Những ngày đầu tiên của tổ chức dành cho những thợ đồng hồ độc lập - AHCI
Ngành chế tạo đồng hồ độc lập gần đây đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng. Những cái tên như François-Paul Journe, Kari Voutilainen và Vianney Halter,... liên tục được nhắc đến và xuất hiện thường xuyên trong các cuộc đấu giá lớn. Tuy nhiên, nếu quay trở lại năm 1985, đó quả thực là một điều ít ai nghĩ đến.
Vào thời điểm năm 1985, đồng hồ quartz chính là bá chủ trong ngành và những nhà sản xuất đồng hồ theo đuổi chế tạo đồng hồ phức tạp, truyền thống đôi khi còn bị xem là lỗi thời. Thế nhưng, vào thời điểm này hai người đàn ông: Vincent Calabrese và Svend Andersen đã bắt tay thành lập một tổ chức chung có mục tiêu quảng cáo những sản phẩm do chính họ và cả những tác phẩm của các thợ đồng hồ độc lập khác tạo ra.
Có tên gọi là Académie Horlogère des Créateurs Indépendants - hay gọi tắt là “AHCI” - tổ chức này hiện đã phát triển một cách mạnh mẽ với những tên tuổi đáng kính. Không chỉ có thành viên là các thợ đồng hồ độc lập tại châu Âu, AHCI cũng có các thành viên là các thợ độc lập đến từ châu Á. Nhiều trong số đó ngày nay được xem là những ngôi sao thực sự của ngành chế tạo đồng hồ thời hiện đại.
Gian hàng AHCI tại hội chợ đồng hồ Basel đầu tiên vào năm 1987
AHCI là một bệ phóng đúng nghĩa. Nó giúp cho các thành viên như François-Paul Journe, Kari Voutilainen, Philippe Dufour, Konstantin Chaykin,... tiếp cận đến nhiều khách hàng và được biết đến nhiều như ngày hôm nay.
Ngày nay, chúng ta có thể tìm kiếm chữ “Independent Watchmaker" hay “Independent Watchmaking" cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm trên Google, nhưng trước năm 1985, đó quả thật là một thuật ngữ chưa từng phổ biến đến như vậy. Khi kể về những ngày đầu tiên AHCI được thành lập, Bernhard Lederer, một thợ đồng hồ độc lập lâu đời và là thành viên ủy ban AHCI vẫn còn nhớ rất rõ.
Hai trong số những nhân vật nổi tiếng nhất trong AHCI, Kari Voutilainen (người thứ hai từ phải sang) và Philippe Dufour (người thứ hai từ trái sang)
Lederer nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi biết đến việc thành lập AHCI từ một bài báo nhỏ trong một bản tin đồng hồ xuất bản năm 1985 bởi nhà báo đồng hồ người Đức Christian Pfeiffer Belli”.
“Ý tưởng đằng sau sự thành lập của Học viện là hỗ trợ sắp xếp các cuộc triển lãm cho các nhà sản xuất độc lập nhằm giảm chi phí và cung cấp môi trường chung - vì vậy tôi đã viết thư cho Vincent Calabrese và Svend Andersen, kèm theo một vài bức ảnh về tác phẩm của tôi. Hai tuần sau tôi nhận được thư trả lời và tôi là một trong năm thành viên đầu tiên.”
Triển lãm AHCI ban đầu diễn ra tại Bảo tàng Le Locle, nhưng đến năm 1987, Học viện đã giành được một vị trí tại hội chợ đồng hồ Basel toàn cầu, một bước tiến đáng kể.
“Có tám người ban đầu và chúng tôi có một gian trưng bày rất cơ bản đặt tại tầng ba, nằm ngay phía cuối của toà nhà - điều này chứng tỏ rằng những người tổ chức hội chợ quan tâm rất ít đến những người thợ đồng hồ độc lập như chúng tôi! Nhưng chúng tôi đã ‘làm ầm’ lên một chút và cuối cùng một vài tấm bảng được đặt xung quanh tòa nhà để cho mọi người biết chúng tôi đang ở đâu và dần dần du khách đã đến.”
Lần xuất hiện đầu tiên tại Basel chắc chắn đã khiến AHCI được biết đến, nhưng cùng năm còn có sự kiện khác khiến AHCI được biết đến nhiều hơn. Người nghệ nhân George Daniels cũng trở thành một thành viên của tổ chức AHCI. Vốn là người đi đầu trong con đường khẳng định lại tầm quan trọng của việc chế tạo đồng hồ cơ, George Daniels còn là một người rất được kính trọng trong cộng đồng các nhà sưu tập quốc tế cao cấp.
Lederer nói: “Chúng tôi đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt dành riêng cho tác phẩm của George Daniels tại hội chợ Basel tiếp theo và sự hiện diện của anh ấy rất có ý nghĩa trong việc nâng cao danh tiếng của AHCI và khiến nó được biết đến nhiều hơn”.
Đồng hồ bỏ túi Space Traveller của George Daniels
“Dần dần, những người thợ đồng hồ chúng tôi từ chỗ bị coi là những tàn dư bụi bặm, không mấy quan trọng trở thành những người có thể mang lại tương lai cho ngành chế tạo đồng hồ cơ.”
Không ai tin vào điều đó hơn chính Vincent Calabrese. Sinh ra ở Naples vào năm 1944, ông chuyển đến Thụy Sĩ vào năm 17 tuổi và tìm được công việc tại nhiều công ty đồng hồ khác nhau, điều này giúp ông xây dựng sự hiểu biết gần như đầy đủ về đồng hồ, điều đó, vào năm 1977, đã giúp ông tạo ra bộ máy baguette nổi tiếng của mình. Bộ máy đồng hồ này không chỉ sống sót trong lòng cơn bão đồng hồ quartz mà còn tạo ra tác động lớn: quy tắc về cấu trúc của một bộ máy cơ học đã được viết lại. Nhiều thương hiệu đã muốn sở hữu bộ máy của Vincent Calabrese, nhưng ông đã chọn Corum. Nó chính là tiền thân của Golden Bridge biểu tượng ngày hôm nay.
Vincent Calabrese chia sẻ: “Trở lại năm 1985, thực sự không có điều gì đặc biệt khiến các nhà sưu tập đồng hồ phải hào hứng”. “Hầu hết, đồng hồ đều là những mẫu ba kim kiểu cũ - thực sự ít nhiều là những mặt hàng tiện ích - và vì vậy, có vẻ như đã đến lúc phải làm điều gì đó để thúc đẩy sự trở lại của ngành chế tạo đồng hồ thực sự”.
Blancpain Tourbillon, dựa trên thiết kế lệch tâm của Vincent Calabrese, ảnh Europastar cung cấp
“Hồi đó, thuật ngữ ‘độc lập’ không tồn tại trong thế giới của chúng tôi nhưng tôi quyết định đưa nó vào tên của tổ chức để đảm bảo rằng những người thợ đồng hồ thực sự độc lập nổi bật so với những người làm việc cho các thương hiệu lớn”.
“Vào thời điểm thành viên của chúng tôi bao gồm những người như Franck Muller và Giulio Papi, một số thương hiệu mà tôi gọi là ‘nhà máy’ nhận ra rằng họ có thể nhờ chúng tôi thiết kế và chế tạo những chiếc đồng hồ phức tạp hơn những gì họ có khả năng sản xuất.
Tuy nhiên, theo thời gian, với cỗ máy sản xuất ngày càng lớn hơn và các chương trình máy tính thông minh hơn xuất hiện, nhiều thương hiệu đã có thể phát triển những sản phẩm phức tạp, thu hút sự chú ý của báo chí và thúc đẩy tăng trưởng các công ty.”
Bên trong xưởng của Svend Andersen tự hào trưng bày ảnh các thành viên của AHCI vào thời điểm đó
Calabrese nói: “Bây giờ, tôi nghĩ rằng yếu tố ‘authenticity’ đang quay trở lại bởi vì mọi người có thể thấy hầu hết mọi nhà sản xuất đều có thể tạo ra một chiếc đồng hồ đặc biệt bằng cách tận dụng công nghệ và vật liệu mới nhất - và điều đó có nghĩa là những người độc lập thực sự được coi là nghệ sĩ”. Bởi vì chúng tôi làm việc một mình, thường tạo ra những thiết kế và cơ chế của riêng mình nên chúng tôi được coi là những nhà chế tạo thực sự.
“Ngày càng có nhiều người tìm kiếm yếu tố ‘authenticity’ và tôi nghĩ đó là những gì các nhà sản xuất độc lập đáp ứng được và đó là lý do tại sao công việc của chúng tôi ngày một biết đến nhiều hơn. Tôi so sánh những gì chúng tôi làm và những gì các thương hiệu tên tuổi làm chính là sự khác biệt giữa hội họa và nhiếp ảnh.”
Một người chắc chắn đồng ý với quan điểm đó là nhà sản xuất độc lập Kari Voutilainen, một trong số các thành viên AHCI đã giành được những giải thưởng đáng mơ ước tại Grand Prix de Haute Horlogerie (GPHG) hàng năm.
Chàng trai trẻ Svend Andersen đang cầm một trong những sáng tạo trước đó của mình, chiếc đồng hồ hình chai đầu tiên.
Kari Voutilainen giải thích: “Tôi đã đến với triển lãm của AHCI lần đầu tiên vào năm 2005, gần bốn năm sau khi tôi hoàn toàn độc lập”.
“Học viện đã mang đến một cơ hội duy nhất để làm quen với các thợ đồng hồ khác và các cuộc triển lãm mà học viện tổ chức ở Châu Âu và đặc biệt là Châu Á [nơi AHCI lần đầu tiên tổ chức một buổi trình diễn vào năm 1990] luôn là nơi tuyệt vời để tạo mối liên hệ cá nhân lẫn thương mại lẫn với các nhà sưu tập.
Một trong những chiếc đồng hồ đầu tiên được FP Journe chế tạo sau khi thành lập thương hiệu của mình, Souscription Tourbillon
Trên thực tế, tôi có thể nói rằng trong những sự kiện triển lãm/hội chợ, AHCI có sức hút riêng đối với những người đam mê thực sự, bởi tại đây, bạn có thể gặp gỡ và trò chuyện riêng với những người đã tạo ra những chiếc đồng hồ mà họ yêu thích và ngưỡng mộ, để xem những tác phẩm đặc biệt về mặt kỹ thuật,... - tất cả những điều đơn giản là không xảy ra với những thương hiệu lớn hơn, nơi mà những người lắp ráp đồng hồ hiếm khi được nhìn thấy.”
Voutilainen không tin rằng AHCI sẽ đạt được thành công tương tự nếu nó được thành lập trong thời đại Internet khi thông tin luôn sẵn có. Bởi vậy quyết định và sự kiên trì của Vincent Calabrese và Svend Andersen vào năm 1985 quả thực đã tạo ra kết quả mà không ai tưởng tượng được. Những đóng góp quan trọng của cả hai luôn được đánh giá cao và ghi nhận ở nhiều nơi. Thậm chí, tại lễ trao giải GPHG 2023, hai nghệ nhân Vincent Calabrese và Svend Andersen vinh dự được xướng tên trong giải thưởng Special Jury Prize vì đã thành lập tổ chức AHCI. Đây là một lời sự công nhận được biết đến rộng rãi và ảnh hưởng dành cho cả hai.