Các tiêu chuẩn chất lượng phổ biến trong ngành công nghiệp đồng hồ
Để nhấn mạnh về chất lượng đáng kinh ngạc của các sản phẩm mình cung cấp, nhiều thương hiệu đồng hồ cao cấp đã có chứng nhận của bên thứ ba hoặc “con dấu chất lượng” in-house biểu thị quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt.
Vậy hiện có những tiêu chuẩn chất lượng nào phổ biến? Hãy cùng Gia Bảo Luxury tìm hiểu trong bài viết này!
Chứng nhận Chronometer được cấp bởi tổ chức COSC
Contrôle Officiel Suisse des Chronomètres (COSC) hay Official Swiss Chronometer Testing Institute có trách nhiệm trong việc cung cấp chứng nhận về tính chính xác của một bộ máy đồng hồ. Để có thể gửi bộ máy đồng hồ tới COSC, trước hết, bộ máy đó phải dán nhãn Swiss-Made. Muốn đứng hàng ngũ một chiếc đồng hồ “chronometer”, trước hết bộ máy đó phải vượt qua kiểm định từ COSC.
Kiểm định từ COSC kéo dài 15 ngày và đối tượng là bộ máy chưa đóng vỏ. Bộ máy sẽ được đưa vào môi trường có nhiệt độ thay đổi trong 5 vị trí khác nhau. Để đạt được chứng nhận “chronometer”, bộ máy phải hoạt động với sai số mỗi ngày là -4/+6 giây/ngày. Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là kiểm tra dành cho những bộ máy đồng hồ, không phải một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh.
Với ba phòng thí nghiệm trên khắp Thụy Sĩ, tổ chức COSC kiểm tra hơn 1,8 triệu bộ máy đếm giờ mỗi năm và chỉ có khoảng 6% trong số tất cả đồng hồ Thụy Sĩ được chứng nhận “chronometer”. Một số khách hàng lớn nhất của COSC bao gồm Rolex, Omega, Breitling, Tudor và Tissot.
Tiêu chuẩn Geneva Seal
Geneva Seal còn nổi tiếng với tên gọi Poinçon de Genève. Đây là chuẩn chất lượng chính thức của Caton thuộc thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Khi xuất hiện trên một bộ máy đồng hồ, Geneva Seal đại diện cho tiêu chí là bộ máy đó được lắp ráp, điều chỉnh và đóng vỏ tại chính Geneva.
Trước đó, Geneva còn đề cập đến sự trang trí và hoàn thiện của một bộ máy đồng hồ. Cụ thể, để nhận được chứng nhận Poinçon de Genève, các chi tiết như là tấm khung chính, cầu nối, hệ bánh răng, chân kính,... phải được trang trí và hoàn thiện theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tiêu chuẩn Poinçon de Genève đã được nâng cấp, và thêm vào đó là kiểm tra về chức năng của đồng hồ, tính chính xác, khả năng trữ cót và khả năng kháng nước.
Những thương hiệu có chứng nhận Geneva Seal là Vacheron Constantin, Roger Dubuis, và Chopard. Riêng thương hiệu Patek Philippe đã tự mình tách khỏi, không sử dụng chứng nhận Geneva từ năm 2009 và thay thế bằng một chuẩn chất lượng của riêng hãng.
Chứng nhận Fleurier Quality Foundation
Fleurier Quality Foundation là một chứng nhận được sáng lập vào năm 2001 bởi các thương hiệu là Bovet, Chopard và Parmigiani Fleurier với nhiều yêu cầu khác biệt.
Để có nhãn “QUALITE FLEURIER”, một chiếc đồng hồ (gồm có bộ vỏ, mặt số và bộ máy) phải được sản xuất 100% tại Thụy Sỹ. Hơn nữa, bộ máy còn phải vượt qua kiểm định từ tổ chức COSC cũng như đạt mức độ trang trí và hoàn thiện nhất định. Chiếc đồng hồ cũng phải vượt qua bài kiểm tra “Chronofiable” với khả năng kháng từ, kháng số và kháng nước.
Chứng nhận Master Chronometer từ METAS
Vào năm 2014, thương hiệu Omega công bố về mối quan hệ hợp tác của mình với Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS) để thiết lập một tiêu chuẩn chất lượng mới cho ngành chế tác.
Chứng nhận Master Chronometer là dành cho những chiếc đồng hồ hoàn chỉnh. Đầu tiên, một chiếc đồng hồ phải có chứng nhận từ COSC và sau đó được gửi tới METAS để tiến hành những bài kiểm tra với 8 bước. Bài kiểm tra yêu cầu một chiếc đồng hồ phải kháng từ ở mức tối thiểu là 15.000 gauss, kháng sốc, kháng nước, tính bền bỉ trong nhiều vị trí. So với tiêu chuẩn “chronometer” từ COSC với sai số cho phép là -4/+6 giây, thì chứng nhận Master Chronometer lại nâng lên với sau số là 0/+5 giây/ngày.
Cho tới hiện tại, chỉ có Omega là sử dụng chứng nhận Master Chronometer từ METAS, nhưng khác với chứng nhận Superlative Chronometer độc quyền Rolex, Omega luôn khích lệ các nhà sản xuất khác đi theo mình.
Các tiêu chuẩn chất lượng mang tính độc quyền
Bên cạnh những tiêu chuẩn chất lượng được cung cấp bởi các bên thứ ba, nhiều thương hiệu đã tự mình đặt ra những tiêu chuẩn riêng biệt. Ví dụ như riêu chuẩn ‘Superlative Chronometer Officially Certified’ được đề ngay trên mặt số đồng hồ Rolex chứng tỏ chiếc đồng hồ có thể vận hành với sai số mỗi ngày là -2/+2 giây, còn trên cả tiêu chuẩn từ COSC.
Thương hiệu Patek Philippe có tiêu chuẩn riêng là Patek Philippe Seal với những bài kiểm định nghiêm ngặt. Con dấu chất lượng này được áp dụng trên toàn bộ chiếc đồng hồ, từ bộ vỏ tới bộ máy, tới các chi tiết trên mặt số như bộ kim, cọc chỉ và cả dây đeo đồng hồ. Mọi chiếc đồng hồ khi có chứng nhận Patek Philippe Seal đều có thể vận hành chính xác với sai số là -3/+2 giây/ngày đi kèm trình độ hoàn thiện thủ công ở đẳng cấp cao.
Được thành lập vào năm 1992, chương trình “1,000 Hours Control” từ thương hiệu Jaeger-LeCoultre hướng đến những chiếc đồng hồ hoàn chỉnh và đảm bảo các bài kiểm tra đa dạng về: hoạt động của đồng hồ tại các vị trí khác nhau, kiểm tra tính kháng nước trong 6 tuần.
Dù là chứng nhận từ bên thứ ba hay là tiêu chuẩn in-house từ các thương hiệu, chúng đều là bằng chứng đảm bảo hiệu suất và mức chất lượng của những chiếc đồng hồ. Nhưng dò có được kiểm tra trong phòng thí nghiệm cẩn thận, nghiêm ngặt đến bao nhiêu, vẫn không thể lường trước tất cả vấn đề đồng hồ có thể sẽ gặp phải trên cổ tay trong đời thực.