Review đồng hồ Richard Mille RM 35-02 Rafael Nadal Vỏ đen
Sau gần 10 năm ra mắt sản phẩm đầu tay, vào năm 2010, nhà sản xuất đồng hồ cao cấp Richard Mille đã công bố quan hệ hợp tác với siêu sao trong giới quần vợt chuyên nghiệp, Rafael Nadal để tạo ra “thứ gì đó" có thể gây chấn động toàn thế giới. Không phụ sự kỳ vọng của công chúng, chiếc đồng hồ Richard Mille x Rafael Nadal đầu tiên, RM 027 Tourbillon ra mắt với trọng lượng 20 gram trong khi mang chức năng cực kỳ phức tạp, điều thật khó có thể tin được.
Đáng nói là, chiếc đồng hồ RM 027 Tourbillon ra mắt phục vụ không ai khác. Mà người đeo nó đầu tiên chính là tay vợt thuận tay trái Rafael Nadal. Chiếc đồng hồ không chỉ xuất hiện khi ông vua sân đất nện tay nâng cao cúp mà còn đồng hành cùng Rafael Nadal trong những trận đấu nảy lửa. Mỗi lần bước ra sân, hàng triệu con mắt sẽ không chỉ dõi những cú vung vợt của Nadal mà đó còn là cổ tay anh với chiếc Richard Mille độc quyền có giá ngoài 500.000 USD.
Bớt đi tính phức tạp của thiết kế đầu tiên cho tay vợt người Tây Ban Nha, vào năm 2014, thương hiệu Richard Mille đã giới thiệu với thế giới đồng hồ RM 35-01, còn được gọi là đồng hồ 'Baby Nadal' ở giá bán lẻ 130.000 USD. Nhưng việc sở hữu chiếc đồng hồ ở mức giá retail không phải là điều dễ dàng.
Các boutique sẽ bị giới hạn đặt hàng các phiên bản đồng hồ đặc biệt mỗi năm, và mọi chiếc Richard Mille x Rafael Nadal được xem là đặc biệt khó kiếm nhất. Muốn mua đồng hồ RM 027, RM 27-01, RM 35-01, RM 35-02,... với giá retail bạn sẽ phải chờ đợi một thời gian dài. Hoặc tìm mua chúng tại thị trường thứ cấp với mức giá tăng lên ít nhất là 3 lần.
Sự kết hợp giữa 2 cái tên Richard Mille và Rafael Nadal được đẩy lên cao hơn nữa là vào năm 2016 với sự có mặt của Richard Mille RM 35-02. Đây là mẫu đồng hồ hợp tác của 2 cái tên đầu ngành có chứa bộ máy tự động.
Dòng sản phẩm Richard Mille và Rafael Nadal từ khi ra mắt luôn phải duy trì các yếu tố độc đáo gồm có: đổi mới, nhẹ nhàng và khả năng chống sốc xuất sắc, chịu được những cú vung vợt trời giáng của một vận động viên tennis chuyên nghiệp. RM 027 được tạo ra với mục đích ban đầu là đồng hành cùng Rafael trong từng trận đấu, thì chiếc đồng hồ phải nhẹ, không trở thành gánh nặng cho tay đeo, đảm bảo sự thoải mái.
Khi trang bị bộ máy tự động cho chiếc RM 35-02, yếu tố kiên quyết về trọng lượng vẫn được nhà sản xuất Richard Mille tôn trọng từ đầu cho tới cuối quá trình chế tạo. Kết quả, mẫu đồng hồ RM 35-02 lên tay siêu nhẹ, điều khó có thể tin được nếu nhìn tới kết cấu vỏ chắc chắn vốn có kích thước 49,94 x 44,50 x 13,15 mm.
Để duy trì trọng lượng “siêu nhẹ" của mẫu đồng hồ RM 35-02, các vật liệu truyền thống như thép, vàng, platin đã được Richard Mille loại bỏ ngay từ ngày đầu lên ý tưởng. Thay vào đó, hãng sử dụng các vật liệu hoàn toàn mới, được nghiên cứu độc quyền. Quartz-TPT (cho phiên bản vỏ đỏ) hay Carbon TPT® (phiên bản vỏ đen như ở Gia Bảo Luxury) của RM 35-02 vốn được sử dụng cho ngành công nghiệp vũ trụ hàng không vì tính cứng, bền, nhẹ tối ưu cần có.
Ngoài đặc trưng về mặt vật lý nổi trội, Carbon TPT® được thương hiệu Richard Mille đánh giá cao ở khía cạnh thẩm mỹ. Bề mặt vỏ đồng hồ RM 35-02 không có một màu đen tuyền đơn thuần như gốm ceramic mà còn kèm theo các vân sóng ngẫu nhiên nhưng không rối mắt.
Để tạo ra bộ vỏ ưng ý, đơn vị chế tác đã đặt liên tiếp các sợi carbon chồng lên nhau song song, mà mỗi lớp có độ dày tối đa 45 micron, được ngâm tẩm với nhựa thông. Quá trình tiếp theo là chỉnh hướng của mỗi lớp sợi carbon một góc 45 độ, đem đi nung nóng 120 °C ở áp suất 6 bar. Sau khi hoàn thành vật liệu, nhà máy chuyên sản xuất vỏ của Richard Mille sẽ đảm nhiệm vai trò định hình lớp vỏ, xử lý bề mặt sao cho mượt mà, như mong muốn.
Vỏ đồng hồ Richard Mille RM 35-02 Rafael Nadal có dáng tonneau, trông phía trước như thùng rượu, thân đồng hồ sẽ chế tác đáy cong để ôm lấy cổ tay người đeo. Phía mặt trên là vành bezel trơn mượt được cố định bằng 20 vít titan cùng lớp đệm bằng thép. Núm vặn cỡ lớn bên ngoài cũng được làm từ carbon NTPT, riêng vòng đệm màu đỏ lại được làm từ vật liệu mới khác tên là Alcryn.
Bởi vật liệu chế tác trên mỗi đồng hồ Richard Mille đều rất mới, nên các máy móc chế tạo cũng đều được nghiên cứu, phát triển riêng. Điều này kéo theo giá thành đồng hồ Richard Mille lúc nào cũng phải từ 6 con số trở lên (tính theo USD). Thậm chí, có những phiên bản đặc biệt giới hạn có giá retail 7 con số, như loạt đồng hồ RM 56-01, 56-02 có vỏ sapphire.
Quay trở lại với Richard Mille RM 35-02, chiếc đồng hồ này chỉ có 3 kim cơ bản, nhưng mặt số lại không hề trống trải. Ngược lại, phong cách thiết kế skeleton khiến mặt số tưởng chừng rất nhiều chi tiết. Ngoài bộ kim, vạch đếm phút, cọc chỉ giờ cần thiết thì mặt trước đồng hồ lộ ra phần lớn với các chi tiết của bộ máy tự động RMAL1. Phần nổi nhất trên mặt số là dòng chữ ghi “RM 35-02 RAFA” ở vị trí chín giờ. Việc kết hợp 2 màu đỏ-vàng trên mặt số như để nhắc thêm về Rafael Nadal, 2 màu sắc có trên quốc kỳ nước Tây Ban Nha.
Trước 35-02, mẫu đồng hồ RM 35-01 ra mắt năm 2014 được trang bị bộ máy lên cót tay RMUL3. Và nếu nhìn trực diện phía trước, cả 2 thiết kế không có nhiều điểm khác nhau rõ ràng lắm.
Sự khác biệt được nhận diện tại mặt sau của đồng hồ. Thay vì có nắp kín như RM 35-01, mẫu đồng hồ cải tiến RM 35-02 được trang bị kính sapphire với lớp chống loá, đảm bảo người dùng nhìn sâu vào tới từng đinh ốc, đường vát cạnh đen, hộp cót của bộ máy RMAL1.
Với 4 cầu nối đặt ngoài cùng, cả bộ máy RMAL1 hiện lên phía sau đồng Richard Mille RM 35-02 như đang treo lơ lửng. Nhưng cảm giác về sự lơ lửng là vậy, RMAL1 lại là một trong những bộ máy hoạt động ổn định nhất mà Richard Mille có.
Richard Mille RM 35-02 là chiếc đồng hồ được thiết kế để đồng hành cùng tay vợt chuyên nghiệp Rafael Nadal thì yếu tố chống sốc được đặt lên hàng đầu. Bên trong đồng hồ cơ học, bộ máy là thành phần nhạy cảm, dễ hỏng hóc nhất nếu bị lực mạnh tác động.
Để có thể làm bạn với cổ tay của tay vợt hay những khách hàng thích môn thể thao này, bộ máy RMAL1 có tấm khung chính, cầu nối được làm bằng titanium cấp 5, hệ thống chống sốc Incabloc 908.22.211.100. Dù được “cut-out" để khoe khéo léo, chi tiết quan trọng buộc phải trải qua các thử nghiệm riêng để đáp ứng về độ bền.
Theo Richard Mille, đồng hồ RM 35-02 có thể kháng được 5000g (g~9,8 m/s2), mức số kỷ lục này hiện được nắm giữ bởi chiếc RM 27-04 cùng dành cho tay vợt Rafael. Để so sánh, một tay đua Công thức 1 trải qua gia tốc khoảng 5g khi vào cua. Gia tốc trải nghiệm trên một tàu lượn siêu tốc đạt 6g, trong khi ở khoảng 8g, một người lái xe thiếu kinh nghiệm có khả năng rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Tấm khung chính cùng các cầu nối được làm từ titan cấp 5, sau đó được phun cát ướt, xử lý PVD / Titalyt đảm bảo màu sắc thống nhất, đồng hồ củng cố độ cứng và mịn. Rotor đồng hồ được Richard Mille phát triển độc quyền để có thể tự động thay đổi quán tính, cho phép điều chỉnh tốc độ lên cót phù hợp với hoạt động của người đeo. Rotor được phát triển có các bộ phận làm từ titan (tuỳ vào từng vị trí sẽ là titan cấp 2 hoặc cấp 5), vàng trắng 18k, cùng paladi cho quả nặng. Ổ bi được làm bằng sứ để tăng khả năng chống chịu ma sát của bộ máy.
Ngoài độ bền đảm bảo khả năng chống sốc, bộ máy đồng hồ hoàn hảo là phải có khả năng trữ cót phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. RMAL1 có hộp cót đôi, do đó, nó có thể trữ năng lượng trong vòng 55 giờ đồng hồ. Hoạt động lên cót được thực hiện song song theo hai cách. Một là xoay núm vặn với lớp đệm màu đỏ ngược chiều kim đồng hồ, hai là bạn chỉ cần đeo Richard Mille RM 35-02 trên tay, rotor sẽ tự động chuyển động tạo ra năng lượng.
Đồng hồ Richard Mille RM 35-02 trông cực kỳ thể thao nhờ vào vỏ carbon đặc biệt, kết hợp dây đeo cao su được chế tác riêng. Dây đeo cao su có màu sắc đa dạng tùy vào sở thích của từng khách hàng. Nhưng phù hợp nhất với phiên bản này sẽ là dây đeo màu đỏ, đồng màu với đầu kim giây bên trong, cũng như vòng đệm ôm trọn núm điều chỉnh cỡ lớn của đồng hồ.