3 tiếng trải nghiệm tuyệt vời trong gian phòng Rare Handcrafts tại triển lãm Patek Philippe Singapore 2019
Bên cạnh gian phòng thứ 9 - Museum Room, gian phòng ngay tiếp sau sẽ diễn tả chính xác hơn về kỹ thuật tráng men và cẩn gỗ đã được các nghệ nhân chế tác nhà Patek Philippe sử dụng từ trăm năm trước. Nếu trong gian phòng Museum Room là những chiếc đồng hồ cổ xưa thì với Rare Handcrafts ngay tiếp theo, đại diện Gia Bảo Luxury sẽ giới thiệu tới bạn đọc từng chiếc đồng hồ có trong bộ sưu tập cùng tên.
Đứng ở vị trí thứ 10 trong tiến trình tham quan triển lãm Watch Art Grand Exhibition Singapore 2019, gian phòng Rare Handcrafts được chia thành hai khu vực: một dành để trưng bày những chiếc đồng hồ có trong bộ sưu tập Rare Handcrafts, và khu vực bên cạnh để du khách chiêm ngưỡng cách các nghệ nhân thực hiện chế tạo riêng một mặt số đồng hồ.
- Khám phá triển lãm Patek Philippe Watch Art Grand Exhibition 2019 tại Singapore (Phần 1)
Rare Handcrafts là một bộ sưu tập độc lập của thương hiệu Patek Philippe. Trong bộ sưu tập này là đồng hồ bỏ túi, đồng hồ để bàn và cả đeo tay. Đặc trưng chung của những chiếc đồng hồ này là đều được thực hiện bởi những chuyên gia về lĩnh vực tráng men và cẩn gỗ hàng đầu Thụy Sỹ, như bậc thầy về tráng men Anita Porchet.
Mang tới sự kiện Watch Art Grand Exhibition, Patek Philippe đã chế tác riêng một mẫu đồng hồ để bàn, mang tên “Bay of Singapore” đặt trong một lồng kính. Đây là chiếc đồng hồ để bàn mái vòm độc bản được làm từ kỹ thuật tráng men grisaille kết hợp với kỹ thuật cloisonné.
Hiện lên trên thân và nắp chiếc đồng hồ này là những tòa nhà cao tầng cùng chú sư tử Merlion hay những bông hoa nhiệt đới, biểu tượng của Singapore. Lớp men grisaille huyền bí đã tô điểm nên từng nét vẽ của sơn Limoges đầy tính nghệ thuật. Để hoàn thành mẫu đồng hồ độc bản này, hãng đã tiết lộ từng lớp vỏ tráng men của đồng hồ “Bay of Singapore” cần nung nóng 15 lần trong nền nhiệt từ 850 độ C đến 650 độ C.
- Khám phá triển lãm Patek Philippe Watch Art Grand Exhibition 2019 tại Singapore (Phần 2)
Thương hiệu Patek Philippe cũng tiếp tục tạo ra một mẫu đồng hồ để bàn khác với mã hiệu ref. 20095M, mang tên “Tropical flowers”. Đảo quốc Singapore xinh đẹp có khí hậu tuyệt vời để hệ thống thực vật phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hoa lan. Đi dạo quanh thành phố, bạn sẽ gặp không ít lần những tòa nhà sử dụng hoa lan để trang trí. Lấy hình ảnh những bông hoa lan đầy hương sắc, mẫu đồng hồ để bàn mái vòm “Tropical flowers” đã được tạo ra từ kỹ thuật tráng men cloisonné.
Kỹ thuật tráng men Cloisonné được sử dụng để tạo ra những mảng màu đa sắc, bao gồm các công đoạn lần lượt là: định hình thiết kế bằng những sợi vàng siêu mỏng đã được uốn cong, sau đó mới tiếp hỗn hợp phụ liệu men vào từng ô đã phân. Lớp men này sẽ trở nên trong suốt bởi công đoạn nung nóng trong lò nhiều lần.
Hay đó còn là sự có mặt của bộ đồng hồ để bàn mái vòm có chung mã hiệu ref. 20093M. Ba chiếc đồng hồ khác nhau ở màu sắc được đặt tên lần lượt là “Batik on Red”, “Batik on Blue” và “Batik on Black”. Mặc dù cả ba mẫu đều mang sắc thái và vẻ đẹp riêng biệt, nhưng tôi thực sự thích cách phối màu cũng như họa tiết trên chiếc “Batik on Red”.
Batik là một loại vải truyền thống đến từ Indonesia, nổi tiếng về những sắc màu tươi sáng và họa tiết huyền bí Phương Đông. Từng lớp men màu trên vỏ đồng hồ cần được nung 15 lần tại nền nhiệt 745 độ C.
Trong gian phòng Rare Handcrafts còn có những chiếc đồng hồ để bàn khác, nhỏ gọn hơn đồng hồ để bàn mái vòm, nơi những bức tiểu họa bằng men hiện lên tinh tế. Mọi thứ được ghi lại bằng máy ảnh sẽ giảm đi 30% vẻ đẹp khi so với nhìn bằng mắt thường.
Đó là mẫu đồng hồ Patek Philippe 992/150G “Old port of Singapore”, dành riêng cho dịp kỷ niệm đất nước Singapore được 200 năm tuổi vào năm 2019. Kỹ thuật sử dụng trên chiếc đồng hồ này là grisaille, tương tự trên chiếc Bay of Singapore. Lớp men đen trong suốt và lớp men trắng sắc sảo, mô phỏng hải cảng sầm uất bậc nhất Đông Nam Á.
Và mẫu đồng hồ Patek Philippe 992/144G “Orchids and Hummingbirds” trong khung cảnh những cánh bướm đang nô đùa trước vẻ đẹp tinh khôi của những cánh lan.
Kết hợp hai kỹ thuật tráng men và trạm khắc, Patek Philippe đã tạo nên bộ đôi đồng hồ “Gold Bird” trong hai phiên bản.
Chủ đề Singapore sẽ được Patek Philippe bố trí xuyên suốt khắp 10 gian phòng chính tại triển lãm Watch Art Grand Exhibition 2019. Nếu tại gian phòng Current Collection hay Napoleon, Patek Philippe trưng bày những mẫu đeo tay hiện đại, thì tại Rare Handcrafts chủ yếu là đồng hồ để bàn. “Bay of Singapore” hay “Old port of Singapore” không chỉ là mẫu đồng hồ duy nhất thể hiện chủ đề này trong gian phòng thứ 10, mà đó còn là mẫu đồng hồ ref. 25003M “Singapore” với màu xanh được đặt riêng trong một ô kính, lấy bản đồ thành phố Singapore để phác họa.
Đi dạo quanh gian phòng Handcrafts, tôi cũng nhận ra các thành phố khác cũng được Patek Philippe sử dụng concept tương tự như là: Bangkok, Kuala-Lampur, và cả Hà Nội.
Bản đồ Hà Nội ngoài cùng bên phải.
Trước khi tham dự triển lãm Watch Art Grand Exhibition Singapore 2019, tôi cũng đã biết tới bộ sưu tập Rare Handcrafts của Patek Philippe, song tất cả chỉ là trên internet. Lần tham gia này tôi đã được mục sở thị những tuyệt tác có một không hai. Cái sự khắc họa về kỹ thuật chế tác đã đến gần tôi hơn bao giờ hết. Không chỉ dừng ở đồng hồ để bàn, với mặt số nhỏ của đồng hồ đeo tay cũng được Patek Philippe thi triển kỹ thuật tráng men độc nhất.
Ví dụ như chiếc đồng hồ với bộ vỏ bằng vàng “Titmice in the reed”, với mã hiệu 7000/50R dưới đây vốn là một chiếc đồng hồ có mặt số tráng men, đi kèm chức năng điểm chuông phức tạp.
Hay là cặp đôi đồng hồ với mặt số là những cánh hoa lan tự nhiên tinh tế: ref. 5077/100R-040 “Orchids” và ref. 5089G-085 “Orchids”.
Tráng men được xem là kỹ thuật truyền thống đã được Patek Philippe lưu truyền và giữ vững từ thế hệ này, sang thế hệ khác, và cuối cùng bộc lộ trong từng cỗ máy đếm thời gian độc đáo. Kỹ thuật tráng men được Patek Philippe sử dụng trong nhiều bộ sưu tập khác, tuy nhiên nhiều nhất là trong bộ sưu tập Rare Handcrafts, nơi những đôi bàn tay lành nghề có cơ hội phát huy sở trường.
Bên cạnh tráng men, Rare Handcrafts còn là gian phòng chứa đựng những chiếc đồng hồ có mặt số được hoàn thiện theo phương pháp cẩn gỗ, phương pháp cổ xưa, và được Patek Philippe trân trọng đến tận ngày nay.
Để có thể thi triển kỹ thuật cẩn gỗ thực sự cần những người có kinh nghiệm, sự kiên nhẫn và cả sự khéo léo. Người nghệ nhân cẩn gỗ sẽ phác thảo mặt số đồng hồ trước tiên. Rồi tiến hành cắt bản phác thảo thành từng chi tiết siêu nhỏ và đi lựa chọn nguyên liệu. Người nghệ nhân cần chọn cho ra những mảnh gỗ phù hợp. Cần từ 120 đến 130 miếng gỗ với hoa văn và màu sắc khác nhau. Cứ 10 mảnh gỗ tạo thành một miếng gỗ. Người nghệ nhân sẽ tiến hành cắt những mảnh gỗ đã chọn bằng công cụ bằng tay. Điểm quan trọng ở giai đoạn này đó là một lưỡi cưa sắc bén. Sau 10 lần cắt, nghệ nhân cẩn gỗ sẽ chọn ra miếng gỗ ưng ý nhất, và ráp vào vị trí họ mong muốn.
Patek Philippe ref. 5089G-083 “Dragon” và cả ref. 5089G-084 “Phoenix” là hai trong số ít những chiếc đồng hồ cẩn gỗ được mang tới sự kiện Watch Art Grand Exhibition Singapore, trong gian phòng Rare Handcrafts. Hình ảnh Rồng, Phượng gắn liền với văn hóa phương đông đã được những nghệ nhân phương Tây khắc họa qua từng lớp gỗ.
Hay trên cả mẫu đồng hồ để bàn mang tên Patek Philippe 997/104J “Arowana fish and water lilies”.