Dây da hay dây kim loại, loại nào sẽ phù hợp với chiếc đồng hồ của bạn?
Nhắc tới đồng hồ, những điểm đầu tiên được người chơi đề cập tới chắc chắn sẽ là mặt số, bộ vỏ hay là bộ máy. Tuy nhiên, còn một chi tiết khác cực kỳ quan trọng, làm nên chiếc đồng hồ đeo tay mà lại ít được để ý tới hơn, đó chính là bộ dây. Trong bài viết này, Gia Bảo sẽ cùng các bạn phân tích về chủ đề này.
Có rất nhiều loại dây đeo đồng hồ khác nhau, nhưng nổi bật nhất và được sử dụng nhiều nhất chính là dây da và dây kim loại. Vậy hai loại dây này có điểm mạnh gì, điểm yếu như thế nào, loại dây nào phù hợp với điều kiện sử dụng nào? Để cụ thể hơn, chúng ta sẽ cùng xem xét bộ dây của hai chiếc Royal Oak thép (15500ST) và vàng hồng (15500OR).
Điểm mạnh đầu tiên của bộ dây kim loại trên chiếc Royal Oak 15500ST đó chính là khả năng chống nước. Với chất liệu thép không gỉ, bộ dây của chiếc 15500ST không chỉ chống nước tốt, mà còn chống ăn mòn tuyệt hảo. Ngược lại, bộ dây da của chiếc 15500OR sẽ rất dễ bị hỏng nếu tiếp xúc nhiều với nước.
Tiếp đến, dây thép chắc chắn sẽ có độ bền cao hơn so với dây da. Ai sử dụng đồng hồ cũng sẽ hiểu điều này, và những người chơi đồng hồ dây da cũng phải sẵn sàng với việc đổi dây mới sau một thời gian sử dụng. Đặc biệt hơn, với phong cách hoàn thiện chải xước, những vết xước dăm trên bộ dây thép cũng có thể được ẩn giấu một cách tinh tế.
Về khả năng chống ăn mòn của thép không gỉ, chúng ta cũng nên biết thêm về các loại hợp kim thép khác nhau. Tính chất của thép 304 sẽ khác với thép 316L (thường được các thương hiệu đồng hồ lớn sử dụng), và tất nhiên cũng sẽ khác so với thép 904L của Rolex.Vì hai lý do ở trên, dây da thường chỉ được kết hợp với đồng hồ Dress Watch, và đi kèm với những bộ đồ Âu. Với phong cách ăn mặc như vậy, người dùng sẽ không hoạt động quá nhiều để gây hư hại cho bộ dây (mồ hôi thấm vào dây, va đập…).
Tại đất nước nóng ẩm như Việt Nam, việc sử dụng dây da có thể đem lại một số điều rắc rối. Với nhiệt độ cao, người dùng thường sẽ ra mồ hôi và thấm vào trong bộ dây, khiến bốc mùi khó chịu. Không những thế, bộ dây da bị ẩm sẽ gây kích ứng da tay, khiến da tay người dùng có thể bị mẩn ngứa, khó chịu. Với dây kim loại, điều này sẽ ít khi xảy ra.
Về phong cách thiết kế, hai loại dây đều có sự đa dạng như nhau. Nếu như dây kim loại có nhiều cách kết nối mắt dây, nhiều phong cách hoàn thiện khác nhau thì dây da cũng có nhiều chất liệu đa dạng, nhiều loại hoa văn đủ để làm hài lòng người chơi.
Chỉ riêng với da cá sấu, người thợ chế tác có thể sử dụng nhiều bộ phận để cho ra những thiết kế khác nhau. Phần da bụng sẽ cho ra một bộ dây nhã nhặn và sang trọng, còn phần da lưng với những đường gân gồ ghề sẽ làm cho bộ dây trở nên hầm hố hơn, mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh những điểm mạnh như độ bền cao, khả năng chống nước tốt, dây kim loại cũng sẽ có một số điểm yếu cố hữu. Đầu tiên, người dùng sẽ khó có thể chỉnh bộ dây vừa khít một cách hoàn hảo với cổ tay, do kích thước mắt dây có thể không phù hợp – đôi lúc dây hơi lỏng, nhưng tháo một mắt lại thành chật. Nhiều thương hiệu đồng hồ cũng đã tìm cách giới thiệu những giải pháp thay thế như Easylink của Rolex với ½ độ dài mắt dây, nhưng đôi lúc điều này vẫn chưa đủ.
Thứ hai, kẽ hỡ giữa những mắt dây có thể trở thành những chiếc nhíp phiền toái, kẹp vào lông tay người sử dụng. Tuy nhiên, người Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung không phải quá lo lắng vì điều này.
Thứ ba, dây kim loại sau vài năm sử dụng sẽ bắt đầu bị dão và trở nên lỏng lẻo. Điều này có thể ảnh hưởng tới ngoại hình của chiếc đồng hồ và cảm nhận của người dùng. Tuy nhiên, bạn có thể nhờ tới những người thợ đồng hồ để họ “làm cứng” bộ dây như mới và tiếp tục sử dụng.
Đó là so sánh chung về dây kim loại và dây da, và kết quả ra sao thì sẽ tùy vào cảm nhận của mỗi người. Nhưng trong bài viết này, tôi muốn phân tích kỹ hơn về dòng Royal Oak, đặc biệt là bộ dây của hai mẫu 15500ST và 15500OR.
Hẳn mọi người đều biết, mẫu Royal Oak đầu tiên được thiết kế sở hữu bộ dây thép, và đây còn là một bộ dây thép cực kỳ đặc biệt. So với những mẫu đồng hồ thể thao khác cùng thời, bộ dây của Royal Oak được hoàn thiện siêu tỉ mỉ, đem đến tiếng vang cho cả dòng sản phẩm và ngài Gerald Genta.
Nhờ thiết kế đầu tiên đó, người ta đã mặc định luôn rằng Royal Oak phải đi với dây kim loại. Nhưng một thời gian sau, Audemars Piguet đã quyết định giới thiệu thêm phiên bản dây da với khóa cài, liệu đó có phải là một nước đi sai lầm?
Chắc chắn là không? Bộ dây da được đi kèm với phiên bản vàng khối, mang những hàm ý riêng của nhà sản xuất. Đầu tiên, vàng nặng hơn thép rất nhiều, và một bộ dây vàng khối trên cổ tay người dùng thì cũng khá nặng và ít nhiều gây khó chịu với người không quen. Nhưng với bộ dây da, trọng lượng của chiếc đồng hồ sẽ được giảm xuống nhiều và giúp người dùng thoải mái hơn.
Mặc dù Royal Oak được xếp vào dòng đồng hồ thể thao, nhưng thiết kế này cũng rất đa dụng và có độ dày không quá lớn. Với bộ dây da, bạn hoàn toàn có thể đeo chiếc Royal Oak 15500OR như một chiếc Dress Watch và kết hợp hoàn hảo với đồ Âu, đem đến một trải nghiệm mới cho chiếc Royal Oak vốn đã quá nổi tiếng.
Đặc biệt hơn, với chiếc Royal Oak 15500OR, bạn còn có thể sử dụng thêm bộ dây cao su của Rubber B để tạo phong cách thể thao mạnh mẽ. Dây cao su cũng giúp tăng khả năng chống nước, khiến người dùng thoải mái hơn khi rửa tay hay tham gia một số hoạt động thể thao.
Hiện tại, Gia Bảo Luxury là nhà phân phối chính thức sản phẩm dây cao su Rubber B tại thị trường Việt Nam, các bạn có thể tham khảo mức giá dây dành cho Royal Oak tại đây.