Rolex hay Zenith: So sánh Daytona với Chronomaster Sport
Hiện nay, cả hai mẫu đồng hồ Rolex Daytona và Zenith Chronomaster Sport đều được săn đón trên thị trường. Với Rolex Daytona, tình trạng khan hàng không phải chuyện mới nay mới có mà nó đã diễn ra từ lâu với mức giá bán lại cao hơn nhiều giá retail. Tuy nhiên, Zenith Chronomaster Sport là một mẫu đồng hồ mới được cho ra mắt hồi đầu năm nay, nhưng rõ ràng mẫu đồng hồ này đã nhanh chóng thu về tiếng vang lớn, một phần bởi mẫu đồng hồ này có nhiều điểm tương đồng về mặt thiết kế với Rolex Daytona. Nhưng chúng có thực sự giống nhau không? Hãy tham khảo bài viết này của Gia Bảo Luxury!
Trước khi tiến tới công đoạn so sánh, chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo về bài review chi tiết hai mẫu đồng hồ được nhắc tới là Rolex Daytona và Zenith El Primero Chronomaster Sport ngay bên dưới:
- Review về đồng hồ Zenith El Primero Chronomaster Sport
- Review về đồng hồ Rolex Daytona 116500LN
Kích thước bộ vỏ đồng hồ
Đồng hồ Rolex Daytona có kích thước 40mm x 12,2mm trong khi cỗ máy thể thao nhà Zenith có kích thước 41mm x 13,6mm. Có thể thấy, dáng mỏng hơn của Daytona khiến nó ôm lấy cổ tay hơn, kể cả nếu như cả hai model đều có chung một kích thước.
Chất liệu: Thép 904L so với 316L
Rolex Daytona được trang bị loại thép không gỉ 904L ít phổ biến hơn, Rolex gọi là Oystersteel trong khi thương hiệu Zenith sử dụng chất liệu thép không gỉ 316L cho các bộ phận vỏ. Sự khác biệt trực quan trên bề mặt hoàn thiện bằng thép rất khó nhận ra bằng mắt thường.
Bộ phận bảo vệ núm điều chỉnh
Với đồng hồ Daytona, Rolex có trang bị bộ phận bảo vệ núm điều chỉnh sát cạnh cùng các nút bấm cho chức năng chronograph, điều chúng ta không tìm thấy trên đồng hồ Zenith El Primero Chronomaster Sport. Thực tế, khả năng kháng nước của cả hai mẫu đồng hồ Rolex Daytona và Zenith El Primero Chronomaster Sport đều ở mức 100m, nhưng rõ ràng cỗ máy nhà Rolex có nhiều cơ chế hơn để đảm bảo khả năng kháng nước cho đồng hồ.
Dây đeo đồng hồ và mối nối End-link
Thương hiệu Rolex sử dụng dây đeo Oyster có mối nối trung tâm được xử lý cho bề mặt sáng bóng, còn hai mối nối bên ngoài hiện lên với những đường chải xước satin. Trên đồng hồ Zenith, dây đeo có kiểu dáng góc cạnh hơn và ở cạnh vát mỗi bên mối nối lại được đánh bóng. Phần Endlink của chiếc Zenith El Primero Chronomaster Sport được cắt ra và thêm vào một mối nối dự phòng nhỏ để cả chiếc đồng hồ có thể vừa với cổ tay hơn so với mối nối endlink trên chiếc Rolex. Thiết kế này khá tương tự với dây đeo xuất hiện những năm 1990 mới được tái sản xuất gần đây. Chiếc Omega Speedmaster mới ra cũng có phong cách thiết kế mới mẻ này, thay cho mối nối endlink dáng chữ T quen thuộc.
Càng nối dây (lugs)
Nhìn vào hai thiết kế trên chiếc Rolex Daytona và Zenith El Primero Chronomaster có thể thấy sự khác biệt tiếp theo thuộc về phần càng nối dây. Với cỗ máy nhà Rolex, những đường cong mềm mại xuất hiện nhiều hơn, kéo dài từ phần mặt số tròn trong khi ở đồng hồ El Primero Chronomaster, các càng nối dây được đảm bảo với những đường cắt sắc nét. Chi tiết này hiện lên hoàn thiện khi được xử lý chải xước và đánh bóng xen kẽ.
Bộ máy hoạt động
Đồng hồ Rolex Daytona sử dụng bộ máy tự động 4130, có khả năng dự trữ năng lượng trong vòng 72 giờ. Nằm bên trong bộ máy này là dây tóc Parachrom màu xanh có khả năng chống từ tính ưu việt. Hoàn thành chứng nhận COSC, bộ máy này tiếp tục được kiểm tra thêm một lần nữa tại xưởng sản xuất của Rolex và cuối cùng khi xuất xưởng, đồng hồ Rolex Daytona sẽ vận hành với sai số ±2 giây một ngày.
Thương hiệu Zenith sử dụng bộ máy caliber 3600 mới ra có khả năng trữ năng lượng trong vòng 60 giờ, một con số đáng kể khi nhìn vào tần số hoạt động 36.000 vph (tần số hoạt động của caliber 4130 là 28.800 vph). Ngay khi khi Rolex còn đang sử dụng bộ máy 4030 với nền tảng chính là bộ máy El Primero có nguồn gốc từ Zenith, nhà sản xuất này vẫn phải điều chỉnh khá nhiều chi tiết, một trong số đó là hạ tần số hoạt động xuống 28.800 vph.
Về khía cạnh kỹ thuật, bộ máy 4130 có thiết kế ly hợp dọc trong khi caliber 3600 sử dụng thiết kế ly hợp ngang. Hai cơ chế này đều có những ưu và nhược điểm riêng biệt, nhưng nếu nhìn vào hiệu quả về mặt thẩm mỹ, bộ máy chronograph ly hợp ngang trông hấp dẫn hơn. Bộ máy chronograph thiết kế kiểu ly hợp dọc thường dẫn đến vấn đề là khiến kim giây nhảy nhẹ ngay khi người dùng kích hoạt chức năng chronograph.
Điểm vượt trội ở đồng hồ Zenith El Primero Chronomaster so với Rolex Daytona đó là có mặt đáy bằng sapphire, tiết lộ những chuyển động liên tục của bộ máy đồng hồ. Rolex Daytona được trang bị nắp đáy kín và do đó người hâm mộ không thể quan sát các chi tiết của bộ máy caliber 4130. Bộ máy caliber 3600 được xem là bước đi trong tương lai của riêng Zenith khi nó có thể ghi lại 1/10 số đo của một giây ngay trên mặt số với kim giây trung tâm, trong khi Rolex Daytona là một chiếc chronograph thông thường.
Mức giá và độ sẵn có
Zenith El Primero Chronomaster và Daytona là những chiếc đồng hồ được sản xuất với chất lượng đảm bảo đến từ các thương hiệu Thuỵ Sĩ nổi tiếng. Giá bán lẻ cho chiếc Daytona bằng thép là 13.500 USD trong khi cỗ máy chronograph nhà Zenith là 10.000 USD.
Daytona có lẽ vẫn là model đồng hồ chronograph thể thao đáng mơ ước nhất trên thị trường. Nhưng để có thể mua được một chiếc Daytona thông qua hệ thống bán lẻ trong thời điểm hiện tại là điều không thể. Nhiều khách hàng vì quá muốn sở hữu một chiếc Rolex Daytona Panda 166500LN đã quyết định tìm mua đồng hồ tại thị trường xám với mức giá gấp vài lần giá chính hãng.
Còn với những khách hàng không muốn bỏ ra một số tiền nhiều hơn giá bán lẻ cho một chiếc đồng hồ, sẽ tìm đến những sự lựa chọn mang tính thay thế, cỗ máy Zenith El Primero Chronomaster là một ví dụ điển hình và thực sự nổi trội. Đồng hồ mà Zenith vừa cung cấp không chỉ có giá tốt hơn, mà lại dễ tiếp cận hơn so với chiếc Rolex Daytona trong thời điểm hiện tại. Zenith cũng đã cố gắng tạo ra sự khác biệt với chiếc El Primero Chronomaster khi tích hợp bộ hiển thị đếm 1/10 của giây ngay trên mặt số đồng hồ.
Nếu có thể lựa chọn, bạn sẽ mua Rolex Daytona hay Zenith El Primero Chronomaster?