So sánh hai biểu tượng đồng hồ chronograph: Audemars Piguet Royal Oak và Rolex Cosmograph Daytona

So sánh hai biểu tượng đồng hồ chronograph: Audemars Piguet Royal Oak và Rolex Cosmograph Daytona

21/12/2019
Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet
Đồng hồ Rolex

“Với tầm giá khoảng 30 ngàn USD, tôi nên chọn mẫu đồng hồ thể thao nào?” Đã có rất nhiều khách hàng của Gia Bảo đưa ra câu hỏi như vậy. Với mức giá này, chúng ta đã có thể sở hữu một chiếc đồng hồ cao cấp, tới từ những thương hiệu nổi tiếng và giàu truyền thống. Trong đó, hai cái tên nổi bật nhất, phù hợp nhất với tầm giá chính là Audemars Piguet và Rolex.

Trong bài viết này, Gia Bảo Luxury sẽ cùng các bạn phân tích hai mẫu đồng hồ thể thao trong khoảng giá từ 30-40 ngàn USD, tới từ hai thương hiệu ở trên. Chiếc đầu tiên là một thiết kế huyền thoại, đã giúp định hình thương hiệu Audemars Piguet từ năm 1972, Royal Oak (mã hiệu 26331ST.OO.1220ST.01). Còn mẫu đồng hồ thứ hai cũng là thiết kế thể thao được săn đón nhiều nhất của Rolex, Daytona (mã hiệu 116509).

Khi so sánh về hai mẫu đồng hồ, điều đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ đó chính là lịch sử và sự phát triển của bộ sưu tập theo thời gian. Về điểm này, hai đối thủ có vẻ khá cân tài cân sức, vì Royal Oak và Daytona đều là những bộ sưu tập mũi nhọn của Audemars Piguet và Rolex, giúp hai thương hiệu này có thêm tiếng nói trong ngành đồng hồ. Nếu như Royal Oak đã giúp định hình AP, thì Daytona cũng đã từng giúp Rolex đạt kỷ lục về chiếc đồng hồ cơ khí đắt giá nhất với chiếc đồng hồ của Paul Newman.

Tiếp đến, chúng ta sẽ phân tích ngoại hình bên ngoài, cũng như độ hoàn thiện của hai mẫu đồng hồ. Trước hết là mẫu Rolex Daytona 116509: chúng ta có một thiết kế đơn giản, ổn định và chắc chắn. Điều này đúng với truyền thống của Rolex: Họ không tập trung vào những chi tiết quá xa xỉ, mà tập trung đưa đến cho khách hàng một sản phẩm tốt, bền và hợp mắt.

Toàn bộ vỏ của chiếc Daytona 116509 được Rolex đánh bóng hoàn toàn, đem lại cảm giác truyền thống và thân thuộc. Vành bezel với thang Tachymeter cũng được đánh bóng và khắc những thông số theo phong cách tối giản, giúp người dùng có thể quan sát một cách dễ dàng nhất. Những phím bấm hay nút vặn cũng được chế tác sao cho người dùng có thể dễ sử dụng nhất: phần cần xoay thì được tạo khía tăng ma sát, phần nút Chronograph lại được thiết kế to bản dễ bấm hơn (đặc biệt khi mở hết vít chống nước).

Tuy nhiên, vít chống nước của nút Chronograph trên chiếc Daytona cũng có một nhược điểm – thiếu tiện dụng. Ở trạng thái bình thường, người dùng sẽ không sử dụng được tính năng Chronograph, do hai ốc vít đã khóa chặt nút bấm khởi động (nhằm tăng khả năng chống nước). Vì vậy, khi muốn dùng Chronograph thì người đeo phải mất công vặn hai chiếc vít này, một thao tác mất thời gian hơn việc rút điện thoại di động và khởi động tính năng bấm giờ.

Tiếp đến, chúng ta sẽ chuyển qua mẫu Royal Oak Chronograph. Nếu như bộ vỏ của chiếc Rolex Daytona 116509 nằm ở mức đẹp, ưa nhìn, thì chúng ta phải đặt chiếc Royal Oak ở mức hoàn mỹ và tinh xảo. Như đã nói ở trên, Royal Oak đã giúp định hình lại thương hiệu Audemars Piguet, và đồng thời thiết kế này còn đưa ra một định nghĩa mới cho ngành đồng hồ: “Đồng hồ thể thao cao cấp”.

Vào khoảng thập niên 60-70, thị trường đồng hồ được phân hóa khá rõ ràng: chúng ta có những mẫu Dress Watch thanh lịch, được hoàn thiện tinh xảo và được chế tác từ những nguyên liệu quý hiếm, song song với những chiếc Sport Watch mạnh mẽ, bền bỉ và phần lớn chỉ có vỏ thép. Vì lẽ đó, việc ra đời của Royal Oak, một chiếc đồng hồ thể thao bằng thép nhưng lại được hoàn thiện cực kỳ chi tiết, có mức giá gần bằng một mẫu đồng hồ vàng khối, khiến mọi người phải bất ngờ và hoài nghi về khả năng thành công.

Câu chuyện sau này như thế nào thì ai cũng biết, Royal Oak đã thành công và phát triển mạnh mẽ cho tới tận thời điểm hiện tại. Bộ vỏ đồng hồ được chăm chút tới từng chi tiết nhỏ, tới từng đường vân xước tinh tế hay từng góc đánh bóng tỉ mỉ. Như đã nói ở trên, độ hoàn thiện vỏ của chiếc Royal Oak cao hơn hẳn so với Rolex Daytona, và lý do duy nhất khiến cho mẫu Daytona 116509 có mức giá ngang Royal Oak đó chính là vàng trắng (Daytona) thì đắt tiền hơn thép (Royal Oak). Thêm vào đó, bạn có thể kích hoạt tính năng Chronograph bất cứ lúc nào thay vì mất thêm thao tác như với chiếc Daytona.

Có một thông tin ngoài lề mà tôi muốn nói thêm cho các bạn, đó là những chiếc “ốc vít” trên vành bezel của Royal Oak đều được làm từ vàng trắng. Khi mới ra mắt phiên bản Royal Oak thử nghiệm năm 1972, Audemars Piguet vẫn chưa có đủ máy móc, công cụ để chế tác những chiếc đinh vít bằng thép như bản chính thức. Vì vậy, họ đã tạm dùng vàng trắng với phiên bản thử nghiệm (vàng mềm hơn thép, dễ chế tác hơn). Tới phiên bản hiện đại này, Audemars Piguet lại quyết định tái sử dụng ốc vít vàng trắng nhằm nhắc lại kỷ niệm thời Royal Oak mới ra đời.

Về bộ dây, chúng ta cũng có một kết quả tương tự. Bộ dây Oyster của mẫu Daytona 116509 quả thật đẹp và bắt mắt, nhưng nếu so với bộ dây của Royal Oak (được mệnh danh là bộ dây kim loại đẹp nhất trong ngành đồng hồ) thì vẫn chưa có cửa. Bộ dây của Royal Oak được hoàn thiện thủ công hoàn toàn, với từng góc nhỏ của từng mấu nhỏ được đánh bóng tinh xảo, đem lại một trải nghiệm thật sự khác biệt.

Tiếp theo, chúng ta hãy cùng so sánh mặt số của hai mẫu đồng hồ. Về mặt thẩm mỹ, cả hai thiết kế đều đạt chuẩn với tông màu xanh lam thời thượng, cùng với độ hoàn thiện đều ở mức cao. Đi sâu hơn, mặt số của chiếc Daytona với những mặt số phụ nhỏ sẽ tạo cảm giác rộng rãi, thoáng mắt hơn. Ngược lại, chiếc Royal Oak Chronograph lại sở hữu lịch ngày, một công cụ hữu dụng và cần thiết hơn trên một chiếc đồng hồ cơ.

Về mặt màu sắc, chiếc Daytona nổi bật hơn một chút nhờ những chi tiết màu đỏ ấn tượng. Tuy nhiên, chiếc Royal Oak lại sở hữu họa tiết Grande Tapisserie cầu kỳ. Nói tóm lại, mặt số của mỗi chiếc đồng hồ đều có điểm mạnh riêng, và khách hàng chính là người quyết định thiết kế nào tuyệt hơn.

Cả hai chiếc Daytona và Royal Oak Chronograph đều sở hữu đáy kín, điều này có nghĩa rằng chúng ta sẽ không thể quan sát được bộ máy cơ học của hai chiếc đồng hồ. Vì lẽ đó, chúng ta sẽ so sánh về hiệu năng, độ chính xác cũng như độ bền bỉ của hai bộ máy Caliber 2385 (Royal Oak) và Caliber 4130 (Daytona).

Nếu so về thông số, Caliber 4130 của Rolex có phần nhỉnh hơn với thời lượng cót lên tới 3 ngày, hơn Caliber 2385 khoảng 30 giờ. Về độ chính xác, ổn định và bền bỉ, tôi cũng đánh giá cao cái tên Rolex hơn vì đây là những đặc điểm làm nên giá trị của thương hiệu này.

Ngược lại, về độ hoàn thiện cũng như độ tinh xảo thì Caliber 2385 của Audemars Piguet lại được đánh giá cao hơn Caliber 4130. Hẳn rồi, Audemars Piguet là một trong ba thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ có truyền thống lâu đời nhất, hoạt động liên tục trong gần 200 năm mà không bị ngừng lại bởi bất cứ lý do nào. Những sản phẩm của Audemars Piguet mang nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, về độ tinh xảo hơn nếu so sánh với một chiếc đồng hồ Rolex.

Cuối cùng, chúng ta hãy so sánh về độ nhận diện thương hiệu của hai mẫu đồng hồ. Nếu theo mặt bằng chung, chiếc Audemars Piguet Royal Oak sẽ có độ nhận diện kém hơn, phải những người thực sự tìm hiểu về đồng hồ mới biết đến cái tên này. Rolex thì ngược lại, bất kỳ ai khi nghe tới cái tên Rolex thì đều biết đó là một thương hiệu đồng hồ cao cấp.

Tuy nhiên, với người chơi đồng hồ có chút kiến thức nhất định, chắc hẳn chiếc Audemars Piguet Royal Oak sẽ được đánh giá cao hơn: cả về lịch sử thương hiệu, độ hoàn thiện vỏ, bộ máy cơ khí. Tóm lại, mỗi một chiếc đồng hồ sẽ có phân khúc riêng của mình và đều rất thành công trong thời điểm hiện tại. Để tìm hiểu thêm về hai mẫu đồng hồ này, các bạn hãy liên lạc ngay tới Gia Bảo Luxury hoặc tới trực tiếp các cơ sở của chúng tôi tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet
Đồng hồ Rolex
Zalo