Đồng hồ Franck Muller lên kim - Nên hay không nên?

28/12/2020
Kiến thức
Đồng hồ Franck Muller

Đồng hồ Franck Muller lên kim - Nên hay không nên?

Kim cương là một tạo vật đặc biệt của tự nhiên. Mặc cùng có cấu tạo từ Carbon giống than đá, nhưng kim cương lại có độ cứng vượt trội, trong suốt và quý giá hơn rất nhiều lần. Với vẻ đẹp đó, chất liệu này rất thường xuyên được sử dụng trên đồ trang sức, và đồng hồ cũng không phải ngoại lệ.

Những chiếc đồng hồ được đính kim cương sẽ trở nên lấp lánh hơn, nổi bật hơn nhiều lần. Tất nhiên, với quan niệm của nhiều người, vẻ lấp lánh của kim cương sẽ chỉ phù hợp với phái nữ, không phù hợp với nam giới. Chúng ta tạm không nói về vấn đề này trong bài viết hiện tại, mà tôi muốn đề cập tới dòng đồng hồ Franck Muller, với những thiết kế đính kín kim cương rất phổ biến trong thời gian gần đây.

Đi sâu hơn vào vấn đề này, ta có thể thấy rằng đồng hồ Franck Muller đính kim cương có hai loại: “kim zin” và “lên kim”. Đây là cách dân dã mà người chơi gọi các mẫu đồng hồ với kim cương được thực hiện chính hãng và kim cương được thêm vào bởi một đơn vị thứ ba. Mỗi một cách sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng, và chúng ta nên chọn cách nào?

Cách đính kim cương lên đồng hồ

Cách thương hiệu Franck Muller chế tác một bộ vỏ Cintree Curvex và đính kim cương bạn có thể xem trên video này.

Việc đính kim cương trên đồng hồ yêu cầu người thợ phải khoan trực tiếp lên bề mặt để tạo ra những lỗ nhỏ, sau đó đặt kim cương lên trên. Kim cương không được cố định bằng keo hay chất kết dính, mà được giữ chặt bằng viền bằng kim loại.

Với vành bezel, công việc này không quá khó khăn và thách thức, ảnh hưởng lên cấu trúc của vỏ đồng hồ cũng không nhiều. Tuy nhiên, việc đính kim cương trực tiếp lên vỏ đồng hồ lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Như đã nói ở trên, bạn phải khoan trực tiếp vào bộ vỏ, và nếu thực hiện không chuẩn xác, bộ vỏ đồng hồ rất có thể bị khoan thủng và ảnh hưởng tới khả năng chống nước của chiếc đồng hồ.

Mẫu đồng hồ Franck Muller Vanguard Dragon với tượng rồng bằng vàng khối, đính kim cương

Khi một thương hiệu quyết định chế tác một mẫu đồng hồ với vỏ đính kim cương, họ phải tạo ra một bản vẽ 3D trên máy tính với tỉ lệ chính xác hoàn toàn. Sau đó, họ sẽ tính toán vị trí và kích thước của từng viên đá được sử dụng, nhằm đảm bảo khả năng chống nước hay kết cấu thân vỏ vẫn phải được đảm bảo. 

Tất nhiên, với những đơn vị bên ngoài, chúng ta sẽ không có công đoạn đó. Người thợ đơn thuần đo đạc thực tế và thực hiện khoan lỗ, đính kim cương.

Loại kim cương nào được sử dụng phổ biến nhất

Trước đây, người ta thường dùng kim cương Brilliant Cut để trang trí trên đồng hồ. Điểm mạnh của phương pháp cắt này là kim cương có rất nhiều mặt cắt, từ đó phản chiếu ánh sáng cực kỳ lấp lánh và nổi bật. Bên cạnh đó, do có rất nhiều mặt cắt, viên kim cương thô cũng không cần phải quá hoàn hảo, có thể được điều chỉnh dần để phù hợp.

Kim cương Brilliant Cut

Hiện tại, người ta lại dần thích sử dụng kim cương ống Baguette hơn. Cách cắt này không có độ lấp lánh nổi bật như kim cương Brilliant Cut, vậy nên tạo được sự nền nã, nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, kim cương Baguette có ít mặt cắt hơn, vậy nên yêu cầu viên kim cương thô phải có độ hoàn hảo cao hơn. Nếu so sánh hai viên cùng trọng lượng, kim cương Baguette sẽ có giá cao hơn.

Thiết kế của Franck Muller được nạm kín kim cương và Ruby Baguette

Thiết kế của Franck Muller được nạm kín kim cương và Ruby Baguette

Với thiết kế vuông vức, kim cương Baguette sẽ khó có thể phù hợp với mọi vị trí của bộ vỏ đồng hồ. Như các bạn cũng biết, bộ vỏ đồng hồ có khá nhiều đường cong, với kích thước thay đổi liên tục. Do đó, những chiếc đồng hồ được nạm kín kim cương Baguette hẳn nhiên sẽ có mức giá rất cao.

Nên sử dụng đồng hồ Franck Muller “lên kim” hay không?

Chúng ta sẽ quay lại chủ đề dòng đồng hồ Franck Muller “lên kim”. Trong những năm gần đây, các bạn có thể thấy những chiếc Franck Muller được đính kín kim cương xuất hiện khá nhiều trên cổ tay những người nổi tiếng, hay những người có điều kiện về tài chính. Và tất nhiên, những chiếc đồng hồ đó có loại “kim zin”, và cũng có loại “lên kim”.

Với dòng Franck Muller “lên kim”, người dùng sẽ tiết kiệm được khá nhiều về mặt tài chính. Mức giá thuê một đơn vị thứ ba hẳn nhiên sẽ thấp hơn so với việc mua một chiếc đồng hồ chính hãng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bị đặt vào một canh bạc với phần rủi ro khá cao.

Điều rủi ro đầu tiên cần nhắc tới chính là việc khoan vào bộ vỏ. Nếu được thực hiện chính xác, khả năng chống nước của chiếc đồng hồ vẫn sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, nếu thực hiện sai, việc nước và bụi bẩn chui vào trong vỏ, ảnh hưởng tới bộ máy đồng hồ rất có thể sẽ xảy ra. 

Trên thực tế, Gia Bảo Luxury đã nhận được rất nhiều yêu cầu sửa chữa đồng hồ Franck Muller bị vào nước, bị chạy sai. Nguyên nhân chính thường do việc đính kim cương được thực hiện không chính xác. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không nhận những trường hợp này, do việc giải quyết gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, đồng thời thiết kế đồng hồ đã không còn được toàn vẹn.

Rủi ro trên sẽ xảy ra trong thời gian sử dụng, và còn một rủi ro khác sẽ đập ngay vào mắt người chơi mỗi lần họ nhìn vào chiếc đồng hồ. Do công việc khảm nạm kim cương được thực hiện thủ công, vậy nên sai sót hay lệch là điều không thể tránh khỏi. Cũng có một số đơn vị thực hiện cực kỳ chỉn chu, với sai lệch không thể quan sát bằng mắt thường, nhưng con số này khá ít.

Sự sai lệch có thể thấy rõ nhất tại những vị trí thay đổi kích thước như đầu càng nối dây, hoặc các góc của bộ vỏ Cintree Curvex (dáng vỏ đặc trưng của Franck Muller). Bộ vỏ Cintree Curvex vốn đã là một thiết kế phức tạp, vậy nên việc lệch lạc khi đính kim cương lại xảy ra càng thường xuyên hơn.

Ngược lại, với những chiếc đồng hồ chính hãng, kim cương sẽ có sự đối xứng hoàn hảo. Lý do thì rất đơn giản, họ đã vẽ trước bản vẽ 3D, quyết định vị trí nào sẽ dùng viên kim cương nào, có kích thước bao nhiêu… Không chỉ vậy, họ làm với số lượng rất nhiều, hẳn nhiên các kích thước đá sẽ đầy đủ hơn một đơn vị thực hiện khảm nạm thủ công.

Qua phân tích ở trên, hẳn nhiên bạn đã quyết định được nên sử dụng đồng hồ “lên kim” hay không. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ có một ngoại lệ.

Khi nào nên sử dụng kim cương ngoài?

Ở phần trước, Gia Bảo Luxury có nói tới việc đính kim cương trên vỏ đồng hồ và vành bezel. Trong đó, việc đính lên vành bezel có phần nhẹ nhàng và dễ thực hiện hơn, đặc biệt là với vành bezel tròn.

Vành bezel của Rolex thường xuyên được mua ngoài (ảnh minh hoạ)

Vành bezel là một bộ phận bên ngoài chiếc đồng hồ, không thực sự ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng chống nước, hay nhiệm vụ bảo vệ bộ máy bên trong. Do đó, chúng ta có thể sử dụng vành bezel đính kim cương ngoài, giúp giảm bớt chi phí cho chiếc đồng hồ. Tất nhiên, việc chọn lựa một đơn vị có uy tín, có chuyên môn vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Một lựa chọn khác sẽ an toàn hơn với chiếc đồng hồ, đó là mua hoàn toàn một vành bezel làm sẵn từ bên thứ ba. Bạn vẫn sẽ giữ được vành bezel nguyên bản của chiếc đồng hồ yêu quý, và hoàn toàn có thể thay về thiết kế đồng hồ ban đầu nếu muốn. Nhưng bù lại, các mẫu vành bezel như vậy sẽ chỉ dành cho một số thiết kế, một số thương hiệu nổi tiếng.

Kết luận

Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn cũng đã biết được về phương pháp đính kim cương trên đồng hồ, cùng những rủi ro có thể gặp phải khi thuê một đơn vị thứ ba. Để được tư vấn về các mẫu đồng hồ Franck Muller với kim cương chính hãng, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi qua số Hotline, hoặc đến trực tiếp các cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.

Kiến thức
Đồng hồ Franck Muller
Zalo