dây cót nhả dần. Điều này sẽ làm tăng sai số của đồng hồ, và bạn cần một cách nào đó để cung cấp cho bộ thoát một nguồn năng lượng đều đặn, không thay đổi. Cơ chế Fusée and chain được phát minh ra để xử lý vấn đề này, nó hoạt động ổn nhưng bù lại tốn quá nhiều không gian và không đảm bảo lực bất biến một cách tuyệt đối.

Và để xử lý điều này, cơ chế Remontoire được phát minh, đóng vai trò như một chiếc “Máy biến áp mini” dành cho đồng hồ.

Biểu tượng Tomoe

Một điểm thú vị khác cần chú ý, đó là bánh xe cân bằng của bộ máy được thiết kế theo một biểu tượng nổi tiếng của Nhật - Tomoe. Biểu tượng này thường được xuất hiện trong gia huy của các gia tộc, hay tại các đền Thần Đạo.

Cơ chế Remontoire bản chất là một dây cót thứ hai, được đặt trên một bánh răng hoặc trên bánh xe gai. Nhiệm vụ của dây cót chính ở đây không còn là cung cấp năng lượng cho bộ thoát nữa, mà sẽ là cung cấp năng lượng cho Remontoire để nó giữ độ căng nhất định. Chỉ cần có đủ năng lượng từ dây cót chính, Remontoire sẽ có năng lượng ổn định cấp cho bộ dao động.

Caliber T0 được thiết kế bởi một đội ngũ, với sự lãnh đạo của Takuma Kawauchiya. Họ đã phải mất tới 5 năm để hoàn thành dự án, với hai hộp cót chạy song song nhau. Thời lượng cót theo lý thuyết sẽ là 72 giờ, nhưng để giữ cơ chế Remontoire hoạt động ổn định thì con số này giảm xuống khoảng 50 giờ.

Đúng với tiêu chuẩn bộ máy cao cấp, tất cả các chi tiết đều được hoàn thiện thủ công. Theo như thông tin từ Grand Seiko, họ đã phải mất 3 tháng chỉ để hoàn thiện bộ máy. Không chỉ thế, các bánh răng truyền động quan trọng phải được xử lý bằng kỹ thuật đặc biệt để giảm ma sát và tăng hiệu quả truyền năng lượng.

Hai lồng Tourbillon được làm từ Titanium và nung xanh, còn bánh xe cân bằng thì sử dụng những đinh ốc siêu nhỏ có tác dụng như quả nặng, điều chỉnh biên độ dao động phù hợp. Caliber T0 có kích thước tương đối lớn với đường kính 36mm và độ dày 8.22mm, nhưng vẫn trong khoảng chấp nhận được và đeo ổn sau khi đóng vỏ và lắp dây.

Việc hiểu rõ cơ chế hoạt động của Remontoire có thể khiến nhiều người khó khăn. Khi nhìn vào Caliber T0, bạn sẽ thấy lồng Tourbillon ngoài cùng có cầu nối tạo thành 3 chiếc chân, bên dưới đó là một lồng Tourbillon khác được làm từ Titanium nung xanh với 6 chân. Tuy nhiên, thực tế thì lồng Tourbillon thứ hai là hai lồng Tourbillon riêng biệt, mỗi cái có 3 chân. Video về cơ chế tại đây.

Một đặc điểm nổi trội khác của bộ máy này, đó là nó hoạt động ở tần số 28,800 vph - cao hơn nhiều so với những bộ máy Tourbillon hiện đại ngày nay (trung bình là 21,600 vph). Tất nhiên, đây không phải bộ máy Tourbillon nhanh nhất, hiện chiếc TAG Heuer MikrotourbillonS đang giữ kỷ lục với tần số 360,000 vph - cực kỳ kinh khủng.

Tuy nhiên, đây vẫn là thiết kế Tourbillon đi kèm Remontoire có tần số dao động nhanh nhất.

Nếu bạn muốn trực tiếp quan sát bộ máy T0 Tourbillon, bạn phải tới Nhật bản, cụ thể hơn là xưởng của Grand Seiko tại Shizukuishi, Morioka. Đây là cơ sở sản xuất mới của Grand Seiko, vừa được thành lập trong năm nay. Và vì đây là phiên bản thử nghiệm, nên thiết kế này sẽ chưa được mở bán, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Kiến thức
Đồng hồ Grand Seiko
Zalo