3 Kỷ lục mới của Rolex tại loạt sự kiện đấu giá mùa xuân Geneva 2023

18/05/2023
Tin tức
Đấu giá
Đồng hồ Rolex

3 Kỷ lục mới của Rolex tại loạt sự kiện đấu giá mùa xuân Geneva 2023

Trước khi những cuộc đấu giá (mùa xuân) nổ ra liên tiếp tại Geneva, trong giới đấu giá truyền tin nhau câu hỏi: Liệu một chiếc Rolex Milgauss có thực sự đáng giá 1 triệu USD hay không. Câu hỏi này nhen nhóm khi nhà đấu giá Phillips có mang đến một chiếc Rolex Milgauss 6541 siêu hiếm, có mặt số màu đen, hoạ tiết trông như những lỗ tổ ong. Chiếc đồng hồ ở trong tình trạng tốt còn đủ sách hướng dẫn, giấy bảo hành, hộp đựng. Với tìm hiểu của mình, đơn vị Phillips đã ước tính chiếc đồng hồ này có thể được bán thành công với giá 1 triệu USD, lập kỷ lục mới cho một chiếc đồng hồ Rolex dành cho các nhà khoa học.

Trước đó, vào năm 2013, chiếc Milgauss đắt nhất được bán có giá 317.000 CHF. Đến nay, kỷ lục được phá bởi con số ấn tượng, 2,34 triệu CHF (tương đương khoảng 2,5 triệu USD). Một kỷ lục nữa cũng được xác lập trong đợt đấu giá tuần vừa qua: Sotheby's đã bán chiếc Rolex Daytona 6241 "John Player Special" bằng vàng với giá 2.23 triệu CHF trong khi Phillips cũng đã bán chiếc Daytona 6270 đính kim cương với giá 3,69 triệu CHF. Mặc dù những con số trên không thể hiện rằng tất cả đồng loạt đồng hồ đấu giá đều được bán với giá cao, nhưng kết quả kỷ lục cũng thể hiện mối quan tâm về những chiếc đồng hồ quý hiếm ở tình trạng tốt nhất quả thực vẫn cao hơn bao giờ hết.

Sau những cuộc đấu giá từ các nhà lớn như Phillips, Christie's, Sotheby’s và Antiquorum, vẫn có kết quả rút ra được đó là Rolex và Patek vẫn chiếm phần lớn. Và đợt đấu giá mùa xuân này (tại Geneva), Rolex là cái tên được nhuộm lên màu đỏ tại Geneva.

Dù không phá kỷ lục nào giống như ba mẫu kể bên trên (1 chiếc Milgauss, 2 chiếc Daytona), 2 chiếc Rolex khác cũng được bán với giá cao. Đó là chiếc Rolex 6036 "Jean-Claude Killy" bằng vàng hồng có giá 571.000 CHF và chiếc GMT-Master "Captain Warren" được bán với giá 177.800 CHF.

Tình trạng tốt là điều khiến 4 chiếc Milgauss, Daytona "John Player Special", Daytona 6270, "Jean-Claude Killy" được bán với giá cao, còn GMT-Master "Captain Warren" thì lại do xuất xứ. Chiếc đồng hồ này được giới thiệu là bán ra vào những năm 1950, và chính chủ sở hữu ban đầu đã gửi đồng hồ đến cho Sotheby's. 

Đồng hồ Rolex Milgauss 6541 - 2,34 triệu CHF

Hầu hết những người đã nhìn thấy trực tiếp chiếc đồng hồ đạt kỷ lục đều đồng ý đó là chiếc Milgauss đẹp nhất mà họ từng thấy. Vỏ đồng hồ sắc, mặt số tổ ong và đi kèm với khá nhiều phụ kiện. 

Có tin rằng Rolex đã sản xuất khoảng 200 chiếc Milgauss 6541. Mẫu đồng hồ này cũng không phổ biến lắm, được sản xuất từ năm 1957 đến năm 1960 và sau đó được thay thế bằng mẫu 1019. 

Milgauss nguyên bản là chiếc đồng hồ rất đáng để kết nạp vào trong bộ sưu tập: một chiếc đồng hồ cổ điển có kích thước vỏ 38mm, vành bezel xoay mà chúng ta không thể tìm thấy trong các thiết kế sản xuất trong giai đoạn hiện đại.

Đồng hồ Rolex Daytona 6241 "John Player Special"

Nhu cầu về những chiếc Rolex "John Player Special" rất cao trên thị trường, nhưng cũng thay đổi thất thường. Cùng tại đợt đấu giá mùa xuân này, đơn vị Phillips bán thành công một chiếc Rolex "John Player Special" với giá khoảng 2,5 triệu USD, nhưng một chiếc Rolex "John Player Special" khác tại Antiquorum vẫn chưa tìm thấy chủ nhân.

Đồng hồ Rolex Daytona 6269 và 6270

Có câu nói đùa thế này, chỉ cần là đấu giá, sẽ có Daytona. Trong tuần đấu giá vừa qua, có đủ những mẫu Daytona tuỳ thuộc vào nhu cầu của nhà sưu tập. Nhà đấu giá Phillips có chiếc Daytona 6270 có vành bezel nạm kim cương cắt baguette trong khi bên phía Christie’s cung cấp chiếc Daytona 6269 có vành bezel nạm kim cương tròn - model được uỷ quyền bởi Quốc vương Oman (người cung cấp số lượng lớn đồng hồ cho đợt bán đấu giá này của Christie).

Đặc điểm chung của hai mẫu đồng hồ kể trên là có nhiều kim cương, sapphire xanh,... và bộ máy Valjoux 727 vẫn còn hoạt động bên trong. Riêng chiếc Rolex Daytona 6270 đã tạo nên kỷ lục cho chính mình, được chốt phiên với giá 3,69 triệu CHF.

Dù đồng hồ đính đá quý đã rất quen thuộc trong giai đoạn hiện nay, trước năm 1960/70, đồng hồ được xem là công cụ chuyên dụng có mục đích sản xuất mang tính thực tế: từ xem giờ đơn giản đến các chức năng chuyên nghiệp cao cấp hơn hoặc vẫn được xem là phụ kiện (thường bằng vàng) và hầu như là không có đá quý, kim cương hay đá quý chỉ xuất hiện ở vị trí cọc chỉ giờ. Những chiếc đồng hồ đính đá quý thực sự hầu như chỉ được sản xuất dành riêng cho phụ nữ với kích thước rất nhỏ. Bởi vậy, những mẫu đồng hồ thể thao có nạm đá quý (như Daytona 6269 và 6270 bên trên) là rất lạ lùng. 

Vào những năm 1980, đó chính xác là những gì Rolex đã tạo ra, trước một vài thập kỷ, điều mà trở thành xu hướng chủ đạo cho ngày hôm nay. Trên thực tế, Rolex có lẽ đã không đưa ra một quyết định dũng cảm như vậy, nếu như không được thúc đẩy bởi một trong những khách hàng quan trọng nhất - nếu không muốn nói là quan trọng nhất từ ​​trước đến nay - của hãng: Hoàng thân Sultan Qaboos bin Said Al Said của Oman (1940-2020). Đó là lý do cho sự ra đời của hai mẫu Rolex thể thao trang trí đá quý đầu tiên: 6269 và 6270. Mà ref. 6270 được cho là còn vượt qua hẳn 6269 về cả độ hiếm có lẫn ngoại hình.

Có 8 chiếc 6270 được biết đến trên thị trường và có lẽ từ 8 đến 10 chiếc 6269 được biết đến. Cả hai đều có ước tính lên tới hơn một triệu đô la.

“Người" đã chiến thắng về chiếc Rolex Daytona 6270 này không khiến giới sưu tầm ngạc nhiên lắm. Đó chính là Rolex. Dường như Rolex đã thể hiện rất rõ ràng về mức độ quan tâm của mình đến di sản và lịch sử của chính mình. Hiện tại Rolex chưa có Bảo tàng của riêng mình, và với động thái “săn lùng bảo vật” này có thể được xem là dấu hiệu về việc hãng sẽ có dự định xây dựng một Bảo tàng cho phép khách tham quan như cách Omega, Audemars Piguet, Patek Philippe,... đã và đang làm?

Các lựa chọn đồng hồ Rolex nổi bật khác

Trong đợt đấu giá vừa qua, Antiquorum đã đưa một chiếc Rolex Daytona 6263 bằng vàng về với chủ nhân mới với giá 312.500 CHF (ước tính 200.000 CHF đến 300.000 CHF). Và chiếc Day-Date bằng bạch kim màu san hô được bán với giá 327.600 CHF (ước tính 100.000 đến 200.000 CHF).

Tuy nhiên, không phải tất cả đồng hồ được đem ra đấu giá đều có tình trạng hoạt động tốt. Một chiếc Rolex 6269 bằng vàng có khắc chữ Khanjar ở mặt sau đã được bán với giá 1,1 triệu CHF tại Christie's dù rằng rất nhiều người đã đặt câu hỏi liệu đồng hồ có còn hoạt động ổn định hay không.

Dù đồng hồ cổ điển tại thị trường đấu giá cho thấy dấu hiệu tích cực, thì những chiếc Rolex hiện đại vẫn thể hiện sự chậm lại. Vẫn có ngoại lệ như là một chiếc Rolex Daytona gốm được bán với giá 50.000 USD, dù không có ý nghĩa gì mấy.

Tin tức
Đấu giá
Đồng hồ Rolex
Zalo