Đấu trường đồng hồ chronograph cao cấp: Daytona 116519LN hay Royal Oak Offshore 26470SO?
Thế giới đồng hồ thật là rộng lớn và có vô vàn tính năng thú vị. Trong đó, mỗi thương hiệu sẽ tập trung vào thế mạnh của mình và tập trung vào một vài thiết kế cụ thể, một vài cơ chế cụ thể. Tuy vậy, ta sẽ có những tính năng mà thương hiệu nào cũng sở hữu. Lý do của điều này chính là vì sự tiện dụng và hữu ích của những tính năng đó.
Ví dụ, thương hiệu nào từ cổ điển cho tới hiện đại cũng sẽ có một mẫu đồng hồ với lịch ngày. Đây là tính năng đã quá quen thuộc và phổ biến trên đồng hồ đeo tay, được sử dụng rất thường xuyên. Bên cạnh lịch ngày, Chronograph cũng là một cơ chế phổ biến, nhưng xét về độ hữu dụng thì không thật sự cao lắm.
Trong quá khứ, Chronograph là một tính năng hữu ích để đếm các khoảng thời gian một cách chính xác. Thêm vào đó, ta còn có thêm các thang đo như Tachymeter, Pulsometer hay Telemeter để đo tốc độ, nhịp tim và cả khoảng cách. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại thì các tính năng này không còn đủ độ tiện dụng và cả độ chính xác nếu so với các công cụ chuyên dụng.
Lan man về cơ thế này vậy là đủ, giờ ta sẽ cùng đi tới chủ đề chính của bài viết. Hôm nay, Gia Bảo Luxury sẽ đưa hai chiếc đồng hồ Chronograph lên bàn cân. Hai đối thủ được nhắc đến từ hai thương hiệu cực kỳ nổi tiếng, có độ nhận diện cao tuyệt vời: Rolex Daytona 116519LN và Audemars Piguet Royal Oak Offshore 26470SO.OO.A002CA.01.
Trên phương diện tổng thể, hai thiết kế này có khá nhiều điểm chung. Tuy nhiên, đi sâu vào từng chi tiết thì ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa hai mẫu đồng hồ.
So sánh ngoại hình Rolex Daytona 116519LN vs Audemars Piguet Royal Oak Offshore 26470SO.OO.A002CA.01
Bộ vỏ
Nhìn từ xa, cả hai chiếc đồng hồ đều có tông màu bạc của kim loại, thể hiện sự mạnh mẽ và tính chất thể thao. Tuy nhiên, khi cầm lên tay, ta sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt. Chiếc Daytona tuy có kích thước nhỏ hơn, nhưng khi cầm vào lại nặng hơn hẳn so với chiếc Royal Oak Offshore. Lý do của điều này đến từ chất liệu chế tác vỏ đồng hồ.
Phiên bản Daytona 116519 được chế tác từ vàng trắng 18K, còn chiếc Royal Oak Offshore 26470SO.OO.A002CA.01 lại có bộ vỏ thép. Qua mã hiệu, một người đủ kiến thức có thể nhận thấy ngay điều này mà không cần diễn giải của người bán. Hãy để tôi chỉ cho bạn:
-
Với Rolex, hãy xem chữ số cuối cùng của mã hiệu, nếu đó là 9 thì sẽ là vàng trắng. Mỗi một số từ 0 tới 9 sẽ hiển thị các chất liệu khác nhau.
-
Với Audemars Piguet, ta hãy xem hai ký tự được đặt sau dấu chấm đầu tiên. Trong trường hợp này, ta có OO là thép. Tương tự như Rolex, mỗi một chất liệu sẽ được ký hiệu bằng những ký tự khác nhau.
Vàng trắng tất nhiên là đắt giá hơn so với thép, do có độ hiếm cao hơn. Bên cạnh đó, vàng trắng còn có sức nặng, độ đầm tay và khả năng chống Oxi hóa tuyệt vời. Ngược lại, thép ghi điểm nhờ độ cứng và khả năng chống va chạm vượt trội so với vàng.
Ngày nay không mấy ai đeo đồng hồ cao cấp đi hoạt động thể thao, phần lớn đeo như một món phụ kiện trang trí. Do đó, khả năng chống va chạm cũng không cần quá quan trọng, vậy nên chọn chất liệu nào là do quyết định của mỗi người.
Về độ hoàn thiện, ta có thể đánh giá rằng chiếc Royal Oak Offshore nhỉnh hơn một chút. Bề mặt vỏ đồng hồ được hoàn thiện chải xước, chỉ chừa lại các góc cạnh được đánh bóng để nổi bật hơn. Với Rolex, mỗi một bề mặt lớn sẽ có một phương pháp riêng, ít sự chuyển tiếp và cũng mang tính công nghiệp hơn. Suy cho cùng, một thương hiệu sản xuất hàng triệu chiếc đồng hồ mỗi năm như Rolex thì khó có thể làm thủ công được.
Vành bezel
Vành bezel là một chi tiết cần thiết trên đồng hồ, có nhiệm vụ chính là cố định và bảo vệ mặt kính. Nhân tiện đây, tôi cũng cần nói qua về mặt kính của hai chiếc Daytona và Royal Oak. Về cơ bản, những mẫu đồng hồ hiện đại đều sử dụng kính Sapphire có độ cứng cao, trong suốt. Giờ không còn ai sử dụng kính Hesalite nữa, vì chất liệu này bị mờ, đục và chuyển màu sau một thời gian.
Vành bezel của hai chiếc đồng hồ đều được làm từ chất liệu Ceramic hiện đại, có trọng lượng thấp và độ cứng cao. Ceramic có độ cứng gần bằng kim cương, do đó hạn chế tối đa những vết xước nhỏ trong quá trình sử dụng. Tông màu đen cũng là đặc điểm chung của cả hai thiết kế, giúp nhấn mạnh sự mạnh mẽ của hai mẫu đồng hồ.
Về bố cục, chiếc ROO có vành bezel được cố định bởi 6 chiếc “đinh ốc” hình lục giác. Đây là thiết kế nguyên bản của Royal Oak, được tạo ra bởi ngài Gerald Genta. Vành bezel của ROO được hoàn thiện chải xước giống bộ vỏ, góc cạnh cũng được đánh bóng.
Với Rolex, vành bezel được khắc laser các chữ số của thang Tachymeter. Sau đó, các chữ số này được sơn màu trắng để tạo sự nổi bật trên nền đen. Chiếc ROO cũng có thang đo này, nhưng được đặt bên dưới mặt kính ở phần viền ngoài mặt số. Như đã nói ở đầu bài viết, thang đo Tachymeter giờ mang ý nghĩa trang trí là chính, chứ không mấy ai sử dụng ngoài thực tế.
Bộ dây đeo
Thường thì Daytona sẽ đi kèm dây Oyster, nhưng một số phiên bản mới đã có thêm lựa chọn dây Oysterflex làm từ cao su. Với ROO, chúng ta cũng có hai lựa chọn là dây kim loại và dây cao su. Tuy vậy, những chiếc ROO với dây cao su có độ phổ biến cao hơn.
Chất liệu cao su có lẽ là lựa chọn tuyệt vời nhất cho đồng hồ thể thao. Nó có độ dẻo dai chắc chắn, nhưng cũng cực kỳ mềm mại. Bên cạnh đó, cao su không thấm nước, không bị mủn như dây da và vệ sinh cũng rất dễ dàng.
Nếu đem so sánh, sợi dây cao su của ROO được tôi yêu thích hơn so với dây Oysterflex của Rolex. Thiết kế này mềm mại, ôm tay mà lại có điểm nhấn là hai đường sọc màu đỏ cá tính. Còn với dây Oysterflex, sự phức tạp trong chế tác vô tình trở thành một điểm trừ.
Trên sợi dây Oysterflex sẽ có lót thêm một đoạn thép ở phần đầu, giúp cố định form dáng sợi dây. Bạn không thể điều chỉnh độ dài dây một cách thoải mái mà cần lựa chọn kích thước sao cho phù hợp cổ tay. Nếu sợi dây quá dài, ta không thể cắt để điều chỉnh mà cần đổi hoặc mua một sợi dây mới.
Về khóa dây, cả hai thiết kế đều được làm đơn giản, có chất liệu giống với vỏ đồng hồ. Cá nhân tôi thì thích khóa Oyster của Rolex Daytona hơn là khóa cài của ROO. Cơ chế này tạo nên sự tiện dụng, nhanh chóng khi đeo và không cần xỏ dây mỗi lần thao tác.
Mặt số
Trùng hợp thay, mặt số của chiếc Royal Oak Offshore 26470SO.OO.A002CA.01 và chiếc Daytona 116519 có tông màu khá giống nhau. Hai màu chủ đạo là đen và trắng, điểm thêm vào đó là một chút màu đỏ trên những chi tiết nhỏ.
Tôi là người thích sự đối xứng, vậy nên cách sắp xếp ba mặt số phụ của chiếc ROO không làm tôi hứng thú bằng chiếc Daytona. Bố cục của mặt số phụ sẽ tùy thuộc vào cấu trúc của bộ máy bên dưới. Tôi sẽ tập trung hơn vào yếu tố này ở phần sau.
Bù lại, ROO lại được trang bị thêm lịch ngày, được phóng đại bởi chiếc kính lúp nho nhỏ. Chi tiết này khá hay, làm tôi nhớ tới kính Cyclops của Rolex. Tuy nhiên, kính Cyclops lại lồi trên mặt kính Sapphire và tôi không thích điều này lắm. Cách xử lý của Audemars Piguet thật sự thông minh, vừa tạo được sự rõ ràng mà lại không gây lấn cấn trên mặt kính.
Bộ kim của cả hai thiết kế đều được phủ chất phản quang, nhưng Chromalight của Rolex được đánh giá cao hơn một chút. Với cọc số, hai phiên bản có sự khác biệt rõ rệt: Chiếc 116519 dùng cọc số kim cương, còn chiếc 26470SO.OO.A002CA.01 lại có cọc số kim loại sơn trắng đơn giản.
Nếu phải đưa ra nhận xét, mặt số của chiếc ROO đậm chất thể thao và mạnh mẽ hơn. Ngược lại, mặt số của Daytona thiên về hướng hài hòa, dễ sử dụng trong nhiều sự kiện hơn.
So sánh bộ máy cơ học của Royal Oak Offshore và Daytona
Chiếc Daytona sử dụng máy Caliber 4130 độc quyền của Rolex, còn chiếc Royal Oak Offshore sử dụng máy Caliber 3126/3840 cũng độc quyền của Audemars Piguet. Tuy nhiên, mỗi thương hiệu sẽ có một hướng tập trung riêng, và tôi sẽ đề cập chủ yếu tới khả năng hoạt động và vẻ đẹp.
Khả năng hoạt động
Ở khoản này, nói Rolex thứ hai thì không thương hiệu nào dám nhận vị trí đầu tiên. Không phải tự nhiên mà Rolex trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới. Bộ máy của họ được tập trung vào độ chính xác, khả năng kháng từ, kháng va đập. Chưa hết, các cơ chế phụ như Chronograph cũng được nâng cấp, sử dụng cơ chế cao cấp nhất để đảm bảo độ ổn định cao nhất.
Bên cạnh tiêu chuẩn Chronometer được kiểm nghiệm bởi tổ chức COSC, Rolex còn có chứng chỉ Superlative Chronometer của riêng mình. Họ tự làm, tự kiểm tra đồng hồ sau khi đóng vỏ. Và tất nhiên, họ không thể khai khống các thông số vì đôi lúc sẽ có đội kiểm soát chất lượng ở bên thứ ba đến kiểm tra đột xuất.
Nói tóm lại, độ chính xác của máy Caliber 4130 được đánh giá cao hơn so với caliber 3126/3840.
Vẻ đẹp và độ hoàn thiện
Chúng ta phải nhắc lại rằng Rolex sản xuất hơn một triệu chiếc đồng hồ mỗi năm. Do đó, họ không thể chế tác thủ công tất cả các bộ máy. Cũng chính vì vậy, họ đóng kín mặt đáy, vừa để chống nước tốt hơn, vừa để mọi người khỏi quan sát bộ máy. Tất nhiên, các chi tiết của Rolex vẫn được hoàn thiện, nhưng chỉ không bằng các thương hiệu cao cấp và truyền thống thôi.
Ở phần này, Audemars Piguet lại vượt trội hơn so với Rolex. Các bộ máy của thương hiệu này đều được hoàn thiện thủ công đẹp mắt, thậm chí rotor còn được làm từ vàng khối và chạm khắc tinh xảo. Tất cả các cỗ máy đều đạt chuẩn Haute Horlogerie, với cầu nối được hoàn thiện bởi vân Cotes de Geneve, khung máy với vân Perlage, lỗ vít được đánh bóng và các bánh răng được chải xước.
Kết luận
Để kết thúc bài viết, Gia Bảo Luxury sẽ đưa ra hướng lựa chọn sản phẩm dành cho người chơi như sau:
-
Nếu bạn muốn tìm một chiếc đồng hồ mạnh mẽ, hầm hố nhưng lại có bộ máy hoàn thiện theo tiêu chuẩn cổ điển thì chiếc Royal Oak Offshore là lựa chọn phù hợp.
-
Nếu bạn muốn tìm một mẫu đồng hồ đa dụng với bộ máy cao cấp, Rolex Daytona chính là lựa chọn bạn muốn tham khảo.
Cả hai mẫu đồng hồ đều đang có mặt tại Gia Bảo Luxury. Quý khách có thể liên hệ trực tiếp tới những số Hotline tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh để được tư vấn cụ thể nhất.
Giá bán tại Gia Bảo Luxury:
- Đồng Hồ Rolex Cosmograph Daytona 116519LN Mặt Số Đen Nạm Kim Cương
- Đồng Hồ Audemars Piguet Royal Oak Offshore 26470SO.OO.A002CA.01