Góc nhìn chuyên sâu về bộ sưu tập A. Lange & Söhne Lange 1

Góc nhìn chuyên sâu về bộ sưu tập A. Lange & Söhne Lange 1

19/02/2025
Kiến thức
Đồng hồ A. Lange & Sohne

Bài viết dưới đây được Gia Bảo biên tập và chuyển ngữ sang tiếng Việt, dựa trên nội dung gốc. Nguồn: “The Definitive Guide / Langepedia – May 2020 / Updated December 2024”. Nội dung có chỉnh sửa và cập nhật thêm một số góc nhìn của Gia Bảo về bộ sưu tập Lange 1. 

Thông tin cơ bản về bộ sưu tập Lange 1: 

Sau gần 50 năm im ắng, A. Lange & Söhne – niềm tự hào của ngành chế tác đồng hồ Đức đến từ Glashütte – đã giới thiệu bộ sưu tập hiện đại đầu tiên vào năm 1994. Bốn mẫu đồng hồ đầu tiên ra mắt trong dịp này đều ghi dấu ấn ngay lập tức, nhưng trong số đó, có một mẫu đặc biệt hơn cả. Nó không giống bất kỳ chiếc đồng hồ nào mà mọi người từng biết. Một thiết kế với mặt số lệch tâm dựa trên những tính toán khắt khe, những đường nét và đường cong vững chãi… Thay vì tô đậm chất lãng mạn, nó đề cao kỹ thuật; bộ chuyển động mang dấu ấn của các bậc tiền bối từ thế kỷ trước: Lange 1.

Cho đến nay, Lange 1 đã trở thành gương mặt đại diện của A. Lange & Söhne. Tuy nhiên, một chiếc đồng hồ sẽ chỉ là một sản phẩm đơn thuần nếu thiếu đi câu chuyện về quá trình hình thành. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải ngược dòng thời gian để tìm hiểu…

Thông tin nhanh (Quick Facts)

• Ra mắt năm 1994, nằm trong bộ sưu tập đầu tiên sau khi tái lập

• Có phiên bản bằng vàng và thép

• Có tùy chọn dây kim loại (bracelets)

• Mang nhiều phiên bản sưu tầm (collectable references / periods)

• Năm 2015 được cập nhật thiết kế và trang bị bộ máy mới

Sau khủng hoảng thạch anh (quartz crisis), trong những năm 1980–1990, ngành công nghiệp đồng hồ tái sinh bằng cách chuyển hướng sang lĩnh vực xa xỉ, đề cao địa vị, truyền thống thay vì chỉ tập trung vào độ chính xác như trước. Cùng thời điểm, những bộ sưu tập đồng hồ siêu phức tạp cũng trở lại mạnh mẽ. Patek Philippe kỷ niệm 150 năm (1989) bằng loạt tác phẩm đỉnh cao, trong đó có Caliber 89 nổi tiếng. Blancpain nối tiếp với mẫu 1735 grande complication (1991). IWC – một “tượng đài” thời kỳ đó – ra mắt Destriero Scafusia kỷ niệm 125 năm (1993).

Trong khi phần lớn ngành đồng hồ Thụy Sĩ bận rộn chồng thêm nhiều tính năng phức tạp, giữ phong cách truyền thống và gần như không có cạnh tranh bên ngoài, thì ở biên giới phía bên kia, A. Lange & Söhne âm thầm chuẩn bị kế hoạch đột phá. Sau khi được tái đăng ký thương hiệu năm 1990 và 4 năm nghiên cứu chuyên sâu, A. Lange & Söhne đã giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên vào ngày 24/10/1994, gồm bốn mẫu (tổng cộng 123 chiếc) – trong đó có Lange 1.

Hình ảnh: Buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên năm 1994. Nguồn: Lange Uhren GmbH

Ngài Günter Blümlein hiểu rằng để Lange thành công, hãng phải lấy cảm hứng từ di sản phong phú nhưng đồng thời hiện đại hóa tư duy chế tác. Ông nhận thấy nếu muốn cạnh tranh trong ngành đồng hồ do Thụy Sĩ thống trị, A. Lange & Söhne phải có chất riêng đậm “chất Đức”: mạnh mẽ, bền bỉ, và chú trọng kỹ thuật đến từng chi tiết. Do đó, từ kiểu dáng vỏ, tai càng (lug) đến font chữ, mọi thứ đều được thiết kế dựa trên triết lý này.

Kết quả vượt xa mong đợi: mỗi mẫu đồng hồ ra mắt hôm ấy đều có cá tính độc đáo, với những chi tiết đặc trưng do Blümlein cùng đội ngũ (bao gồm Reinhard Meis, Kurt Klaus) sáng tạo. Nền tảng mà họ thiết lập đã trở thành “kim chỉ nam” cho A. Lange & Söhne về sau. Nhu cầu thị trường bùng nổ ngay lập tức, toàn bộ 123 chiếc được bán hết chỉ trong vài phút. Để công bằng, ba chiếc cuối cùng phải bốc thăm theo hình thức “rút que”. Walter Lange mô tả giây phút đó là “khoảnh khắc hồi hộp nhất đời tôi”. Bộ sưu tập đầu tiên của A. Lange & Söhne không chỉ đánh dấu sự hồi sinh một công ty, mà còn hiện thực hóa giấc mơ cả đời của Walter Lange. Riêng Lange 1 mang một phần linh hồn ấy, biểu tượng cho đam mê và tầm nhìn của đội ngũ sáng lập.

Hình ảnh: Günter Blümlein và Walter Lange ngồi trước một đài tưởng niệm dành cho ông cố của Walter, Ferdinand Adolph Lange

Nhận định của Gia Bảo:

Thời kỳ ngài Günter Blümlein nắm IWC, Jaeger-LeCoultre và khởi đầu phục dựng A. Lange & Söhne chính là giai đoạn “vàng” giúp định vị lại bản đồ đồng hồ cao cấp thế giới. Ông vừa là chiến lược gia, vừa là người thắp sáng tầm nhìn cho A. Lange & Söhne, dẫn dắt thương hiệu trở về đúng vị trí lịch sử tại Glashütte, đồng thời hòa nhập thành công vào thị trường hiện đại. Đáng tiếc ông đã từ giã cõi đời khi còn trong giai đoạn vàng của sự nghiệp (năm 2001) và để lại một khoảng trống lớn trong ngành và là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau. Sự ra đi của ông luôn được nhớ đến như một mất mát lớn đối với cả cộng đồng chế tác đồng hồ toàn cầu. 

Lange 1

Như đã đề cập, để hồi sinh một thương hiệu ngủ quên suốt 50 năm, Ngài Günter Blümlein hiểu rằng phải khai triển góc nhìn hoàn toàn mới. Đơn giản bắt chước người Thụy Sĩ hoặc bám chặt vào di sản 1845–1948 của A. Lange & Söhne là chưa đủ. Dù tôn trọng truyền thống, ông không muốn bị “đóng khung” bởi chính quá khứ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994 với Gilsbert Brunner, Blümlein chia sẻ:

Brunner: “Ông có xem bộ sưu tập hiện đại đầu tiên của A. Lange & Söhne như một lời tri ân cho quá khứ vĩ đại nhưng đã xa không?”

Blümlein: “Hoàn toàn không. Các mẫu đồng hồ A. Lange & Söhne năm 1994 và các phiên bản tương lai không phải là sự sao chép những huyền thoại xưa. Hãy nhìn tính năng big date (ô lịch ngày cỡ lớn) trên ‘Arcade’, ‘Lange 1’ và ‘Saxonia’. Tất cả đều là những sáng kiến hữu ích hoặc ‘cú hích’ trong cơ học. Tương tự với kết cấu bộ máy. Mục tiêu của chúng tôi không phải tôn vinh thủ công truyền thống hay chạy đua để làm chiếc đồng hồ phức tạp nhất. Chúng tôi muốn đạt đến sự đẹp đẽ về chế tác và tay nghề hoàn hảo, trong khi vẫn chú trọng yếu tố đổi mới (innovation) và thiết kế khác biệt.”

Hình ảnh: Những gương mặt quen thuộc với giới mộ điệu Lange, như Helmut Geyer, Annegret Fleischer, Kurt Klaus… Nguồn: Lange Uhren GmbH

Những nguyên tắc đó đã dẫn đến sự ra đời của Lange 1. Đội ngũ – bao gồm Meis, Blümlein, Klaus, Geyer… – nhận thức rõ rằng thiết kế phải khác biệt, gây ấn tượng mạnh. Họ tốn nhiều năm tinh chỉnh tỷ lệ, rồi hàng giờ chỉ để xoay chuyển bố cục kim chỉ, mặt phụ sao cho đạt được vẻ hài hòa như ta thấy ngày nay. Kể từ khi ra mắt, thiết kế Lange 1 hầu như không đổi qua 25 năm. Dù có thêm các biến thể Daymatic (mặt số “nghịch đảo”), Little Lange 1 (cỡ nhỏ), hay Grand Lange 1 (kích thước lớn hơn), thì phiên bản Lange 1 đường kính 38,5 mm gốc vẫn được giữ nguyên. Trải qua nhiều cột mốc, A. Lange & Söhne còn giới thiệu Datograph, Double Split, Zeitwerk… nhưng Lange 1, với vẻ ngoài đơn giản mà không thể nhầm lẫn, vẫn là bộ mặt thương hiệu. Nó quan trọng đến mức mọi chỉnh sửa lớn dường như trở thành điều “cấm kỵ”.

Hình ảnh bởi Gia Bảo: A. Lange & Söhne Lange 1 phiên bản đầu tiên thương hiệu làm mặt số xanh mã hiệu 101.027

Hình ảnh bởi Gia Bảo: A. Lange & Söhne Lange 1 phiên bản đầu tiên thương hiệu làm mặt số xanh mã hiệu 101.027

Chiếc đồng hồ đầu tiên thuộc bộ sưu tập (reference 101.001, vỏ vàng vàng) có vị trí đặc biệt trong lịch sử hãng. Ban đầu, A. Lange & Söhne lắp đáy kín vàng khối cho các mẫu Lange 1 đời đầu; chỉ một năm sau, hãng mới đổi sang phiên bản nắp lưng trong suốt. Tính hiếm và ý nghĩa lịch sử khiến reference 101.001 rất được sưu tầm. Các reference khác cũng có nắp lưng vàng khối gồm:

• 101.002 – Vỏ vàng vàng, mặt số bạc, kim xanh

• 101.005 – Vỏ platinum, mặt số bạc

• 101.007 – Vỏ vàng trắng, mặt số xanh (có thể không phải mặt gốc)

• 101.011 – Vỏ vàng hồng, mặt số đen

Bài viết gốc này tập trung mô tả chi tiết thế hệ Lange 1 đầu (1994–2015) về vỏ, mặt số và bộ máy, sau đó nhắc đến thế hệ Lange 1 hiện tại, nêu các điểm khác biệt chủ chốt, rồi tổng quan qua một số phiên bản đặc biệt. 

Lange 1 – Thiết kế vỏ đặc trưng (The Signature Case)

Quá trình tạo ra một thiết kế thật sự độc đáo bắt đầu từ bộ vỏ. Thoạt nhìn, vỏ đồng hồ Lange đơn giản, nhưng ẩn sau đó là những chi tiết được hoàn thiện công phu, đem lại cảm giác chắc chắn và thoải mái khi đeo.

Dấu hiệu nhận biết vỏ Lange nằm ở chỗ chấu càng (lug) có khấc và góc vát riêng, mỗi chi tiết được hoàn thiện rời rạc rồi mới lắp ghép. Đây là điểm nhấn vừa kín đáo, vừa ấn tượng, giúp nhận ra đồng hồ Lange mà không phô trương. Ý tưởng này bắt nguồn từ Günter Blümlein. Theo một số nhân viên lâu năm của A. Lange & Söhne, chính Blümlein từng tự tay tạo phần khấc trên mẫu đồng thau thử nghiệm – một thông tin thú vị được SJXwatches.com nhắc đến.

Phần khấc nhỏ trên lug được đánh gương, đối lập với lớp chải xước dọc cạnh vỏ Alange Sohne 1

Hình ảnh bởi Gia Bảo: Phần khấc nhỏ trên lug được vát cạnh vuông và đánh bóng tỉ mỉ, đối lập với lớp chải xước dọc cạnh vỏ.

Vùng khấc nhỏ này thường được đánh bóng gương, tạo độ tương phản rõ rệt với cạnh vỏ chải xước. Riêng lug có độ cong rộng và vát cạnh, cùng hai đường vát đỉnh hướng xuống một bề mặt dưới sắc cạnh. Đa số các mẫu Lange 1 thế hệ đầu (trừ dòng Soirée) có đường kính 38,5 mm, dày 9,8 mm. Vỏ gồm 3 tầng: vành bezel và nắp lưng được đánh bóng, trong khi thân vỏ được chải xước, làm nổi bật chiều sâu và khiến đồng hồ trông mảnh hơn. Nút chỉnh (pusher) lịch ngày vị trí 10 giờ cũng được hoàn thiện tỉ mỉ tương tự, với bề mặt chải xước xen kẽ những phần đánh bóng vát cạnh.

Dù đã cầm trên tay hàng trăm chiếc A. Lange & Söhne, tác giả bài viết (nguyên văn) vẫn ấn tượng bởi sự chỉn chu, chất lượng xuất sắc đến từng chi tiết. Thậm chí, thanh kim loại trên khóa cài (pin buckle) của Lange – vốn không có tác dụng thực tế – cũng được làm chắc chắn, tăng độ nặng và khiến chiếc đồng hồ thêm phần “cá tính”. Đây chỉ là một trong vô số chi tiết “thiên tài” của Blümlein, cho thấy triết lý thiết kế tỉ mỉ đặc trưng của hãng.

Nhận định của Gia Bảo: Chúng tôi xin phép được trích dẫn một câu nói quen thuộc của những đấu giá viên chuyên nghiệp về đồng hồ tới từ nhà đấu giá Phillips : 3 yếu tố quan trọng nhất của một chiếc đồng hồ "Cổ" đó là: tình trạng, tình trạngtình trạng. Khi nhắc tới những chi tiết tinh tế của đồng hồ Đức như những phiên bản thế hệ đầu tiên có mã tham chiếu là 101.xxx có những chi tiết rất nhỏ nhưng tinh tế. Ví dụ: nút bấm tinh chỉnh ngày nhanh góc 10 giờ, nhìn thoáng qua sẽ chỉ là 1 nút bấm, tuy nhiên rìa của bề mặt nút bấm ấy lại được vát cạnh (rất mỏng) và đánh bóng. Ngoài ra bề mặt nút bấm được chải xước. 

Hình ảnh bởi Gia Bảo: Nút chỉnh ngày với độ hoàn thiện cao và nguyên bản, giữ được tối đa các góc vát cạnh đánh bóng

Hình ảnh bởi Gia Bảo: Chi tiết các góc cạnh của tai càng (lugs) nguyên bản, vẫn giữ nguyên nét sắc cạnh

Ở rìa của những tai càng đều là những điểm vát rất nhỏ sau đó được đánh bóng. Tuy nhiên đa phần những phiên bản 101.xxx hiện nay trên thị trường đa phần đều bị "Spa" (thuật ngữ để nói về việc xử lý lại những vết xước trên đồng hồ cũ) một cách quá đà và không tôn trọng nguyên bản. Đó là lí do những nút bấm ấy đa phần hiện nay đều bị đánh bóng mòn đi và mất đi góc "vát" nguyên bản. Tương tự với những tai càng của Lange 1. Thật sự rất đáng tiếc. 

Ví dụ về một chiếc Lange 1 đã bị Spa mất đi sự nguyên bản. 

Lange 1 – Mặt số “Game Changer”

Oxford Dictionary định nghĩa “icon” là “một người hoặc sự vật nổi tiếng được công chúng ngưỡng mộ và coi như biểu tượng cho một ý tưởng, lối sống, v.v.”. Điểm cốt lõi nằm ở tính biểu tượng – đại diện. Một “icon” truyền tải hoàn hảo câu chuyện hoặc phong cách nghệ thuật. Và Lange 1 chính là viên đá đặt nền móng cho “tiểu sử” của thương hiệu A. Lange & Söhne thời hiện đại.

Giống như bức “Guernica” của Picasso hay “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” của Vermeer, Lange 1 được xem như biểu tượng cho sự hồi sinh ngành chế tác đồng hồ cao cấp của Đức năm 1994. Đây là một trong bốn mẫu đồng hồ A. Lange & Söhne ra mắt sau 50 năm ngưng hoạt động. Thiết kế vô cùng phi truyền thống nhưng gần như không thay đổi suốt từ ngày đầu. Lange 1 kết nối các nguồn cảm hứng: từ chiếc “đồng hồ 5 phút” của Semper Opera cho đến nguyên tắc tối giản Bauhaus. Về ý nghĩa lịch sử, câu chuyện ra đời và tầm ảnh hưởng, Lange 1 là một trong những biểu tượng hiếm hoi của ngành đồng hồ đương đại.

Ô lịch với cảm hứng từ chiếc “đồng hồ 5 phút” của Semper Opera Gia Bao Alange Sohne Big Date

Hình ảnh: Ô lịch với cảm hứng từ chiếc “đồng hồ 5 phút” của Semper Opera

Thiết kế mặt số Lange 1 tuân theo “quy tắc một phần ba” (rule of thirds). Mặt đồng hồ được chia thành 9 ô bằng 2 đường kẻ ngang và 2 đường kẻ dọc, các chi tiết chính nằm trên các đường và giao điểm ấy, tạo cảm giác cân bằng thị giác. Tâm của từng cụm chỉ báo, ô cửa sổ… đều sắp xếp khéo léo theo những trục này, khiến bố cục nhìn có vẻ ngẫu nhiên nhưng lại rất hài hòa.

Hình ảnh:  Tỉ lệ vàng. Nguồn: Lange Uhren GmbH

Phần logo cong ở góc 12 giờ ngay lập tức thu hút ánh nhìn. Đây là font chữ được thiết kế riêng cho A. Lange & Söhne. Không chi tiết nào là ngẫu nhiên – từ đường cong của từng ký tự đến khoảng cách giữa các chữ. Tất cả đều có chủ đích rõ ràng.

Phần logo cong ở góc 12 giờ

Tính năng “Big Date” (lịch ngày cỡ lớn) cũng là minh chứng tiêu biểu cho việc A. Lange & Söhne “pha trộn” truyền thống với hiện đại. Nguyên bản đây là phát minh của Jaeger-LeCoultre (công ty “chị em” với A. Lange & Söhne), nhưng Günter Blümlein đã mang nó đến Glashütte, kết hợp với yếu tố lịch sử: chiếc đồng hồ 5 phút ở nhà hát Semper, nơi thầy Gutkaes của F.A. Lange từng chế tạo. Lange 1 và Big Date gần như gắn liền với nhau, biểu trưng cho bước chuyển từ “di sản” sang “hiện đại.”

Hình ảnh: Ô lịch Big Date nằm ở góc 1 giờ, tuân theo “rule of thirds” và “tỉ lệ vàng” 1.618

Với Lange 1 thế hệ đầu, ô lịch thay đổi từ khoảng 22h đến 0h30. Người dùng được khuyên không nên lịch trong lúc này để tránh làm hỏng cơ chế nhảy lịch.

Điểm thú vị: Ở tất cả tài liệu chính thức của A. Lange & Söhne, lịch ngày luôn được đặt là 25. Điều này bắt nguồn từ sự kiện ra mắt Lange 1 tại Dresden Castle hôm 24/10/1994. Thời điểm đó, truyền thông in ấn là kênh chủ yếu. Tin tức bộ sưu tập xuất hiện trên báo chí ngày 25/10, và để đồng bộ, ô lịch đồng hồ cài ngày 25.

Hình ảnh: Mẫu Lange 1 đầu tiên ref. 101.001, vỏ vàng vàng, mặt số “champagne” - tất cả ngày đều được set là ngày 25. 

Mặt số chính có bề mặt nhám, trong khi các mặt phụ (sub-dial) được hoàn thiện dạng vòng tròn đồng tâm. Theo nghiên cứu của @thewindingstem và @handwound, mặt số giờ-phút chứa đến 153 vòng tròn siêu mảnh.

Hình ảnh: mặt số giờ phút và giây với độ hoàn thiên từ 153 vòng tròn siêu mảnh

Các cọc giờ hình thoi nhỏ hơn 1mm mỗi cạnh nhưng vẫn được đánh bóng gương và vát tinh xảo.

Hình ảnh: Cọc giờ hình thoi nhỏ hơn 1mm mỗi cạnh nhưng vẫn được đánh bóng gương và vát tinh xảo.

Riêng chỉ báo “power reserve” (dự trữ năng lượng) bên phải gồm 5 hình tam giác bé xíu (0,4 mm), khoảng cách giữa chúng không đồng đều – một “sự cố ý” của Lange để người dùng chú ý lên cót trước khi đồng hồ cạn năng lượng.

Những chi tiết nho nhỏ nhưng hữu dụng này thể hiện tinh thần “khác biệt” của Lange 1, khẳng định chiếc đồng hồ đúng nghĩa “một tác phẩm thể hiện tinh thần tỉ mỉ của người ĐỨC”.

Một vài khác biệt giữa các thế hệ

Không một biểu tượng nào là hoàn hảo tuyệt đối, và Lange 1 cũng có những tinh chỉnh theo thời gian, góp phần tăng giá trị sưu tầm. Theo ghi chép của Larry Peh, kiểu chữ ở dòng “Made in Germany” trên các mẫu đời đầu và đời sau của Lange 1 có sự khác biệt. Các mẫu đầu thường dùng font sans-serif mang vẻ hình học, trong khi những đời mới chuyển hẳn sang kiểu chữ bespoke “cộp mác” A. Lange & Söhne. Điều này cũng áp dụng cho dòng chữ “Doppelfederhaus” và “Auf, Ab” (chỉ báo cót).

Bên cạnh đó, khung cửa sổ lịch và chi tiết cọc đính (appliques) cũng bo tròn, mềm mại hơn ở các phiên bản cổ. Về sau, chúng được cắt gọt sắc nét, “công nghiệp” hơn. Lưu ý rằng vẫn có giai đoạn “chuyển tiếp” giữa các reference, kết hợp font chữ serif “Made in Germany” với đường viền cửa sổ bo tròn.

Hình ảnh: So sánh mẫu Lange 1 đời mới (trái) và đời đầu (phải). Sự khác biệt màu mặt số do ánh sáng.

Tất cả cho thấy Lange 1 là “gương mặt” A. Lange & Söhne: được thai nghén bởi những tính toán nghiêm ngặt, quy tắc thiết kế chặt chẽ, nhưng không hề khô khan. Tinh thần của nó không lãng mạn kiểu Pháp hay Thụy Sĩ, mà mạnh mẽ, dứt khoát, phản ánh đúng gốc rễ Đức. Một người bạn của tác giả chia sẻ: “Niềm vui với Lange 1 gần như là sự thăng hoa tinh thần.” Chắc chắn rằng 50 năm sau, Lange 1 vẫn sẽ được ca ngợi như một tác phẩm nghệ thuật.

Lange 1 Caliber L901.0

Cái tên L(90)1.0 gợi ý rằng bộ máy Lange 1 được phác thảo từ năm 1990 và là bộ máy đầu tiên của A. Lange & Söhne thời hiện đại. Thực ra, L901.0 thừa hưởng bộ truyền lực (gear train) từ Jaeger-LeCoultre caliber 822, nhưng đã được chỉnh sửa sâu để phù hợp thiết kế mặt số “lệch tâm” của Lange 1.

Chính lần sửa đổi này đặt nền tảng cho “dấu ấn bộ máy” (movement identity) của A. Lange & Söhne: tấm khung ba phần tư bằng German Silver, ốc vặn xanh, chaton vàng, họa tiết sọc Glashütte (rộng hơn kiểu Geneva), và cầu cân bằng chạm khắc thủ công (hand-engraved). Một cách hiện đại để tôn vinh truyền thống 150 năm.

Tuy nhiên, năm 1994, Lange đã giấu "bức tranh" tuyệt vời ấy sau một lớp vàng dày. Một năm sau mới xuất hiện phiên bản nắp lưng sapphire.

Hình ảnh: 2 mẫu Lange 1 thế hệ đầu với nắp đáy kín - Mẫu 101.005 (trái) và 101.001 (phải)

Caliber L901.1 trên Lange 1 đường kính 30,60 mm, 53 chân kính (9 chaton vàng), dự trữ năng lượng 72 giờ nhờ cấu trúc hai hộp cót (Doppelfederhaus), tần số dao động 3Hz. Kích thước bộ máy vừa khít vỏ, đúng phong cách “đặc trưng” Lange, và tương đồng mặt số 32,50 mm.

Thế hệ Lange 1 đầu trang bị bánh cân bằng Glucydur kèm ốc cân bằng, không phải dạng free-sprung mà dùng cơ cấu điều chỉnh index, hơi lỗi thời so với thời điểm lúc bấy giờ nhưng vận hành ổn định. Thú vị là, lô đầu của Lange 1 có dùng dây tóc Breguet overcoil (được coi là tối ưu về độ chính xác) trước khi Lange chuyển sang dây tóc phẳng, vì chế tạo overcoil tốn nhiều nhân công. Một cuộc tranh luận khá gay gắt diễn ra giữa các nhà sưu tầm, điển hình là Walt Odets, xoay quanh câu hỏi: “Liệu Lange có chỉ giữ truyền thống khi tiện cho họ?”. Ông cho rằng thà hãng đầu tư thời gian làm dây tóc overcoil còn hơn khắc hình cầu cân bằng (cock) – vốn dễ xảy ra va chạm với bộ điều chỉnh.

Hình ảnh: Tấm khung 3/4 có những “đảo” cắt vát, tạo điểm nhấn thị giác. Layout lộ ra từ thiết kế mặt số lệch tâm khiến gear train bố trí đặc biệt.

Đối với mặt hoàn thiện, ngoài cầu khắc tay, một chi tiết “inward angle” (góc vào) trên cầu neo giữ bánh xe gai (escape wheel cap) được đánh bóng gương phẳng cũng phản ánh mức độ thủ công cao.

Hình ảnh bởi Gia Bảo: chi tiết “inward angle” (góc vào) trên cầu neo giữ bánh xe gai (escape wheel cap) được đánh bóng gương phẳng cũng phản ánh mức độ thủ công cao

Sự pha trộn màu của hợp kim nickel-silver, ốc xanh, chaton vàng tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp khi ngắm dưới ánh sáng khác nhau. Vào những năm đầu, một số ý kiến cho rằng Lange chỉ trau chuốt phần “thấy được” mà bỏ bê góc khuất như bộ chuyền núm (keyless works). Tuy nhiên, hãng đã cải thiện nhiều, và qua nhiều lần tham quan xưởng, tác giả (bài gốc) khẳng định Lange giờ đây hoàn thiện tốt cả những bộ phận ẩn sâu.

Năm 2015, sau hơn 20 năm với nhiều biến thể, A. Lange & Söhne nâng cấp Lange 1 với thay đổi đáng kể về bộ máy, còn thiết kế chỉ chạm nhẹ. Mã reference chuyển từ 101.xxx sang 191.xxx.

Lange 1 thế hệ hiện đại (2015 – nay)

Trong hơn 20 năm đầu tiên, Lange 1 đã khẳng định vị thế không thể thiếu trong thế giới đồng hồ. Tuy nhiên, cũng như mọi sản phẩm (ngoại trừ Royal Oak có lẽ), vòng đời cần sự đổi mới để duy trì giá trị và kích thích đam mê sưu tầm. Bài toán đặt ra: Làm sao cập nhật một “biểu tượng”? Patek Philippe đã xử lý khéo các thế hệ chronograph lịch vạn niên (1518 → 2499 → 3970 → 5970). A. Lange & Söhne lại chật vật hơn ở một số mẫu như 1815 Chronograph (thế hệ 2), Datograph… cho đến khi họ “ra tay” với Lange 1.

Sự thay đổi của Lange 1 gợi nhớ lần “lột xác” iOS 7 của Apple (2013) do Sir Jony Ive thực hiện – từ giao diện 3D nặng nề sang thiết kế phẳng, gọn gàng. Tương tự, Lange 1 mới thanh thoát hơn, nhưng vẫn giữ tinh thần cốt lõi. Không có dấu hiệu “sa đà” vào cầu kỳ, mà là một sự “tiết chế” hợp lý.

Hình ảnh: Lange 1 tham chiếu 191.025 (thế hệ 2) bên trái, so với 101.025 hế hệ đầu bên phải.

Ở Lange 1 thế hệ mới, font chữ mảnh hơn, khoảng cách rộng hơn, và vành bezel hơi dẹt. Ngoài những thay đổi nhỏ ấy, tổng thể vẫn giữ trọn nét đặc trưng, tỷ lệ hoàn hảo. Thiết kế nay nhìn “sạch” hơn do không còn font đậm, theo nhận xét của tác giả thì “đẹp hơn”.

Về bộ máy, sự đổi mới hoàn toàn nằm ở Caliber L121.1 – nâng cấp kỹ thuật đáng kể so với trước. Tấm khung ba phần tư nay liền mạch, không còn “đảo” phức tạp, các chaton vàng được sắp xếp lại. Bánh cân bằng cũng di chuyển về gần núm chỉnh, thay vì nằm phía đối diện, giúp người xem ngắm trọn bộ dao động qua nắp lưng sapphire. Tuy nhiên, ốc bánh xe gai nay dạng bo tròn thay vì có góc vát như xưa.

Vẫn giữ mức dự trữ 72 giờ, tần số 3Hz, nhưng Caliber L121.1 dùng cơ chế nhảy lịch tức thì (jumping date) thay thế kiểu “chạy dần” (dragging date) trước đây, và cơ cấu cân bằng free-sprung với đối trọng tinh chỉnh. Bánh cân bằng cỡ lớn được chính hãng sản xuất, thay cho Glucydur cũ. Dù vậy, những nhà điều chỉnh (regulator) của Lange vẫn khẳng định hiệu suất sau cùng phụ thuộc tay nghề người thợ lắp ráp.

Năm 2019, A. Lange & Söhne kỷ niệm 25 năm Lange 1 với chuỗi “25th Anniversary”, bắt đầu từ mẫu Lange 1 thường (giới hạn 250 chiếc), rồi lần lượt ra thêm các mẫu trong dòng suốt nhiều tháng, mỗi mẫu 25 chiếc. Tác giả bài gốc đánh giá bộ sưu tập 10 phiên bản này thiếu mạch lạc, nhưng đó là câu chuyện khác.

Mua đồng hồ A. Lange & Söhne Lange 1

Tóm lại, Lange 1 là “linh hồn” của A. Lange & Söhne, và xứng đáng với vị thế ấy. Hơn 30 năm từ ngày ra mắt, nó vẫn vững vàng đại diện cho ngành chế tác đồng hồ cao cấp nước Đức. Tuy có không ít lần bị “sao chép ý tưởng,” Lange 1 vẫn độc đáo giữa vô vàn thiết kế na ná trên thị trường. Sau thời gian dài “nằm dưới tầm radar” suốt 30 năm, giờ đây Lange 1 mới nhận được sự chú ý xứng đáng từ giới sưu tầm – lẫn những người muốn “lướt sóng” đầu cơ.

Chắc chắn trong nhiều thập kỷ tới, khi nhớ lại hành trình của đồng hồ Đức, ta vẫn thấy Lange 1 là biểu tượng đỉnh cao.

Việc mua một chiếc Lange 1 thật thú vị, bởi hãng có nhiều phân khúc giá và độ hiếm khác nhau, chiều lòng nhà sưu tầm: từ biến thể Soirée “độc lạ” đến bản Stealth “kín đáo.” Dựa trên giá thị trường đồ cũ, có thể chia nhóm:

Ref. 101.032 (vỏ vàng hồng / mặt bạc)101.021 (vỏ vàng vàng / mặt champagne): Sản xuất lâu, phong cách dress nghiêm túc nên giá “dễ chịu” nhất, tầm trên dưới 20.000–25.000 USD tùy tình trạng, phụ kiện, lịch sử bảo dưỡng…

• Nhóm tầm trung khoảng 30.000 USD có ref. 101.025 (platinum / mặt bạc) – biệt danh Stealth. Mẫu này không sản xuất đại trà, và platinum của Lange luôn có sức hút riêng.

• Từ khoảng 40.000 USD trở lên là ref. 101.035 (platinum / mặt đen) – biệt danh Darth, hoặc không giới hạn ở mức này vì còn vô số phiên bản hiếm như Soirée, 101.027 (vỏ vàng trắng / mặt xanh), 101.028 (vỏ vàng vàng / mặt xanh), v.v. Thế hệ đầu của Lange 1 là một “kho báu” đang chờ khám phá. 

Hy vọng bài viết tìm hiểu chuyên sâu về bộ sưu tập Lange 1 sẽ phần nào thoả mãn được đam mê đồng hồ Đức tới quý vị khán giả, đặc biệt là những ai đang sở hữu một chiếc A. Lange & Söhne Lange 1. 

Hình ảnh bởi Gia Bảo: Lange 1 mã hiệu 101.027 với lớp vỏ bằng vàng trắng mặt số xanh navy 

Nguồn tham khảo:

• Bài viết gốc “The Definitive Guide – May 2020 / Updated December 2024” (Langepedia, The 1916 Company Marketplace)

• Tư liệu và hình ảnh (một phần) từ A. Lange & Söhne, Lange Uhren GmbH

• Trích dẫn ý kiến G. Blümlein, W. Odets, L. Peh… trong giới sưu tầm Lange

• Trải nghiệm thực tế của Gia Bảo

 

Kiến thức
Đồng hồ A. Lange & Sohne
Zalo