Nội chiến Chronograph nhà Patek Philippe: 5905P và 5170P

Nội chiến Chronograph nhà Patek Philippe: 5905P và 5170P

16/12/2019
Review
Đồng hồ Patek Philippe

Nhắc tới Patek Philippe, thường người ta sẽ nghĩ tới tính năng Lịch (Thường niên và Vạn niên), đơn giản bởi vì họ là những người tiên phong trong lĩnh vực này. Nhưng không chỉ có vậy, Chronograph cũng là một lĩnh vực nổi trội của Patek, với rất nhiều những mẫu đồng hồ đặc biệt, với nhiều phong cách thiết kế khác nhau. Trong bài viết này, Gia Bảo Luxury sẽ gửi tới các bạn hai mẫu đồng hồ Chronograph ấn tượng của thương hiệu Patek Philippe: 5170P và 5905P.

Chỉ cần nhìn vào cái tên, hẳn những người chơi đồng hồ cũng biết rằng cả hai mẫu Patek Philippe được giới thiệu trong bài viết này đều được chế tác từ chất liệu Platinum quý giá. Tất nhiên, mỗi mẫu đồng hồ sẽ mang một phong cách riêng, một thiết kế riêng mà chúng tôi sẽ phân tích ngay ở phần dưới đây.

Khác biệt nổi trội nhất giữa hai chiếc đồng hồ 5170P và 5905P nằm ở kích thước vỏ. 2,5mm có lẽ không phải là một con số lớn, nhưng trong thế giới đồng hồ thì 2,5mm lại tạo nên sự khác biệt đáng kể. Được thiết kế theo phong cách cổ điển, lấy cảm hứng từ những chiếc Chronograph của những năm 1940-1950, chiếc 5170P cũng sở hữu đường kính vỏ khiêm tốn hơn (39,5mm) so với chiếc 5905P (42mm).

Bên cạnh khác biệt về đường kính, độ dày của hai chiếc đồng hồ cũng có khác biệt lớn. Chiếc 5905P (14.5mm) dày hơn hẳn so với chiếc 5170P (10.5mm) vì hai lý do: vành bezel và thiết kế bộ máy. Vành bezel của mẫu 5170P được thiết kế phẳng theo phong cách cổ điển, trái ngược với thiết kế vát vào trong ấn tượng của chiếc 5905P. Với nhiều góc cạnh hơn, hẳn nhiên chiếc 5905P sẽ trở nên lấp lánh hơn khi đặt dưới nguồn sáng đủ mạnh. Còn về cơ cấu chuyển động, có lẽ chúng ta sẽ đề cập tới ở phần sau.

Tai càng nối dây cũng là một chi tiết cho thấy hai phong cách thiết kế khác biệt của 5170P và 5905P. Một bên là chiếc 5170P với những đường nét đơn giản, thanh lịch với những cạnh vát được hoàn thiện một cách tỉ mỉ; còn bên kia là chiếc 5905P với một đường khoét được đánh bóng một cách tinh vi và gây ấn tượng mạnh. Cả hai thiết kế đều cho chúng ta thấy được tinh hoa của nghệ thuật chế tác vỏ đồng hồ, mỗi bên đều có vẻ đẹp riêng và khách hàng chính là ban giám khảo quyết định rằng mẫu đồng hồ nào nổi trội hơn.

Như đã nói ở trên, hai mẫu đồng hồ có thiết kế bộ máy khác biệt, với những tính năng khác biệt. Điều này cũng được thể hiện qua những nút bấm nhỏ nằm dọc theo bộ vỏ của chiếc 5905P. Những nút bấm này giúp người dùng có thể điều chỉnh một cách nhanh chóng những chỉ thị lịch trên mặt số, với sự giúp đỡ của một chiếc bút chọc nhỏ. Tuy nhiên, cả hai chiếc 5170P và 5905P đều có một điểm chung nằm ở góc 6h: một viên kim cương nhỏ nằm ở giữa hai tai càng nối dây.

Hai mẫu đồng hồ Patek Philippe 5170P và 5905P có một số điểm chung nho nhỏ, nhưng quan trọng nhất là cả hai đều có cách sắp xếp mặt số đối xứng hoàn hảo. Bên cạnh đó, những mặt số phụ trên cả hai mẫu đồng hồ cũng đều được hoàn thiện theo phong cách truyền thống, với những đường vân tròn đồng tâm. Kim phút Chronograph được sơn trắng cũng là một điểm trùng lặp trên cả hai thiết kế này.

Ngoài những chi tiết đó, hai mẫu đồng hồ sở hữu hai phong cách khác biệt hoàn toàn – mỗi chiếc đều có một vẻ đẹp riêng. Với mẫu 5170P, chúng ta có mặt số xanh chuyển sắc qua đen trầm lắng, tạo sự tương phản với những cọc số kim cương Baguette quý giá. Còn với mẫu 5905P, chúng ta có thiết kế “Sector” – mặt số được phân thành từng vùng nhỏ, được ngăn cách bởi đường viền và những cọc số bằng vàng trắng nổi bật trên nền đen đơn sắc.

Chúng ta sẽ không đi quá sâu vào từng chi tiết trên mặt số của hai mẫu đồng hồ, mà thay vào đó sẽ tập trung hơn vào giá trị cốt lõi của hai thiết kế này: bộ máy cơ học. Một bên là máy lên cót tay Caliber 29-535 với 402 chi tiết (5170P), một bên là máy tự động Caliber 28-520 với 270 chi tiết (5905P), điều này hẳn cũng đã đủ để khiến một số người chơi đưa ra lựa chọn của mình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi sâu phân tích hơn một chút nữa.

Điều đầu tiên cần nhắc tới đó chính là sự tiện dụng: một chiếc đồng hồ lên cót tay chắc chắn sẽ cần được chăm sóc nhiều hơn, và điều này có thể khiến một số người không thực sự thích thú. Tuy nhiên, với nhiều người chơi đồng hồ, việc bỏ ra từ 30 giây cho tới 1 phút để chăm sóc cho chiếc đồng hồ yêu thích của mình là một việc hết sức đơn giản, và họ thậm chí còn thích cảm giác được vặn từng vòng cót cho chiếc đồng hồ.

Bên cạnh đó, máy lên cót tay cũng đồng nghĩa với việc không sử dụng rotor, và người chơi có thể quan sát bộ máy một cách rõ ràng hơn. Đặc biệt, với những mẫu đồng hồ cao cấp như thế này, bộ máy cơ học được trang trí như một tác phẩm nghệ thuật đích thực, và việc ngắm nhìn chúng hoạt động quả thật là một nhu cầu chính đáng. Bên cạnh đó, rotor cũng sẽ khiến cho bộ máy dày hơn, đóng góp vào tổng độ dày của chiếc đồng hồ.

Với chiếc 5905P, Patek Philippe sử dụng máy CH 28-520 IRM QA 24H với những công nghệ tiên tiến nhất áp dụng cho tính năng Chronograph. Chúng ta có bánh xe cột Column Wheel bảo đảm sự an toàn, khớp kích hoạt theo chiều dọc khiến tính năng Chronograph trơn tru mượt mà hơn và cơ chế Flyback giúp người dùng có thể dễ dàng khởi động lại việc bấm giờ. Tất cả những công nghệ này đem đến cho người dùng một cảm giác mượt mà, tiện dụng và thân thiện.

Không có tính năng Flyback như 5905P, nhưng bộ máy CH 29-535 PS của chiếc 5170P cũng có Column Wheel như người anh em của mình. Bên cạnh đó, Caliber CH 29-535 PS cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Patek Philippe, với tư cách là người kế nhiệm cho Caliber Calibre 27-70 PS (vốn được cải tiến từ máy Lemania). Điều này có nghĩa rằng Patek Philippe giờ không còn phải phụ thuộc vào một đơn vị chế tác máy nào nữa, mà họ có thể tự sản xuất trong xưởng chế tác của mình.

Bộ máy CH 29-535 PS của chiếc Patek Philippe 5170P sở hữu cơ chế khớp kích hoạt ngang, khác với khớp dọc của chiếc 5905P. Khớp ngang có thể không được ổn định như khớp dọc (do bánh răng Chronograph được di chuyển bằng đòn bẩy để kết nối với bánh răng kim giây), nhưng bù lại chúng ta sẽ có hiệu ứng hình ảnh thật sự bắt mắt, với chuyển động mang đậm tính chất cơ khí. Thêm vào đó, cơ chế Chronograph của chiếc 5170P còn được trang bị thêm cơ chế nhảy phút nhanh, với kim phút ở góc 3 giờ sẽ nhảy ngay lập tức khi kim Chronograph di chuyển qua mốc 12 giờ.

Bên cạnh những yếu tố ở trên, chúng ta còn một vấn đề quan trọng nhất khi chọn lựa một mẫu đồng hồ, đó chính là mức giá. Nếu xét về tính năng, hẳn mẫu 5905P sẽ có giá cao hơn so với mẫu 5170P. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng 5170P sở hữu bộ cọc số kim cương Baguette đắt giá, và điều này làm cho giá trị của mẫu đồng hồ này tăng lên nhiều. Theo mức giá niêm yết, mẫu 5170P có giá khoảng 85,000 USD, trong khi đó mẫu 5905P có giá 78,200 USD.

Nhận định từ tác giả:

Chiếc đồng hồ nào đáng mua hơn?

Hai chiếc đồng hồ đại diện cho 2 “Type” khách hàng khác nhau: 5170P thuộc khía cạnh người chơi, nhà sưu tầm đam mê nét đẹp cơ khí, am hiểu về đồng hồ, yêu thích việc chiêm ngưỡng cỗ máy 29-535 đậm chất “haute horlogerie” với độ hoàn thiện bậc thầy. Đối lập với Patek Philippe 5170P, Patek Philippe 5905P đại diện những người tiêu dùng thông minh yêu thích thương hiệu độc lập giàu truyền thống Patek Philippe, với lớp vỏ bắt mắt, chức năng Chronograph mạnh mẽ và đặc biệt là cỗ máy tự động 28-520 với thời lượng cót lên tới 65 giờ.

Đồng hồ Patek Philippe 5170P dáng vỏ thanh mảnh cùng đường kính 39,4mm thanh lịch hơn chiếc 5905P với dáng vỏ dày, khoẻ và đường kính 42mm.

Đồng Hồ Patek Philippe Complications 5170P

Nên mua chiếc đồng hồ nào để đầu tư cho tương lai?

Về giá trị đầu tư hiện nay, chiếc đồng hồ Patek Philippe 5170P với cọc số hạt kim cương Baguette đã dừng sản xuất vậy nên giá trên thị trường có tăng hơn thời điểm trước. Chiếc đồng hồ Patek Philippe 5905P còn tiếp tục sản xuất nên mức giá dao dịch trên thị trường trên dưới 58.000 USD tuỳ thuộc tình trạng (thời điểm tháng 12/2019).

Đồng Hồ Patek Philippe Complications 5905P

Tuy nhiên với Patek Philippe, lời khuyên của chúng tôi là bạn hãy mua chiếc đồng hồ bạn yêu thích và phù hợp, không nên coi nặng là một khoản đầu tư vì vấn đề này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như may mắn. Cuối quý 2 đầu quý 3 năm 2019 đã có 1 đợt sóng Patek Philippe Nautilius với mức giá tăng đột biến, sau đó giảm dần vào dịp cuối năm (dao động từ 10- 15% tuỳ từng model).

Hy vọng rằng với bài phân tích ở trên, các bạn đã có thêm những thông tin cần thiết về hai mẫu đồng hồ Patek Philippe 5170P và 5905P. Quý bạn đọc có suy nghĩ và cảm nhận gì về 2 chiếc đồng hồ này, cùng comment phía bên dưới bài viết nhé!

Giá bán tại Gia Bảo Luxury:

Review
Đồng hồ Patek Philippe
Zalo