Nghệ thuật của mặt số tráng men

Nghệ thuật của mặt số tráng men

26/05/2023
Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet
Đồng hồ Patek Philippe
Đồng hồ Rolex

Tạo ra mặt số tráng men là công việc nằm giữa các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học và kỹ nghệ luyện kim. Mặc dù rất dễ nhận biết được bề mặt tráng men chỉ bằng mắt thường nhưng việc sản xuất các bề mặt tráng men lại cần bộ kỹ năng mà chỉ một số ít nghệ nhân thành thạo. Sự phức tạp của công đoạn chế tạo đã làm nên sức hấp dẫn cho những chiếc đồng hồ có áp dụng bề mặt tráng men. Và thông thường chúng sẽ được áp dụng cho bộ phận mặt số của đồng hồ. Quá trình chế tạo mất nhiều thời gian các tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ này khó đến nỗi trước khi được gắn vào đồng hồ, đã có rất nhiều sản phẩm lỗi, buộc phải vứt vỏ. Tuy nhiên, khi nhìn đến thành quả, chúng ta buộc phải thốt lên từ “đáng giá".

Có công thức bí ẩn xung quanh việc xử lý men, giống như nhiều kỹ năng chuyên môn trong ngành chế tạo đồng hồ. Phần lớn sẽ được truyền thừa từ các bậc thầy sang người học việc. Kết quả là các kỹ thuật có trong các món đồ cổ không may đã bị thất truyền. Trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến đến các phương pháp tráng men không bị thất truyền, vẫn còn được áp dụng trong ngành. 

Mặt số tráng men là gì?

Nghệ thuật tráng men trang trí đã có từ hàng nghìn năm, trở thành một trong những nghề thủ công nghệ thuật lâu đời nhất vẫn được sử dụng trong ngành chế tạo đồng hồ ngày nay. Việc sản xuất mặt số tráng men được thực hiện bởi các chuyên gia, những người cống hiến cả cuộc đời nghề nghiệp của mình để hiểu được bản chất phức tạp của vật liệu có tính khí thất thường này. 

Một số công cụ làm mặt số tráng men tại anOrdain (nhà sản xuất đồng hồ mới nổi có trụ sở tại Scotland, chuyên cung cấp đồng hồ mặt số tráng men)

Men là cách gọi một loại thủy tinh có chứa chủ yếu là silica làm chất nền và sau đó nghệ nhân thêm vào các nguyên tố khác, tạo ra màu sắc. Một trong những kỹ năng mà thợ tráng men cần phải nắm bắt đó là cách tạo ra men có màu. Được bảo quản ở dạng bột, màu của men ở trạng thái ban đầu có thể khác nhiều với thành phẩm, làm tăng độ khó cho công đoạn sản xuất. Giám đốc của Donzé Cadrans (Một công ty quy mô nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng, Donzé Cadrans chuyên tạo ra mặt số tráng men của đồng hồ cao cấp) từng chia sẻ với The New York Times rằng có tới 75% mặt số của họ bị loại bỏ do không hoàn hảo.

Bởi những thách thức không nhỏ, chỉ có một số nhỏ trong quá khứ được xem là bậc thầy tráng men. Từ thế kỷ 18 đến 19, chúng ta có Jean-Abraham Lissignol (1749-1819), Jean Louis Richter (1766-1841), Jean-François-Victor Dupont (1785-1863), Charles-Louis-François Glardon (1825-1887). Bước sang thế kỷ 20, chúng ta có những cái tên như Marthe Leclerc (1880-1973), Marthe Bischoff (1900-1991), Hélène May Mercier (1910-1996), Nelly Richard (1910-1998), và Suzanne Rohr (năm mất 1939). Phần lớn những tác phẩm men của các nghệ nhân đều có dấu hiệu cho biết nguồn gốc của chúng.

Một ví dụ cổ điển về mặt số cloissoné từ Patek Philippe, nguồn ảnh Phillips 

Ngày nay, còn rất ít thợ tráng men được xem là bậc thầy. Cũng như nhiều bộ kỹ năng chuyên môn cao trong thế giới đồng hồ, những kỹ năng liên quan đến tráng men ngày càng khó nắm bắt hơn. Tuy nhiên, một số ít trong số họ vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như Jean và Lucie Genbrugge, những người có lẽ nổi tiếng nhất vì đã tưởng tượng và tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của chiếc Vacheron Constantin Mercator. Là một thợ đồng hồ và thợ tráng men tài năng, Jean cũng đã sản xuất cơ chế retrograde kép, tạo ra những mẫu đồng hồ hết sức giới hạn.

Anita Porchet cũng là một trong những cái tên nổi tiếng hơn trong danh sách những người thợ tráng men bậc thầy ngày nay, đã tạo ra các tác phẩm cho Patek Philippe, Vacheron Constantin, Piaget, Fabergé, cũng như rất nhiều hãng khác. Sinh ra ở La Chaux-de-Fonds, một trong những trung tâm chế tạo đồng hồ ở Thụy Sĩ, Anita Porchet thành thạo nhiều kỹ thuật như cloisonné, champlevé, plique-à-jour, email Grand Feu, paillonné và vẽ tranh men thu nhỏ. Năm 1994, Anita Porchet tự mở xưởng của mình. Tại đây, Anita Porchet có thể tận hưởng đam mê, tập trung sáng tạo và dành thời gian bồi đắp thế hệ nghệ nhân mới.

Bậc thầy tráng men Suzanne Rohr và một chiếc đồng hồ bỏ túi cho Patek Philippe mà cô đã hoàn thành, nguồn Robb Report và Christie's

Lược sử về men

Theo cuốn sách Le Cadran của Tiến sĩ Helmut Crott , đã trở thành tài liệu tham khảo về chủ đề này, chúng ta có thể thấy người Ai Cập và người Celt sử dụng phương pháp tráng men trong nhiều đồ tạo tác tôn giáo. Người ta cho rằng người Myceneans đã học được những kỹ thuật này vào khoảng năm 1425 đến 1300 trước Công nguyên. Rõ ràng, không có đồng hồ bỏ túi hoặc đồng hồ đeo tay để trang trí bằng men vào thời điểm này. Mãi đến đầu thế kỷ 17, chúng ta mới bắt đầu thấy đồng hồ bỏ túi sử dụng vật liệu tráng men.  

Một ví dụ hiện đại về công việc tráng men từ anOrdain, nguồn ảnh Time and Tide

Theo Crott, loại phổ biến nhất là champlevé. Các nhà sản xuất mặt số lấp đầy hoa văn bằng men đen và đôi khi là sáp đen. Phương pháp này cho kết quả khá đơn giản, tập trung vào độ bền hơn tính thẩm mỹ. Mãi cho đến khoảng năm 1650, chúng ta mới bắt đầu thấy các loại men mờ được sử dụng. Đó cũng là khoảng thời gian mà chúng ta thấy Jean Toutin bắt đầu sản xuất những bức chân dung thu nhỏ bằng men và điều này mở ra một “thời kỳ hoàng kim” cho những bức tranh tương tự trên đồng hồ bỏ túi. Thay vì mặt số, các bức tranh nghệ thuật này lại nằm ngoài vỏ đồng hồ, nơi những chủ nhân có thể khoe lên một cách dễ dàng tạo tác mà họ đang sở hữu mà không cần phải để lộ mặt số. 

Có một sự hồi sinh của mặt số tráng men, đặc biệt là cloisonné, vào khoảng giữa thế kỷ 20. Đây là một thời kỳ thú vị trong ngành chế tạo đồng hồ, khi công nghiệp hóa bắt đầu len lỏi nhưng chưa bùng nổ. Bởi vì đồng hồ đeo tay đã trở nên phổ biến hơn nên các thương hiệu đang tìm cách để trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Có khả năng tạo ra những chiếc đồng hồ có mặt số tráng men cloisonné chắc chắn là một cách để một nhà sản xuất có thể tạo nên sự khác biệt.

Một ví dụ điển hình của quan điểm này là những chiếc đồng hồ đeo tay được sản xuất từ ​​khoảng những năm 40 đến những năm 60, được tráng men cloisonné phức tạp. Một số nghệ nhân, như Marguerite Koch hay Nelly Richard, đã sản xuất các tác phẩm đầy tính nghệ thuật cho nhiều thương hiệu như Patek Philippe, Vacheron Constantin, Rolex và thậm chí cả Tissot. 

Mặt số tráng men cloisonné giữa thế kỷ từ Patek Philippe, Omega, Universal Geneve và Eska, nguồn Christies

Công chúng có thể nhận ra các tác phẩm này có nhiều điểm giống nhau về phong cách, màu sắc, chủ đề một phần là do số lượng thợ tráng men lành nghề làm việc vào thời điểm này còn hạn chế. Đồng hồ worldtimer Patek Philippe có lẽ là món đồ tráng men được biết đến nhiều nhất trong giai đoạn này. Đối với nhiều người, đây được coi là thời kỳ hoàng kim của công việc tráng men, tạo ra một số tác phẩm đầy mê hoặc mà giờ được giới sưu tầm ưa chuộng.

Mặt số tráng men vẫn đang được sản xuất cho đến ngày nay, là một tác phẩm được thực hiện thủ công. Phần lớn, mặt số tráng men sẽ xuất hiện trong các mẫu đồng hồ được sản xuất với số lượng hạn chế. 

Jean và Lucie Genbrugge là một trong số ít những bậc thầy tráng men bậc thầy, vẫn còn duy trì công việc cho đến ngày nay. Sau khi học chế tạo đồng hồ ở Bỉ, Jean đi trên con đường độc lập của riêng mình vào năm 1971, bắt đầu phục chế đồng hồ cổ điển và máy tự động, giống như nhiều người khác. “Những món đồ tôi được giao thường có mặt số tráng men và đồ trang trí bị hư hỏng nặng. Kết quả là tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu để có thể khôi phục lại những lớp men này”, là những gì Jean từng chia sẻ.

Công việc của Jean và Lucie Genbrugge là tạo ra các nguyên mẫu và sản phẩm độc nhất cho các thương hiệu, chẳng hạn như phiên bản Mercator hoặc Grand Feu của Copernicus, cả hai đều dành cho Vacheron Constantin. “Đó là một mặt số ba phần, với nhiều bức tranh thu nhỏ và chữ viết thu nhỏ,” Genburgge nói về mặt số Copernicus do mình thực hiện. “Trái đất có hình vòm, đường kính 5,8 mm, nhưng vẫn bao gồm một số chi tiết. Các cung hoàng đạo có rất nhiều chi tiết là một thách thức trong công đoạn vẽ và tô màu.” Kết hợp bức tranh tráng men thu nhỏ với champlevé trên một tấm nhỏ 5,8mm là một kỳ công ấn tượng. 

Hai mặt số được tạo bởi Jean Genbrugge, Copernicus và Mercator, cả hai đều dành cho Vacheron Constantin, nguồn Antiquorum

Thật thú vị, Vacheron Constantin Mercator thực sự là sản phẩm trí tuệ của chính Jean Genbrugge cùng với vợ. Là một người rất ngưỡng mộ Gerardus Mercator, một nhà địa lý và vẽ bản đồ đầu tiên, Genbrugge đã chọn cách tạo ra một chiếc đồng hồ đeo tay để tôn vinh di sản của ông. Jean Genbrugge đã tiếp cận Claude-Daniel Proellochs, Giám đốc điều hành của Vacheron Constantin vào thời điểm đó để thể hiện ý tưởng. Ngay lập tức,  Claude-Daniel Proellochs cảm thấy bị thu hút bởi dự án mới, bắt đầu mối quan hệ lâu dài giữa hai bên: một là thợ đồng hồ và một là người điều hành thương hiệu. Có một số biến thể khác nhau của chiếc Vacheron Constantin Mercator đã được cung cấp, mô tả từng phần khác nhau của thế giới. Những chiếc đồng hồ có chữ ký bất thường trên mặt số “J&L Genbrugge" - một hành động hiếm gặp khi trong lịch sử các thương hiệu có thói quen giữ kín danh tiếng của những người thợ tráng men trong “bóng tối”.

Lewis Heath, người sáng lập anOrdain (nhà sản xuất đồng hồ mới nổi có trụ sở tại Scotland, chuyên cung cấp đồng hồ mặt số tráng men) đã chỉ ra có một số khác biệt lớn giữa mặt số được sản xuất trong giai đoạn hiện tại và mặt số từ chục năm trước, huống hồ là các mặt số từ thế kỷ 17 và 18. Có 2 điểm khác biệt chính giữa mặt số men hiện tại và trước đó.

Đầu tiên, thành phần của men trong từng giai đoạn buộc phải thay đổi. Heath cho biết: “Vào đầu những năm 90, có các quy định đã được ban hành để loại bỏ rất nhiều nguyên tố nguy hiểm khỏi men. “Kim loại nặng, asen và các thành phần khác làm cho men hoạt động tốt hơn, nhưng rõ ràng là tệ cho sức khỏe của thợ tráng men.” Những hạn chế mới này có nghĩa là công đoạn trước đây chỉ cần hai hoặc ba lớp men thì giờ đây có thể sẽ mất khoảng sáu lớp, khiến mặt số dày hơn. Theo Heath, vấn đề này được thấy rõ hơn trong các tác phẩm bằng men trắng.

Thiết bị tráng men của anOrdain

Điểm khác biệt lớn thứ hai là thiếu hụt kiến ​​thức chuyên môn cao, như đã xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác của ngành đồng hồ. “Về mặt tráng men, chúng ta đang ở trong Thời kỳ Tăm tối. Có những điều chỉ có thể làm được ở 40 hay 50 năm trước mà ngày nay không ai có thể làm được. Phần lớn liên quan đến cảm giác và kỹ thuật, những điều không thể viết trong sách, được truyền qua nhiều thế hệ". Như Genbrugge lưu ý: “chính đôi mắt và kinh nghiệm cho phép tôi biết khi nào nên lấy mặt số ra khỏi lửa. Mặt số đa sắc trong các tác phẩm của tôi sẽ được nung trung bình từ 30 đến 35 lần tùy thuộc vào màu men được sử dụng, với mỗi màu có nhiệt độ cụ thể của riêng nó.”

Một chiếc đồng hồ bỏ túi Audemars Piguet với bức tranh tiểu họa tráng men của Ni. Gi. Barna, theo bức tranh của Édouard Manet "Le Déjeuner sur l'herbe", nguồn Phillips

Đội ngũ tại anOrdain đã mất ba năm để sản xuất ra những mặt số tráng men có thể chấp nhận được. Điều này cho thấy, kiến ​​thức của họ đạt được thông qua kinh nghiệm chứ không thể chỉ rút ra từ lý thuyết. “Kể từ đó, chúng tôi đã tích cực cố gắng thu thập kiến ​​thức từ những người thợ tráng men và thợ điêu khắc trên khắp thế giới” Heath chia sẻ thêm. “Ban đầu là để chúng tôi tốt hơn, nhưng bây giờ, tôi thấy đó như một nghĩa vụ để bảo tồn tri thức. Chúng tôi (anOrdain) có ba cố vấn trong các năm qua, một người đã qua đời, rất đáng tiếng, và hai người còn lại có tổng số tuổi là 162.” (Bài viết năm 2021).  

Vào thế kỷ 21, công nghệ mới đã nâng cao hiệu quả của nghề tráng men. “Xét về hiệu quả sản xuất cao nhất, vào đầu những năm 1900 đến giữa những năm 1900, có sự kết hợp giữa công nghệ chà nhám và đánh bóng cơ giới hóa là bí quyết chính, được quan sát từ video cũ về các nhà máy sản xuất đồng hồ ở Hoa Kỳ sản xuất mặt số tráng men.” 

Mặt số tráng men cloisonné nhiều màu của Rolex

Các loại men

Có vô số loại hình nghệ thuật tráng men trên thế giới. Vì nghề thủ công này đã có từ rất lâu nên cũng có nhiều hình thức khác nhau trong những năm qua. Không phải tất cả chúng đều có thể áp dụng lên mặt số đồng hồ, tuy nhiên sự đa dạng vẫn thực ấn tượng.  

Grand Feu

Dịch theo nghĩa đen là “Lửa lớn”, đây là một trong những dạng tráng men được tìm kiếm nhiều nhất trong giới đồng hồ cổ điển. Tên gọi Grand Feu bắt nguồn từ ngọn lửa trong lò nung. Màn trình diễn ấn tượng này được tạo ra khi thợ tráng men dùng bình xịt cồn lên lớp bột men ngay khi đưa nó vào lò nung. Men Grand Feu đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ, trên nhiều vật dụng từ đồng hồ vỏ túi của Abraham-Louis Breguet đến những chiếc đồng hồ đeo tay hiện nay.

Bột tráng men phủ lên mặt số

Nghệ nhân tráng men sử dụng một tấm đồng hoặc bằng vàng có kích thước lớn hơn nhiều so với mặt số thành phẩm ở công đoạn cuối cùng. Sau khi được làm sạch kỹ lưỡng bằng nước rửa axit, để đảm bảo không có hạt bụi nào có thể làm nhiễm bẩn và gây ra lỗi cho lớp men, đĩa kim loại được rửa sạch với phần mép viền hơi cong lên để ngăn nước chảy ra khi men hóa lỏng trong lò.

Sau đó, một loại bột men trắng mịn được rắc đều khắp đĩa đồng, tạo nên một lớp giống như đường đóng băng trên một chiếc bánh. Đây là lúc bình xịt cồn đã nhắc ở trên phát huy tác dụng. Để di chuyển các đĩa này đến lò một cách an toàn, người ta phun một lớp sương cồn nhẹ lên chúng để áp suất không khí từ bàn hút bụi đến lò không làm xáo trộn bột mịn.

Khi đưa các đĩa kim loại vào lò, nhiệt độ không được thấp hơn 700°C, cồn sẽ bùng cháy. Các đĩa kim loại có men chỉ ở bên trong vài phút, và được lặp đi lặp lại từ 6 đến 8 lần, tùy thuộc vào độ dày của lớp men cần thiết, với mỗi lần phủ một lớp bột mới. Như Heath đã chỉ ra trước đó, trước khi các quy định được đưa ra, số lần nung thấp hơn nhiều. Được đặt trong lò ở nhiệt độ cao như vậy sẽ liên kết lớp tráng men với đĩa bên dưới khi nó hóa lỏng và cứng lại, giúp làm cho đây trở thành một trong những loại mặt số tráng men có tính chất bền hơn trong thị trường.

Với những loại men màu, phương pháp này cũng sẽ thay đổi. Nhiều loại men được sử dụng dưới dạng lỏng, không phải bột. 

Đối với các dấu hiệu trên mặt số, chẳng hạn như chữ ký hoặc cọc số theo truyền thống là được vẽ bằng tay, nhưng bây giờ, nhiều khả năng nó được thực hiện thông qua công nghệ in miếng, được gọi là décalque . Đối với điều này, men được trộn với dầu và nung trong lò sau khi mỗi màu được đóng dấu. 

Mặt số sau đó được cắt giảm kích thước. Lỗ tại trung tâm cho bộ kim được tạo ra bởi một viên kim cương và sau đó được bôi trơn bằng nước. Quá trình này cũng rất có thể khiến cho mặt số bị sứt mẻ, nút lớn. Nếu có thêm mặt số phụ, chúng sẽ được đặt làm riêng và sau đó mới gắn vào mặt số chính.

Mỗi khi được đưa đĩa kim loại có men vào lò, sẽ có khả năng nứt vỡ xuất hiện. Và dĩ nhiên, bất kể khiếm khuyết là gì, chúng có thể sẽ bị loại vỏ. Và khi ra khỏi lò nung, không có cách nào để sửa chữa trong quá trình sử dụng. Bởi vậy, dù có được tái tạo, những mặt số thay thế không bao giờ giống hệt như bản gốc. Điều đó có nghĩa là, thực tế là màu men không bị lão hóa hoặc xỉn màu như kim loại hoặc lume, vì vậy mặt số thay thế có thể trông rất giống với mặt số được sản xuất vào thế kỷ 17, mặc dù không bao giờ là sự thay thế hoàn hảo .

Flinqué

Trong khi men được xem là cốt lõi trong thời gian dài, sau đó điều này được thay đổi. Với Flinqué, các nghệ nhân có thể thể hiện sự sáng tạo của mình một cách phức tạp và đầy tính nghệ thuật. Rất nhiều nghệ nhân, thương hiệu đã áp dụng Flinqué cho những đứa con tinh thần của mình, ví như Kari Voutilainen và Cartier.

Sự kết hợp của hai kỹ thuật cổ điển này tạo ra những mặt số có chiều sâu và đầy tính nghệ thuật không thể sao chép. Người thợ thủ công sử dụng máy tiện để tạo ra hoa văn trên tấm đĩa nền bằng kim loại. Sau đó, họ thêm vào lớp men màu dạng lỏng, không sử dụng bột.

Điều này dẫn đến yêu cầu là cần nung trong lò nhiều lần hơn. Mỗi một lần đưa vào lò nung là cần thêm vào một lớp men lỏng. Một điều phức tạp nữa là nếu lớp men bị nứt hoặc tạo ra bong bóng trong quá trình này, thì công việc của người thợ chạm khắc mặt số trước đó sẽ trở nên dư thừa. Lớp men không thể cạo đi để làm lại từ đầu. Mặc dù các phương pháp xử lý màu khác có thể được thêm vào mặt số guilloché, chẳng hạn như lớp phủ xanh lam hoặc PVD, nhưng không có gì mang lại hiệu quả tương tự như flinqué. Lớp men bắt được các sắc thái khác nhau nhờ kết cấu phức tạp nằm bên dưới.

Champlevé

Thường được thực hiện với men màu, phương pháp này kết hợp hai công việc giữa chạm khắc và tráng men. Lần này, thợ chạm khắc sẽ tạo ra hoa văn mà thợ tráng men sẽ điền vào những khoang trống. Người nghệ sẽ để lại phần kim loại nhô lên, làm đường viền, sẽ tạo ra tính tương phản cho cả bức “tiểu họa" bằng men. Giống như với flinqué, men được quét lên dưới dạng chất lỏng và được xếp lớp sau nhiều lần đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao.

Thật thú vị, kỹ thuật này có thể đã có từ thế kỷ 11 và 12, và sử dụng rộng rãi trên khắp châu Âu. Điểm nhấn thực sự trong phương pháp này nằm ở bàn tay của người thợ chạm khắc, đảm bảo rằng tất cả các lỗ hổng tạo ra cho lớp men đều có độ sâu chính xác và các bức tường ngăn cách từng phần riêng lẻ đều chắc chắn và có chiều cao đồng đều. Bất kỳ sự khác biệt nào ở đây đều có thể làm hỏng thiết kế và gây ra các vấn đề với lớp men, sủi bọt hoặc nứt vỡ.

Cloisonné

Có thể là một trong những phương pháp thách thức kỹ thuật nhất trong tất cả các phương pháp được đề cập cho đến nay, mặt số cloisonné cũng góp phần tạo một số thiết kế phức tạp nhất. Cloisonné và champlevé có nhiều điểm tương đồng. Sự khác biệt nằm ở nơi tráng men. Với mặt số cloisonné, không có công đoạn khắc. Thay vào đó, nghệ nhân sử dụng dây kim loại mỏng, bằng vàng và tạo thành từng viền, như những nét vẽ.

Có lẽ nổi tiếng nhất là những chiếc đồng hồ do Rolex, Patek Philippe và Vacheron Constantin sản xuất trong những năm ngay sau Thế chiến thứ hai. Đồng hồ mặt số cloisonné đã ngự trị nhiều trái tim các nhà sưu tập. Có những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ mô tả về các loài thú thần thoại, về bản đồ của nhiều nơi trên thế giới, đồng hồ mặt số cloisonné đôi khi còn mang giá trị tinh thần. Một trong những chiếc đồng hồ có xuất xứ ngạo nghễ là “Victory Watch” được tặng cho Winston Churchill khi Chiến tranh kết thúc. Hay mẫu Worldtimer do Louis Cottier và Agassiz chế tạo, mô tả Thánh George giết Rồng trên mặt số  ở chính giữa.

Mặc dù có thể là một trong những cách tốn thời gian và phức tạp nhất để sản xuất mặt số tráng men màu, nhưng cloisonné cũng là một trong những cách lâu đời nhất, với các kỹ thuật tương tự như kỹ thuật đã được biết thấy từ thời Công nguyên. 

Tất nhiên, bên trên không phải là những loại mặt số tráng men duy nhất được sản xuất, còn có nhiều loại khác như bức tranh thu nhỏ, grisaille, plique-à-jour, v.v. Nếu không xuất bản một cuốn sách có chiều sâu so sánh và tính kỹ thuật như Le Cadrans của Tiến sĩ Helmut Crott, thì không thể nào đi qua hết được. 

Kết

Thế giới của mặt số tráng men là một thế giới đã mê hoặc nhiều tín đồ trong nhiều năm. Có thể tạo ra những hình ảnh phức tạp như vậy thông qua việc sử dụng nhiệt độ cao ngoài sức tưởng tượng - Genbrugger nói rằng ông có thể nung silica tinh khiết ở nhiệt độ 1400°C để thu được silicat của riêng mình - thật khó tin khi nghĩ rằng các sản phẩm cuối cùng trông tinh tế đến mức nào. Một điều đã được làm rõ trong bài viết này là bí quyết xung quanh ngành làm mặt số men đang dần bị thu hẹp. Khi truyền thống là thợ thủ công nhận một hoặc hai người học việc cùng một lúc, đã được thay thế bằng hệ thống giáo dục thực tế hơn gồm các trường cao đẳng và học viện, kỹ thuật tráng men tinh xảo dường như đã bị mai một.

May mắn thay, vẫn còn một số người ngoài kia, chẳng hạn như Jean và Lucie Genbrugge, những người thợ thủ công tại anOrdain và một số người khác, vẫn đang cố gắng hết sức để giữ cho nghề thủ công này tồn tại đến ngày nay. Khi sự đánh giá cao đối với các tác phẩm cổ điển còn sót lại trên thị trường ngày càng tăng, người ta hy vọng rằng ngày nay sẽ có nhiều sự chú ý hơn đến những người làm công việc tương tự, cho phép họ duy trì kiến ​​thức cần thiết để giữ cho nghề thủ công cổ xưa này tồn tại.

Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet
Đồng hồ Patek Philippe
Đồng hồ Rolex
Zalo