Toàn cảnh về người thợ đồng hồ Daniel Roth tài năng: Rời đi và sự trở lại (Phần 3)
Ở trong hai phần trước, chúng ta đã đi qua quãng thời gian Daniel Roth làm việc tại Breguet, rồi tự "solo" với thương hiệu của chính mình. Còn trong phần 3 này, chúng ta sẽ tìm hiểu về giai đoạn có thăng, có trầm của Daniel Roth cũng như thương hiệu cùng tên, cùng một sự ngạc nhiên mới!
Daniel Roth trong thời kỳ dưới trướng The Hour Glass & Bvlgari
Quá trình sản xuất của thương hiệu Daniel Roth kéo dài từ năm 1988 đến 1994. Trong sáu năm đó, Daniel Roth đã tạo ra một số kiệt tác đếm thời gian quan trọng nhất của mình. Nhưng vì vài lý do (cho tới nay vẫn chưa được làm rõ) và liên quan đến tình hình kinh tế giai đoạn đó, Daniel Roth đã chuyển nhượng phần lớn cổ phần của mình cho công ty The Hour Glass có trụ sở tại Singapore.
Với mục đích nâng cao doanh thu, chủ sở hữu mới của thương hiệu đã áp dụng chiến lược phát triển mới, quyết định tấn công thị trường với những chiếc đồng hồ có giá cả phải chăng hơn, thiên về kiểu dáng thể thao, sử dụng ít vật liệu quý hơn để giảm giá thành sản xuất xuống.
Vỏ đồng hồ bạch kim hoặc vàng đổi thành vỏ thép không gỉ. Mặt số vàng có trang trí họa tiết guilloche thì thay bằng mặt số dạng dập khuôn với màu sắc tươi sáng. Cùng với đó, cọc số La Mã chuyển sang cọc số Ả Rập. Điểm mới nữa là lần đầu tiên, dây đeo tích hợp có trên đồng hồ Daniel Roth.
Tuy nhiên, chiến lược mới không đem lại kết quả mỹ mãn, nếu không muốn nói là khá tệ và đáng thất vọng về nhiều mặt. Thị trường không phản ứng tích cực đối với những chiếc đồng hồ đã bị bóp méo, lai tạp và mất bản sắc. Năm 2000, THG phải nộp đơn phá sản và để lại mọi thứ cho một tập đoàn tên tuổi khác.
Những chiếc đồng hồ dựa theo loạt sản phẩm đầu tiên
Mặc dù buộc phải chịu đi theo hướng phát triển được vạch ra bởi The Hour Glass, cụ thể là chuyển sang mặt số “rẻ tiền" và quy trình xử lý đơn giản hơn, người thợ đồng hồ Daniel Roth vẫn thành công với vài mẫu đồng hồ tiêu biểu trong giai đoạn này. Đó là những chiếc đồng hồ được phát triển dựa trên những mẫu đồng hồ đầu tiên.
Đồng hồ Daniel Roth C207 và C257
Cả hai mẫu đồng hồ Daniel Roth C207 và C257 đều khiến giới mộ điệu nhớ về những chiếc đồng hồ đầu tiên được tạo ra bởi người nghệ nhân tài năng.
Mẫu C207 sở hữu vỏ bằng vàng 18k (vàng, trắng, hồng) và có kích thước 35mm x 38mm, dày 8mm. Bên trong đồng hồ là một bộ máy tự động Lemania đã được đem đi hoàn thiện cẩn thận. Đồng hồ có mặt số vàng khối màu xám, kèm trang trí họa tiết guilloche và vòng đếm của các mặt số phụ vẫn là chải satin. Vẫn có bộ kim nung xanh với đầu tên hình mũi tên.
Mẫu C257 cũng có đặc điểm của C207. Sự khác biệt nằm ở kích thước đồng hồ. Cụ thể, kích thước đã giảm xuống còn 34.5mm x 31mm, dày 7,2mm. Hơn nữa, mã hiệu đồng hồ này lại có số lượng nhỏ được trang bị bộ máy lên cót tay nhà JLC vốn sản xuất năm 1995.
Đồng hồ Daniel Roth C117
Như bên trên đã nhắc đến, vào đầu thập niên 1990, nguyên mẫu của chiếc đồng hồ lịch vạn niên tức thời đã có, nhưng phải đến năm 1995, một phiên bản “bán tức thời” mới thực sự trình làng. Về sau, một phiên bản được làm theo phong cách skeleton sử dụng những bộ hiển thị dùng kim thay vì các đĩa chuyển động chỉ thứ, tháng mới được xem là hoàn thành mục tiêu của Daniel Roth.
Ở những năm sau đó, phiên bản cuối cùng đã ra mắt.
Đồng hồ Daniel Roth C317 Papillon
Vì nhiều lý do, Daniel Roth 317 được các nhà sưu tầm cho là sáng tạo cuối cùng được tạo ra bởi Daniel Roth. Mẫu đồng hồ này được phát hành với số lượng giới hạn 250 chiếc (110 chiếc vàng trắng, 110 chiếc vàng hồng và 30 chiếc platinum) trong năm 1998 để kỷ niệm 10 năm thành lập thương hiệu. Daniel Roth C317 là một tuyệt phẩm đồng hồ đích thực, thể hiện niềm tôn kính với thế hệ đồng hồ đầu tiên của người nghệ nhân.
Đặc điểm của mẫu đồng hồ này là ô cửa sổ báo giờ theo dạng nhảy (từ 1 đến 12 mà không phân biệt ngày/đêm) trong khi vòng cung báo phút lại là dạng retrograde (bật ngược lại từ giây 60 về tới 0). Trung tâm là sự sắp đặt của vòng tròn báo giây. Thực sự đó là một chiếc đồng hồ rất phức tạp khi nhìn tới vấn đề kỹ thuật.
Vỏ đồng hồ đặc thù của Daniel Roth 317 có kích thước là 35mm x 38mm x 9,8mm. Bộ máy nền đến từ nhà Girard-Perregaux và có tên là GP3000. Mặt số được hoàn thiện trong hai chất liệu bạc/ruthenium (Daniel Roth là một trong những người thợ đồng hồ sử dụng ruthenium trong chế tác đồng hồ đầu tiên).
Khi thương hiệu Daniel Roth thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Bvlgari
Khi tập đoàn The Hour Glass đến từ Singapore có phần lớn cổ phần của Daniel Roth, chiến lượng phát triển bằng một phân khúc sản phẩm mới giá phải chăng, thể thao hơn đã đi ngược lại bản sắc ban đầu của thương hiệu. Công thức này gây nhiều tranh cãi và thực tế là thị trường đã không phản hồi tích cực, buộc tập đoàn mẹ phải bán thương hiệu sau tuyên bố phá sản.
Về sau, thương hiệu Daniel Roth thuộc về quyền sở hữu của Bvlgari (về sau còn mua thêm cả Gérald Genta). Tuy nhiên, tập đoàn từ Ý đã ấn định việc bán tất cả cổ phiếu, bao gồm cả cổ phiếu của chính Daniel Roth.
Triết lý Bvlgari
Không giống như tập đoàn THG, ban lãnh đạo của Bvlgari có một định hướng rõ ràng hơn để phát triển thương hiệu Daniel Roth mới mua lại. Rất nhiều đồng hồ Daniel Roth đã được sản xuất. Trong số đó, có một số chiếc mặc dù không tuân theo các nguyên tắc sáng lập được xác định bởi Roth trong những năm đầu, nhưng rất đáng chú ý.
Bvlgari đã mang đến những chiếc đồng hồ Daniel Roth điểm chuông, tourbillon, lịch vạn niên và ô cửa sổ báo ngày cỡ lớn. Bộ vỏ đồng hồ được tăng thêm kích thước và sửa đổi một chút (chẳng hạn như núm vặn đặt một phần vào thân vỏ).
Các mặt số đã được sửa đổi nhiều cùng với thiết kế và kỹ thuật hoàn thiện mới. Ví như sự có mặt của mặt số tráng men (trong mẫu Athis III) cũng như sự trở lại của hoạ tiết trang trí guilloché - một số từ máy tiện truyền thống, một số khác sử dụng máy điều khiển kỹ thuật số.
GP3000 là bộ máy nền tảng được sử dụng trong phần lớn các mẫu đồng hồ bởi vì độ tin cậy cùng khả năng trữ cót dài mà vẫn kèm các chức năng.
Đồng hồ Daniel Roth 307 Minute Repeater
So với chiếc đồng hồ điểm chuông đầu tiên do Daniel Roth tạo ra, C307 khác về kích thước và độ dày (39mm x 36mm x 7,5mm), vỏ đồng hồ là vàng (hồng, trắng) hoặc bạch kim kèm chỉ báo giây độc lập.
Mặt số bằng vàng với lớp hoàn thiện ruthenium cùng hai loại vân guilloche trang trí khác nhau. Bộ máy bên trong là caliber 13000 đến từ Gérald Genta (cũng thuộc tập đoàn Bvlgari).
Đồng hồ Daniel Roth 197 Tourbillon
C197 đã được thay đổi phong cách thiết kế, vỏ bằng vàng (vàng hồng hoặc trắng) có kích thước tăng lên 43mm x 40mm x 12,9mm, cùng mặt đáy phía sau mở hiển thị mặt số thứ hai có báo ngày và chỉ báo năng lượng. Bộ máy nhập từ Lemania đã được hoàn thiện ở trình độ xuất sắc.
Mặt số có hoạ tiết Clous de Paris trong chất liệu vàng khối và hoàn thiện bằng lớp bạc khá thô so với loạt sản phẩm đầu tiên. Lớp viền bao quanh lồng tourbillon (có màu bạc mờ) cũng đã được biến tấu đi (có nghĩa là lồng tourbillon cũng đã thay đổi). Tấm bến dưới không còn là những đường mờ, mà hoàn thiện bởi lớp vân sọc Geneva. Điều giữ lại là bộ kim màu xanh, kiểu dáng mũi tên Roth cổ điển.
Đồng hồ Daniel Roth 209 Datomax
Daniel Roth 209 Datomax là mẫu đồng hồ được giới thiệu ngay sau khi tập đoàn Bvlgari mua lại thương hiệu. Đó là một chiếc đồng hồ được thiết kế đẹp mắt với vỏ bằng vàng 18k (vàng, hồng, trắng) có kích thước 35mm x 38 mm x 8,6mm. Bên trong là bộ máy GP3100 được hoàn thiện và trang trí tinh xảo.
Tái sinh với thương hiệu mới Jean Daniel Nicolas
Năm 2000, Daniel Roth dứt khoát rời khỏi công ty do chính mình tạo ra. Bởi kỹ thuật ấn tượng, rõ ràng Daniel Roth hoàn toàn có thể bước trên một lối đi an toàn tại bất kỳ nhà sản xuất gạo cội nào ở Thuỵ Sỹ. Tuy nhiên, là những người bạn lâu năm, một người nghệ nhân tài khác, Philippe Dufour đã giúp Daniel Roth xác lập hướng đi trong tương lai.
Daniel Roth không thể quản lý các vị trí như marketing, hội đồng quản trị, hay tài chính. Lĩnh vực mà Daniel Roth thuộc về là sản xuất đồng hồ ở cấp độ cao cấp. Năm 2001, Daniel Roth quyết định sự nghiệp của riêng mình: một thương hiệu mới mang tên Jean Daniel Nicolas, có trụ sở tại Le Sentier.
Thương hiệu Jean Daniel Nicolas
Năm 2001, khi Daniel Roth 55 tuổi, người nghệ nhân bắt đầu chương thứ 2 trong cuộc đời sự nghiệp với tư cách là một nhà sản xuất đồng hồ độc lập: Jean Daniel Nicolas.
Được giải phóng khỏi ràng buộc, Daniel Roth quyết định cống hiến tất cả những kiến thức của mình trong dự án mới.
Rất ít bộ phận là được nhập từ nhà sản xuất bên ngoài như dây tóc, chân kính, kính và vỏ đồng hồ. Còn các bộ phận còn lại trong đồng hồ đều được sản xuất theo cách truyền thống nhất, và trên hết là thực hiện thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc kỹ thuật số.
Trong thời điểm này, Daniel Roth quay trở lại với tình yêu lớn: Tourbillon. Cỗ máy có cơ chế tourbillon 2 phút là chiếc đồng hồ đeo tay duy nhất mà Roth sản xuất hiện nay, được phân phối hai chiếc đồng hồ mỗi năm.
Đồng hồ Jean Daniel Nicolas Two-Minute Tourbillon
Có hai phiên bản của chiếc Jean Daniel Nicolas Two-Minute Tourbillon, và cả hai có chất lượng tương đồng. Sự khác biệt đến từ kiểu dáng vẻ ngoài. Phiên bản thứ nhất có vỏ tròn 39mm và phiên bản còn lại ở kích thước 40,7mm x 32,7mm - giữ loại vỏ elip như trước của hãng.
Cơ chế tourbillon 2 phút trên chiếc đồng hồ này thể hiện trọn vẹn khái niệm của một chiếc đồng hồ cấp cao. Nhỏ gọn, làm từ vật liệu quý giá, kỹ thuật chế tác tinh tế, số lượng sản xuất nhỏ là một số đặc trưng quan trọng của chiếc đồng hồ này. Bộ máy bên trong được phát triển toàn bộ in-house bởi chính Daniel Roth, có thể trữ cót trong vòng 60 giờ liên tục nhờ vào sự có mặt hộp cót đôi. Mặt sau đồng hồ là dạng mở, thể hiện rõ tấm khung chính bằng bạc Đức - không có mạ rhodium - để có được vẻ đẹp rực rỡ và sống động hơn phong cách khắc và trang trí cầu kỳ hơn.
Về mặt trang trí, có vẻ như người nghệ nhân đã lấy cảm hứng từ một chiếc đồng hồ bỏ túi có nguồn gốc từ Mỹ, với lớp hoàn thiện Côtes de Genève mới lạ. Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên với lối trang trí này, Daniel Roth đã quyết định áp dụng phong cách này vào với chiếc đồng hồ Jean Daniel Nicolas Two-Minute Tourbillon, có đặc điểm là rotor hình bán nguyệt theo kỹ thuật tương đối phức tạp. Thực tế, cho đến nay, Daniel Roth là người duy nhất sản xuất đồng hồ mà ứng dụng kiểu hoàn thiện tinh tế này. Kỹ thuật hoàn thiện này được thực hiện thủ công.
Đối với mặt số, chiếc đồng hồ Jean Daniel Nicolas Two-Minute Tourbillon vẫn sử dụng những số chỉ giờ kiểu La mã cho mặt số thời gian và số Ả Rập trên vòng cung chỉ báo năng lượng. Phía dưới là sự có mặt của lồng tourbillon - đã được nâng cấp về kỹ thuật và cả thẩm mỹ. So với những mẫu Daniel Roth đời đầu, chiếc Jean Daniel Nicolas Two-Minute Tourbillon có thang dây đặt bên dưới của mặt số.
Sự thật về thương hiệu Jean Daniel Nicolas
- Cái tên Jean Daniel Nicolas được đặt theo tên của các thành viên trong gia đình Daniel Roth: trong đó Jean là con trai của Roth, Daniel từ tên chính người nghệ nhân và Nicolas là tên vợ.
- Chiếc Tourbillon hai phút của Jean Daniel Nicolas có đặc điểm khác thường như là bánh răng thứ ba cố định còn bánh răng thứ tư thì di chuyển bên trong lồng, còn thông thường thì sẽ là ngược lại.
- Kim nung được làm bằng thép, điều này khiến tăng trọng lượng của cả lồng tourbillon - do đó, điều chỉnh lại tourbillon cho chiếc đồng hồ này là một thách thức.
- Cho đến nay, Jean Daniel Nicolas chỉ sản xuất hai chiếc đồng hồ mỗi năm dựa trên lợi nhuận, và có vẻ như đang đặt mục tiêu là tăng lên 3 chiếc.
- Cho đến nay, có khoảng 30 chiếc tourbillon đã được tạo ra trong cả 2 phiên bản.
Kết
Những câu chuyện về người nghệ nhân Daniel Roth luôn khơi gợi nhiều cảm xúc mãnh liệt. Thông tin về Daniel Roth không có nhiều mà chính người nghệ nhân tài năng này cũng rất khiêm tốn đã góp phần tạo ra một hình ảnh “không có thực" trong ngành sản xuất đồng hồ.
Hồi sinh thương hiệu Breguet có thể sẽ khiến những kẻ liều lĩnh ngủ vùi trong chiến thắng, nhưng với tài năng và sự quyết tâm, Daniel Roth đã xây dựng một thương hiệu mới trong khi vẫn trung thành với truyền thống, để lại cho hậu thế những kiệt tác đếm thời gian độc đáo.