Review đồng hồ CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR

Review đồng hồ CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR

30/10/2019
Review

CVSTOS là một thương hiệu đồng hồ không mấy được biết đến nhiều tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 2005, tức là còn mới mẻ, và hãng cũng không tập trung vào quảng cáo đại trà nên ít người biết tới cái tên CVSTOS cũng là điều chúng ta có thể hiểu được. Sassoun Sirmakes và Antionio Terranova là hai người đồng thành lập nên CVSTOS. Nếu Sassoun Sirmakes là con trai của Vartan Sirmakes (người cùng sở hữu tập đoàn đồng hồ Franck Muller Watchland Group) thì Antonio Terranova lại là nhà thiết kế đồng hồ tài năng sinh ra tại La Chaux-de-Fonds. Antonio Terranova mang trong mình kinh nghiệm về chế tác khi từng hợp tác với các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Cartier, Piaget, TAG Heuer, Breitling và cả Zenith.

Cái tên CVSTOS bắt đầu hành trình dài của mình kể từ năm 2005, khi cả hai người đàn ông thuộc hai thế hệ là Sassoun Sirmakes và Antionio Terranova cùng chung nhận định rằng rồi tương lai những chiếc đồng hồ có kiểu dáng khác lạ sẽ thực sự chiếm lĩnh thị trường đồng hồ. Thời đại của sự sáng tạo, sự phá cách đang đến gần. Terranova nghĩ đơn giản là: “Mọi người không hề muốn đeo đồng hồ cha của mình”. Và rồi, cả ba bộ sưu tập của hãng là Challenge, Evosquare, và Jet-liner đều gồm những chiếc đồng hồ có dáng tonneau khỏe khoắn. Mẫu đồng hồ CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR thuộc thế hệ đồng hồ gần như đầu tiên mà hãng giới thiệu tới công chúng, và do đó để kiếm một chiếc như mới ở thời điểm hiện tại gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Mẫu đồng hồ CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR sở hữu bộ vỏ tonneau trong chất liệu vàng hồng. Đúng là tonneau, dáng vỏ đã đem lại sự nổi danh hàng đầu cho nhà sản xuất Richard Mille. Và có lẽ bởi việc tung ra đồng hồ dáng tonneau mà trên rất nhiều diễn đàn đồng hồ mọi người đều quy kết rằng thương hiệu CVSTOS đã lấy cảm hứng từ đồng hồ Richard Mille để tạo ra đồng hồ cho mình. Thậm chí rằng, CVSTOS đã “mượn dùng” luôn dáng vỏ từ thương hiệu đi trước Richard Mille. Liệu điều này có đúng không?

Công bằng mà nói, dáng vỏ tonneau đã xuất hiện dưới thời của người nghệ nhân chế tác đầy tài năng Louis Cartier, và bắt đầu được ứng dụng trên nhiều thiết kế của các thương hiệu khác như Vacheron Constantin, Patek Philippe,... và được biết đến nhiều hơn cả trong thế kỷ trước là đồng hồ tonneau của Franck Muller. Vài thập kỷ sau, Richard Mille mới tung ra chiếc đồng hồ tonneau đầu tiên của hãng là RM - 01 Tourbillon vào năm 2001. Tuy nhiên, thay vì phác họa nét cổ điển của dáng vỏ tonneau truyền thống Franck Muller hay nhiều thương hiệu khác, dáng thùng phuy của vỏ đồng hồ Richard Mille hay trên chiếc CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR lại được đánh giá là khá thể thao và hiện đại. 

Vỏ vàng hồng của CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR lớn hơn, và có kích cỡ đo được là 53mm x 41mm. 53mm là chiều dài đo được từ đầu càng nối dây trên đến càng nối dưới, và 41mm là khoảng cách từ góc 9 giờ tới 3 giờ của vỏ đồng hồ. Và với kích thước như vậy, CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR là chiếc đồng hồ không dành cho những ai có cổ tay quá bé, cảm giác cả chiếc đồng hồ sẽ có thể nuốt mất cả cổ tay. Cùng với bộ vỏ đậm dáng, núm vặn cỡ lớn với lớp đệm màu đen bên ngoài, lớp kính sapphire dạng vòm, CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR có thể kháng nước ở mức 100m.

Mặc dù kính sapphire dạng vòm của chiếc CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR có một ưu điểm đó là tăng khả năng quan sát những chi tiết bên trong mặt số đồng hồ hơn, nhưng với kinh nghiệm của riêng mình, phàm những chiếc đồng hồ có mặt kính sapphire lồi rất dễ bị trầy, xước và khá là nhạy cảm với những va chạm mạnh, cụ thể hơn là dễ vỡ. Mặt khác, những chiếc đồ có mặt kính lồi lên thì việc ghi lại những hình ảnh bên trong mặt số cũng khó khăn hơn. Gia Bảo Luxury đã từng mất 3 giờ đồng hồ chỉ để chụp được một góc nhỏ có thể phô bày mặt số chải tia màu nâu khói bên trong chiếc H. Moser & Cie Venturer do mặt kính quá lồi và bóng. Dù vậy, tôi vẫn phải công nhận mặt kính sapphire của chiếc CVSTOS hiện tại khá trong, nên nhìn vào bên trong mặt số rất thích mắt.

Các chi tiết bên trong mặt số hiện lên rõ ràng và rành mạch. Mặt số được chia thành các tầng nên sẽ có chiều sâu hơn. Các cọc số chỉ giờ đã được nhà sản xuất rút gọn, để lại cọc số 1 , 5, 7 và 11 tại bốn góc của mặt số. Có thể truyền đạt hai múi giờ cùng lúc như trên chính tên của chiếc đồng hồ này, nhà sản xuất đã bố trí thêm một một mặt số phụ trên mặt số chính lớn nhất. Mặt số phụ báo múi giờ thứ hai được đặt bên được ổ trục kim trung tâm. Mặt số phụ này cũng được lược bỏ các chỉ số, để lại cọc 3, 6, 9, 12 giờ cùng hai kim giờ và phút nhỏ có phủ chất phát quang mà thôi.

Mặt số đồng hồ đã được thể hiện theo dạng skeleton để trông cuốn hút hơn. Nhà sản xuất đã bố trí một ô cửa sổ báo ngày với hai chỉ số tách riêng biệt trên mặt số của CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR. Những tín đồ của đồng hồ cơ liệu có thể cưỡng lại những chuyển động của các chi tiết máy?

Đặc biệt hơn, CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR còn sở hữu một nắp đáy mở, một nắp đáy bằng sapphire cho phép người đeo có thể quan sát được bộ máy đang vận hành, cung cấp năng lượng cho cả chiếc đồng hồ. Giá retail khi mới xuất xưởng của CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR là 26.700 USD, nhưng thực sự con số đó là hơi cao với chiếc đồng hồ. Nhưng hiện tại, CVSTOS Challenge Twin-Time CTT RGR đã qua sử dụng thì mức giá mềm hơn và theo tôi đánh giá là hợp lý hơn so với mức giá mà hãng đề ra.

Review
Zalo