Chất phát quang Super-LumiNova và Chromalight trên đồng hồ Rolex có gì khác biệt?

Chất phát quang Super-LumiNova và Chromalight trên đồng hồ Rolex có gì khác biệt?

19/11/2021
Kiến thức
Đồng hồ Rolex

Ngoài cho biết thời gian, đâu được xem là tính năng thiết thực nhất trên đồng hồ? Đó là ô cửa sổ báo ngày, mặt số phụ chronograph bấm giờ? Theo tôi, đó là khả năng phát sáng trong bóng tối của một chiếc đồng hồ. 

Nhiều chiếc đồng hồ có kim và giờ phát sáng của thương hiệu Rolex đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp chế tác. Các thương hiệu sử dụng vật liệu phát quang để các chi tiết có thể phát sáng trong bóng đêm. Có những thương hiệu sẽ bổ sung chất phát quang tràn mặt số, nhưng Rolex, thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sỹ này chỉ thêm chất phát quang lên kim, cọc chỉ giờ của đồng hồ.

Tuỳ thuộc vào chất phát quang được sử dụng, đồng hồ sẽ phát ra ánh sáng màu xanh lam hoặc xanh lục. Và hãy cùng Gia Bảo Luxury chỉ ra sự khác biệt giữa 2 loại chất phát quang có thể tìm thấy trên đồng hồ Rolex hiện đại.

Sự thay đổi chất phát quang trên đồng hồ Rolex

  • Trước những năm 1960: Rolex sử dụng chất phát quang radium (mặt số có SWISS)
  • 1963: Rolex chuyển từ radium sang tritium (mặt số có “SWISS - T <25” hoặc “T SWISS T”)
  • 1993: Nemoto & Co phát minh ra Luminova (được cấp bằng sáng chế năm 1995).
  • 1998: Rolex bắt đầu sử dụng Luminova trên mặt số đồng hồ (mặt số thường được đánh dấu là “SWISS”).
  • 2000: Rolex bắt đầu sử dụng Super-Luminova, tương tự như Luminova nhưng được bán thông qua một nhà cung cấp khác (mặt số Super-Luminova thường được đánh dấu là “SWISS MADE”)
  • 2008: Rolex ra mắt chất phát quang Chromalight độc quyền trên đồng hồ Sea-Dweller, phát sáng màu xanh lam

Chất phát quang là gì?

Một chiếc đồng hồ lặn đích thực phải có khả năng phát sáng trong điều kiện ánh sáng yếu. Và đó cũng là phần rất cần của đồng hồ công cụ. Nếu không phát sáng trong bóng tối, đồng hồ lặn sẽ kém hữu ích hơn khi nó bước xuống đáy đại dương. 

Logic tương tự áp dụng cho đồng hồ dành cho nhiều môi trường khác, chẳng hạn như để đi leo núi hay thám hiểm các hang động. Trên thực tế, điểm quyết định của Rolex Explorer trước tiên là khả năng báo hiệu thời gian trong bóng tối. Đồng hồ có các vạch chỉ giờ kích cỡ lớn. 

Explorer là dòng đồng hồ được Rolex tạo ra để đồng hành cùng những nhà thám hiểm, thường xuyên phải làm việc trong điều kiện tối tăm, và lúc đó, nó sẽ thể hiện ưu điểm của mình. Các vạch chỉ giờ đều có diện tích lớn, kèm phủ chất phát quang, tỏa ra ánh sáng rực rỡ dù là trong bóng đêm lặng lẽ.

Tuy nhiên, dù không phải là 1 người ưa thích mạo hiểm, bạn cũng cần 1 chiếc đồng hồ có chất phát quang (lume). Dù đó là để bạn kiểm tra thời gian ngay lúc bạn thức giấc vào nửa đêm, hay chỉ chợt muốn xem giờ khi đang lái xe, việc 1 chiếc đồng hồ đeo tay có các chỉ số phát quang là rất hữu ích.

Tại sao cần thay đổi vật liệu phóng xạ bằng chất phát quang hiện đại

Đồng hồ Rolex vintage có thể phát sáng là nhờ vào chất phát quang radium hoặc tritium trên mặt số. Tuy nhiên, về sau radium được phát hiện là nguyên tố có tính phóng xạ cao và cực kỳ nguy hiểm, nên các nhà sản xuất (không chỉ trong ngành đồng hồ) đã chuyển sang sử dụng tritium ít tính phóng xạ hơn. Không thiếu những tờ báo có dẫn về tác động tiêu cực của radium tới sức khoẻ. Cụ thể, chúng ta sẽ tìm thấy thuật ngữ “Những cô gái Radium" bởi vào giai đoạn năm 1960, nữ giới là nguồn nhân lực chính trong các vị trí phủ chất phát quang lên mặt số đồng hồ.

Radium và tritium là chất phóng xạ, có khả năng tự phát sáng. Radium có chu kỳ bán rã là 1.600 năm trong khi triti có chu kỳ bán rã là 12 năm. Sự khác biệt lớn về chu kỳ bán rã này cho thấy lượng radium phóng xạ nhiều hơn so với tritium.

Chất phát quang Super-LumiNova

Một công ty Nhật Bản có tên là Nemoto & Co. đã phát minh ra chất phát quang Luminova vào năm 1993 và được cấp bằng sáng chế vào năm 1995. Trái ngược với các vật liệu phát quang như radium và tritium, Luminova là một chất không có tính phóng xạ dựa trên stronti aluminat. Stronti aluminat (khi được kích hoạt bởi europium, một nguyên tố hóa học không độc hại) là một loại phốt pho được cung cấp năng lượng bởi ánh sáng, nó sáng hơn gấp mười lần và tồn tại lâu hơn mười lần so với tiền thân của nó, kẽm sunfua.

Công ty RC Tritec AG của Thụy Sĩ được thành lập vào những năm 1990 về sau đã có quyền cấp phép sản xuất và phân phối LumiNova dưới tên đăng ký Super-LumiNova. Năm 1998, RC-Tritec AG hợp tác với Nemoto để thành lập LumiNova AG Thụy Sĩ để cung cấpchất lân quang hiệu suất cao cho toàn ngành công nghiệp Thuỵ Sỹ. Do đó, dù có xuất xứ từ Nhật Bản nhưng Super-LumiNova lại được sản xuất 100% từ Thụy Sĩ.

Thương hiệu Rolex bắt đầu sử dụng chất phát quang Luminova vào năm 1998 nhưng hãng nhanh chóng chuyển sang Super-LumiNova vào năm 2000. Chất phát quang Super-LumiNova phát ra màu xanh lá cây. Để có thể phát sáng, người dùng cũng cần “sạc" đồng hồ bên dưới ánh sáng rực rỡ. Bù lại, Super-LumiNova hoàn toàn vô hại, và không có tính phóng xạ. 

Chất phát quang Chromalight

Năm 2008, Rolex ra mắt chất phát quang Chromalight trên đồng hồ Deepsea Sea-Dweller. Cũng khá giống với Super-LumiNova, Chromalight phát sáng nhưng không hề độc hại, không làm ảnh hưởng tới người sản xuất lẫn người đeo. Nhưng Chromalight không tỏa ra ánh sáng xanh lá, mà tỏa ra ánh sáng màu xanh lam trong môi trường thiếu ánh sáng. 

Theo phía Rolex, Chromalight có thể phát sáng kéo dài đến 8h giờ, gấp đôi thời lượng của vật liệu phát quang thông thường. Về sau, Rolex đã nhanh chóng ứng dụng vật liệu phát quang Chromalight trên đồng hồ Submariner, Daytona và GMT-Master II, thay thế cho Super-LumiNova.

Thương hiệu Rolex, bổ sung Chromalight trên bộ kim, vạch giờ của mỗi chiếc đồng hồ thể thao phiên bản tiêu chuẩn. Cho tới sau năm 2015, đồng hồ thuộc dòng classic như Datejust, Day-Date đã có chất phát quang Chromalight.

Tuy nhiên, không phải tất cả đồng hồ Rolex Oyster Professional hiện tại đều có chất phát quang Chromalight tỏa ra ánh sáng xanh lam. Một số mẫu đồng hồ Rolex tương đối mới (sau năm 2010) vẫn phát sáng với Super-LumiNova màu xanh lục. Cụ thể là đồng hồ Milgauss hiện đại (cũng như một số mẫu Datejust II hiện đã ngừng sản xuất) sẽ phát sáng cả 2 màu xanh lam và xanh lục. Hiện tại, mọi đồng hồ Milgauss mới nhất chỉ có chất phát quang Chromalight độc quyền thương hiệu.

Rolex Milgauss 116400GV Mặt Số Xanh

Rolex Milgauss 116400GV Mặt Số Xanh

Cách Rolex tạo ra chất phát quang Chromalight độc quyền

Chromalight là chất liệu phát quang độc quyền của Rolex. Thương hiệu Thuỵ Sỹ đã tạo ra chất liệu phát quang này bằng bột oxit kim loại gồm có nhôm stronti, dysprosi và europium. Thương hiệu Rolex đã tạo ra loại bột này bằng quá trình sản xuất phức tạp và tinh tế để tạo ra sự cân bằng thích hợp giữa các nguyên liệu. Sau đó, hỗn hợp này được đun nóng để có thể dễ dàng tạo hình. 

Tại thời điểm này, vật liệu dạ quang sẽ ở dạng bột kết tinh, nó vẫn sẽ phát sáng sau khi được tiếp xúc với ánh sáng, nhưng chưa đủ khả năng để phủ lên kim và vạch giờ của đồng hồ. Sau công đoạn này, Rolex đã chuyển hoá vật liệu này thành dạng sơn lỏng. 

Quy trình đưa chất phát quang lên trên các chi tiết mặt số được rolex thực hiện chính xác và tỉ mỉ. Được thực hiện thủ công, các chỉ số cũng sẽ phát ra ánh sáng đều và nhất quán.

Cách phân biệt đồng hồ Rolex có chất phát quang Super-LumiNova và Chromalight

Nếu bạn không chắc Rolex của mình có đang sử dụng chất phát quang nào, thì cách nhanh nhất để biết đó là đưa đồng hồ vào trong bóng tối. Nếu đồng hồ phát ra ánh sáng màu xanh lá, đó là Super-LumiNova, còn nếu toả ra màu xanh lam, đó là Chromalight.

Đồng hồ Rolex Deepsea 126660 Mặt Số Đen

Bất kể là màu sắc nào, đồng hồ có chất phát quang của Rolex cũng đều mang vẻ ngoài khác biệt. Một số đồng hồ Rolex, chẳng hạn như đồng hồ lặn Submariner, sẽ phát sáng hơn những đồng hồ khác (chẳng hạn như Daytona) vì hàm lượng chất phát quang nhiều hơn. Đó là lý do để đồng hồ thể thao của Rolex thường có kim và vạch giờ lớn hơn so với các đồng hồ mang phong cách cổ điển.

Kiến thức
Đồng hồ Rolex
Zalo