Review đồng hồ Ulysse Nardin Sonata Cathedral Dual Time
Khi nhắc tới tính năng báo thức trên đồng hồ đeo tay, thường thì mọi người sẽ nghĩ tới bộ sưu tập Memovox của Jaeger-LeCoultre, một thiết kế quá nổi tiếng đã đi sâu vào tiềm thức của mọi người. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng những thương hiệu khác không thể sản xuất đồng hồ đeo tay với tính năng báo thức, và Ulysse Nardin cũng là một minh chứng điển hình. Nhưng thay vì duy nhất tính năng báo thức, chiếc đồng hồ mà Gia Bảo Luxury muốn giới thiệu tới các bạn ngày hôm nay còn nhiều đặc điểm thú vị hơn nhiều.
Mẫu đồng hồ Ulysse Nardin Sonata Cathedral sở hữu tính năng báo thức đặc biệt theo chu kỳ 24 giờ, thêm vào đó là lịch ngày kích thước lớn và cả hiển thị múi giờ thứ hai.
Tất cả những tính năng phức tạp như vậy chỉ được đặt vỏn vẹn trong bộ vỏ có đường kính 42mm, dày 13mm. Tuy kích thước trên giấy tờ không quá lớn, nhưng trông chiếc đồng hồ khá đồ sộ do sở hữu rất nhiều chi tiết (trong đó có tới 2 núm chỉnh giờ và 2 nút bấm). Ulysse Nardin chưa bao giờ nổi tiếng với thiết kế thanh mảnh và lịch lãm, tất nhiên với mẫu đồng hồ này cũng tương tự.
Đúng với logo hình mỏ neo của thương hiệu, thiết kế đồng hồ cũng rất chắc chắn và mạnh mẽ. Càng nối dây cũng được thiết kế tròn, hơi cong theo dáng cổ tay. Với tính năng báo thức, việc chiếc đồng hồ sở hữu tới hai núm chỉnh giờ là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, chức năng của hai núm chỉnh giờ này lại hơi khác biệt so với những mẫu đồng hồ báo thức thông thường (tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau).
Đi kèm với chiếc đồng hồ là bộ dây da cá sấu đen và khóa bướm, tất nhiên cũng được chế tác bằng vàng hồng 18k nguyên khối cùng chất liệu với bộ vỏ. Có một điểm khá lạ là logo và tên thương hiệu viết tắt được khắc lệch sang bên trái của khóa dây. Chi tiết này có thể là cách để thương hiệu Ulysse Nardin tạo điểm nhấn, tuy nhiên tôi là người thích sự đối xứng nên không thích sự lệch tông này lắm.
Nhiều người đánh giá cao chất liệu vàng hồng quý hiếm của bộ vỏ, mặc dù được hoàn thiện tỉ mỉ, nhưng thứ làm nên sự cuốn hút của chiếc đồng hồ này chính là mặt số và những chức năng phức tạp được hiển thị bên trong. Chúng ta có tới 3 mặt số phụ, một (chính xác hơn là hai) cửa sổ hiển thị ngày được đặt trên một mặt số hai lớp.
Với thiết kế hai lớp như vậy, mặt số được hiển thị có chiều sâu hơn. Tầng trên được hoàn thiện sần, dòng chữ Sonata với chữ S cách điệu thành hình khóa Sol, tên thương hiệu Ulysse Nardin với hình mỏ neo được làm bằng vàng và mặt số chỉ mùi giờ thứ hai được hoàn thiện với những đường vân tròn đồng tâm. Tầng bên dưới được hoàn thiện với những đường sọc Cotes de Geneve thường thấy trên bộ máy đồng hồ, có 2 mặt số phục vụ chức năng báo thức.
Do mặt số khá phức tạp và sở hữu nhiều chỉ thị, bộ kim giờ phút được thiết kế rỗng giúp người dùng có thể dễ dàng quan sát những chi tiết bên trong hơn. Toàn bộ tay kim, đinh ốc và cầu nối trên mặt số đều được hoàn thiện với phương pháp nung xanh, cho ra một màu xanh thẫm bắt mắt. Duy chỉ có cây kim nhỏ ở góc 9h được phủ sơn đỏ, dùng để hiển thị trạng thái của tính năng báo thức.
Chúng ta đã nói rất nhiều tới tính năng báo thức của chiếc đồng hồ, và bây giờ sẽ là lúc tôi cùng với các bạn thử nghiệm tính năng thú vị này. Tuy nhiên, điều đầu tiên tôi phải nói đó chính là chiếc đồng hồ này sử dụng cơ chế gông để điểm chuông thay vì gõ thẳng vào vỏ đồng hồ. Do đó, tiếng chuông kêu sẽ khá du dương và êm tai chứ không chói tai như những gì một chiếc đồng hồ báo thức cần (tôi cũng không rõ đây là ưu điểm hay nhược điểm nữa).
Tất cả cơ chế chỉnh giờ, chỉnh giờ báo thức, lên dây cót cho đồng hồ và lên dây cót cho chuông báo thức đều được đặt ở núm chỉnh giờ bên phải. Đây là chiếc đồng hồ tự động, tuy nhiên bạn vẫn có lên lên cót thủ công bằng cách vặn núm chỉnh giờ theo chiều kim đồng hồ. Nếu vặn ngược chiều kim đồng hồ thì có nghĩa rằng bạn đang lên dây cót cho chuông báo thức.
Rút núm chỉnh giờ bên phải ra một nấc đầu tiên, bạn có thể chỉnh giờ bình thường. Rút thêm một lần nữa, bạn đang chỉnh giờ báo thức. Giờ báo thức được hiển thị ở mặt số phụ góc 1 giờ và được tính theo 24h thay vì 12h, một điểm khá đặc biệt. Để biết được quãng thời gian từ bây giờ cho tới lúc đồng hồ đánh chuông, bạn có thể quan sát qua mặt số phụ góc 11 giờ.
Núm chỉnh giờ ở phía bên trái dùng để chỉnh lịch ngày theo cả hai hướng tiến và lùi cực kỳ tiện dụng (có lẽ tôi không cần nhắc lại về việc không chỉnh ngày khi lịch ngày đang nhảy đâu nhỉ). Trên núm chỉnh giờ là một nút bấm dùng để bật hay tắt tính năng báo thức, hiển thị qua kim góc 9h như đã nói ở trên.
Chúng ta còn có thêm hai nút bấm "+" và "-" ở hai bên cạnh vỏ dùng để chỉnh số giờ chênh lệch giữa múi giờ Việt Nam và múi giờ tại một đất nước nào đó. Quả thật là quá phức tạp đúng không? Có lẽ cách tốt nhất để bạn tìm hiểu chiếc đồng hồ này là liên hệ trực tiếp với Gia Bảo Luxury, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một cách tận tình nhất.
Điều khiển tất cả những cơ chế phức tạp ở trên chính là bộ máy UN-67 của Ulysse Nardin. Chúng ta có thể quan sát một phần bộ máy qua mặt đáy đồng hồ, tuy nhiên không phải quá nhiều do rotor đã che mất một nửa rồi. Những cầu nối được thiết kế lớn để tăng độ ổn định cho bộ máy, tuy nhiên lại đánh đổi đi tính thẩm mĩ.
May thay, những chi tiết được lộ ra ngoài lại là những chi tiết đáng giá nhất của bộ máy. Chúng ta có thể thấy bánh xe cân bằng với thiết kế đã được đăng ký bản quyền, sử dụng dây tóc Silicon. Một chi tiết khác chính là cơ chế gông thường thấy ở những mẫu đồng hồ điểm chuông, khi chuông báo thức vang lên, ta có thể thấy rõ được tay búa gõ vào hệ thống gông, cho ra những âm thanh êm dịu (điều này là tốt hay xấu lại một lần nữa tùy vào bạn quyết định).
Như những thiết kế khác của thương hiệu Ulysse Nardin, mẫu đồng hồ Sonata Cathedral sẽ không có dáng vẻ mảnh mai trên cổ tay của bạn. Kể cả với kích thước trung bình 42mm, chiếc đồng hồ này vẫn trông khá hoành tráng, mở rộng sang hai bên do có tới hai núm chỉnh giờ và tai bảo vệ cứng cáp.
Mẫu đồng hồ Ulysse Nardin Sonata Cathedral hiện đang được bán với mức giá hãng là 55,800 USD. Nhưng tất nhiên khi đến với Gia Bảo Luxury, các bạn sẽ nhận được mức giá chiết khấu hợp lý nhất, tham khảo tại đây: