“Tất tần tật” về làng nghề đồng hồ danh tiếng GLASHÜTTE

“Tất tần tật” về làng nghề đồng hồ danh tiếng GLASHÜTTE

06/02/2025
Tin tức
Đồng hồ Glashutte Original
Đồng hồ Tutima

Bài viết có tham khảo từ một số nguồn tư liệu chính: “175 Years Of Watchmaking In Glashütte” của Elizabeth Doerr và “The history of the Glashütte watch region,”

Đồng hồ cơ khí vốn là kết tinh của nhiều yếu tố: từ kỹ thuật cơ khí chính xác, nghệ thuật kim hoàn, cho đến thẩm mỹ công nghiệp và những câu chuyện lịch sử lâu đời. Khi nói đến đồng hồ Đức, mọi người thường gợi nhắc Nuremberg/Augsburg (cái nôi từ thế kỷ XV–XVI) hay vùng Black Forest (nơi phát minh đồng hồ cúc cu). Tuy nhiên, trong thế kỷ XIX trở về sau, nước Đức có một “thủ phủ” mang ý nghĩa cao cấp và chuẩn mực mang tên Glashütte – một thị trấn nhỏ thuộc bang Saxony, nơi đã trải qua muôn vàn biến cố để trở thành trung tâm nổi tiếng của ngành đồng hồ Đức.

 

Nhiều tài liệu lịch sử, trong đó có bài “175 Years Of Watchmaking In Glashütte” của Elizabeth Doerr cùng những nghiên cứu về hành trình hình thành và phát triển của thị trấn, cho thấy Glashütte đã kiên cường vươn dậy sau mỗi lần lụi tàn, hình thành nên một cộng đồng sản xuất đồng hồ vô cùng độc đáo. Điều đó khiến Glashütte trở thành địa danh được nhắc đến không hề thua kém Thụy Sĩ – thậm chí trong một số khía cạnh, đồng hồ Glashütte còn được đánh giá “chặt chẽ” hơn về quy tắc xuất xứ, với yêu cầu tối thiểu 50% giá trị bộ máy do địa phương sản xuất.

Glashütte hiện đại (ảnh do Holm Helis/Bảo tàng đồng hồ Đức cung cấp)

Bài viết dưới đây, với nội dung tổng hợp từ các nguồn chính cũng như từ tư liệu bổ sung, sẽ khái quát lại bức tranh lịch sử của Glashütte: từ khi nơi này chỉ là một thị trấn nghèo do mỏ bạc cạn kiệt, đến lúc Ferdinand Adolph Lange đặt nền móng cho toàn bộ ngành đồng hồ ở Saxony, trải qua khủng hoảng chiến tranh lẫn quốc hữu hóa, rồi phục hưng sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Đồng thời, bài viết nêu bật vai trò thương hiệu Tutima – một tên tuổi “đặc trưng” cho chất Đức trong dòng đồng hồ quân sự lẫn diver bền bỉ. Cuối cùng, việc so sánh tiêu chuẩn Glashütte với Swiss Made, Geneva Seal hay Patek Philippe Seal sẽ giúp người đọc thấy vì sao Glashütte luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì giá trị “nội địa” và tinh thần “truyền thống + sáng tạo.”

TIỀN ĐỀ LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC LÀNG NGHỀ

Hình minh họa đi kèm bản đồ các mỏ bạc của Saxony vào khoảng năm 1740

Mặc dù nước Đức có những cái nôi chế tác đồng hồ cổ xưa như Nuremberg (gắn liền với tên tuổi Peter Henlein), Augsburg, hay “thành phố vàng” Pforzheim chuyên nữ trang, các trung tâm này mang tính địa phương rải rác, chưa hình thành “cấu trúc” đồng hồ chuyên sâu như Thụy Sĩ. Việc Glashütte trở thành trung tâm danh tiếng là kết quả của một sự nỗ lực tập trung kéo dài suốt 175 năm. Vào khoảng thế kỷ XV, Glashütte được biết đến như một “làng mỏ” khai thác bạc trong dãy Erzgebirge, bang Saxony. Tuy nhiên, trữ lượng bạc không lớn, nên các mỏ dần cạn kiệt và Glashütte rơi vào cảnh bần hàn. Chiến tranh liên miên, các cuộc hỏa hoạn thế kỷ XVIII – đầu XIX cũng tàn phá nơi này, dân số giảm mạnh. Đến những năm 1840, chính quyền Saxony ra sức tìm phương án vực dậy kinh tế, cuối cùng quyết định hỗ trợ một khoản vay cho một thợ đồng hồ trẻ tên Ferdinand Adolph Lange, kêu gọi ông đến Glashütte để mở xưởng, đào tạo lao động địa phương, với kỳ vọng đồng hồ sẽ thay thế “mỏ bạc” đã cạn kiệt.

THỜI KỲ XÂY DỰNG NỀN MÓNG (THẾ KỶ XIX)

Ferdinand Adolph Lange với biểu tượng Saxon

Ferdinand Adolph Lange (1815–1875), xuất thân từ Dresden, vốn là học trò xuất sắc của Johann Christian Friedrich Gutkaes. Ông nhận được khoản vay từ Chính phủ Saxony và bắt đầu hành trình lập nghiệp ở Glashütte vào năm 1845. Sứ mệnh của Lange không đơn thuần mở xưởng cho riêng mình, mà chính thức phải tạo công ăn việc làm, đào tạo 15 thợ học việc (đa phần trước đây làm nghề đan rổ). Với ý thức sâu sắc, Lange cam kết phân chia “phân công lao động,” nghĩa là mỗi người chuyên trách một khâu: người chuyên làm bánh răng, người chuyên cắt cầu máy, người thì điều chỉnh v.v… Tư duy này ảnh hưởng từ mô hình công nghiệp kiểu Thụy Sĩ, song ông còn đặt ra cải tiến: áp dụng đơn vị đo lường mét thay cho ligne (2,2558mm), khiến ông phải tự chế một số công cụ. Nhờ đó, năng suất dần tăng, các sản phẩm pocket watch do Lange chế tạo đạt độ chính xác cao, giá bán cạnh tranh hơn so với Thụy Sĩ.

Moritz Grossmann

Từ hạt nhân ban đầu là xưởng Lange, những thợ lành nghề tách ra lập xưởng, dần hình thành “làng nghề Glashütte.” Một loạt cái tên như Adolf Schneider, Julius Assmann, Moritz Grossmann được xem là “bốn nhà sáng lập vĩ đại” bên cạnh Lange, bởi họ cũng xây nên những công ty độc lập, bổ trợ nhau, mở rộng chuỗi cung ứng. Tiêu biểu như Adolf Schneider từng quản lý xưởng cho Lange, rồi tách ra lập “Glashütter Uhrenfabrik Adolf Schneider.” Julius Assmann mở “J. Assmann Deutsche Anker Uhren Fabrik,” chuyên đồng hồ bỏ túi (chronometer) chất lượng không kém A. Lange & Söhne. Còn Moritz Grossmann là nhân vật học thuật, viết nhiều sách về cơ khí đồng hồ, đặc biệt ông sáng lập Trường Đồng hồ Đức năm 1878, khiến Glashütte dần trở thành “lò” đào tạo thợ tay nghề cao.

Trường dạy nghề chế tạo đồng hồ Đức tại Glashütte năm 1878

GLASHÜTTE GIỮA CÁC CUỘC CHIẾN VÀ KHỦNG HOẢNG

Bước sang thế kỷ XX, thị trường có biến động lớn: Thế chiến I (1914–1918), siêu lạm phát, nhu cầu đồng hồ bỏ túi (pocket watch) sụt giảm, bấy giờ thế giới chuyển dần sang đồng hồ đeo tay (wristwatch). Nhiều xưởng không kịp xoay xở phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Một số động thái công nghiệp hóa xuất hiện, như DPUG (Deutsche Präzisions-Uhrenfabrik Glashütte) cố gắng sản xuất quy mô lớn (~350 chiếc/tháng), nhưng rồi cũng thất bại năm 1925. Đến 1926, ngân hàng Saxony lập ra hai công ty Urofa (chế tác ébauche) và Ufag (lắp ráp đồng hồ) trong nhà máy cũ, cung cấp “movement thô” cho các hãng, đồng thời tạo dòng thương hiệu “Tutima” dành cho sản phẩm cao cấp do Ufag lắp ráp.

Tiến sĩ Ernst Kurtz (ngoài cùng bên phải) và nhóm phát triển của ông tại nhà máy Ufag của Glashütte năm 1939 (ảnh do Tutima cung cấp)

Từ đó, “Tutima” bắt đầu khẳng định tên tuổi trong giai đoạn cuối những năm 1930. Thế nhưng, Thế chiến II bùng nổ khiến Glashütte lại chịu tổn thất. Năm 1941, Urofa làm calibre 59 cho pilot chronograph “Tutima Flieger.” Đây là mẫu pilot watch nổi tiếng, phục vụ không quân Đức (Luftwaffe). Sản lượng có thời điểm tới 1.200 chiếc/tháng. Đến ngày 8/5/1945, chỉ vài giờ trước khi Đức đầu hàng, quân Liên Xô ném bom tàn phá Glashütte, san bằng hầu hết xưởng, trong đó A. Lange & Söhne, Urofa, Ufag… gần như mất sạch. Tiến sĩ Ernst Kurtz – giám đốc Ufag – kịp trốn sang Tây Đức, mang theo cái tên “Tutima,” do đó Tutima không bị quốc hữu hóa.

HẬU CHIẾN TRANH VÀ VEB GLASHÜTTER UHRENBETRIEBE (GUB)

Một vài chiếc đồng hồ GUB Spezimatik nguyên bản từ những năm 1960, hiện là một phần trong bộ sưu tập của Bảo tàng đồng hồ Đức Glashütte

Glashütte bị đưa vào khu vực Liên Xô chiếm đóng, trải qua giai đoạn quốc hữu hóa khốc liệt. Từ 1951, toàn bộ các hãng (trừ những ai kịp chạy ra Tây Đức, như Tutima) bị sáp nhập thành VEB Glashütter Uhrenbetriebe (GUB). Thời CHDC Đức, GUB sản xuất đồng hồ đại trà, cho ra đời Spezimatik, Spezichron. Tuy vẫn duy trì chất lượng nhất định, song không còn độ “xa xỉ” như trước. Hết Chiến tranh Lạnh, nước Đức thống nhất năm 1990, GUB được tư nhân hóa, chia tách hoặc bán cho Swatch Group (Glashütte Original, Union Glashütte). Lúc này, những thương hiệu trước kia chạy sang Tây Đức như Tutima bắt đầu quay trở lại “quê hương,” tái xây dựng xưởng tại Glashütte.

KỶ NGUYÊN TÁI THỐNG NHẤT

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin (hình ảnh do npr.org cung cấp)

Sau năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, Glashütte sống dậy mạnh mẽ. Walter Lange, chắt của F.A. Lange, phục hưng hãng A. Lange & Söhne (năm 1994 ra mắt bộ sưu tập đỉnh cao: Lange 1, Tourbillon Pour Le Mérite...). Nomos cũng do Roland Schwertner tái lập, ban đầu dùng máy Swiss, nhưng nhanh chóng chuyển sang in-house. Swatch Group mua lại GUB để hình thành Glashütte Original, Union Glashütte.

Ra mắt sản phẩm của A. Lange & Söhne vào năm 1994

Vài vụ kiện về “tỷ lệ nội địa” (như Nomos kiện Mühle) diễn ra, khẳng định quy tắc “≥50% giá trị bộ máy” làm tại Glashütte. Trong bối cảnh đó, Tutima – vốn thành công ở Tây Đức với dòng pilot chronograph quân sự – cũng quay về, đầu tư cơ sở. Hãng phát triển loạt model M2 (pilot, diver) và đặc biệt là Patria in-house.

Günter Blümlein và Walter Lange tại đài tưởng niệm FA Lange ở Glashütte năm 1991

VAI TRÒ TUTIMA TRONG LÀNG ĐỒNG HỒ GLASHÜTTE

Đồng hồ bấm giờ dành cho phi công Tutima nguyên bản những năm 1940 được trang bị bộ máy Calibre 59

Nhiều người thường chỉ nhắc A. Lange & Söhne, Glashütte Original, Nomos, Union, Mühle khi nói đến Glashütte mà bỏ quên Tutima. Tuy nhiên, tên gọi “Tutima” xuất hiện từ năm 1926-1927 dưới thời Ufag, gắn với calibre 59 (pilot chronograph). Thương hiệu này trụ lại ở Tây Đức sau 1945, đến khi Đức thống nhất mới quay về, tiếp tục phong cách pilot, quân sự, diver. Tính “kỹ thuật” của Tutima rất rõ, nhất là những “pilot watch” M2 Pioneer, diver M2 Seven Seas 500m, hay Patria “in-house” dành cho phân khúc dress watch. Tutima đại diện cho khía cạnh “hiệu năng,” “an toàn,” khác với hướng haute horlogerie nặng về complication của A. Lange & Söhne, hay phong cách Bauhaus tối giản của Nomos.

ĐẶC ĐIỂM NGÀNH ĐỒNG HỒ GLASHÜTTE HIỆN ĐẠI

Trước đây là Mühle & Sohn và bây giờ là Nautische Instrumente Mühle Glashütte, bức ảnh này cho thấy quá trình sản xuất tại VEB Messtechnik vào khoảng năm 1950 (ảnh do Mühle Glashütte cung cấp)

Ngành đồng hồ Glashütte đứng vững nhờ nguyên tắc: nếu muốn ghi “Glashütte” trên dial, ≥50% giá trị bộ máy phải sản xuất tại địa phương. Điều này bảo vệ “danh tiếng Glashütte” trước các hành vi “lắp Swiss movement, gắn mác Glashütte” như từng xảy ra trong quá khứ (vd Nomos năm 1906). Sự hợp tác nội vùng khá chặt chẽ: A. Lange & Söhne thiên về haute horlogerie, Glashütte Original kết hợp sản xuất “hoàn thiện” lẫn marketing quy mô (thuộc Swatch Group), Nomos hướng “độc lập, in-house,” Tutima thì duy trì “quân sự – diver – tool watch,” Mühle Glashütte thiên về “naval chronometer.” Tất cả tạo nên một hệ sinh thái. Bên cạnh đó, Trường Đồng hồ Đức (do Grossmann sáng lập) vẫn tồn tại, đào tạo thợ thủ công. Tất cả kết hợp tạo ra “cơ chế” sản xuất cực kỳ chuyên sâu, minh bạch, “gói gọn” trong một thị trấn chỉ 7.000 dân.

SO SÁNH TIÊU CHUẨN GLASHÜTTE VỚI SWISS MADE, GENEVA SEAL, PATEK PHILIPPE SEAL

Patek Philippe Seal (Trái) và Geneva Seal (Phải)

Swiss Made yêu cầu tối thiểu 60% chi phí sản xuất tại Thụy Sĩ, chưa quá “khắt khe” về khía cạnh bộ máy “chính gốc.” Geneva Seal là một chứng nhận riêng bang Geneva, nhấn mạnh “hoàn thiện thủ công” 12 tiêu chí, còn Patek Philippe Seal dành riêng Patek, đòi hỏi chuẩn -3/+2 giây/ngày, bảo hành cao. Glashütte Seal (chính là quy định “≥50% bộ máy” nội địa) không đặt nặng “hoàn thiện thẩm mỹ” đến mức Geneva Seal, cũng không “thương hiệu hóa” như Patek Seal, mà tập trung cốt lõi “xuất xứ, tay nghề.” Chính điều này khiến Glashütte trở nên độc đáo: mỗi thương hiệu ở đây phải đảm bảo “bộ máy thật sự sản xuất phần lớn tại Glashütte,” chứ không thể “mua sẵn máy Swiss, lắp ráp rồi dán nhãn Glashütte.”

TẦM ẢNH HƯỞNG VÀ TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI

Sự tàn phá của trận lụt năm 1927. Trên: phòng máy của nhà máy J. Assmann. Dưới: nhà máy Stübner.

Suốt 175 năm (từ 1845) kể từ khi F.A. Lange đến Glashütte, thị trấn này liên tục trải qua thử thách như chiến tranh, lũ lụt (1927 và 2002), lạm phát, rào cản quốc hữu hóa. Thế nhưng, sức bật Glashütte như chim phượng hoàng, mỗi lần tái sinh lại mạnh hơn. Bây giờ, khi xu hướng khách sành đồng hồ chú trọng “giá trị cốt lõi” hơn “logo hào nhoáng,” Glashütte ngày càng được tôn vinh. Tên tuổi A. Lange & Söhne sánh ngang Patek Philippe; Nomos, Glashütte Original, Mühle, Union cũng có phân khúc riêng. Tutima, với di sản quân sự, pilot chronograph, diver M2 Seven Seas 500m và dòng dress watch Patria in-house, thể hiện một mảnh ghép “kỹ thuật” đậm tính “tool watch.” Nhìn về tương lai, Glashütte vẫn sẽ duy trì tính chuyên môn, gia tăng quy mô sản xuất, nhưng không đánh mất tiêu chuẩn Glashütte đã giúp họ khác biệt.

KẾT LUẬN

Một góc nhìn hiện đại về Glashütte

Từ một thung lũng nghèo bị cạn kiệt tài nguyên bạc, Glashütte đã trở thành tượng đài của ngành đồng hồ Đức. Câu chuyện bắt đầu khi Ferdinand Adolph Lange đặt xưởng năm 1845, rồi những Schneider, Assmann, Grossmann… cùng chung tay mở rộng. Trải qua Thế chiến I, II, rồi giai đoạn CHDC Đức hợp nhất thành GUB, Glashütte vẫn kiên cường vươn lên. Sau 1989, bức tường Berlin sụp đổ, loạt thương hiệu danh tiếng hồi sinh.

Các tên tuổi như A. Lange & Söhne, Glashütte Original, Nomos, Union, Mühle tái định vị lại ngành, góp phần “quốc tế hóa” đồng hồ Đức. Tutima – thương hiệu từng chạy sang Tây Đức, giờ về lại Glashütte, giữ vững di sản pilot, diver, khẳng định triết lý “chất Đức – bền bỉ – không khoa trương.”

“Tất tần tật” về làng nghề đồng hồ danh tiếng GLASHÜTTE

Một số bộ máy hiện đại hiện đang được sản xuất tại Glashütte (ảnh do Holm Helis/Bảo tàng đồng hồ Đức cung cấp)

Dưới ánh sáng “tiêu chuẩn Glashütte” (≥50% bộ máy), mảnh đất này bảo tồn một mô hình sản xuất nội địa giàu chiều sâu, sánh ngang Swiss Made, thậm chí còn khắt khe hơn về xuất xứ. Truyền thống lâu đời, những vấp ngã và sự tái sinh, tất cả giúp Glashütte trở thành một vùng đất “linh thiêng” của ngành đồng hồ, nơi chứa đựng những giá trị vượt thời gian: chất lượng thực, tay nghề đỉnh cao, tinh thần kỹ thuật Đức. Khi cầm trên tay một chiếc đồng hồ ghi “Glashütte,” người đeo không chỉ sở hữu món phụ kiện đo thời gian, mà còn nắm giữ cả bề dày lịch sử, văn hóa, nỗ lực sáng tạo suốt 175 năm.

Đó chính là bí quyết làm nên sức hấp dẫn của Glashütte – “trái tim” ngành đồng hồ Đức.

Tin tức
Đồng hồ Glashutte Original
Đồng hồ Tutima
Zalo