Titanium nào đang được sử dụng phổ biến nhất để chế tạo đồng hồ?
Được phát hiện ở Anh vào thế kỷ 18, titan hiện đã được sử dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực, kể cả là trong ngành công nghiệp của những chiếc đồng hồ. Có cùng mẫu mã, kiểu dáng, phiên bản đồng hồ làm từ titan sẽ có giá cao hơn so với thép không gỉ, điều này đều có lí do của nó.
Giống với thép hay vàng, titan cũng được phân thành nhiều loại. Vậy các nhà sản xuất đồng hồ đang chủ yếu dùng loại titan nào, và tác dụng của nó là gì?
Titan được tìm thấy trong các quặng ilmenit hoặc khoáng chất gọi là rutil, trước khi được đem đi tinh chế và định hình thành một dạng hợp kim nào đó. Trong số 38 hạng titan được tiêu chuẩn ASTM International công nhận, chỉ có hai hạng được sử dụng rộng rãi cho đồng hồ - cấp 2 và cấp 5 (level/grade 2 và level/grade 5).
Một trong những chiếc đồng hồ làm từ titan mới nhất và đáng chú ý nhất xuất hiện gần đây chính là Tudor Pelagos 39 vừa ra mắt tại sự kiện Watches & Wonders 2022. Mẫu đồng hồ này được làm và hoàn thiện từ titan cấp 2. Được biết, titan cấp 2 là một phần của titan “tinh khiết thương mại”, được ví là chất liệu tiên phong trong nhiều ngành công nghiệp. Khả năng chống oxy hoá, chống ăn mòn tốt cùng độ bền vừa phải chính là ưu điểm lớn của titan cấp 2.
Hay, thương hiệu Bulgari đã sử dụng titan cấp 5 cho chiếc Octo Finissimo. Chất liệu này quá phù hợp cho một chiếc đồng hồ siêu mỏng. Titan cấp 5 giúp cho Octo Finissimo đẹp, nhẹ và siêu cứng. Bao gồm 6% nhôm, 4% vanadi, 0,25% sắt và 0,2% oxy, titan cấp 5 được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các hợp kim titan.
Titan cấp 23 cung cấp độ tinh khiết cao hơn cấp 5. Không chứa sắt và tối đa 0,13% oxy, titan cấp 23 cũng có khả năng chống hư hỏng được cải thiện khi so sánh với các hợp kim khác. Do tính chất trơ của titan, titan cấp 23 thường được sử dụng để cấy ghép trong y tế do có độ tinh khiết cao, mà ít khi được ứng dụng trong ngành công nghiệp đồng hồ. Một ngoại lệ ở đây đến từ thương hiệu Blancpain. Thương hiệu này đôi khi đã dùng titan cấp 23 cho đồng hồ Air Command 36mm và Fifty Fathoms Bathyscaphe.
Một số thương hiệu khác lại sử dụng hợp kim riêng. Họ tự tạo ra những hợp kim độc quyền của titan hoặc là tạo ra các lớp phủ titan khác nhau. Đại diện của nhóm này là cái tên Grand Seiko. Thương hiệu đến từ Nhật Bản đã sử dụng hợp kim Titanium High-Intensity của riêng mình. Kết quả là chiếc đồng hồ sẽ tránh được trường hợp xỉn màu tự nhiên. Mặt khác, trong khi ưu điểm của titan là siêu cứng, nhưng nó cũng chính là nhược điểm của kim loại này khi đem đi đánh bóng. Nhưng với Grand Seiko, titan cũng không làm khó được kỹ thuật đánh bóng tuyệt vời của hãng.
Đồng hồ Grand Seiko SBGA403 Spring Drive 20th Anniversary Limited Edition
Cũng là một đại diện khác từ Nhật Bản, Casio sử dụng hai hợp kim titan hiếm, khác nhau trong chiếc MRG “Square” - chiếc đồng hồ cùng thể loại với chiếc DW-5600 có giá 4.000USD nổi tiếng. Mẫu đồng hồ Casio MRG “Square” kết hợp Ti61 titan (đã có yttrium làm nguyên tố để tăng thêm độ bền) và DAT55G, hợp kim titan không chứa vanadi, cứng gấp ba lần titan cấp 5.
Với lớp phủ, các nhà sản xuất đồng hồ như Sinn và Citizen dẫn đầu về độ cứng và khả năng chống xước trong ngành. Công nghệ TEGIMENT của Sinn gần như đã trở thành huyền thoại, với nhiều báo cáo cho biết nó chống xước phần lớn khi được áp dụng cho các bộ vỏ từ titan cấp 2 và cấp 5
Hay lớp phủ Super Titanium của Citizen cũng liên quan đến kỹ thuật làm cứng bề mặt, mặc dù họ không chỉ định loại titan được sử dụng. Công nghệ Duratect nâng độ cứng Vickers của vỏ lên hơn 1000, trong khi titan cấp 2 và cấp 5 thường đạt lần lượt là 160 và 320.
Mặc dù những thông tin bên trên không thể đưa ra cái nhìn toàn diện về tất cả các loại titan hiện hữu. Với trọng lượng rất nhẹ, bền cùng khả năng chống ăn mòn vượt trội, hầu như có rất thứ có thể khiến titan bị rỉ, titan liệu có được sử dụng nhiều hơn trong ngành công nghiệp đồng hồ? Liệu titan có đánh bại thép không gỉ, trở thành vật liệu thông dụng nhất hay không?