Review đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak Chronograph 26300ST

25/02/2021
Review
Đồng hồ Audemars Piguet

Review đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak Chronograph 26300ST

Giới thiệu

Bộ sưu tập Royal Oak là một trong những thiết kế có lịch sử khá ly kỳ, vốn không được người hâm mộ đón nhận một cách nồng nhiệt. Tuy nhiên, đây cũng chính là cứu cánh của thương hiệu Audemars Piguet, và còn có đủ độ quan trọng để thương hiệu này giới thiệu thêm vô số phiên bản khác nhau để phục vụ người hâm mộ.

Mẫu đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03Gia Bảo Luxury muốn giới thiệu tới các bạn cũng nằm trong danh sách đó. Đây là một thiết kế giữ đúng truyền thống của bộ sưu tập với dây thép, vành bezel bát giác với những chiếc đinh vít ở trên. Tuy nhiên, tính năng của bộ máy đã có đôi chút nâng cấp.

Để tìm hiểu kỹ hơn về chiếc đồng hồ, chúng ta cũng nên lướt qua một chút về hoàn cảnh ra đời của bộ sưu tập Royal Oak.

Sơ lược lịch sử Royal Oak

Bộ sưu tập này được giới thiệu tại sự kiện Baselworld 1972, và được thai nghén trước đó 1 năm. Người thiết kế nên Royal Oak không phải ai khác, mà chính là thiên tài Gerald Genta. Ông cũng có vô số những thiết kế đồng hồ nổi tiếng, đến từ nhiều thương hiệu khác như Omega, Patek Philippe và cả Bulgari.

Chiếc Royal Oak đầu tiên được ra đời có mức giá ngang với những chiếc Rolex vàng khối, nhưng bộ vỏ lại được làm từ thép. Điều này khiến cho người chơi đồng hồ hết sức bất ngờ và phẫn nộ. Không cần nói, chúng ta đều hiểu rằng Royal Oak trong thời gian đầu bị ế thảm hại, chẳng có mấy người mua.

Tuy nhiên, dần dần thì Royal Oak lại được chấp nhận bởi người chơi. Lý do của điều này cũng dễ hiểu như mức giá của chiếc đồng hồ vậy. Sở dĩ một chiếc đồng hồ thép có mức giá cao như vậy là vì nó được hoàn thiện cực kỳ chi tiết, tất cả đều được làm thủ công. Trong thời điểm đồng hồ Quartz dần thoái trào, những chi tiết cơ khí thủ công lại được tôn vinh, và Royal Oak đã trở thành ông tổ của dòng đồng hồ thể thao cao cấp.

Review mẫu đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03

Bộ vỏ

Như đã nói ở trên, bộ vỏ của chiếc Audemars Piguet Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03 giữ nguyên vẹn những tinh túy vốn có của dòng Royal Oak. Chúng ta có bộ vỏ thép với đường kính 39mm truyền thống, giống với phiên bản Royal Oak đầu tiên được giới thiệu vào năm 1972.

Trên đó là vành bezel bát giác, được cố định bởi 8 chiếc đinh vít hình lục giác. Nếu quan sát kỹ, ta có thể thấy rằng phần lỗ đặt vít được thiết kế khít với đinh vít, và điều đó làm cho những bộ phận này không thể xoay được. Đó là chủ ý của Gerald Genta để đánh lừa người chơi. Trên thực tế, đinh vít thật sự của Royal Oak nằm ở phía sau mặt đáy, còn đinh vít trên vành bezel chỉ là đuôi chốt mà thôi.

Điểm làm nên sự đặc biệt của Royal Oak chính là độ hoàn thiện. Trên bề mặt vành bezel và thân vỏ, ta có thể thấy phương pháp hoàn thiện chải xước rất ít khi xuất hiện vào thời điểm đó. Ở những năm 1970, bề mặt đồng hồ thường được đánh bóng và cạnh bên được chải xước.

Cạnh bên của chiếc Royal Oak cũng được hoàn thiện bằng phương pháp chải xước, nhưng những góc cạnh lại được vát mềm mại và đánh bóng nổi bật. Sự tương phản giữa hai phương pháp chải xước và đánh bóng đã làm cho chiếc đồng hồ trở nên bắt mắt hơn, đẹp hơn rất nhiều.

Với phiên bản Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03, Audemars Piguet còn cập nhật thêm tính năng Chronograph và vì thế bộ vỏ có thêm hai nút bấm ở cạnh núm chỉnh giờ. Nút bấm Chronograph thì được đánh bóng và bo góc ở phần đầu, còn núm vặn chỉnh giờ có hình lục giác, với logo thương hiệu được chạm khắc ở phía trên.

Bộ dây đeo

Thật không ngoa khi nói rằng dây đeo của Royal Oak là bộ dây đẹp nhất trong giới đồng hồ. Thiết kế dây được làm thuôn dần từ phần càng nối dây cho tới khóa dây, và điều này yêu cầu từng mắt nối được chế tác riêng biệt. Riêng phần khóa dây với chữ AP được làm nổi lên một chút, gây kích thích về cả thị giác lẫn cảm nhận khi chạm vào.

Được chế tác riêng đã đành, từng mắt xích nhỏ bé này còn được hoàn thiện thủ công. Điều này chưa hề có tiền lệ trước đây, mà chỉ bắt đầu ở chiếc Royal Oak. Giống với bộ vỏ, bề mặt dây đeo vẫn được hoàn thiện chải xước, còn các góc cạnh của sợi dây thì được đánh bóng tạo nên độ tương phản cao. Mà không chỉ mặt ngoài, mặt trong của sợi dây cũng được hoàn thiện tỉ mỉ.

Các thiết kế của Gerald Genta thường sử dụng càng nối dây tích hợp, có đôi chút khác biệt so với những càng nối dây bình thường. Nói một cách đơn giản, phần kết nối giữa càng nối dây và mắt dây đầu tiên sẽ giống với phần kết nối giữa các mắt dây. Điều này tạo nên một cảm giác liền mạch, tiếp nối trên chiếc đồng hồ.

Mặt số

Giống với những mẫu đồng hồ hiện đại khác, mặt số đồng hồ sẽ được bảo vệ bởi lớp kính Sapphire. Chất liệu này có độ cứng cao, trong suốt. Chính vì vậy, chiếc đồng hồ sẽ luôn giữ được vẻ mới mẻ, không bị ngả màu như mặt kính Hesalite (hay người Việt Nam hay gọi là mica).

Bề mặt mặt số là những họa tiết Grande Tapisserie đặc trưng của dòng Royal Oak, được tạo nên bởi một cỗ máy có kích thước rất lớn. Khuôn mẫu sẽ có kích thước bằng cái mâm, và từ đó các đường vân sẽ được chuyển qua mặt số có kích thước rất nhỏ. Để tìm hiểu kỹ hơn, các bạn có thể quan sát video này.

Để phục vụ tính năng Chronograph, vậy nên mặt số của chiếc Audemars Piguet Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03 có thêm sự xuất hiện của những mặt số phụ. Hai mặt số đối diện nhau ở góc 3 giờ và 9 giờ có nhiệm vụ hiển thị kim giờ và phút Chronograph, còn mặt số góc 6 giờ là kim giây nhỏ. Kim giây trung tâm cũng chính là kim giây Chronograph, chỉ được kích hoạt khi người dùng nhấn nút.

Chính vì sự xuất hiện của nhiều chỉ báo như vậy, ô cửa sổ lịch ngày được sắp xếp lại về vị trí 4 giờ. Điều này hơi lạ một chút, nhưng cũng không ảnh hưởng gì tới tính năng hay độ dễ nhìn của mặt số. Trên thực tế, với hai tông màu xanh lam và trắng đối lập nhau, việc quan sát mặt số đồng hồ thật sự rất dễ dàng.

Để người dùng dễ quan sát hơn nữa, các chi tiết quan trọng trên mặt số như kim que hay mốc giờ đều được phủ chất phản quang. Khác với ngày xưa, chất phản quang bây giờ không còn là chất phóng xạ gây ung thư nữa, mà là Super-LumiNova với ánh sáng màu xanh lục đặc trưng. Riêng ở góc 12 giờ, cọc số baton đã được chuyển thành hình tam giác, có kích thước lớn nổi bật.

Bộ máy cơ học

Phiên bản Audemars Piguet Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03 có mặt đáy kín với dòng chữ Royal Oak được khắc phía trên. Tuy thiết kế này giúp bảo vệ đồng hồ tốt hơn, nhưng nó lại che mất đi bộ máy cơ học bên trong. Đặc biệt hơn, những bộ máy cao cấp như của Audemars Piguet hay Patek Philippe lại được hoàn thiện thủ công cực kỳ đẹp mắt.

Điểm ấn tượng nhất trên bộ máy tự động này chắc chắn phải là rotor bằng vàng khối. Chất liệu vàng 22K có trọng lượng lớn hơn, do đó giúp rotor văng mạnh hơn, lên dây cót tốt hơn. Với phần còn lại, chúng ta có đầy đủ những phương thức hoàn thiện quen thuộc của đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp, có thể liệt kê như sau:

  • Khung máy với vân tròn Perlage

  • Cầu nối với vân sọc Cotes de Geneve

  • Các lỗ vít được vát chéo và đánh bóng, đầu vít cũng được đánh bóng

  • Trên rotor có chạm trổ thông tin về thương hiệu

  • Các chân kính quan trọng có thêm chaton, là một niềng bằng vàng khối giúp cố định bộ phận này

Về thông số kỹ thuật, Caliber 2385 cũng đáp ứng hoàn hảo tiêu chuẩn của bộ máy hiện đại. Cỗ máy này hoạt động ở tần số 21,600 vph, có 37 chân kính và thời lượng cót 40 giờ. Cơ chế Chronograph được điều khiển bởi bánh răng cột Column Wheel, đảm bảo độ ổn định cao khi vận hành.

Kết luận

Tóm lại, với chiếc Audemars Piguet Royal Oak 26300ST.OO.1110ST.03, chúng ta chỉ có một từ duy nhất để nhận xét, đó là “tinh xảo”. Thiết kế này không đi quá xa khỏi khuôn mẫu của dòng Royal Oak, nhưng vẫn có những tính năng độc đáo đủ để phân biệt với phiên bản Royal Oak truyền thống với ba kim một lịch.

Và tất nhiên, việc sở hữu một chiếc Royal Oak chưa bao giờ là dễ dàng. Những phiên bản này sẽ rất ít khi xuất hiện tại cửa hàng của Audemars Piguet, mà thường phải mua với mức giá Premium hoặc đăng ký trước với thời gian đợi rất dài.

Giá bán tại Gia Bảo Luxury:

Review
Đồng hồ Audemars Piguet
Zalo