So sánh hai mẫu đồng hồ Rolex Day-Date 36mm và 40mm

So sánh hai mẫu đồng hồ Rolex Day-Date 36mm và 40mm

16/04/2019
Kiến thức
Đồng hồ Rolex

Rolex Day-Date có thể được coi là biểu tượng của quyền lực, là dòng đồng hồ được sử dụng bởi rất nhiều chính khách, nhiều lãnh đạo các đất nước lớn. Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng chỉ những chính khách mới được dùng Day-Date. Thiết kế này cũng xuất hiện trên tay rất nhiều doanh nhân, và vì thế Day-Date đã trở thành mẫu đồng hồ dễ nhận diện nhất trên thế giới, trở thành một huyền thoại.

Hiện tại, Rolex Day-Date có hai phiên bản 36mm40mm, với rất nhiều điểm khác biệt cả về ngoại hình bên ngoài lẫn bộ máy bên trong. Trong bài viết này, Gia Bảo Luxury sẽ giúp các bạn phân biệt rõ ràng hai mẫu đồng hồ đó. Và tất nhiên, điều đầu tiên cần nói tới chính là kích thước.

Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa Day-Date 36mm và 40mm tất nhiên nằm ở đường kính đồng hồ. 36mm là kích thước truyền thống của dòng Day-Date, và kích thước này đã được giữ nguyên kể từ khi bộ sưu tập này được giới thiệu tại Baselworld 1956. Với tiêu chuẩn hiện đại ở các nước phương Tây, đường kính 36mm đã trở nên nhỏ bé, nhưng với người châu Á thì kích thước này hoàn toàn phù hợp với đại đa số người chơi.

Sự khác biệt về kích thước sẽ kéo theo sự thay đổi về tỉ lệ trên chiếc đồng hồ. Chúng ta có thể dễ nhận thấy rằng mặt số đã lớn hơn một chút so với vành bezel bao bọc bên ngoài, và vì thế, người chơi cũng có thể nhận ra chiếc Day-Date 40 trên một tấm ảnh nào đó, mà không cần có một vật gì bên cạnh để so sánh.

Mặt số của hai phiên bản cũng có nhiều điểm khác biệt, điều đầu tiên chúng ta cần nói tới đó chính là số lượng mặt số. Bởi vì đã xuất hiện từ rất lâu, phiên bản Day-Date 36mm có vô vàn phiên bản mặt số để người dùng có thể lựa chọn. Đó có thể là mặt số chải tia đơn giản, Mặt số xà cừ với nhiều màu sắc như trắng, tím, hồng, mặt số vi tính hay mặt đá kim cương carousel... và người dùng sẽ phải "bơi" trong một biển lựa chọn. Ngược lại, do mới được ra mắt được một vài năm nên Rolex Day-Date 40mm sẽ có ít phiên bản hơn rất nhiều, và phần lớn chỉ là mặt cơ bản chứ không nhiều phá cách như Day-Date 36mm.

Những cọc số cũng có sự khác biệt giữa hai phiên bản, và dễ nhận thấy nhất với mẫu mặt số kim cương hay mặt số La Mã. Đối với mặt số La Mã, các chữ số trên phiên bản 36mm sẽ tròn trịa hơn (do diện tích mặt số ít hơn nên các chữ số La Mã cũng phải "lùn" đi). Ngược lại, các chữ số La Mã trên phiên bản 40mm sẽ dài hơn, thanh mảnh hơn (do diện tích mặt số nhiều hơn). Đối với cọc số kim cương, Day-Date 40 sẽ chỉ sử dụng kim cương ống trên tất cả 10 cọc số; còn phiên bản Day-Date 36mm chỉ có kim cương ống ở cọc số 6h và 9h, phần còn lại dùng kim cương tròn.

Sự khác biệt cuối cùng nằm ẩn ở bên trong bộ vỏ ngoài, đó chính là bộ máy điều khiển hoạt động của chiếc đồng hồ. Phiên bản 40mm hiện đại hơn, to lớn hơn và cũng được trang bị một bộ máy mới hơn: Caliber 3255. Phiên bản 36mm của dòng Day-Date vẫn dùng bộ máy quen thuộc Caliber 3155 đã được ra đời từ thế kỷ trước, nhưng vẫn thể hiện rõ độ bền bỉ của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về hai bộ máy này, và liệu Caliber 3255 có hơn Caliber 3155 ở điểm nào không?

Một điều khá dễ hiểu là bao giờ sản phẩm ra mắt sau sẽ luôn có những cải tiến về mặt kỹ thuật so với sản phẩm trước đó, và Caliber 3255 cũng không phải ngoại lệ. Cải tiến đáng chú ý nhất của bộ máy này chính là thời lượng cót được nâng lên 70 giờ, thay vì 48 giờ của Caliber 3155. Tính ra, thời lượng cót đồng hồ đã được tăng lên gấp rưỡi, và việc thực hiện điều này cũng không hề dễ dàng chút nào.

Về cơ bản, hộp cót càng lớn thì khả năng trữ cót càng nhiều. Tuy nhiên, kích thước bộ máy thì không thể tăng nhiều như vậy, vì phải đặt vừa bên trong bộ vỏ. Do đó, Rolex phải kết hợp nhiều cải tiến ở các bộ phận để làm tăng thời lượng cót đồng hồ: làm mỏng vách hôp cót, cải thiện hệ thống bánh răng sao cho hiệu quả hơn và sử dụng một bộ thoát mới. Để diễn giải tất cả những thay đổi này, chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian và thực tế thì người dùng cũng không cần hiểu chi tiết điều này làm gì. Việc của chúng ta đơn giản là hưởng thụ trải nghiệm sử dụng tốt nhất đến từ các mẫu đồng hồ Rolex.

Mặc dù thiết kế có biến đổi ra sao, bộ máy có cải tiến như thế nào, nhưng có một điều sẽ luôn tồn tại trên những chiếc Rolex Day-Date đó chính là độ hoàn thiện tuyệt hảo. Để nói về điều này có lẽ cũng mất cả ngày, và Gia Bảo Luxury cũng sẽ chỉ nêu cho các bạn một ví dụ đơn giản về độ cầu toàn của Rolex.

Chi tiết đầu tiên có lẽ là bộ dây President quen thuộc. Mỗi mắt nối trên bộ dây đều được lắp vừa khít với nhau, và gần như không có một khoảng trống nào. Bộ dây này được cố định bởi bộ khóa gấp ẩn bên dưới, với lẫy mở là hình vương miện Rolex. Chỉ cần khẽ lách ngón tay vào và cậy lên, bạn đã có thể mở được khóa một cách dễ dàng và không hề mất sức. Mặc dù việc tháo dễ dàng là vậy, nhưng khi bạn đã đeo lên tay thì việc khóa bị bung gần như không bao giờ xảy ra. Một điểm hay nữa của Rolex chính là tiếng bấm khóa "tách".  Lúc bạn mới mua và bấm khóa vào sẽ có tiếng này, và 10 năm sau khi bạn mua thì cái tiếng quen thuộc đó cũng vẫn sẽ giữ nguyên không hề thay đổi.

Kiến thức
Đồng hồ Rolex
Zalo