Làm thế nào để chăm sóc đồng hồ?

04/03/2024
Kiến thức
Mẹo hay

Làm thế nào để chăm sóc đồng hồ?

Sở hữu một chiếc đồng hồ cơ là một trải nghiệm thật sự tuyệt vời trong thế giới tràn ngập những sản phẩm mang tính kỹ thuật số. Một phần sức hấp dẫn của bộ máy đồng hồ cơ đến từ những chuyển động, công nghệ bên trong biết khơi dậy trí tò mò của nhiều người. Nhìn chung, đồng hồ cơ là những cỗ máy nhỏ bé nhưng rất đáng tin. Giống một động cơ của ô tô, các bộ máy của đồng hồ cơ cần được chăm sóc và bảo dưỡng. Một khi quyết định bỏ bê chúng một thời gian, cái bạn sẽ phải trả giá là đôi khi rất lớn. Hãy tìm hiểu về cách chăm sóc một chiếc đồng hồ cơ ngay khi bạn có ý định mua chúng để giúp bạn giữ đồng hồ của mình ở tình trạng tốt nhất và hoạt động mãi mãi.

Lên cót hoặc đeo đồng hồ thường xuyên

Việc “đeo đồng hồ" trên tay luôn rất quan trọng đối với đồng hồ cơ tự động. Đó có lẽ là lời khuyên tưởng chừng như thừa thãi nhưng lại là một trong những lời khuyên quan trọng nhất. 

Chuyển động của đồng hồ cơ thường được cung cấp năng lượng bởi một hộp dây cót chính, được lên cót tay thông qua núm vặn hoặc bằng bộ phận tên là rotor (nếu đó là đồng hồ automatic/tự động). Đeo đồng hồ cho phép rotor di chuyển tự do và giúp dây cót giải phóng lực căng, điều này rất quan trọng đối với tuổi thọ và độ chính xác của đồng hồ.

Vì vậy, việc đảm bảo cho chiếc đồng hồ cơ của bạn thường xuyên được lên dây hoặc đeo trên tay là điều đáng lưu tâm. Ngoài ra, việc để bộ máy đứng yên trong thời gian dài đôi khi có thể làm khô dầu và chất bôi trơn trong các bộ phận cần thiết, điều này có thể gây ra một số vấn đề sau này.

Song vẫn còn nghi vấn với loại đồng hồ có chức năng chronograph thì sao, có cần thiết phải giữ chúng hoạt động liên tục? Nếu để chức năng chronograph vận hành liên tục có thể khiến các bộ phận bị hao mòn quá mức. Còn nếu không kích hoạt chức năng chronograph có thể khiến dầu bị khô và và gây ra các vấn đề khác về sau. Chronograph là một chức năng được thiết kế để chúng ta sử dụng, vì vậy hãy sử dụng nó thường xuyên.

Một câu hỏi phổ biến khác liên quan đến hộp xoay đồng hồ, liệu chúng ta có thật sự cần phải có hay không? Câu trả lời đến từ chính tần suất đeo đồng hồ cũng như chiếc đồng hồ của bạn. Nếu như có sở hữu một chiếc đồng hồ lịch vạn niên, bạn bắt buộc phải để nó ở trong hộp xoay sau khi cài đặt nếu bạn muốn tránh nhiệm vụ đặt lại lịch, thường gặp nhiều khó khăn. Với những loại đồng hồ khác không yêu cầu cài đặt ngày, tháng,... thì câu trả lời lại dễ dàng hơn. Việc cài đặt lại các chức năng không gặp khó khăn gì nhiều.

Ngăn đồng hồ tiếp xúc với nam châm

Nam châm chính là kẻ thù của đồng hồ cơ, tiếp xúc với nam châm dễ khiến cho đồng hồ gặp phải các vấn đề tiêu cực. Một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong hầu hết các bộ máy cơ học là phần dây tóc. Đó là bộ phận phải nén và giãn ra nhiều lần trong một giây để điều chỉnh nhịp tích tắc liên tục của bộ máy. Để làm được điều đó, dây tóc rất nhỏ và được tinh chỉnh rất kỹ, thường chúng chỉ dày cỡ 0,03mm. Nếu dây tóc không được làm từ vật liệu kháng từ thì khi tiếp xúc với nam châm, nó có thể sẽ tự dính vào chính nó. Nếu để điều đó xảy ra, đồng hồ sẽ không còn vận hành chính xác. Trong trường hợp xấu nhất, các bộ phận bằng thép bên trong đồng hồ có thể bị từ hóa đến mức tạo ra từ trường riêng, khiến vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn nhận thấy đồng hồ của mình không chạy như bình thường thì rất có thể nam châm chính là thủ phạm. Thật không may, cuộc sống của chúng ta bị bao quanh bởi các trường cơ học và thậm chí còn có ý kiến ​​​​cho rằng những thứ như loa máy tính xách tay và thậm chí cả điện thoại của bạn cũng có thể gây ra sự cố liên quan đến nam châm. Tuy nhiên, rất nhiều đồng hồ ngày nay đã giảm bớt rất nhiều sức ảnh hưởng của từ trường bởi các thương hiệu đã phát triển và ứng dụng các hợp kim chống từ hoặc silicon để chế tạo các bộ phận nhỏ nhạy cảm, ví như dây tóc. Điều đó không có nghĩa là bạn không nên thả lỏng với nam châm. Một may mắn nữa là thông thường nó không gây ra hư hỏng vĩnh viễn và một thợ đồng hồ giỏi có thể khắc phục những vấn đề này cho bạn nếu bạn gặp phải.

Ý thức đúng về khả năng chống nước của đồng hồ

Mặc kệ những chiêu trò quảng cáo ngoài kia, không có chiếc đồng hồ nào thực sự có khả năng chống lại được nước. Thuật ngữ chống nước cho thấy rằng trong mọi trường hợp, vỏ đồng hồ sẽ không bị nước xâm nhập và điều này đơn giản là không đúng. Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất đồng hồ đã đặt ra các giới hạn về cách bảo vệ đồng hồ của họ khỏi các tác nhân bên ngoài, nhưng một cách tự nhiên, mọi thứ đều có giới hạn. Đây là lúc xem xét về mức khả năng chống nước của một chiếc đồng hồ. 

Nếu một chiếc đồng hồ được dán nhãn là có khả năng chống nước ở độ sâu 30 mét, điều này có thể có nghĩa là nó đã được thử nghiệm ở áp suất 3 ATM, gần tương đương với độ sâu đó.

Thông thường, ở mức tối thiểu, bất kỳ chiếc đồng hồ hiện đại, mới được bảo dưỡng nào có chỉ số chống nước ở độ sâu 30 mét đều có thể hoạt động tốt khi trời mưa hoặc rửa tay, nhưng có lẽ bạn không nên ngâm đồng hồ trong nước trong thời gian dài. Nhưng còn với chiếc đồng hồ lặn đắt tiền mà bạn mới mua thì sao? Việc ngâm đồng hồ dưới nước trong thời gian dài không gây ảnh hưởng gì đến đồng hồ miễn là chúng ta đã vặn chặt các núm vặn hay nút bấm. Điều quan trọng cần nhớ là nếu bạn lên dây cót cho đồng hồ, bạn phải đảm bảo núm vặn đã được vặn chặt. Rất may, các thương hiệu như Rolex có hệ thống đệm kín kép trên đồng hồ lặn chuyên dụng, hệ thống này cung cấp thêm một số biện pháp bảo vệ cơ bản nếu bạn vô tình làm núm vặn bị ướt một chút, nhưng cũng đừng nên mạo hiểm. Thiệt hại thường dẫn đến việc sửa chữa tốn kém.

Bảo vệ đồng hồ khỏi những cú sốc và tác động mạnh

Tất nhiên, đồng hồ cơ là dụng cụ chính xác và chúng thường rất nhạy cảm trước những cú sốc và va đập. Cố gắng tránh làm rơi hoặc khiến đồng hồ của bạn bị va đập đột ngột nếu có thể, một lần nữa hãy đặc biệt cẩn thận với những chiếc đồng hồ cổ do chúng gần như là không có khả năng chống sốc. Nếu bạn chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động có nguy cơ có gây va đập, hãy cân nhắc tháo đồng hồ ra hoặc chỉ nên đeo những dòng đồng hồ được thiết kế ra để làm điều đó.

Có một số đồng hồ được thiết kế đặc biệt để chịu được các tác động, chẳng hạn như Ball Engineer Hydrocarbon EOD hay những loạt sản phẩm được sản xuất giới hạn của Richard Mille cho môn quần vợt,... Nhiều đồng hồ có một số cơ chế chống sốc được tích hợp trong bộ thoát, nhưng nói chung, hãy cố gắng hạn chế va đập nếu có thể. 

Đưa đồng hồ đi bảo trì thường xuyên

Các động cơ máy của xe máy hay ô tô đều cần được thay dầu sau một quãng đường đã được đi. Và bạn cũng thừa hiểu nếu không làm điều đó sẽ có chuyện gì xảy ra. Bộ máy của đồng hồ cơ có nhiều mặt tương tự động cơ ô tô hay xe máy. Chúng được tạo thành từ các bộ phận được sản xuất chính xác, được thiết kế để hoạt động trong phạm vi dung sai nhất định và các bộ phận này tồn tại suốt đời dưới các lực quay không đổi và quan trọng là ma sát.

Ma sát về cơ bản là nguyên nhân giúp chúng hoạt động, nhưng nó cũng tạo ra sự mài mòn trên các bề mặt mà theo thời gian có thể gây ra các vấn đề về độ chính xác và hoạt động chung. Bảo dưỡng đồng hồ trong khoảng thời gian khuyến cáo của thương hiệu không đảm bảo 100% đồng hồ sẽ vận hành hoàn hảo, nhưng đó là cách an toàn hơn nhiều so với việc hy vọng chiếc Seiko cũ của bạn sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả khi bạn không chạm vào nó trong 20 năm. Nếu bạn đã đeo đồng hồ hàng ngày trong hơn 5 năm và nó bị chậm hay nhanh với sai số của nhà sản xuất, bạn nên mang đồng hồ đi kiểm tra. Giống như một chiếc ô tô, nếu bạn để nó bị hỏng quá lâu, thường thì nó sẽ trở thành một vấn đề tốn tiền hơn nhiều trong tương lai.

Lưu trữ đồng hồ như thế nào?

Nếu bạn đang cất những chiếc đồng hồ cơ của mình trong ngăn kéo hoặc trên bậu cửa sổ thì có lẽ bạn nên đọc tiếp phần này. Đầu tiên, hãy đảm bảo nơi bạn cất giữ đồng hồ luôn mát mẻ và khô ráo. Nếu bạn không tuân thủ việc bảo dưỡng chúng thường xuyên, các vòng đệm có thể không hoạt động tốt và kệ phòng tắm ướt át hoặc bệ cửa sổ ẩm ướt không phải là những nơi bảo vệ tốt nhất để chống lại sự ăn mòn hoặc xâm nhập của các hạt nhỏ. Ngoài ra, hãy để đồng hồ tránh xa ánh nắng trực tiếp, vì nhiệt độ tăng có thể gây ra vấn đề với các vòng đệm và chất bôi trơn bên trong - trừ khi bạn có ý định tạo ra một lớp gỉ sét trên khung vành bezel bằng nhôm!

Hãy cân nhắc về việc tin tưởng hộp đựng, vali hay chuyên nghiệp hơn nữa là các hộp xoay đồng hồ tự điều chỉnh nhiệt độ, môi trường phù hợp nhất cho đồng hồ cơ. Bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều cho thứ phụ kiện hữu ích này.

Có nên đánh bóng đồng hồ không?

Đây là một câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều. Có rất nhiều người sẽ nói với bạn rằng đừng quan tâm đến những vết xước, rằng đó chỉ là một phần của câu chuyện về đồng hồ và bạn nên đón nhận chúng. Nhưng đôi khi chúng ta lại cảm thấy nhói đau khi thấy một vết xước nhẹ xuất hiện giữa bề mặt bóng loáng. 

Sẽ không ai ngoài bạn để ý đến vết xước có trên đồng hồ. À và cả người chủ nhân tiếp theo của đồng hồ nếu bạn có ý định bán nó đi. Có người thích giữ lại vết xước, có người lại không. Rõ ràng đó là “Có nên đánh bóng đồng hồ không?” là một câu hỏi tuỳ thuộc vào từng trường hợp, từng cá nhân. Đồng hồ của bạn vẫn sẽ hoạt động dù có vết xước hay không, trừ khi vết xước đó được tạo ra bởi cú va chạm tới mức chấn động. Nếu như vết xước khiến bạn không vui và lăn tăn, hãy xoá nó đi! Bạn cần làm những gì bạn phải làm để cho phép mình tiếp tục thưởng thức đồng hồ và không ai trên Internet có thể trả lời điều đó ngoài chính bạn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nói thêm rằng, đồng hồ thường thực sự mang rất nhiều sức hấp dẫn khi chúng thể hiện những gì chúng ta đã trải qua. Có điều gì đó thú vị khi chọn mua một chiếc đồng hồ cổ điển với đủ loại nhãn hiệu và bạn tưởng tượng ai đã tạo ra chúng và làm thế nào. Đôi khi, bạn thậm chí có thể biết rất rõ ai đã tạo ra chúng và điều đó có thể khiến những dấu hiệu đó trở nên đặc biệt hơn đối với bạn. Tuy nhiên, nếu bạn định đánh bóng một chiếc đồng hồ cổ điển hoặc tân cổ điển, hãy đảm bảo rằng việc đó được thực hiện bởi một chuyên gia có tay nghề. Công việc đánh bóng không tốt đôi khi có thể làm hỏng sức hấp dẫn chung của đồng hồ và giá trị bán lại tiềm năng sau này.

Giữ đồng hồ sạch sẽ

Nếu bạn tuân theo quy tắc số 1 và đeo đồng hồ thường xuyên, bất kể bạn có cố gắng làm gì, đồng hồ của bạn sẽ bị bẩn. Vết bẩn ở cổ tay có xu hướng tích tụ ở khắp mọi nơi: bên trong dây đeo, giữa các vấu, trên mặt sau… Và lúc này, chúng ta cần loại bỏ vết bẩn đó. Không hề khó để làm sạch một chiếc đồng hồ cơ, nhưng lưu ý đầu tiên là đảm bảo không sử dụng bất kỳ hóa chất mạnh nào. Nếu cố sử dụng các hoá chất tẩy rửa mạnh có thể làm hỏng lớp hoàn thiện và cả gioăng cao su của đồng hồ. Và trước khi cho đồng hồ tiếp xúc với nước, bạn cần đảm bảo núm vặn đã được xoắn chặt vào vỏ.

Những quý khách hàng của Gia Bảo chỉ cần nhớ rằng, chúng tôi cung cấp mọi dịch vụ và giải pháp để giúp đồng hồ của quý khách vận hành chính xác và dài lâu!

Kiến thức
Mẹo hay
Zalo