Những nâng cấp quan trọng của mẫu đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak Chronograph 26331
Trong thời điểm hiện tại, bộ sưu tập Royal Oak chắc chắn là xương sống của thương hiệu Audemars Piguet, gánh vác cả cái tên này trên vai. Được ra đời từ năm 1972, tính tới nay, thiết kế của ngài Gerald Genta đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ. Trong suốt quãng thời gian đó, thương hiệu gạo cội này đã giới thiệu cho chúng ta biết bao thiết kế, biết bao tính năng, nhưng nổi bật nhất và quen thuộc nhất có lẽ vẫn là Chronograph.
Chiếc Royal Oak Chronograph đầu tiên mang mã hiệu 25860 xuất hiện vào năm 1998, 26 năm sau khi chiếc Royal Oak đầu tiên ra đời. Trước đó, Audemars Piguet đã giới thiệu tính năng Chronograph trên dòng Royal Oak Offshore – một phiên bản to lớn hơn, hầm hố hơn so với Royal Oak. Mặc dù có điểm tương đồng lớn trên cái tên, nhưng Royal Oak và Royal Oak Offshore lại nhằm vào đối tượng khách hàng hoàn toàn khác biệt.
Chiếc Royal Oak Chronograph 25860 được ra đời nhằm làm mờ khoảng cách đó. Với tính năng Chronograph, chiếc Royal Oak trở nên phức tạp hơn, thể thao hơn, phần nào thay đổi quan điểm của người chơi. Mặc dù được phân loại vào dòng thể thao, nhưng thật sự trước giờ người chơi chỉ tập trung vào sự sang trọng và tinh xảo của Royal Oak – ít người coi đây là một chiếc “Tool Watch” để đi chơi xô bồ, thoải mái như Submariner hay các dòng tương tự của Rolex.
Từ phiên bản 25860, dòng Royal Oak Chronograph đã có nhiều bước cải tiến lớn, với các mã hiệu tiêu biểu như 26300, 26320 và phiên bản 26331 hiện tại. Trong bài viết này, Gia Bảo Luxury sẽ không đi quá sâu vào những phiên bản Royal Oak Chronograph cũ, mà sẽ tập trung vào giới thiệu phiên bản 26331 cùng phân tích sự khác biệt giữa 26331 và người tiền nhiệm – 26320.
Phiên bản 26320 được giới thiệu vào năm 2012, là một sự thay đổi lớn của dòng Royal Oak Chronograph. Với 26320, đường kính vỏ đồng hồ được tăng lên 41mm thay vì 39mm như trước đây. Bên cạnh kích thước, nhiều chi tiết trên mặt số cũng được thay đổi cho phù hợp hơn.
Chỉ 5 năm sau khi giới thiệu 26320, Audemars Piguet tiếp tục ra phiên bản 26331 với một số cải tiến mới. Chúng ta vẫn có kích thước 41mm như người tiền nhiệm, nhưng sự khác biệt đến từ các chi tiết trên mặt số đồng hồ.
Điểm đầu tiên và rõ ràng nhất nằm ở các mặt số phụ phục vụ tính năng Chronograph. Ai cũng có thể nhận ra rằng mặt số Chronograph của mẫu 26331 được tăng về kích thước, nổi bật hơn hẳn so với kim giây ở góc 6h. Hai mặt số phụ này cũng được thiết kế với tông màu khác, làm nổi bật hơn so với người tiền nhiệm.
Nói một cách đơn giản, mặt số phụ của các mẫu 26331 sẽ có màu trùng với màu kim loại chế tác bộ vỏ đồng hồ. Nếu chiếc đồng hồ có vỏ vàng hồng thì mặt số Chronograph sẽ có màu vàng hồng, còn nếu vỏ bằng thép thì mặt số Chronograph sẽ có màu xám bạc.
Điểm khác biệt thứ hai nằm ở cửa sổ ngày, nằm ở góc 4h30. Nếu như ở phiên bản 26320, cửa sổ ngày được đặt chính giữa vị trí 4 giờ và 5 giờ thì ở phiên bản 26331, cửa sổ ngày được đặt lệch về phía 5 giờ hơn. Sự thay đổi này liên quan tới chi tiết tôi đã nhắc tới ở trên: vì mặt số Chronograph được làm lớn hơn nên cửa sổ ngày cũng phải dời xuống một chút để nhường vị trí.
Một điểm thay đổi khác ở cửa sổ ngày của phiên bản 26331 đó chính là font chữ. Font chữ trên phiên bản 26320 có vẻ tròn trịa hơn so với phiên bản 26331 và được nhiều người ưa thích hơn. Điểm khác biệt rõ ràng, dễ nhìn thấy nhất trong hai font chữ này nằm ở số 1: phiên bản 26320 có số 1 thẳng, còn 26331 có thêm một nét móc nữa.
Ngoài hai điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở trên, bộ kim que và cọc số của phiên bản 26331 cũng được làm lớn hơn, rõ ràng hơn. Với diện tích lớn hơn, tất nhiên Audemars Piguet có thể dùng được nhiều chất phát quang hơn và từ đó chiếc đồng hồ cũng dễ quan sát hơn trong bóng tối. Logo AP của thương hiệu ở góc 12h cũng được làm lớn hơn, nổi bật hơn.
Ngoài những chi tiết trên, phần lớn thiết kế của dòng Royal Oak vẫn được giữ nguyên. Mặt số vẫn được hoàn thiện bởi những đường vân Grande Tapisserie truyền thống. Đó là sự kết hợp của những họa tiết hình vuông nổi trên những đường rãnh. Với thiết kế này, mặt số có thêm nhiều góc cạnh và từ đó phản chiếu ánh sáng theo một cách khác biệt hơn so với mặt số phẳng truyền thống.
Một thông tin nhỏ cần lưu ý đó chính là mặt số Grande Tapisserie tới giờ vẫn được làm bởi một cỗ máy truyền thống mang tên Pantograph – Máy vẽ truyền. Cỗ máy này sẽ lấy nguyên mẫu là một “mặt số” to bằng cái mâm, sau đó chuyển đúng từng chi tiết qua mặt số thực có kích thước chỉ vài chục milimet. Trong thời điểm công nghệ phát triển, nhà nhà dùng máy cắt laser như hiện nay, việc sử dụng một cỗ máy hàng trăm năm tuổi như Audemars Piguet thật sự không nhiều.
Nằm ở phía trên, có nhiệm vụ bảo vệ mặt số là lớp kính Sapphire, được cố định bởi vành bezel bát giác kinh điển. Trên đó, chúng ta vẫn có 8 chiếc chốt được thiết kế giống như đinh vít, đánh lừa biết bao người chơi không chuyên. Thiết kế Royal Oak từ xưa đến nay gần như vẫn được giữ nguyên, và là biểu tượng cho cả một ngành công nghiệp đồng hồ.
Bộ vỏ của Royal Oak cũng là một tác phẩm nghệ thuật, từ khâu thiết kế cho tới khâu hoàn thiện. Toàn bộ bề mặt được chải xước hoàn hảo, đan xen với những góc cạnh được đánh bóng. Không chỉ trên những bề mặt lớn, cả núm chỉnh giờ và đinh ốc bảo vệ nút bấm Chronograph cũng được chải xước, tạo nên một tổng thể thống nhất.
Với các dòng đồng hồ khác, thứ khiến họ chú ý đầu tiên có thể là bộ vỏ hay mặt số. Nhưng với Royal Oak, thứ đầu tiên thu hút ánh nhìn đó chính là bộ dây. Một bộ dây kim loại cứng cáp nhưng vẫn đủ sự linh hoạt cần thiết trên cổ tay. Khi tháo chiếc đồng hồ ra khỏi cổ tay, bạn hoàn toàn có thể đặt nó lên bàn mà nó vẫn sẽ đứng một cách hiên ngang. Nói một cách dễ hiểu, dây của Royal Oak có cả tính chất mạnh mẽ như dây Oyster và linh hoạt như dây Jubilee của Rolex.
Bộ dây nguyên bản của mẫu đồng hồ này được thiết kế bởi công ty Gay Freres (Sau này đã được thâu tóm bởi Rolex) và thiết kế đó vẫn được giữ nguyên tới ngày nay. Đây quả thật là một thành tựu về công nghệ đồng hồ: tất cả các mắt dây đều có kích thước khác nhau, được vát dần từ tai càng cho tới khóa dây. Tất cả những mắt dây đó đều được chải xước thủ công và đánh bóng từng góc cạnh. Thiết kế này thật sự bắt sáng, nhưng lại không quá nổi bật như mắt dây giữa của dây Rolex Oyster.
Thân vỏ đồng hồ được kết nối trực tiếp với bộ dây, với tai càng được gập chéo một góc 45 độ. Nếu nhìn từ trên xuống, bộ vỏ của mẫu Royal Oak không có một đường nét trồi thụt, tất cả các cạnh đều được thiết kế song song. Vì lẽ đó, nhiều người nói rằng bạn phải có cổ tay phù hợp thì mới đeo được Royal Oak, chứ Royal Oak không cần phải phù hợp với bạn. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói phóng đại, chứ phần lớn mọi người đều đeo mẫu đồng hồ này một cách khá thoải mái, không có nhiều vấn đề cho lắm.
Bên trong chiếc Royal Oak Chronograph 26331 là bộ máy 2385, vốn dựa trên nền máy 1185 của Frederic Piguet. Theo như giấy tờ, tất cả các mẫu Royal Oak Chronograph đều sử dụng máy này, kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 1997. Tuy nhiên, theo thời gian thì Audemars Piguet cũng đã cập nhật thêm nhiều cải tiến về mặt công nghệ, khiến cho bộ máy bền bỉ hơn, chính xác hơn.
Bộ máy 1185 của Frederic Piguet được ra mắt vào thập niên 80 của thế kỷ trước, và theo thời gian đã chứng minh được chất lượng của mình. Tới thời điểm hiện tại, bộ máy này vẫn được sử dụng bên trong các mẫu đồng hồ như Vacheron Constantin Overseas Chronograph hay Blancpain Marine Chronograph. Frederic Piguet hiện nay đã thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn SWATCH, chuyên phục vụ những thương hiệu cao cấp của tập đoàn. Bên cạnh đó, họ vẫn là đối tác của các thương hiệu bên ngoài như Audemars Piguet hay Vacheron Constantin.
Tới thời điểm hiện tại, Audemars Piguet đã cho ra mắt không dưới 11 phiên bản dành cho dòng Royal Oak Chronograph 41mm, cùng với mẫu Royal Oak Chronograph 38mm mới được giới thiệu vào năm 2019 vừa qua. Trong những phiên bản này, bạn thích thiết kế nào nhất? Hãy nói cho Gia Bảo Luxury biết nhé!