Thiết kế sáng tạo mới ra: Omega De Ville Tourbillon Master Chronometer
Khi nhắc tới Omega, hẳn bạn sẽ nghĩ tới những mẫu đồng hồ biểu tượng như Speedmaster hay Seamaster. Tuy nhiên, Omega không chỉ có vậy. Họ còn có nhiều thiết kế với tính năng cao cấp, và một trong số đó là mẫu Omega De Viller Tourbillon Master Chronometer.
Omega và Tourbillon
Tourbillon vốn được phát minh bởi Abraham-Louis Breguet - nghệ nhân nổi tiếng và có đóng góp rất lớn cho lịch sử phát triển đồng hồ. Vào thời điểm được phát minh, đây là một cơ chế đột phá và cực kỳ quan trọng, nhưng sau đó nhanh chóng bị quên lãng.
Bắt đầu từ những năm 1860, với việc công nghệ chế tác dần tiến bộ hơn, đi kèm với đó là đồng hồ cũng có độ chính xác cao hơn. Vì thế, cơ chế Tourbillon bắt đầu mất đi sự quan trọng vì mức giá quá cao so với lợi ích đem lại. Không chỉ thế, với sự ra đời của đồng hồ đeo tay, Tourbillon ngày càng bị quên lãng.
Mẫu đồng hồ bỏ túi Breguet Tourbillon No.1176 - một trong những thiết kế Tourbillon đầu tiên
Phải tới những năm 1980, khi đồng hồ cơ học bắt đầu quay trở lại sau khi bị thống trị bởi đồng hồ Quartz, thì Tourbillon mới một lần nữa tỏa sáng. Vào năm 1984, Franck Muller giới thiệu một mẫu đồng hồ đeo tay với tính năng Tourbillon. Và tới năm 1986, Audemars Piguet cho ra mắt mẫu đồng hồ mang mã hiệu Ref. 25643 - chiếc đồng hồ Tourbillon đầu tiên được sản xuất đại trà. Một thời gian sau, Tourbillon trở thành tính năng bắt buộc phải có trên một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp.
Tuy nhiên, giữa thiết kế của Breguet và thiết kế của AP có một sự khác biệt đáng kể. Và sự thay đổi đó là công của Omega - họ chính là người đầu tiên đã giới thiệu mẫu đồng hồ đeo tay với cơ chế Tourbillon.
Vào năm 1947, Omega giới thiệu bộ máy lên cót tay mang tên 30 I, có sở hữu lồng Tourbillon quay một vòng mỗi 7.5 phút. Bộ máy này được chế tạo để tham dự cuộc thi về độ chính xác, cạnh tranh tại các sự kiện tại Geneva, Neuchatel và Kew-Teddington. Và thực tế thì bộ máy này cho tới ngày nay vẫn nằm trong top những bộ máy đạt điểm cao nhất.
Tua nhanh tới năm 1994, Omega giới thiệu mẫu đồng hồ đeo tay Tourbillon đầu tiên được sản xuất đại trà. Thiết kế này có một điểm đặc biệt - lồng Tourbillon xuất hiện ở chính giữa mặt số. Vào thời điểm đấy, Omega vẫn sử dụng bộ máy lên cót tay, và sau đó cải tiến lên máy tự động vào năm 1997.
Tới năm 2002, bộ máy Tourbillon của Omega đạt chứng nhận Chronometer đảm bảo về độ chính xác. Và cuối cùng, tới năm 2007, thương hiệu này đã sử dụng bộ thoát Co-Axial độc quyền của mình lên trên cơ chế Tourbillon.
Mẫu đồng hồ Omega De Ville Tourbillon Master Chronometer
Trong năm 2020, Omega lại một lần nữa cải tiến thiết kế Tourbillon của mình. Vẫn là thiết kế Tourbillon ở tâm mặt số, nhưng thương hiệu này đã nâng cấp toàn diện về mọi mặt: độ chính xác, chất liệu, giải pháp kỹ thuật, khả năng chống từ…
Và mẫu De Ville Tourbillon mới này sở hữu bộ máy tuyệt vời bậc nhất của Omega, sánh ngang với Caliber 321 vừa mới được hồi sinh. Với bộ máy này, Omega muốn hướng tới chuẩn haute Horlogerie danh giá.
Về mặt hình thức, chúng ta nhận thấy sự quen thuộc với bộ vỏ của dòng De Ville. Bộ vỏ được làm từ vàng hồng Sedna độc quyền của Omega, với lớp giữa được làm từ vàng trắng Canopus (cũng độc quyền của Omega). Lớp giữa này có thể được quan sát qua cạnh bên đồng hồ. Về cơ bản, thiết kế này có độ thanh lịch, sang trọng nhưng rất kín đáo, và hướng sự chú ý vào trung tâm mặt số với lồng Tourbillon.
Phiên bản mới này sở hữu rất nhiều thay đổi, và trong đó có cả bộ vỏ. Kích thước vỏ được giảm một chút từ 44 xuống 43mm, và độ dày cũng giảm nhờ việc sử dụng bộ máy lên cót tay.
Không chỉ thế, cơ chế núm chỉnh giờ cũng có thay đổi quan trọng. Trước đó, mẫu De Ville Tourbillon có hai núm chỉnh giờ: một ở góc 3 giờ, một đặt ở mặt đáy để lên dây cót. Còn hiện tại, tất cả được điều khiển qua núm chỉnh giờ bằng vàng Sedna, đặt tại vị trí 3 giờ. Không chỉ tiện lợi hơn, cơ chế này cho phép Omega sử dụng mặt kính Sapphire ở phía sau.
Các chi tiết khác có chung một đặc điểm: kín đáo nhưng được xử lý hoàn hảo. Ví dụ điển hình là bộ dây da cá sấu được kết hợp với khóa cài bằng vàng hồng Sedna. Đơn giản, bình dị nhưng từng chi tiết được chăm sóc tỉ mỉ.
Về tổng thể, mặt số đồng hồ được thiết kế tối giản để người dùng tập trung vào phần trung tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại rằng thiết kế đơn giản nhưng độ hoàn thiện thì không như vậy. Mặt số đen được làm từ vàng Sedna, sau đó mạ PVD trên lớp hoàn thiện chải tia.
Với mục đích lộ ra cơ chế Tourbillon ở trung tâm, cấu trúc tổng thể của mặt số đồng hồ được chia thành nhiều tầng và đem lại chiều sâu cần thiết. Phần rìa ngoài được hoàn thiện bằng những cọc số được làm từ vàng hồng, kèm với đó là từng mốc chỉ phút in ở viền trong. Lồng Tourbillon được bao bọc bởi một vành vàng, được làm khía giống với vành bezel của Rolex. Không chỉ thế, vành này còn có tác dụng để đếm giây qua cây kim lắp trên lồng Tourbillon.
Cơ chế lồng Tourbillon ở trung tâm mặt số đem lại một thiết kế cân bằng và thanh lịch, nhưng nó lại đem đến một vấn đề không nhỏ. Với thiết kế này, bạn không thể đặt kim giờ/phút tại chính giữa mặt số như bình thường.
Giải pháp được sử dụng giống với mẫu đồng hồ ra mắt vào năm 1994, với hai đĩa Sapphire được điều khiển bởi vòng bánh răng nằm bên dưới vành bezel. Cơ chế này cũng được sử dụng bởi Cartier trong mẫu đồng hồ Mysterious, khiến người dùng có cảm giác cây kim như trôi nổi giữa không trung vậy.
Kỹ thuật được sử dụng trong chiếc Omega De Ville Tourbillon
Bây giờ chúng ta sẽ nói về phần kỹ thuật của chiếc đồng hồ này. Điều đầu tiên cần nhắc tới đó là mẫu Omega De Ville Tourbillon sử dụng bộ máy hoàn toàn mới Caliber 2640, được sản xuất In-House toàn toàn. Đây là bộ máy nổi bật nhất của Omega, và họ đã trang bị nó với đầy đủ vũ khí tối tân.
Trước hết, chắc chắn chúng ta phải nói tới Tourbillon. Việc sử dụng bộ thoát Co-Axial không phải lần đầu tiên chúng ta được thấy, nhưng điều này vẫn rất ấn tượng. Sự kết hợp giữa lồng Tourbillon chống lại trọng lượng và thiết kế đặc biệt của bộ thoát Co-Axial rất hiếm gặp, và điều này giúp tăng độ chính xác rất nhiều.
- Tham khảo: Review trên tay đồng hồ Omega Seamaster Professional 300 và giải thích cơ chế Co-axial của Omega
Không chỉ thế, linh kiện được sử dụng bên trong cơ chế này cũng được cải tiến. Lồng Tourbillon bây giờ được làm từ Titanium có áp dụng thêm công nghệ Ceramic - nhẹ hơn, hiệu quả hơn. Phần hình ảnh cũng được chăm chút, với các linh kiện đều được vát cạnh thủ công.
Kết quả là một thiết kế tuyệt đẹp, với những cạnh sắc và được đánh bóng kết hợp với bề mặt đen hiện đại. Chúng ta cũng có thể quan sát được những cơ chế hoạt động bên dưới lồng Tourbillon, và tất nhiên là cả bộ thoát Co-Axial trứ danh.
Một cải tiến quan trọng khác đó là bộ máy này giờ đã đạt chuẩn Master Chronometer. Điều này có nghĩa là bên cạnh độ chính xác, bộ máy Caliber 2640 còn phải đạt nhiều tiêu chuẩn khác như khả năng chống từ lên tới 15,000 Gauss, khả năng chống sốc và thời lượng bảo hành được tăng lên 5 năm.
Cuối cùng là độ hoàn thiện của bộ máy. Phần lớn bộ máy của Omega trông đẹp mắt, nhưng thực tế là được hoàn thiện công nghiệp. Tuy nhiên, Caliber 2640 đi theo một hướng cao cấp hơn, với những chi tiết được hoàn thiện theo chuẩn Haute Horlogerie.
Chỉ có duy nhất phần hoàn thiện sần trên bộ máy được hoàn thiện bằng kỹ thuật Laser. Còn lại, những đường vát cạnh, những ốc vít và lỗ vít được đánh bóng, những bề mặt chải xước đều được hoàn thiện thủ công, theo cách truyền thống.
Bộ máy có kích thước gần bằng vỏ đồng hồ, sở hữu thiết kế bất đối xứng và có tới hai hộp cót, cầu nối uốn lượn, chân kính cỡ đại và tông màu vàng ấm áp. Điều này không lạ với một nghệ nhân độc lập chỉ làm 1-2 chiếc đồng hồ mỗi năm. Tuy nhiên, đây lại là một thương hiệu lớn với số lượng sản xuất lên tới hàng trăm ngàn chiếc đồng hồ mỗi năm.
Mẫu đồng hồ Omega De Ville Tourbillon Master Chronometer đi kèm với bộ hộp đặc biệt, một túi vận chuyển và thiết bị lên cót chuyên dụng. Thiết kế này được đánh số thứ tự, nhưng không phải phiên bản giới hạn. Nhưng điều này vẫn có nghĩa rằng số lượng đồng hồ được sản xuất ra không nhiều, và không phải lúc nào người chơi cũng có thể mua được.