Review đồng hồ Daniel Roth Ellipsocurvex Chronomax Skeleton
Tất cả những thương hiệu đồng hồ đều muốn có một thiết kế độc nhất, khiến người dùng có thể nhận ra ngay lập tức sản phẩm của mình. Tuy nhiên, muốn là một chuyện, thực hiện điều đó lại là một chuyện khác. Số lượng thương hiệu thực hiện được điều đó không có nhiều, và Daniel Roth là một trong số đó.
Thiết kế làm nên tên tuổi của Daniel Roth chắc chắn sẽ là thiết kế vỏ đặc biệt mang tên Ellipsocurvex. Nếu nói một cách dễ hiểu, thiết kế này có hai cạnh thẳng và hai đầu tròn giống hình một viên thuốc con nhộng vậy. Nhưng tất nhiên, Ellipsocurvex thì không chỉ đơn giản như thế.
Với chiều dài 41mm, rộng 38mm, bộ vỏ Ellipsocurvex của chiếc Daniel Roth Academic Ellipsocurvex Chronomax được làm từ vàng hồng và đánh bóng toàn bộ. Một chi tiết đặc trưng khác của bộ vỏ Ellipsocurvex chính là đường viền được thiết kế nổi lên ở cạnh vỏ. Thiết kế này làm nhiều người tưởng rằng bộ vỏ đồng hồ được lắp lại từ hai mảnh, nhưng thực chất thì bộ vỏ này được làm từ vàng nguyên khối.
Có một điểm đặc biệt trên bộ vỏ mà chúng ta cũng cần phải chú ý: trên mặt đáy chiếc đồng hồ không hề có một chiếc đinh ốc nào. Vậy làm thế nào Daniel Roth có thể cố định được mặt đáy? Hiểu một cách đơn giản, mặt đáy của chiếc đồng hồ này được thiết kế như một cái nắp, đơn thuần đậy lại để bảo vệ bộ máy bên trong.
Với thiết kế như vậy, khả năng chống nước của chiếc Daniel Roth Academic Ellipsocurvex Chronomax tất nhiên cũng không được cao. Chiếc đồng hồ này chỉ có khả năng chống nước ở độ sâu 30m, vừa đủ với một chiếc Dress Watch. Rolex cũng không sử dụng ốc vít, nhưng tất nhiên thiết kế đáy vặn của vỏ Oyster chắc chắn sẽ chống nước tốt hơn nắp đậy của Ellipsocurvex.
Cái tên Daniel Roth Academic Ellipsocurvex Chronomax phần nào cũng đã nói được chức năng của chiếc đồng hồ này. Chronomax để chỉ tính năng Chronograph, và tất nhiên một chiếc đồng hồ Chronograph sẽ không thể thiếu được hai núm bấm ở góc 2 giờ và 4 giờ. Hệ thống nút bấm và núm vặn chỉnh giờ của chiếc đồng hồ được thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, núm chỉnh giờ cũng được khắc rãnh khía giúp người dùng có thể thao tác dễ dàng hơn.
Mặt số được thiết kế dạng Skeleton, giúp người dùng có thể quan sát bộ máy Caliber 101 đang hoạt động qua những đường cắt trên mặt số. Mặt số bạc của Daniel Roth Academic Ellipsocurvex Chronomax chỉ được giữ lại những chi tiết cần thiết nhất, và loại bỏ tất cả những chi tiết dư thừa.
Ở viền ngoài mặt số, Daniel Roth sử dụng bộ số La Mã cổ điển, hoàn thiện với tên thương hiệu được đặt ở góc 12 giờ. Ở góc 3 giờ và 9 giờ, chúng ta có hai mặt số phụ (hay đúng hơn nên được gọi là hai vòng số): ở góc 3 giờ là kim phút Chronograph, còn góc 9 giờ là kim giây. Với chỉ một mặt số phụ Chronograph duy nhất, chiếc đồng hồ này chỉ có khả năng bấm giờ trong vòng 30 phút.
Ở góc 6 giờ, chúng ta có một cửa sổ nhỏ chỉ ngày. Một điểm đặc biệt của cửa sổ này chính là ô tròn được khoét trực tiếp trên khung máy, và điều đó có nghĩa là đĩa ngày được đặt ở phía ngược lại so với thông thường. Thông thường, đĩa ngày sẽ được đặt ở trước khung máy chứ không phải sau khung máy như trong trường hợp này.
Mặt số được thiết kế tối giản hóa, tuy nhiên vẫn được hoàn thiện khá công phu. Phần viền ngoài mặt số được hoàn thiện xước mờ với những đường xước dọc, hai mặt số phụ thì lại được hoàn thiện bởi những đường xước tròn. Viền mặt số phụ còn được điểm xuyết thêm bằng những họa tiết Guilloche với kích thước rất nhỏ.
Điểm duy nhất trên mặt số khiến tôi không thực sự vừa lòng chính là bộ kim giờ và phút. Mặc dù được xử lý nung xanh khá bắt mắt, nhưng bộ kim này được thiết kế quá mảnh mai và như bị lạc giữa mặt số có quá nhiều chi tiết máy. Nếu như Daniel Roth thiết kế bộ kim này lớn hơn một chút thì có lẽ chiếc đồng hồ sẽ trở nên hoàn hảo hơn nhiều.
Bộ máy Caliber 101 cũng được hiển thị rõ ràng trên mặt số qua những đường cắt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thấy được cơ chế Chronograph mà thôi, bộ giao động và bộ thoát lại được đặt ở phía sau khung máy.
Ở dưới góc 12 giờ, chúng ta có thể thấy được cơ chế bánh xe cột Column Wheel. Mỗi khi bấm nút Chronograph, chúng ta có thể thấy bánh răng kim giây góc 9 giờ được kết nối với bánh răng kim giây Chronograph trung tâm qua khớp di chuyển ngang.
Về thông số hoạt động, bộ máy Caliber 101 không quá ấn tượng. Bộ máy này có khả năng hoạt động liên tục trong 40 giờ với tần số 28,800 vph, sở hữu 38 chân kính và được hoàn thiện rất công phu. Những bánh răng quan trọng được mạ vàng, chân kính trên khớp nối Chronograph được bảo vệ bởi Chaton vàng chống sốc, phần khung máy lại được hoàn thiện với những vân xoáy tròn mang dáng vẻ truyền thống.
Mẫu đồng hồ Daniel Roth Academic Ellipsocurvex Chronomax sở hữu cả hai phong cách, vừa mạnh mẽ với mặt số Skeleton vừa cổ điển với bộ vỏ Ellipsocurvex quen thuộc. Nếu bạn đang muốn tìm một chiếc đồng hồ thanh lịch nhưng không quá đại trà, chắc chắn đây là một lựa chọn đúng đắn. Chiếc đồng hồ này có mức giá chính hãng 32,700 USD, nhưng đến với Gia Bảo Luxury tất nhiên bạn sẽ có mức giá chiết khấu ấn tượng nhất, tham khảo tại đây: