Review đồng hồ Breguet Tourbillon Extra-Plat 5377

Review đồng hồ Breguet Tourbillon Extra-Plat 5377

20/03/2019
Review
Đồng hồ Breguet

Abraham Louis Breguet là một nghệ nhân cực kỳ nổi tiếng, một người đã đóng góp rất nhiều trong sự phát triển của ngành đồng hồ trong khoảng 2 thế kỷ trước. Mặc dù sau này, thương hiệu Breguet không còn thuộc quyền sở hữu của hậu duệ nghệ nhân Abraham Louis Breguet, nhưng họ vẫn luôn cố gắng để đưa ra những phát kiến đột phá, giúp người dùng có những trải nghiệm sử dụng tuyệt vời hơn, đưa tới những tính năng ấn tượng hơn.

"Chất" của Breguet được thể hiện khá rõ ràng với mẫu đồng hồ Breguet Tourbillon Extra-Plat 5377, cả về thiết kế lẫn những đột phá kỹ thuật bên trong. Mẫu đồng hồ này có những đặc điểm riêng mà người chơi chỉ cần liếc qua cũng có thể biết rằng đây là một sản phẩm của Breguet, mặc dù họ còn chưa nhìn tới phần tên thương hiệu.

Chi tiết đầu tiên nằm ở phần vỏ đồng hồ, với phần cạnh bên được chạm khắc những rãnh khía đồng xu. Đây là một thiết kế kinh điển của Breguet, và gần như không có một thương hiệu nào khác sử dụng thiết kế này. Việc chế tác bộ vỏ này thì không phải quá khó khăn, nhưng thực sự tốn công và những thương hiệu khác cũng không muốn mình mang tiếng là sao chép thiết kế của Breguet.

Bộ vỏ đồng hồ được làm từ vàng hồng nguyên khối với đường kính 42mm, một kích thước trung bình và dễ lên tay. Phần càng nối dây được hàn vào thân vỏ giống như những chiếc đồng hồ từ thời xưa, và đây cũng là một trong những đặc điểm quen thuộc của Breguet.

Phần mặt số cũng được thiết kế theo đúng phong cách của Breguet với phần nền được trang trí bằng những họa tiết Guilloche. Nếu bạn chưa biết thì Breguet có cả một xưởng thủ công chuyên chế tác mặt số Guilloche, với rất nhiều máy móc cổ đến nay vẫn còn được sử dụng. Mặt số trắng bạc được hoàn thiện bằng nhiều loại vân Guilloche khác nhau với từng khu vực, nhưng được sử dụng nhiều nhất vẫn là Clous de Paris với hình nhiều kim tự tháp nối liền nhau.

Bộ kim mắt ngỗng được nung xanh cũng là một trong những thiết kế đặc trưng được sáng tạo bởi Abragam Louis Breguet, và tất nhiên thiết kế này cũng xuất hiện trên chiếc Breguet Tourbillon Extra-Plat 5377. Nung xanh là một kỹ thuật không đòi hỏi nhiều máy móc hay công cụ phức tạp, nhưng lại là một trong những công đoạn phức tạp nhất trong hoàn thiện đồng hồ. Nếu người thợ để quá thời gian, lớp oxi hóa trên bề mặt sẽ không cho ra đúng màu xanh thẫm bắt mắt như vậy, mà có thể ra một màu khác không đồng bộ. Và quá thời gian đó thực ra chỉ là một khoảnh khắc từ 1-2 giây mà thôi.

Chi tiết nổi bật nhất trên mặt số tất nhiên phải là lồng Tourbillon có kích thước ngoại cỡ, được đặt ở góc 5 giờ. Và Tourbillon cũng là một sáng chế của Abraham Louis Breguet (như tôi đã nói, Breguet là một người có đóng góp rất nhiều trong sự phát triển của ngành đồng hồ).

Cổ điển - đó là một từ hoàn toàn chính xác khi nói về vẻ bề ngoài của chiếc đồng hồ, nhưng ẩn bên sau đó lại là những đột phá khó tin. Máy Tourbillon thì thường dày hơn máy thông thường, do kích thước của lồng Tourbillon làm tăng thêm độ dày cho bộ máy. Kỷ lục về bộ máy Tourbillon mỏng nhất là chiếc Bulgari Octo Finissimo Tourbillon với bộ máy dày 1.95mm và toàn bộ chiếc đồng hồ dày 5mm. Tuy nhiên, Bulgari sử dụng máy lên cót tay còn Breguet sử dụng máy tự động, và độ dày của bộ máy cũng chỉ tăng thêm 1mm mà thôi. Vậy Breguet làm điều đó như thế nào?

Giải pháp khá là đơn giản (trên giấy tờ), thay vì sử dụng Rotor lớn ở trung tâm, Breguet sử dụng rotor ngoại biên được lắp ở viền bộ máy. Do đó, bề dày của bộ máy tự động sẽ không thay đổi nhiều so với máy cót tay. Một điểm hay khác của rotor ngoại biên đó là cơ chế này sẽ không che bộ máy, và người dùng có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những cầu nối được chạm khắc tinh xảo qua mặt kính Sapphire phía sau chiếc đồng hồ. Tất nhiên, tất cả từng chi tiết đều được hoàn thiện thủ công hoàn toàn.

Một điểm đáng chú ý khác chính là cơ chế Tourbillon. Breguet là người phát minh ra cơ chế này, và họ cũng cải tiến thêm nhiều cho Tourbillon bên trong chiếc Breguet Tourbillon Extra-Plat 5377. Lồng Tourbillon nay được làm từ Titanium (thương hiệu Breguet cũng nhận được bằng sáng chế cho phát minh này), dây tóc được làm từ Silicon và những linh kiện khác thì được làm từ "thép chống nhiễm từ". Suy cho cùng, khả năng chống từ là một yêu cầu thiết yếu với đồng hồ trong thời điểm hiện tại, khi máy móc điện tử xuất hiện ở tất cả mọi nơi.

Bộ máy này cũng hoạt động khá nhanh với tần số 4Hz, một con số bình thường, nhưng không bình thường với một bộ máy Tourbillon (trung bình có tần số từ 2.5Hz - 3Hz). Trong thế giới đồng hồ cơ học, tần số dao động càng nhanh thì độ chính xác sẽ càng cao (trên lý thuyết). Kết hợp với khả năng tăng độ chính xác của Tourbillon (cũng trên lý thuyết), thì chiếc đồng hồ này sẽ có độ chính xác gần như tuyệt đối (tất nhiên nếu được căn chỉnh cẩn thận). Tuy nhiên, tần số cao cũng có một nhược điểm: việc tiêu thụ năng lượng lớn hơn, và vì thế Breguet cũng trang bị cho chiếc đồng hồ thời lượng cót lên tới 80 giờ, một con số ấn tượng so với đồng hồ tự động và cả độ dày của bộ máy.

Review
Đồng hồ Breguet
Zalo