Review đồng hồ IWC Pilot Chronograph Spitfire

Review đồng hồ IWC Pilot Chronograph Spitfire

12/03/2019
Review
Đồng hồ IWC

Một số thương hiệu đồng hồ sở hữu lịch sử gắn bó mật thiết với một lĩnh vực đặc biệt nào đó. Giả dụ như Omega gắn liền với Hàng không vũ trụ, TAG Heuer gắn liền với môn đua xe, còn với IWC thì là ngành hàng không. Vì lẽ đó, thương hiệu này cũng sở hữu rất nhiều thiết kế đồng hồ phi công nổi bật, trong đó có chiếc IWC Spitfire Chronograph hiện đang có mặt tại Gia Bảo Luxury.

Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu qua về đồng hồ phi công. Với cái tên như vậy, dòng đồng hồ này tất nhiên được thiết kế dành cho phi công, những người phải làm việc trong khoang lái máy bay chật hẹp và tối tăm (Tất nhiên đây chỉ là điều kiện từ đầu thế kỷ XX, khi dòng đồng hồ này ra đời). Để phù hợp với điều kiện như vậy, dòng đồng hồ này cần có một số đặc điểm tương ứng.

Đặc điểm đầu tiên đó chính là mặt số có độ tương phản cao, dễ quan sát, được quét chất phản quang nhiều, điều này sẽ giúp cho phi công có thể quan sát giờ một cách dễ dàng nhất. Và chúng ta có thể thấy rõ điều đó trên chiếc IWC Spitfire Chronograph này: mặt số màu đen xám tương phản hoàn toàn với cọc số và kim trắng. Còn trong điều kiện thiếu ánh sáng? Những cọc số lớn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình!

Cái tên Spitfire của bộ sưu tập này được lấy từ tên của mẫu máy bay chiến đấu Supermarine Spitfire, và hình ảnh chiếc máy bay này cũng được khắc ở mặt đáy chiếc đồng hồ. Không chỉ thế, trên thiết kế đồng hồ cũng có một số chi tiết lấy cảm hứng từ đồng hồ hiển thị bên trong buồng lái của chiếc Spitfire. 

Điểm làm nên sự khác biệt giữa bộ sưu tập Spitfire và các bộ sưu tập đồng hồ phi công khác của IWC chính là bộ cọc số. Mặt số của chiếc IWC Spitfire Chronograph được hoàn thiện rất kỳ công, với những cọc số được hoàn thiện thủ công, phủ chất phát quang và đính lên mặt số (thay vì sơn thẳng lên mặt số). Với thiết kế này, mặt số đồng hồ sẽ có chiều sâu hơn, và tất nhiên thu hút ánh mắt người nhìn hơn.

Bộ kim giờ và kim phút của chiếc IWC Spitfire Chronograph được lấy cảm hứng từ đồng hồ đo độ cao trên trong buồng lái của mẫu máy bay Supermarine Spitfire. Có thể kim phút có một chút thay đổi, nhưng chúng ta có thể thấy thiết kế kim giờ lấy hoàn toàn từ chiếc Spitfire.

Giống với những thiết kế Chronograph thông thường, trên mặt số của chiếc IWC Spitfire Chronograph cũng xuất hiện các mặt số phụ để phục vụ tính năng này. Chúng ta có 2 mặt số ở góc 12 giờ và 6 giờ, lần lượt chỉ số phút Chronograph và kim giây nhỏ. Ở góc 3 giờ, chúng ta có cửa sổ lịch ngày được thiết kế cách điệu, trông hiện đại và bắt mắt hơn.

Khác với những thiết kế cũ sử dụng bộ máy cải tiến từ máy ETA 7750, mẫu IWC Spitfire Chronograph sử dụng bộ máy Caliber 89365 được thiết kế và sản xuất in-house hoàn toàn bởi IWC. Với việc sử dụng bộ máy được thiết kế riêng, tất cả những tính năng của chiếc đồng hồ có thể dễ dàng được điều chỉnh và đem đến cho người dùng trải nghiệm hoàn hảo nhất.

Như đã nói ở trên, mặt đáy đồng hồ được thiết kế kín, được chạm khắc hình mẫu máy bay Supermarine Spitfire. Chính vì vậy, người dùng sẽ không thể nào quan sát được bộ máy Caliber 89365 đang hoạt động bên trong chiếc đồng hồ. Bộ máy này sở hữu 38 chân kính, hoạt động với tần số cơ bản 28,800 vph và có thời lượng cót lên tới 68 giờ. Thông thường, đồng hồ tự động sẽ có thời lượng cót khoảng 48 giờ, nhưng việc có tăng thời lượng cót bao giờ cũng sẽ khiến người dùng cảm thấy tiện dụng hơn.

Bao bọc bộ máy Caliber 89365 là lớp vỏ làm từ thép không gỉ với đường kính 43mm. Thông thường, đồng hồ phi công được biết đến với kích thước lớn quá khổ, nhưng chiếc IWC Spitfire Chronograph vẫn giữ được kích thước phù hợp để sử dụng. Núm chỉnh giờ được thiết kế lớn, giúp phi công có thể dễ dàng thao tác khi đeo găng tay (cũng trong điều kiện thời xưa).

Một số điểm thú vị khác của mẫu đồng hồ IWC Spitfire Chronograph nằm ở bộ dây làm từ thép không gỉ. Điểm đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy đó chính là bộ khóa được hoàn thiện rất tỉ mỉ: Phần trên được hoàn thiện chải xước, "nút bấm" IWC được đánh bóng, còn mặt dưới lại được hoàn thiện bởi những đường vân tròn Perlage.

Vậy nút bấm IWC có tác dụng gì? Khi bấm vào nút này, chúng ta có thể điều chỉnh được độ dài của dây đeo trong khoảng 1 mắt dây. Vấn đề thường gặp nhất với dây kim loại đó chính là kích thước bị cố định bởi các mắt dây, và người dùng có thể gặp trường hợp như sau: tháo một mắt thì chật, lắp một mắt lại rộng. Với cơ chế điều chỉnh thông minh này, IWC đã giúp người dùng giải quyết vấn đề đó một cách đơn giản và thuận tiện.

Điểm đặc biệt thứ hai trên bộ dây chính là cơ chế tháo mắt dây không cần công cụ đặc biệt. Với Rolex hay nhiều thương hiệu khác, chúng ta phải có những bộ tô vít nhỏ để vừa với những con ốc cố định mắt dây, còn IWC thì khác. Với cơ chế nút bấm tiện dụng, người dùng có thể dùng bất cứ thứ gì có đầu nhỏ một chút để mở mắt dây: đó có thể là que tăm, là đầu bút bi hay bất cứ thứ gì có kích thước tương tự.

Giá bán của chiếc đồng hồ tại Gia Bảo Luxury mời quý khách tham khảo tại đây:

Review
Đồng hồ IWC
Zalo