Review đồng hồ Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm
Panerai như một cá thể dị biệt trong thế giới đồng hồ: hoặc là bạn thích họ, hoặc là bạn ghét họ. Thật vậy, thiết kế của Panerai quá khác biệt với "tiêu chuẩn chung" và điều này khiến nhiều người không thích. Tuy nhiên, với một số người thì cái chất riêng này lại chính là thứ họ theo đuổi. Mẫu đồng hồ Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm là một ví dụ điển hình cho việc đó.
Điều đầu tiên khiến Panerai không được quá nhiều người quan tâm nằm ở kích thước. Những chiếc Panerai chưa bao giờ nhỏ, thường có đường kính từ 42mm trở lên. Với chiếc Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso này, đường kính được đẩy lên tới 45mm, khiến nhiều người có cổ tay bé phải nâng lên đặt xuống.
Tuy nhiên, chính kích thước này mới làm nên sự đặc biệt của Panerai. Với những người yêu thích Panerai, họ hiểu được nguồn gốc của thiết kế này và trân trọng nó. Tóm lại, kích thước lớn vừa là nhược điểm nhưng cũng là sự độc đáo của Panerai.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về lịch sử của chiếc Panerai Radiomir. Phiên bản đầu tiên của dòng đồng hồ này ra đời vào khoảng Thế chiến Thứ Hai, được sử dụng bởi Hải quân Ý. Tiền thân của Radiomir là một chiếc đồng hồ thợ lặn với kích thước lớn, mặt số được quét Radium – một chất phản quang hiệu quả nhưng đồng thời cũng là một chất phóng xạ mạnh và gây nhiều bệnh nan y. Radium cũng là nguồn gốc cho cái tên Radiomir sau này.
Tại thời điểm hiện tại, không còn ai sử dụng Radium làm chất phát quang trên đồng hồ nữa, đơn giản vì nó quá nguy hiểm. Tuy nhiên, vào thời điểm Thế chiến thì sự nguy hiểm của Radium thật sự không thể so sánh với súng đạn và bom mìn. Để sử dụng được nhiều chất phản quang hơn, Panerai đã thiết kế mặt số hai lớp với lớp dưới được phủ đầy Radium, còn lớp trên được cắt một số vị trí để lộ ra phần Radium bên dưới. Đây là một thiết kế đặc biệt của dòng Radiomir và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Mẫu đồng hồ Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm vẫn giữ nguyên những thiết kế truyền thống của dòng Radiomir, nhưng tất nhiên sẽ được trang bị những công cụ tân tiến hơn để phù hợp với thời đại mới. Chúng ta có bộ vỏ dáng Cushion được bo góc quen thuộc, nhưng được chế tác bằng vàng hồng quý giá hơn rất nhiều so với những phiên bản thép truyền thống.
Phần càng nối dây được thiết kế khá giống với những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên – vốn chỉ là đồng hồ bỏ túi và được hàn thêm hai quai nhỏ để luồn dây đeo. Chính phong cách Vintage này cũng đã làm cho chiếc Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm trở nên đặc biệt hơn – một điểm cũ nhưng cũng rất mới.
Bộ khóa gập của mẫu đồng hồ Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm được chế tác bằng vàng hồng 18K nguyên khối. Thiết kế này rất chắc chắn, nhưng cũng thật sự tiện dụng dành cho những người ngại thao tác. Và đương nhiên khóa gập sẽ khó chế tác hơn và cần nhiều nguyên liệu hơn so với khóa cài truyền thống.
Như đã phân tích ở trên, mặt số là một trong những chi tiết đặc biệt nhất của dòng Radiomir, và đặc biệt là trong điều kiện thiếu ánh sáng. Trong bóng tối, mặt số của chiếc Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm thậm chí còn nổi bật hơn những lúc được chiếu sáng đầy đủ. Nổi bật nhất có lẽ là 2 cọc số 12 và 6 được cắt gọt kỹ lưỡng, lộ ra phần bên dưới được phủ đầy chất phát quang Super-LumiNova (không phải là Radium – một chất phóng xạ quá nguy hiểm).
Với điều kiện đủ sáng, hai cọc số 12 và 6 sẽ tạm nhường sự chú ý cho 9 cọc số còn lại được chế tác thủ công bằng vàng hồng nguyên khối. Với thiết kế nổi, những cọc số này sẽ tạo nên chiều sâu cho mặt số, đồng thời cũng là những điểm bắt sáng hoàn hảo giúp tạo nên những bức ảnh đẹp.
Toàn bộ 6 chiếc kim trên mặt số (tính cả kim xăng) đều được phủ chất phản quang, giúp thiết kế trở nên bừng sáng hơn. Đúng với cái tên Panerai Radiomir 10 Days GMT, chiếc đồng hồ này có hai tính năng nổi bật: kim GMT chỉ múi giờ thứ hai và thời lượng cót lên tới 10 ngày (đặc biệt hiếm với một chiếc đồng hồ tự động).
Trên thực tế, đồng hồ tự động có thể được lên dây cót liên tục và không cần có thời lượng cót quá cao. Vì vậy, những chiếc đồng hồ như Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm không xuất hiện quá nhiều. Ngoài mẫu đồng hồ này, chúng ta chỉ còn một số cái tên nổi bật ví dụ như IWC Portugieser Automatic IW500710.
Để thực hiện được điều đó, Panerai đã sử dụng bộ máy P.2003 – bộ máy tự động đầu tiên của Panerai được thiết kế và sản xuất nội bộ hoàn toàn tại nhà máy ở Neuchatel. Bộ máy này sử dụng cơ chế trữ cót khá đặc biệt, với ba hộp cót: hai hộp cót chồng lên nhau và một hộp cót còn lại được kết nối qua hệ thống bánh răng – hộp cót này cũng có trách nhiệm hiển thị thời lượng cót trên mặt số đồng hồ.
Caliber P.2003 được lắp ráp từ 296 linh kiện với 25 chân kính, có đường kính 13¾ ligne và dày khoảng 8mm. Bộ máy này thừa hưởng tất cả những đặc điểm của dòng P.2000 (tần số 28,800; tính năng GMT; lịch ngày; kim giây chuyển về 0 ngay lập tức khi rút núm vặn,…) nhưng có điểm khác biệt nằm ở thời lượng cót lớn. Điểm duy nhất khiến tôi không hài lòng về bộ máy này nằm ở rotor – chi tiết này không có màu vàng tạo độ tương phản với những phần khác của bộ máy (và trùng với bộ vỏ).
Để tổng hợp lại, chúng ta có thể nói rằng Paneirai Radiomir 10 Days GMT Automatic Oro Rosso 45mm là một mẫu đồng hồ hoàn hảo đúng với truyền thống của thương hiệu, kèm thêm một vài nét đột phá về công nghệ. Giống với những chiếc Panerai khác, mẫu đồng hồ này sẽ chỉ thật sự hấp dẫn với những người ưa thích đồng hồ cỡ lớn, và có tìm hiểu về thương hiệu đặc biệt đến từ Ý này.
Giá bán tại Gia Bảo Luxury: