Trở thành sự khác biệt với đồng hồ có mặt số thiên thạch
Kể từ thời xa xưa, những người Ai Cập cổ đại đã sáng tạo ra Dương lịch bằng việc quan sát sự thay đổi thời gian mọc của sao Sirius (Ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm). Và sau đó tới người La Mã với việc sử dụng Mặt Trăng để đo thời gian, chúng ta đã luôn nhìn lên bầu trời cao và sử dụng những thiên thể để xác định thời gian.
Và với lý do đó, việc sử dụng một vật liệu từ những thiên thể ngoài Trái Đất trên đồng hồ là một việc tuy mới mẻ, nhưng lại đi về nguồn gốc của việc đếm thời gian. Và chất liệu thường xuyên được sử dụng nhất chính là những mảnh thiên thạch, vốn rơi xuống Trái Đất này từ hàng ngàn cho tới hàng triệu năm trước.
Một mặt số đồng hồ đang được cắt ra từ miếng thiên thạch lớn
Vậy thiên thạch là gì? Thiên thạch là một sao chổi hay tiểu hành tinh bị rơi xuống Trái Đất. Viên thiên thạch lớn nhất đã được phát hiện vào năm 1920 tại Namibia, được đặt tên là Hoba. Viên thiên thạch này có tên như vậy bởi vì nó được tìm thấy trong một trang trại có tên là Hoba West, và có vẻ nó đã rơi xuống Trái Đất khoảng 80,000 năm trước.
Có ba loại thiên thạch, được phân biệt theo hàm lượng đá và hợp kim Sắt-Nikel bên trong: Đá, Sắt và hỗn hợp. Trong đó, thiên thạch Đá chiếm tới 94% tổng số thiên thạch trên Trái Đất, thiên thạch Sắt chiếm 5% và thiên thạch Hỗn hợp thì chiếm 1% còn lại. Tuy nhiên, trong ngành đồng hồ, chúng ta chỉ sử dụng thiên thạch Sắt để chế tác các chi tiết (chứa phần lớn hợp kim Sắt-Nikel).
Những đường chéo được hiện ra sau khi viên thiên thạch được xử lý bằng Acid
Những đường xéo đặc trưng trên các viên thiên thạch được đặt tên là họa tiết Widmanstätten. Nó được tạo nên khi một phần thiên thạch được xử lý bằng Acid Nitric hoặc chịu nhiệt độ cao. Khi phần tâm của các viên thiên thạch nguội lại, các tinh thể hay khoáng chất có nguồn gốc ngoài vũ trụ như Kamicite hay Taenite được định hình. Những tinh thể này có khả năng kháng acid và nhiệt, vậy nên sau khi xử lý bằng các phương thức này, các họa tiết được nổi rõ rệt hơn.
Thiên thạch không xuất hiện quá nhiều, nhưng thực tế chúng cũng không hiếm như những thương hiệu đồng hồ vẫn thường ca tụng. Phần lớn những viên thiên thạch đều sẽ được gửi tới các viện nghiên cứu, để các nhà khoa học nghiên cứu, phân tích và phân loại. Phần thừa ra sẽ được sử dụng cho các hoạt động chế tác và sản xuất đồ trang trí.
Chính việc thiên thạch thường xuyên được các viện nghiên cứu và các cơ sở khoa học phân tích cũng làm tăng giá trị của vật liệu này. Ví dụ, bạn có thể mua một viên thiên thạch nặng khoảng 340 gram, được nhặt từ khu vực Campo del Cielo (một điểm rơi thiên thạch rộng hàng ngàn km ở phía Tây Bắc Buenos Aires) với mức giá 230 USD trên mạng Internet một cách khá dễ dàng.
Dưới đây là một số mẫu đồng hồ có sử dụng chất liệu đặc biệt này:
Rolex Cellini Moonphase 50535
Mẫu đồng hồ Rolex Cellini Moonphase là một chiếc Dress Watch điển hình, với tính năng những tưởng sẽ không bao giờ được xuất hiện trên một chiếc Rolex – Lịch tuần trăng. Tại sao? Bởi Rolex luôn tập trung sản xuất những chiếc đồng hồ thực tế, với những tính năng thiết thực phục vụ công việc hàng ngày. Còn Lịch tuần trăng hiện chỉ mang tính trang trí là chính, chứ ít ai sử dụng tính năng này một cách hiệu quả.
Thêm vào cơ chế mang tính chất trang trí đó, Rolex còn sử dụng thêm chất liệu thiên thạch trên đĩa lịch, tượng trưng cho Mặt Trăng trong ngày trăng tròn. Bên dưới đó là một đĩa tráng men xanh, với những họa tiết ngôi sao tượng trưng cho bầu trời đêm.
Rolex Day-Date 228239
Tiếp theo là một chiếc Rolex mà theo ý kiến cá nhân của tôi là đẹp nhất trong dòng Day-Date. Chúng ta có chất liệu vàng trắng trang nhã, không quá nổi bật nhưng vẫn cho thấy được đẳng cấp của người chủ sở hữu. Kết hợp với đó là mặt số thiên thạch với cùng tông màu xám, nhưng sở hữu những đường vân độc nhất vô nhị không chiếc nào giống chiếc nào.
Thêm một thông tin nho nhỏ: Tất cả những mặt số thiên thạch của Rolex đều được lấy từ viên thiên thạch Gibeon, được phát hiện năm 1838. Viên thiên thạch này rơi xuống Trái Đất từ thời Tiền sử, với độ tuổi lên tới hàng triệu năm, nằm tại sa mạc Namibian, Gibeon. Khi rơi xuống Trái Đất, viên thiên thạch này bị vỡ thành hàng triệu mảnh và trải dài theo bờ Đông của sông Groot-visrivier.
Jaeger-LeCoultre Master Calendar Q1552540
Còn gì phù hợp hơn với một chiếc đồng hồ với tính năng Lịch đầy đủ kèm Lịch tuần trăng, ngoài một mặt số Thiên thạch. Chiếc Master Calendar của Jaeger-LeCoultre sở hữu một mặt số thiên dần qua màu xám đen, khác với chất liệu của Rolex.
Rolex GMT-Master II 126719BLRO
Là một trong những thiết kế mới nhất của Rolex (do Baselworld 2020 đã bị hủy bởi đại dịch Covid-19), chiếc GMT-Master II 126719 BLRO sở hữu bộ vỏ bằng vàng trắng kết hợp hoàn hảo với mặt số thiên thạch. Thêm vào đó, chúng ta có thêm vành bezel Pepsi đặc biệt vốn đang được săn đón bởi những người chơi đồng hồ.
Nếu so sánh về tương quan giá tiền và giá trị, chắc chắn phiên bản 126719 BLRO sẽ được đánh giá cao hơn chiếc 126710 BLRO vốn đang bị đội giá rất cao. Thêm vào đó, thời gian chờ đợi cho chiếc Pepsi vàng trắng này cũng nhanh hơn so với chiếc vỏ thép dây Jubilee kia.
Rolex Cosmograph Daytona 116589SALV
Đây là một thiết kế đồng hồ Daytona cao cấp, một phiên bản không có dáng vẻ thể thao thông thường. Làm nổi bật cho mẫu đồng hồ này là phần viền bành bezel từ loài đá quý mang tên ruby có màu sắc như huyết bồ câu đẹp diễm lệ.
Parmigiani Fleurier Tonda 1950 Météorite Special Edition
Mặt số của chiếc Parmigiani Fleurier Tonda 1950 Météorite Special Edition được chế tác từ một viên thiên thạch có nguồn gốc từ Thụy Điển. Theo như những thông tin từ thương hiệu này, mẩu thiên thạch này “là một mẫu vật đặc biệt, có thể giúp các nhà khoa học tìm ra những yếu tố mới trong hệ Mặt Trời.” Không giống với những viên thiên thạch khác có màu xám bạc, mặt số thiên thạch của Parmigiani có màu trắng sáng.
Bộ vỏ đồng hồ được làm từ Titanium có trọng lượng rất nhẹ, với đường kính 39mm và chỉ dày 7,97mm. Bên trong chiếc Parmigiani là bộ máy Caliber PF 702 siêu mỏng, tự động lên dây cót.
DeBethune Dream Watch 5 Meteorite
Khác với những chiếc đồng hồ khác sử dụng thiên thạch để làm mặt số, chiếc DeBethune Dream Watch 5 Meteorite có bộ vỏ được làm từ chất liệu ngoài hành tinh. Toàn bộ bộ vỏ của chiếc đồng hồ này được đúc từ viên thiên thạch có nguồn gốc từ Argentina, sau đó được xử lý nhiệt để tạo ra màu xanh đặc trưng của DeBethune.
Bởi vì thiên thạch là một hợp kim có các thành phần được bố trí không đồng đều, nên màu sắc của bộ vỏ đồng hồ cũng có nhiều sắc thái khác nhau và đi kèm với nhiều vết nứt.
David Rutten Streamline Meteorite
Streamline Meteorite không hiển thị thời gian qua bộ kim như những chiếc đồng hồ truyền thống, mà hiển thị qua cửa sổ theo thiết kế từ thập niên 1930. Thiết kế bộ vỏ được làm theo phong cách Streamlining, một phần trong phong trào Art-Deco.
Bộ vỏ đồng hồ được làm hoàn toàn từ thiên thạch, được hoàn thiện với nhiều đường rãnh khá đặc biệt.