Quy trình nung xanh những chiếc ốc trên đồng hồ theo phương pháp truyền thống
Nếu bạn đã từng quan sát những bộ máy đồng hồ, hẳn bạn sẽ thấy một điều lạ rằng phần lớn những chiếc đinh ốc được dùng trên bộ máy đều có màu xanh đậm. Những chiếc đinh ốc màu xanh này ngoài tác dụng về mặt thẩm mỹ, giúp trang trí cho bộ máy đồng hồ thì chúng còn có độ bền cao hơn những chiếc đinh ốc thông thường rất nhiều. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách làm ra những chiếc đinh ốc màu xanh đó!
Mặc dù ngày nay, rất nhiều mẫu đồng hồ giá rẻ để tiết kiệm chi phí đã thực hiện một việc đơn giản nhất, sơn những chiếc đinh ốc màu xanh. Nhưng thực tế, quá trình để làm ra một con ốc có màu xanh đậm như vậy cực kỳ phức tạp và tốn thời gian, cùng với đó yêu cầu người thợ có kinh nghiệm dày dặn trong việc xử lý nhiệt để tạo ra đúng sắc xanh cần thiết cho chiếc đinh ốc.
Những chiếc đinh ốc màu xanh là một trong những đặc điểm phổ biến nhất của các bộ máy đồng hồ cao cấp. Rất nhiều hãng đồng hồ tự nhận rằng mình sử dụng những chiếc đinh ốc xanh này, nhưng không phải tất cả đều có một sắc xanh giống nhau. Mặc dù những chiếc đinh ốc màu xanh không phải là điều bắt buộc, gây ảnh hưởng tới hoạt động của bộ máy nhưng nó mang tính chất điểm nhấn cá nhân nhiều hơn. Giống như các kỹ thuật đánh bóng và trang trí bộ máy, kỹ thuật này cũng giúp người thợ đồng hồ đặt được tinh hoa của mình vào trong chiếc đồng hồ.
Quá trình "làm xanh" hay còn gọi là tôi thép, thường là công đoạn cuối cùng trong việc xử lý nhiệt; và quá trình này cũng có thể được áp dụng lên tất cả những linh kiện đồng hồ sử dụng chất liệu thép. Bước đầu tiên là làm cứng bề mặt thép với nhiệt độ phù hợp với thành phần kim loại của từng loại thép. Vì quá trình làm xanh thường là những bước cuối cùng, màu xanh của chiếc đinh ốc thường là dấu hiệu cho thấy chiếc đinh ốc này đã qua những bước xử lý nhiệt kỹ lưỡng.
Mặc dù thế, quá trình làm cứng bề mặt có thể dẫn đến việc linh kiện này trở nên quá cứng, và trở nên giòn, dễ nứt vỡ. Vì thế, chúng cần được làm mềm một chút, đây là lý do ban đầu của việc tôi thép (bên cạnh đó cũng là lý do thẩm mỹ nữa). Màu xanh trên thép là do một lớp oxit bám trên bề mặt thép do nung nóng ở một nhiệt độ nhất định. Với mỗi mức nhiệt, thép sẽ cho ra một màu khác nhau: từ vàng, tím cho đến xanh đậm, xanh xám. Các bạn có thể nhìn ảnh dưới đây để có thể thấy rõ hơn.
Bên cạnh tính thẩm mỹ, mỗi màu sắc sẽ cho chúng ta biết về độ cứng của linh kiện thép. Ví dụ, nếu nung thép đến khi chuyển sang màu vàng rơm thì nó sẽ cứng hơn rất nhiều so với màu xanh đậm. Những mũi khoan hay lưỡi cưa bằng thép thường sẽ được nung đến màu vàng nâu để làm cho chúng trở nên cứng nhất có thể.
Việc khó nhất của quá trình này chính là xử lý nhiệt làm sao để cho ra sản phẩm đúng ý nhất, nhiệt độ thấp thì thép sẽ có độ cứng bề mặt thấp hơn. Thông thường, những linh kiện đồng hồ như đinh ốc sẽ được xử lý nhiệt sao cho ra màu xanh đậm, giúp cho nó đủ cứng để không bị vỡ khi chịu áp lực, nhưng cũng không quá cứng để có tuổi thọ cao hơn.
Quá trình dưới đây chính là cách làm xanh đinh ốc và một số linh kiện khác một cách thủ công. Kỹ thuật này chỉ được dùng khi phục chế đồng hồ hay để làm ra những chiếc đồng hồ với số lượng cực ít, bởi mỗi chiếc đinh ốc đều được xử lý riêng. Mặc dù quá trình này khá dễ hiểu và không yêu cầu nhiều công cụ phức tạp, nhưng chính quá trình để cho ra màu như ý muốn sẽ yêu cầu kinh nghiệm của người thợ đồng hồ.
1. Đặt những miếng đồng lên khay và đặt chiếc đinh vít lên trên những miếng đồng đó. Nổi lửa và đặt khay đồng ở trên ngọn lửa, đợi nhiệt độ tăng dần lên.
2. Di chuyển khay đều theo hình tròn trên ngọn lửa để đảm bảo rằng tất cả các phần của đinh ốc được nung nóng đều. Quan sát và đợi đến khi chiếc đinh ốc chuyển màu. Đầu tiên nó sẽ có màu vàng rơm, sau đó là vàng, nâu, tím, xanh đậm, xanh, xanh nhạt và xanh xám.
3. Nhanh chóng di chuyển chiếc đinh ốc khi đã đạt được màu sắc mong muốn. Chiếc đinh ốc sẽ giảm nhiệt ngay sau khi được nhấc ra khỏi ngọn lửa, vẫn giữ nguyên màu sắc khi được nung nóng.
Nếu trước quá trình này, chiếc đinh ốc được đánh bóng và vệ sinh sạch sẽ, nó sẽ có một màu xanh đồng nhất và không có mảng loang lổ nào. Nếu những chiếc đinh ốc này có nhiều đốm hay nhiều mảng màu loang, nó sẽ phải được đánh bóng và vệ sinh lại, sau đó lại lặp lại quá trình làm xanh như trên. Một chiếc đinh ốc hoàn hảo sẽ có màu như dưới đây:
Quá trình nung rất nhanh, chỉ vài giây khi khay đồng đã đạt được nhiệt độ cần thiết. Nhưng chính quá trình chuẩn bị bao gồm đánh bóng và vệ sinh, cùng với đó là rất nhiều lần thử lại để chiếc đinh ốc có thể đạt được màu sắc như ý muốn mới là việc tốn thời gian. Chỉ tới khi tất cả các công việc này hoàn tất, bạn mới thấy được chiếc đinh ốc kia là một sản phẩm thành công hay thất bại. Bạn có thể nhìn một số sản phẩm không đạt ở dưới đây, mặc dù trước khi xử lý, tất cả những chiếc đinh ốc này đều có một dáng vẻ hoàn hảo.
Màu xanh không đều do vệ sinh không đúng cách
Rất tuyệt vời nhưng lại xuất hiện những chấm do có hạt bụi ở trên chiếc đinh ốc
Màu loang lổ do có những vết bẩn trước đó
Thêm một điều nữa, tất cả những chiếc đinh ốc trên một bộ máy phải có màu sắc đồng đều với nhau. Vậy nên một chiếc đinh ốc có màu hoàn hảo đi chăng nữa, nếu nó không giống với những chiếc khác thì người thợ vẫn sẽ phải làm lại, và một chiếc đinh ốc có thể mất đến nửa tiếng để có thể đạt kết quả như mong muốn. Vấn đề này thường xảy ra khi phục chế đồng hồ cũ, với những chiếc đinh ốc sẵn có trên bộ máy và người thợ phải đảm bảo những chiếc mới phải có cùng màu với những chiếc cũ.
Tại Kudoke, một thương hiệu đồng hồ thủ công đến từ vùng Weifa (Đức), kỹ thuật nung xanh đinh ốc và bộ kim cũng được trân trọng áp dụng theo cách truyền thống tương tự. Thay vì lựa chọn phương án “sơn” để tiết kiệm chi phí, họ chuộng phương pháp nung nhiệt thủ công, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm thực tiễn.
• Bộ kim nung xanh của Kudoke: Không chỉ dừng lại ở đinh ốc, nhiều mẫu đồng hồ của Kudoke, đặc biệt là Kudoke 1 và Kudoke 2, còn trang bị bộ kim xanh được nung bằng quy trình xử lý nhiệt. Việc này nhằm tạo ra sắc xanh đồng nhất, đồng thời đảm bảo độ cứng và độ bền bỉ tốt hơn cho kim.
• Thời gian và sự cẩn trọng: Trong xưởng của Kudoke, mỗi thành phần linh kiện như kim và đinh ốc được nung xanh riêng lẻ, qua nhiều bước chuẩn bị kỹ lưỡng: đánh bóng, vệ sinh, cân chỉnh nhiệt. Nhờ áp dụng quy trình này, màu xanh trên kim và ốc của Kudoke có độ sâu cùng sắc bóng đặc trưng, không loang lổ hay không đều.
• Tính cá nhân hóa và kiểm soát chất lượng: Vì Kudoke sản xuất đồng hồ với số lượng nhỏ, họ có thể dành đủ thời gian để bảo đảm tất cả đinh ốc, bộ kim trên một bộ máy đều có màu xanh thống nhất. Tương tự với phục chế hay sửa chữa, nghệ nhân phải kiểm tra thật kỹ, tránh việc một linh kiện có màu không khớp với phần còn lại.
• Tôn vinh giá trị thủ công Đức: Kỹ thuật nung xanh đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm, và Kudoke coi đây là cách để giữ gìn tay nghề truyền thống của vùng Dresden – Glashütte. Mỗi sản phẩm hoàn thiện không chỉ vận hành tin cậy, mà còn có dấu ấn mỹ thuật riêng, từ đinh ốc cho đến kim chỉ giờ.
Chính vì “chăm chút” cả khâu nung xanh đinh ốc lẫn bộ kim mà những chiếc đồng hồ từ Kudoke luôn tạo cảm giác hài hòa, đồng bộ, tôn vinh vẻ đẹp cơ khí đúng như tôn chỉ của thương hiệu Đức này.