Một ngày thực tập tại “Atelier” cùng thương hiệu đồng hồ Kudoke

One day internship at 'Atelier' with the Kudoke brand

16/10/2023
vn-flag-icon VI
Kiến thức
nghệ nhân
đồng hồ độc lập

Một ngày thực tập tại “Atelier” cùng thương hiệu đồng hồ Kudoke

Sẽ thật dễ dàng nếu có ý tưởng cho một bài viết, thế nhưng cho tới lúc ngồi trên chuyến tàu tới Dresden tôi vẫn chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu.

Trống rỗng

Trong chuyến công tác tới Châu Âu hồi đầu tháng 9 bên cạnh việc tham gia sự kiện Geneva Watch Days, lịch trình của tôi có bao gồm một chuyến thăm quan đến xưởng chế tác của nghệ nhân người Đức đã đạt giải GPHG - Ngài Stefan Kudoke. Hạ cánh sau chuyến bay dài 12 tiếng từ thủ đô Hà Nội, thành phố Frankfurt chào đón tôi bằng cơn mưa nhẹ và thời tiết đậm chất thu rất dễ chịu. Tôi di chuyển ra Ga Trung Tâm thành phố để đi tàu tới Dresden, như thường lệ tôi tự thưởng cho mình ly double espresso quen thuộc và bài hát yêu thích của The Beatles - Norwegian Wood.

Trên chuyến tàu di chuyển tới Dresden, đầu óc tôi vẫn là một tờ giấy trắng. Thành thực mà nói, thật khác với mọi khi, tôi vẫn chưa biết mình sẽ đặt những câu hỏi nào hay chủ đề chính là gì khi gặp lại ngài Stefan Kudoke. Những suy nghĩ vẩn vơ không hồi kết khiến tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc mơ, hình ảnh của ngài Günter Blümlein tái sinh thương hiệu A Lange & Söhne - thương hiệu được xem là danh giá nhất tại Đức trong thời điểm hiện tại hiện lên rất rõ ràng và chân thực như tôi đang tham dự sự kiện năm 1994 tại Lâu đài Dresden. Và tôi đã biết địa điểm cần đến trước khi gặp gỡ thương hiệu Kudoke đó chính là “Royal Palace” (Residenzschloss) hay Lâu đài Dresden / Cung điện Hoàng gia.

Ngài Günter Blümlein tái sinh thương hiệu A Lange & Söhne tại Lâu đài Dresden / Cung điện Hoàng gia năm 1994.

Dresden chiều hôm đó mưa nặng hạt nhưng không cản bước tôi đến Lâu đài Dresden - Cung điện hoành tráng được xây dựng và hiện nay là bảo tàng với những khán phòng rộng lớn, chứa đựng nhiều hiện vật. Có rất nhiều thứ tuyệt vời được làm từ ngà voi, bạc, vàng, hổ phách và đá quý,... Nhưng thứ thu hút sự chú ý của tôi lại là những bộ giáp, những món vũ khí hàng trăm năm tuổi được chạm khắc và hoàn thiện vô cùng tinh xảo được trưng bày ở những vị trí trang trọng.

Tôi tự hỏi tại sao những món đồ chỉ phục vụ cho một số mục đích cụ thể lại được làm cầu kỳ và tốn công sức đến như vậy?

Hình ảnh từ chính tác giả

À, không phải đồng hồ cũng chỉ là công cụ để đo đếm thời gian thôi sao? Có những chiếc đồng hồ cổ điển hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trở thành trân bảo, được người ta cất giữ cẩn thận từ đời này qua đời khác. Vậy điều gì khiến cho một cỗ máy đếm thời gian của nghệ nhân Abraham Louis Breguet, hay của nghệ nhân George Daniels đến bây giờ vẫn còn hấp dẫn, mang vẻ đẹp sống mãi với thời gian như vậy? Làm sao để những chiếc đồng hồ được trân trọng sau nhiều năm, để nhiều thế hệ sau phải trầm trồ như tôi đang lúc này đây. Tôi chợt mỉm cười.

Độ hoàn thiện - đó là câu trả lời cho chủ đề buổi gặp gỡ với thương hiệu Kudoke

Ngày nay, những người thợ đồng hồ cũng rất biết cách đưa linh hồn vào trong một tác phẩm của họ. Có những người lựa chọn cách thức tạo ra một mặt số đồng hồ của riêng họ, có người bắt đầu với chế tạo bộ máy hay làm mới lại bộ vỏ đồng hồ cổ điển theo cách hiện đại. Và có người như ngài Stefan Kudoke, tạo ra điểm nhấn cho tác phẩm bằng việc áp dụng những kỹ thuật hoàn thiện mà mình thành thạo nhất ở cả mặt số và bộ máy. Thương hiệu Kudoke có hai tác phẩm nổi bật với kiểu dáng cổ điển: Kudoke 1Kudoke 2. Cả hai mẫu đều đánh dấu sự khác biệt rõ rệt so với những chiếc đồng hồ trước đó của thương hiệu Kudoke cả về thiết kế, độ hoàn thiện và giá cả. Chiếc đồng hồ Kudoke 2 có một năm ra mắt đáng nhớ khi chiến thắng hạng mục Petite Aiguille - hạng mục dành cho đồng hồ có giá dưới 10.000 CHF - tại Grand Prix d'Horlogerie de Genève (GPHG) 2019.

Mặc dù Ngài Stefan Kudoke không giống như nhiều đồng nghiệp của mình, không xuất thân từ một gia đình có truyền thống lâu đời về chế tạo đồng hồ nhưng ông đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp chuyên môn của mình cho hoạt động chế tạo đồng hồ. Sau khi hoàn thành chương trình học việc một cách xuất sắc ở tuổi 21, ngài Stefan bắt đầu làm việc cho nhà máy sản xuất đồng hồ Glashütte Original nổi tiếng ở Glashütte. Chỉ một năm sau, ông đã nhận được Chứng chỉ Thợ thủ công bậc thầy. Sau khi “đi thật xa để trở về”, cụ thể là làm việc với tư cách là nghệ nhân chế tác của thương hiệu Breguet, BlancpainOmega, ngài Stefan Kudoke quyết định thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu. Nghệ nhân Stefan và bà Ev Kudoke bắt đầu cuộc hành trình chế tác đồng hồ của cả hai.

Tôi đến với xưởng đồng hồ của nghệ nhân Stefan vào sáng hôm sau buổi tham quan cung điện hoàng gia. Đó thực sự là một xưởng chế tạo đồng hồ rất xinh đẹp, ngăn nắp, gọn gàng được đặt trong ngôi làng Weifa yên bình chỉ có khoảng 700 dân cư. Hôm nay là ngày thứ 3 Weifa có mưa phùn, thời tiết mát mẻ trong lành và vô cùng sảng khoái. Trụ sở của Kudoke được trang bị đầy đủ máy móc và công cụ cần thiết để hoàn thành một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh. Những nghệ nhân ở đây chào đón tôi bằng rất nhiều nụ cười thân thiện và trừu mến.

Ngài Stefan và bà Ev Kudoke là những người giản dị, khiêm tốn và hòa nhã. Cả hai đưa tôi tham quan "Altelier" và thậm chí tôi còn thử sức vào các công đoạn hoàn thiện những chi tiết trên cỗ máy đồng hồ. Thế nhưng, chế tác đồng hồ cũng giống với câu nói “Nấu ăn thì dễ, nhưng nấu ra những món ngon lại không phải chuyện đơn giản". Và tôi đã có một ngày đáng nhớ khi làm "thực tập viên" tại xưởng chế tác của nghệ nhân Stefan Kudoke. Có nhiều kỹ thuật phức tạp để hoàn thiện chiếc đồng hồ Kudoke, tuy nhiên tôi đã lựa chọn ba phương pháp mà tôi yêu thích và thường xuyên viết bài về những phương pháp hoàn thiện này, đó là: chạm khắc (Engraving), hoàn thiện bề mặt của bánh xe cóc (Ratchet Wheel) và vát cạnh đánh bóng (Anglage).

Chạm khắc

Ngày nay, dòng sản phẩm của Kudoke về cơ bản bao gồm hai bộ sưu tập: dòng HANDwerk và dòng KUNStwerk. Đúng như tên gọi (ít nhất là đối với những người thành thạo tiếng Đức), HANDwerk sẽ thể hiện rất rõ về chuyên môn chế tạo đồng hồ của Kudoke, gồm những chiếc Kudoke 1, Kudoke 2 và Kudoke 3. Lấy cảm hứng từ những chiếc đồng hồ bỏ túi lịch sử của Anh, bộ máy “Kaliber 1” mới là tâm điểm để ngài Stefan sáng tạo. Mặt khác, bộ sưu tập KUNSTwerk tập trung vào yếu tố chạm khắc và skeleton. KUNSTwerk là bộ sưu tập có trước, và nó thể hiện rất rõ niềm đam mê chạm khắc của ngài Stefan. Với HANDwerk, cụ thể là bộ máy Kaliber 1, ngài Stefan đã tiết chế yếu tố được chạm khắc, khiến nó cân bằng hơn trong những tác phẩm đếm thời gian của mình. Ví dụ với chiếc Kudoke 2 đạt giải GPHG năm 2019, phần đĩa báo giờ sáng/ tối có hai nửa mặt trăng/mặt trời được ông thể hiện rất đẹp mắt và nổi bật hẳn so với phần diện tích đơn giản còn lại của mặt số.

Trong khi mặt đáy đồng hồ là lớp hoàn thiện mờ bao quanh cầu máy, cầu cân bằng được khắc thủ công, và phần bánh cóc (Ratchet Wheel) được làm vân xoáy ốc - một phong cách rất Anh quốc, thay vì bộ máy của vùng Saxon như chúng ta đã biết.

Bước 1: Phác thảo hình khắc bằng bút

Bước tiếp theo: Dùng dùi tạo ra hình khắc mong muốn

Hình ảnh chi tiết sau hoàn thiện

Trải nghiệm công đoạn chạm khắc

Tự tay hoàn thiện bánh cóc (ratchet wheel)

Bánh cóc là bộ phận trên cùng của hộp cót, được bắt vít vào trục của hộp cót. Khi đồng hồ được lên cót, bánh cóc sẽ quay và cuộn chặt dây cót. Nhiệm vụ của bánh cóc là truyền năng lượng sang cuộn dây cót. Và tiếng lạch cạch bạn nghe thấy khi lên cót cho đồng hồ (qua núm vặn) là tiếng mà bánh cóc tạo ra.

Đây là hai hình ảnh bánh cóc do ngài Stefan Kudoke thực hiện và do tôi thực hiện. Các bạn có đoán đâu là tác phẩm của ngài Stefan không?

Ngài Stefan Kudoke sẽ làm mọi công đoạn để tạo ra một bánh cóc hoàn chỉnh: từ bánh xe mới được cắt và xẻ cho đến quá trình hoàn thiện bề mặt bằng vân xoáy ốc hai tầng. Như hình ảnh được nghệ nhân Stefan vẽ ở bảng trắng phía sau, chúng ta cần đưa dụng cụ vào sát phần trụ của bánh xe để làm vân xoắn ốc lần thứ nhất, sau đó từ phần rìa của bánh cóc chúng ta tạo ra đường xoắn ốc tầng số 2. Về lý thuyết rất đơn giản, nhưng thực hiện thì "dễ vô cùng". Ngoài tay nghề thì tâm trạng của nghệ nhân cộng với may mắn sẽ tạo ra được những chi tiết với độ hoàn thiện cao như những bức hình quý vị chiêm ngưỡng dưới đây. Quá trình này không giống những thương hiệu truyền thống sản xuất công nghiệp, chi tiết bánh cóc đa phần được đưa vào máy hoàn thiện chải xước tia mặt trời (Sunburst) với số lượng hàng trăm thậm chí hàng ngàn trong thời gian ngắn.

Vát cạnh (Anglage)

Cũng trong nỗ lực tạo ra dấu ấn riêng trong ngành chế tạo đồng hồ của ngài Stefan là tạo ra càng nhiều chi tiết thủ công nhất. Người nghệ nhân sẽ dành ra hàng giờ để vát cạnh cho các chi tiết máy. Vát cạnh hay chúng ta có thể tìm kiếm dễ dàng hơn với thuật ngữ “anglage". Trong ngành đồng hồ, anglage mô tả một góc vát nghiêng hay kỹ thuật vát nghiêng. Chắc chắn rồi, cắt góc bằng tay là một kỹ thuật mất nhiều công sức. Ban đầu, người thợ đồng hồ sử dụng máy vát cạnh thông thường để dũa sau đó đem linh kiện đi đánh bóng thủ công. Đây là công việc cần trau dồi những kĩ năng qua nhiều năm tháng, và theo như nghệ nhân Stefan Kudoke có chia sẻ chúng ta cũng cần may mắn để những chi tiết được hoàn thiện một cách xuất sắc. Quý bạn đọc có nhận ra đâu là tác phẩm của tôi hoàn thiện không?

Nghe mô tả có vẻ đơn giản, nhưng với một người thợ đồng hồ, việc vát cạnh cần đảm bảo: các mép vát đều, có độ rộng bằng nhau với hai cạnh chạy song song bất kể chiều dài. Đường viền càng kéo dài, thì càng khó đối với người thợ đồng hồ để duy trì độ đều đặn. Không chỉ đường vát bao quanh linh kiện đều nhau, mà nó còn phải đều với linh kiện, bộ phận kế bên. Bạn hãy tin rằng, không phải vô tình mà những đường vát này xuất hiện bên trong một chiếc đồng hồ, mà nó còn thể hiện kỹ năng riêng của người thợ đồng hồ.

Trải nghiệm hoạt động "vát cạnh"

Tổng kết: Khác với những thương hiệu sản xuất công nghiệp, yếu tố máy móc và quy trình tạo nên gần hết một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh thì còn đâu đó những thương hiệu đồng hồ độc lập có số lượng sản xuất dưới 200 chiếc đồng hồ/ năm với tính chất thủ công cao, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu như thương hiệu Kudoke. Tôi đã học được rất nhiều kiến thức về đồng hồ cũng như những triết lý về sản phẩm từ nghệ nhân Stefan và phu nhân Ev Kudoke, rất mong sẽ sớm quay lại Weifa một ngày nắng đẹp.

Dưới đây là hình ảnh đồng hồ Kudoke 2, mời quý bạn đọc cùng chiêm ngưỡng:

Kiến thức
nghệ nhân
đồng hồ độc lập
Zalo