Review đồng hồ Omega Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm

Review đồng hồ Omega Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm

11/03/2019
Review
Đồng hồ Omega

Ở Việt Nam, có lẽ thương hiệu Omega chỉ đứng sau Rolex về độ nổi tiếng. Với chất lượng tuyệt hảo, thiết kế đẹp mắt và quan trọng nhất là mức giá dễ chịu, những mẫu Omega luôn là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho những người chơi đồng hồ. Trong số đó, nổi bật nhất chắc chắn phải là bộ sưu tập Speedmaster với lịch sử gắn liền với ngành hàng không vũ trụ và các chuyến du hành của NASA.

Omega Speedmaster là dòng đồng hồ duy nhất vượt qua được quá trình tuyển chọn khắt khe của NASA, nhằm tìm ra mẫu đồng hồ phù hợp dành cho các phi hành gia tham gia nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng. Nói một cách dễ hiểu, quá trình tuyển chọn này là một loạt các hành động "phá hoại" đồng hồ: từ đóng băng, làm nóng, va đập cho tới thử nghiệm chống từ, rung động tần số cao và cả tiếp xúc với sóng âm cường độ cao.

Ban đầu, Speedmaster được thiết kế cho các tay đua xe hơi, và cái tên Speedmaster cũng đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên, nhờ vào thành công với nhiệm vụ Apollo, cái tên Omega giờ đây đã gắn với công cuộc thám hiểm vũ trụ nói chung, và thám hiểm Mặt Trăng nói riêng. Điều này cũng được Omega tự hào tuyên bố trên mặt đáy của những chiếc Omega Speedmaster với dòng chữ: "The First Watch Worn On The Moon".

Chiếc Omega Speedmaster mà Gia Bảo Luxury muốn giới thiệu tới các bạn cũng được khắc dòng chữ đó trên mặt đáy. Mẫu đồng hồ này có tên đầy đủ là Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm, với mã hiệu 311.30.42.30.01.006. Đây là một thiết kế truyền thống với bộ máy lên cót tay Caliber 1863, bộ máy đã được sử dụng bởi phi hành gia Buzz Aldrin khi ông đặt chân lên Mặt Trăng (Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, nhưng ông để lại chiếc Omega Speedmaster của mình trên tàu).

Trước khi nói về chiếc đồng hồ, chúng ta phải nhắc tới bộ phụ kiện hoành tráng đi kèm trước. Nếu như Rolex bảo rằng hộp đồng hồ chỉ cần đơn giản, không cần cầu kỳ, thì Omega lại có suy nghĩ hoàn toàn khác. Bộ hộp của chiếc Omega Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm có kích thước khổng lồ, trông giống một chiếc cặp táp chứa những tài liệu tuyệt mật, và bên trong thì đầy phụ kiện thú vị. Bạn có thể quan sát video mở hộp của chúng tôi ở dưới đây.

Bỏ qua số phụ kiện đó, chúng ta sẽ tập trung nói đến chiếc đồng hồ Omega Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm. Đường kính 42mm không quá lớn, đi kèm với đó là càng nối dây 20mm phổ biến, rất dễ trong việc thay đổi qua lại các mẫu dây da hay dây cao su (đó là chưa kể tới hai bộ dây dán và dây NATO đi kèm với chiếc đồng hồ). Với một mẫu Chronograph, độ dày 13.5mm của chiếc Speedmaster này quả thật ấn tượng, và phần lớn độ dày là do sự đóng góp của hai mặt kính Sapphire phía trước và phía sau.

Càng nối dây của chiếc đồng hồ này được thiết kế cong ôm cổ tay, và được xử lý khá cầu kỳ. Bộ phận này được cắt thành ba mặt lớn, với mặt chéo và mặt trên được đánh bóng, còn mặt bên được chải xước. Không chỉ thế, mặt trên của càng nối dây được thiết kế hơi vát vào trong, thuôn dần về phía bộ dây kim loại.

Bộ dây kim loại ba mắt được thiết kế ấn tượng với phần lớn bề mặt được chải xước, nhưng có Nếu để ý kỹ hơn, hai đường viền này là hai mấu riêng biệt chứ không phải là cách phần được hoàn thiện khác nhau trên một mấu chung. Điều này có nghĩa là sao? Điều này có nghĩa rằng việc chế tác sẽ phức tạp và tốn công hơn rất nhiều, và cũng cho ta thấy Omega sẵn sàng bỏ nhiều công sức để đem tới cho khách hàng những chiếc đồng hồ hoàn hảo nhất.

Bộ núm chỉnh giờ và nút bấm được thiết kế đơn giản và dễ thao tác, được bảo vệ bởi thiết kế bất đối xứng trên vỏ đồng hồ. Bạn có thể thấy rằng nửa bên phải được thiết kế lớn hơn, với các phần nhô ra nhằm bảo vệ trục núm chỉnh giờ và nút bấm. Thiết kế này khác với những mẫu Speedmaster cổ điển hoặc thiết kế theo phong cách cổ điển như CK 2998, và bạn có thể thấy sự khác biệt qua hai hình ảnh dưới đây.

Mặt kính Sapphire phẳng nhô lên khỏi vành Tachymeter là một trong những đặc điểm khiến những người hâm mộ Speedmaster cổ điển không thích ở thiết kế này. Theo ý họ, mẫu Speedmaster nên dùng kính Hesalite (nhựa Mica) theo đúng như nguyên tác. Việc sử dụng kính Sapphire sẽ làm xuất hiện một vòng màu trắng sữa xung quanh mặt kính, không đẹp như mặt kính Hesalite vòm. Tuy nhiên, kính Sapphire lại có khả năng chống xước tốt hơn, giúp mặt kính luôn trong và mới hơn dù đã qua sử dụng một thời gian.

Mặt số của chiếc Omega Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm được thiết kế đơn sắc với hai màu trắng đen đối lập, tạo độ tương phản lớn giúp người dùng dễ dàng quan sát hơn. Thiết kế mặt số khá đơn giản với màu đen bóng, không hoàn thiện chải tia hay vân tròn cầu kỳ, tất cả nhằm giúp người dùng có thể quan sát dễ dàng nhất. Dù diện tích bề mặt phủ chất phát quang không quá lớn, nhưng thật sự chất Super-LumiNova đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi mang lại một sắc xanh sáng rực khi thiếu ánh sáng bên ngoài.

Giống như mọi chiếc đồng hồ Chronograph khác, Omega Speedmaster Moonwatch Professional Chronograph 42mm cũng có nhiều mặt số phụ để phục vụ tính năng này. Mặt số của mẫu đồng hồ này được thiết kế theo phong cách Compax, với 3 mặt số phụ ở vị trí 3, 6, 9 giờ. Mặt số phụ 9 giờ là kim giây của đồng hồ, còn hai mặt số còn lại để hiển thị số phút Chronograph (30 phút, 2 vòng là một giờ) và số giờ Chronograph (đếm đến 12 giờ).

Không chỉ được chăm chút kỹ lưỡng ở mặt trước, mặt đáy đồng hồ cũng là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Như đã nói ở trên, phần viền mặt đáy được khắc dòng chữ "The First Watch Worn On The Moon" nhằm thể hiện sự tự hào của Omega với những đóng góp của họ cho công cuộc thám hiểm vũ trụ. Qua mặt kính Sapphire, chúng ta có thể quan sát được bộ máy Caliber 1863 đã từng được sử dụng bởi Buzz Aldrin trên Mặt Trăng.

Máy Caliber 1863 là một phiên bản cải tiến của máy 1861 vốn được dùng trong những mẫu Speedmaster đời đầu. Về thông số kỹ thuật, Caliber 1863 không khác gì 1861, sự khác biệt duy nhất đó chính là độ hoàn thiện. Máy 1861 được thiết kế để lắp bên trong những đồng hồ Speedmaster đáy kín, còn 1863 thì được thiết kế lắp bên trong những chiếc Speedmaster lộ máy, do đó máy 1863 được hoàn thiện tỉ mỉ hơn với những đường vát cạnh, những đường vân Cotes de Geneve trên cầu nối,...

Là một bộ máy lên cót tay với thời lượng cót chỉ khoảng 48 giờ, vì vậy bộ máy Caliber 1863 sẽ yêu cầu được chăm chút kỹ lưỡng hơn bởi người dùng. Khác với những chiếc đồng hồ tự động, người dùng máy lên cót tay sẽ phải thực hiện một "nghi lễ" mỗi sáng: lên dây cót cho đồng hồ. Tất nhiên, có nhiều người ngại thực hiện điều này, nhưng với một số người thích chơi đồng hồ thì đây lại là một thú vui, khiến họ gắn bó với chiếc đồng hồ hơn.

Giá bán của chiếc đồng hồ tại Gia Bảo Luxury mời quý khách tham khảo tại đây:

Review
Đồng hồ Omega
Zalo