Andersen Geneve Tempus Terrae - Chiếc đồng hồ đặc biệt nhắc nhớ đến cỗ máy World Timer của nghệ nhân Louis Cottier
Trong giới chế tác, world timer là một trong những dòng đồng hồ có tính hữu dụng nhất. Những chiếc đồng hồ worldtimer có khả năng báo giờ tại các thành phố khác nhau trên toàn thế giới tại cùng mặt số. Chiếc đồng hồ World Timer đầu tiên trên thế giới được chế tác bởi nghệ nhân nổi tiếng Louis Cottier, mang tên gọi Patek Philippe 2523. Và đây được xem là nguồn cảm hứng xuyên suốt để thương hiệu Andersen Geneva đem đến cỗ máy Tempus Terrae.
Nghệ nhân Svend Andersen vốn là một thành viên của tổ chức AHCI (Académie Horlogère des Créateurs Indépendants). Ông đã mở một workshop của riêng mình vào cuối năm 1970 sau 9 năm làm việc tại xưởng làm việc của Patek Philippe. Ông bắt đầu công việc là một thợ đồng hồ độc lập bằng cách chế tạo những chiếc đồng hồ đặt làm từ các nhà sưu tầm. Sau đó, ông tiếp tục chế tác những cỗ máy đồng hồ độc bản, được gọi là bespoke timepieces hoặc pièce unique. Từ đó, thương hiệu Andersen Geneve đã phát triển những chiếc đồng hồ phức tạp hơn với các tính năng như là: lịch hàng năm, lịch vạn niên, đồng hồ có giờ nhảy.
Nổi bật trong những chiếc đồng hồ phức tạp của Andersen Geneve chính là dòng đồng hồ lịch vạn niên siêu chính xác, mà ông chế tác theo lịch Gregorius. Theo như loại lịch này, những năm như 2100, 2200 và 2300 đều không phải là năm nhuận. Với cỗ máy phức tạp được phát triển bởi nghệ nhân Andersen Geneve, chiếc đồng hồ sẽ biểu diễn ngày mà không cần điều chỉnh sự chính xác mỗi năm trong vòng 2400 năm.
Về chế tạo đồng hồ worldtimer, như đã đề cập ở trên, Andersen Geneve đã thu được khối kinh nghiệm lớn khi làm việc tại xưởng chế tạo của Patek Philippe. Chiếc đồng hồ World Time đầu tiên mà Andersen Geneve thiết kế rơi vào năm 1989. Andersen Geneve Tempus Terrae xuất hiện lần đầu tạo Baselworld 2015, mang đậm màu sắc cổ điển với kiểu dáng đặc trưng, và sự phức tạp vốn có.
Chiếc đồng hồ World Time của nghệ nhân Louis Cottier và cỗ máy Patek Philippe 2523
Louis Cottier là một người thợ làm đồng hồ nổi tiếng. Vào cuối năm 1930, ông đã phát triển một dòng đồng hồ phức tạp có khả năng báo giờ chính xác tại nhiều thành phố trên thế giới mà chỉ cần một mặt số duy nhất. Dòng đồng hồ này chính là world timer. Chiếc đồng hồ được tìm thấy đầu tiên vào năm 1937 mang mã hiệu 515 đến từ nhà sản xuất Patek Philippe. Cỗ máy này sở hữu bộ vỏ bằng hình chữ nhật. Sau đó, chiếc đồng hồ này và một số ít phiên bản khác đã được tích hợp với một núm vặn để điều chỉnh giờ địa phương (nằm tại trung tâm mặt số) cũng như vòng tròn có 24 giờ bên trên.
Điểm chung của những chiếc đồng hồ world timer đầu tiên chính là những thành phố đều được in trên một vòng tròn cố định hoặc khắc trực tiếp trên vành bezel (vốn nằm ngoài mặt số). Vòng tròn này chứa đựng những múi giờ khác nhau và người đeo không thể thay đổi vị trí được.
Chính cái sự bất tiện trên đã thôi thúc Cottier phát triển những chiếc world timer tiếp theo. Cỗ máy Patek Philippe 2523 ra đời vào năm 1953 với hai núm vặn. Chiếc đồng hồ này cho phép người đeo có thể thay đổi các vị trí nhờ một núm vặn riêng rẽ. Patek Philippe 2523 có kích thước 35,5mm và vài chi tiết độc đáo như là: hai núm vặn nằm ở hai bên vỏ khung. Núm tại vị trí 3 giờ để điều chỉnh thời gian còn núm vặn góc 9 giờ để xoay đĩa thành phố. Mặt số trung tâm của cỗ máy cũng có rất nhiều biến thể: có thể từ vàng hoặc tráng men.
Phần gây ấn tượng nhất của chiếc Patek Philippe 2523 do nghệ nhân Cottier chế tạo chính là càng nối dây với những vát cắt gọn gàng. Càng nối dây xuất hiện khác lạ với ba mặt cắt: mặt trước, mặt bên và góc chéo 45 độ đã được bo viền đánh bóng cẩn trọng. Dáng càng nối dây này vô cùng mới mẻ khi những năm 1950 hầu hết các thiết kế càng nối dây của những thương hiệu khác đều tuân theo dáng tròn của vỏ khung.
Tuy nhiên, khi mới xuất hiện, cỗ máy 2523 không đem lại mấy thành công cho Cottier lẫn Patek Philippe vì kiểu dáng kỳ lạ. Nhiều người không biết phải làm gì với đĩa tròn có 24 thành phố bên trên. Chỉ có từ 7 đến 10 cỗ máy 2523 được sản xuất nên hiện tại, những chiếc world timer đời đầu được ví như “chén thánh” danh giá của những nhà sưu tầm đồng hồ trên khắp thế giới. Không ít lần, trong những phiên đấu giá của nhà Christie, chiếc đồng hồ này có giá dưới 2 triệu USD.
Và cỗ máy Andersen Geneve Tempus Terrae
Cỗ máy Andersen Geneve Tempus Terrae được chế tác dưới cảm hứng từ cỗ máy Patek Philippe 2523 với một cách tiếp cận mới trong chu trình hoàn thiện, lựa chọn vật liệu, màu sắc và cả bộ máy bên trong.
Bộ vỏ khung của cỗ máy Tempus Terrae có kích thước là 39mm x 9mm và có sẵn trong ba chất liệu: vàng vàng, vàng hồng, vàng trắng. Đây là một chiếc đồng hồ nhỏ gọn và mỏng manh khi đứng cùng nhiều cỗ máy worldtimer khác. Cảm hứng từ chiếc Patek Philippe 2523 đã khiến Andersen Geneve trang bị cho chiếc Tempus Terrae một vành bezel và mặt đáy phẳng. Dĩ nhiên, chi tiết cần quan tâm chính là càng nối dây.
Cũng gấp khúc với đa diện, càng nối dây của chiếc đồng hồ này mang đậm màu sắc cổ điển như trên chiếc 2523. Điểm khác biệt chính là phương pháp hoàn thiện và Andersen Geneve lựa chọn cho chi tiết càng nối dây này. Toàn bộ bề mặt càng nối dây của cỗ máy Tempus Terrae đã được đánh bóng mà không phải sự kết hợp giữa đánh bóng và chải xước như trên chiếc 2523 của nghệ nhân Cottier.
Hai núm vặn điều chỉnh các chi tiết bên trong đã được đặt cùng một bên hông phải của chiếc Tempus Terrae. Một núm dùng để điều chỉnh thời gian, xoay đĩa 24 giờ và lên cót, trong khi núm còn lại chỉ dùng để xoay đĩa tên các thành phố một cách độc lập. Người dùng xem giờ địa phương tại mặt số trung tâm, đồng thời xác định được thời gian trên khắp các thành phố khác nhờ một vòng tròn 24 giờ có thể dịch chuyển được, vốn đã phân chia sáng tối rõ ràng ngay trên mặt số.
Về mặt hoàn thiện mặt số, những kim ngắn được làm từ vàng, và có kiểu dáng gần giống chữ A, đại diện cho tên thương hiệu Andersen Geneve. Mặt số nhỏ trung tâm được làm từ vàng xanh sau đó hoàn thiện với vân guilloche. Có hai loại vân cho hai phiên bản là tapisserie hoặc scales. Vàng xanh là chất liệu được Andersen Geneve tự mình phát triển với sự trộn lẫn của hai chất liệu: vàng 21k cùng thép, còn màu xanh có được do quá trình điều chỉnh nguồn nhiệt. Chất liệu vàng xanh cũng xuất hiện trong rotor đặt trong bộ máy, có thể quan sát được phía mặt đáy đồng hồ.
Vẫn theo tôn chỉ ban đầu, thương hiệu Andersen Geneve luôn tôn trọng ý kiến khách hàng khi mua những chiếc đồng hồ của hãng. Với cỗ máy Tempus Terrae, khách hàng có thể thêm tên một thành phố đặc biệt, hay thay đổi màu sắc chữ cái trên đĩa thành phố,… Thậm chí, khắc một dòng chữ phía sau mặt đáy cũng là phần quà tôn trọng mà Andersen dành riêng cho những khác hàng của hãng.
Cỗ máy Andersen Geneve Tempus Terrae được sản xuất với tổng số 75 chiếc, chia đều cho 3 chất liệu: 25 chiếc vàng vàng, 25 chiếc vàng hồng và 25 chiếc vàng trắng với chi phí dao động từ 46.800 CHF đến 48.600 CHF, vàng hồng và vàng trắng đắt hơn.