Đồng Hồ Jaeger-LeCoultre GyroTourbillon 1 Platinum 43.5mm 149.6.07.S
Giới thiệu đồng hồ Jaeger-LeCoultre GyroTourbillon 1 Platinum 43.5mm 149.6.07.S
Jeager-LeCoultre từ lâu đã nổi tiếng với khả năng sản xuất những bộ máy chất lượng, từng cung cấp máy cho những thương hiệu nổi tiếng như Patek Philippe hay Cartier. Vì lẽ đó, việc họ cho ra mắt những mẫu đồng hồ cực kỳ phức tạp, với cơ chế đặc biệt thật sự không phải điều quá bất ngờ, và mẫu đồng hồ Gyrotourbillon là một minh chứng cho điều đó.
Tourbillon vốn đã là một cơ chế phức tạp, với rất nhiều linh kiện nằm bên trong một bộ phận nhỏ bé, có trọng lượng vài gram. Nhưng không dừng lại ở đó, Jaeger-LeCoultre còn muốn làm được nhiều hơn thế, họ thấy rằng việc triệt tiêu tác dụng của trọng lực theo một chiều là chưa đủ, và quyết định tăng thêm một chiều nữa cho Tourbillon.
Trước hết, chúng ta phải nói về bộ máy Caliber 177, linh hồn của chiếc đồng hồ. Nếu như một bộ máy tương đối phức tạp sẽ có từ 200-300 linh kiện với khoảng 25-50 chân kính, Caliber 177 sở hữu tới 679 linh kiện, với 117 chân kính. Chỉ với riêng hai con số này, hẳn bạn đã mường tượng phần nào về độ phức tạp của Caliber 177.
Không chỉ có cơ chế Tourbillon 2 chiều (được JLC gọi với tên riêng Gyrotourbillon), chiếc đồng hồ này còn sở hữu nhiều tính năng phức tạp khác như Lịch vạn niên (với kim Retrograde) hay Phương trình thời gian (tính thời điểm Mặt Trời đạt vị trí cao nhất). Tất cả được thể hiện trên một mặt số Skeleton được hoàn thiện tuyệt hảo, giúp người dùng có thể cảm nhận rõ ràng nhất từng cơ chế chuyển động.
Có lẽ tôi sẽ không cần nói nhiều về vẻ đẹp và độ hoàn thiện của lồng Tourbillon 2 chiều, vì bạn có thể dễ dàng nhìn thấy điều đó qua những bức ảnh trong bài viết. Thay vào đó, tính năng Lịch vạn niên với kim Retrograde mới là thứ khiến tôi muốn tập trung hơn. Lịch vạn niên được hiển thị qua hai chỉ số Ngày/Tháng ở mặt trước, và chỉ báo năm nhuận nằm ở mặt sau, với tất cả những cây kim đều được xử lý nhiệt để tạo ra màu xanh lam đẹp mắt.
Số chỉ tháng được hiển thị qua một cung ở góc 7 giờ, trong khi đó số chỉ ngày được hiển thị cắt ngang mặt số. Đặc biệt hơn, ngày được hiển thị bằng hai cây kim thay vì một. Từ ngày 1 đến ngày 16 của tháng, kim bên trái sẽ di chuyển, còn kim bên phải sẽ nép vào một góc. Ngược lại, khi qua ngày 17, kim bên trái lại quay về mức 0 còn kim bên phải tiếp tục di chuyển. Cơ chế này sẽ còn bắt mắt hơn khi chúng ta chỉnh ngày liên tục, nhưng với sự phức tạp của chiếc đồng hồ này, tốt nhất bạn không nên làm điều đó.
Phức tạp là vậy, nhưng chiếc JLC Gyrotourbillon này lại có thời lượng cót đáng kinh ngạc, 8 ngày. Bạn có thể theo dõi thời lượng cót còn lại của chiếc đồng hồ qua vòng cung góc 5 giờ, hoặc có thể quan sát qua độ căng của dây cót ở mặt đáy. Đó cũng là điểm thú vị của chiếc Gyrotourbillon, với nắp hộp cót được làm từ Sapphire giúp người dùng có thể dễ dàng quan sát bên trong.
Bộ máy phức tạp, cùng mặt số hiển thị ấn tượng đã thực sự tạo nên điểm nhấn cho chiếc đồng hồ. Do vậy, việc chế tác một bộ vỏ cầu kỳ là điều không thực sự cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng. Jaeger-LeCoultre cũng nắm được điều đó, và họ đem tới cho chúng ta một bộ vỏ mạ đen đơn giản. Nói là vậy, bên trong lớp mạ đen kia thực chất lại là Platinum 950, chất liệu đắt giá hơn cả vàng.
Để phối hợp hoàn hảo với lớp vỏ mạ đen, chiếc đồng hồ Jaeger-LeCoultre Gyrotourbillon sử dụng bộ dây da cá sấu đen, đi kèm với khóa cài vàng trắng (cũng được mạ đen).
Đồng Hồ Jaeger-LeCoultre GyroTourbillon 1 Platinum 43.5mm 149.6.07.S
- Nhà đấu giá: Antiquorum
- Ngày đấu giá: 11/11/2018
- Mức giá dự kiến: 100,000 - 150,000 USD
- Thương hiệu: Jaeger-LeCoultre
- Mã hiệu, Ref: 149.6.07S
- Năm sản xuất: khoảng 2010
- Bộ máy: caliber 177
- Dây đeo: dây da với khóa cài vàng trắng
- Đường kính: 43 mm