Rolex Submariner 116610LN và Omega Seamaster Diver 300m: Cuộc so tài nảy lửa

12/08/2020
Kiến thức
Đồng hồ Omega
Đồng hồ Rolex

Rolex Submariner 116610LN và Omega Seamaster Diver 300m: Cuộc so tài nảy lửa

Trong những thiết kế đồng hồ lặn, có hai cái tên nổi tiếng nhất, được nhiều người biết tới nhất: Rolex Submariner và Omega Seamaster. Về độ nổi tiếng, có lẽ hai cái tên này ngang hàng nhau. Nhưng nếu đi sâu thêm nữa, liệu thiết kế nào nổi bật hơn? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ so sánh hai mẫu Rolex Submariner 116610LNOmega Seamaster Diver 300m.

Lịch sử đồng hồ lặn - những thiết kế đầu tiên

Thiết kế đồng hồ lặn đầu tiên có lẽ được sáng tạo bởi Blancpain, với mẫu đồng hồ Fifty Fathoms. Câu chuyện đằng sau cái tên này như sau: Hải Quân Pháp có yêu cầu một mẫu đồng hồ lặn chuyên dụng để những người lính có thể sử dụng, và yêu cầu chống nước ở độ sâu ít nhất 50 Fathoms (tương đương 91m). Và với yêu cầu đó, mẫu đồng hồ Fifty Fathoms được giới thiệu vào năm 1953.

Blancpain là cái tên đi đầu, trước Rolex một năm. Tuy nhiên, về cơ bản thì hai thiết kế cũng có nhiều điểm tương đồng: mặt số đen, cọc số phản quang, khả năng chống nước tốt, vành bezel xoay và núm chỉnh giờ vặn xoắn vào thân vỏ. Trên thực tế, Rolex cũng cho biết rằng họ bắt đầu sản xuất Submariner vào năm 1953, nhưng phải tới Baselworld 1954 thì mẫu đồng hồ này mới được giới thiệu tới công chúng.

Một vài thập kỷ trước, Rolex đã nổi tiếng với việc chế tác những chiếc đồng hồ đeo tay chống nước, đi kèm bộ vỏ Oyster. Vào năm 1932, Omega cũng giới thiệu chiếc đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên của mình mang tên Marine, với bộ vỏ hình chữ nhật để bảo vệ chiếc đồng hồ bên trong. Một vài năm sau, Panerai cũng cho ra mắt dòng Radiomir để phục vụ Hải Quân Ý.

Tuy nhiên, những mẫu đồng hồ ở trên khác biệt hoàn toàn so với thiết kế đồng hồ lặn hiện đại ngày nay. Như đã nói, chính Blancpain và Rolex là hai thương hiệu giúp định hình thiết kế đó, và họ cũng giúp hoàn thiện chuẩn ISO 6425 dành cho đồng hồ lặn. Một số yêu cầu của chuẩn ISO 6425 như sau:

  • Phải có một thiết bị giúp tính giờ lặn (ví dụ như vành bezel xoay), với khả năng đếm giờ ít nhất 60 phút.
  • Những mốc giờ được thiết kế dễ nhìn trên mặt số đồng hồ
  • Có khả năng quan sát giờ ở khoảng cách tối thiểu 25cm trong bóng tối
  • Một chỉ báo cho biết đồng hồ vẫn đang hoạt động (kim giây phủ chất phản quang)
  • Khả năng chống từ
  • Khả năng chống sốc
  • Khả năng chống chất hóa học
  • Dây đeo kim loại

Có một điều đáng kinh ngạc, đó là Rolex Submariner gần như không thay đổi suốt nhiều thập kỷ. Tất nhiên, bộ sưu tập này có nhiều cải tiến đáng chú ý cả về chất liệu lẫn bộ máy, nhưng thiết kế tổng thể vẫn được giữ nguyên. Những đặc điểm của Ref. 6204 (chiếc Submariner đầu tiên) vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy ở chiếc Submariner hiện đại nhất hiện nay - Ref. 116610LN.

Đồng Hồ Rolex Submariner Date 116610LN

  • Tìm hiểu thêm: Điều gì làm nên một chiếc đồng hồ lặn? So sánh Rolex Submariner và Sea-Dweller Deepsea

Khác với Submariner, Seamaster có khá nhiều biến thế so với thiết kế nguyên mẫu. Kể cả tới ngày nay, Seamaster cũng có rất nhiều thiết kế khác nhau ra đời vào cùng một thời điểm. Cụ thể trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới mẫu Submariner Date 116610LN và mẫu Seamaster Diver 300m 210.30.42.20.03.001.

Đồng Hồ Omega Seamaster 42mm Diver 300M Master Chronometer 210.32.42.20.03.001

Trước hết, chúng ta sẽ theo dõi sự phát triển của hai dòng đồng hồ

Bộ sưu tập Submariner được giới thiệu vào năm 1954 và ngày nay có hai phiên bản chính: có lịch ngày và không có lịch ngày. Chúng ta cũng có một số phiên bản với chất liệu khác, nhưng về cơ bản thì Submariner vẫn là một chiếc đồng hồ lặn - không có tính năng nào được thêm vào. Vì thế, Submariner cũng là mẫu đồng hồ dễ nhận diện nhất trên Thế Giới.

Theo thời gian, bộ máy bên trong của Submariner cũng được cải tiến nhiều. Khả năng chống nước cũng được tăng từ 200m lên 300m, kính Plexiglas được thay bằng Sapphire, chất phản quang được nâng cấp cùng với vành bezel và cả bộ vỏ. Tóm lại, đây là những cải tiến về mặt kỹ thuật, còn thiết kế về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Mẫu Rolex Submariner Ref. 6200 và Ref. 6205

Vào năm 1971, Rolex giới thiệu thêm một mẫu đồng hồ lặn dựa trên thiết kế của Submariner, nhưng có khả năng chống nước cao hơn, đi kèm với van thoát khí Heli. Chúng ta cũng có thể coi đây là một phiên bản Submariner khác, nhưng với tên gọi Sea-Dweller.

Seamaster thì có phát triển theo nhiều nhánh hơn. Lần đầu ra mắt vào năm 1948, nó không có khả năng chống nước cao, không có vành bezel xoay, và không có cả thiết kế núm chỉnh giờ vặn xoắn chống nước.

Một trong những bộ sưu tập có nguồn gốc từ mẫu Seamaster 1948 chính là Seamaster Diver 300m. Khi được giới thiệu lần đầu vào năm 1995, bộ sưu tập này mang cái tên Seamaster Professional.

Omega Seamaster Diver 300M và phiên bản Seamaster Professional đầu tiên

Một số bộ sưu tập khác cũng bắt nguồn từ Seamaster 1948 là Aqua Terra, Planet Ocean 600m, Seamaster 300 và kể cả DeVille. Giống với Rolex, Omega cũng giới thiệu một thiết kế đồng hồ lặn chuyên dụng mang tên Ploprof 1200m có khả năng chống nước rất cao.

OMEGA Seamaster Diver 300M vs ROLEX Submariner Date

Bây giờ, chúng ta hãy cùng quan sát bộ vỏ, dây đeo, mặt số, kim và thông số bộ máy của hai mẫu đồng hồ. Như đã nói ở trên, chúng ta sẽ dùng hai mẫu Rolex Submariner 116610LN và Omega Seamaster Diver 300M 210.30.42.20.03.001.

Trước hết, chúng ta hãy tập trung vào vỏ đồng hồ và dây đeo. Và thứ đầu tiên cần quan tâm chính là thông số.

Kích thước/Tỷ lệ - Tất nhiên hai bộ sưu tập có sự khác biệt, nhưng những sự khác biệt này không quá lớn. Submariner có đường kính 40mm, trong khi đó Seamaster lớn hơn 2mm. Về độ dày, Submariner mỏng hơn một chút với 13mm, còn Seamaster dày hơn 1mm. 1mm độ dày đến từ mặt kính Sapphire ở phía sau - điểm mà Submariner không có.

Với tôi, những điểm khác biệt này không quá đáng kể. Cả hai thiết kế đều vừa vặn, không quá lớn và cũng không quá nhỏ. 2mm khác biệt ở đường kính cũng khá khó nhận ra, do thiết kế của Omega Seamaster được làm thoải dần khi đi ra viền ngoài.

Mặt số Maxi và càng nối dây lớn - Đây là những chi tiết cải tiến của Rolex với phiên bản Submariner mới nhất: càng nối dây được làm dày hơn, phần bảo vệ núm chỉnh giờ có chút thay đổi và cọc số cùng bộ kim lớn hơn (chi tiết này còn được gọi là mặt số Maxi). Cá nhân tôi không thích mặt số Maxi và càng nối dây lớn, vì chúng làm cho chiếc Submariner trông cục mịch hơn một chút.

đồng hồ rolex submariner date 116610LN

Điểm tương đồng - Cả hai chiếc đồng hồ đều có khả năng chống nước 300m. Với Omega, chúng ta có thêm thông tin rằng họ còn làm dư ra 10% với thông số chống nước. Tựu chung lại, cả hai mẫu đồng hồ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống nước của mình.

Cả hai mẫu đồng hồ đều có núm chỉnh giờ vặn, vành bezel xoay một chiều. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở mặt đáy. Không biết những người khác thì sao, nhưng riêng tôi luôn muốn quan sát chuyển động của bộ máy. Với điểm này, Omega ăn điểm hơn Rolex với mặt đáy kính Sapphire, lộ ra bộ máy với bộ thoát Co-Axial cùng những chi tiết được hoàn thiện tỉ mỉ.

đồng hồ rolex submariner date 116610LN

Dây đeo - Cả hai thiết kế đều dùng dây thép, khóa cài với chốt bảo vệ và khả năng thay đổi nhanh chiều dài. Tất nhiên, mỗi thương hiệu đều có thiết kế riêng và cơ chế hoạt động riêng của bộ khóa. Nhưng nếu xét chi tiết hơn, bộ dây của Omega dễ thao tác hơn với việc nhấn nút và trượt phần khóa dây để điều chỉnh. Với Rolex, bạn phải thực hiện nhiều thao tác hơn, nhưng Rolex lại có độ chắc chắn cao hơn.

đồng hồ rolex submariner date 116610LN

Van thoát khí Heli - Mẫu Seamaster được trang bị thêm van thoát khí Heli, trong khi đó Submariner không có. Vậy van thoát khí có cần thiết với những chiếc đồng hồ lặn như vậy? Câu trả lời là không. Đặc biệt là 99% những người đeo Seamaster hay Submariner không bao giờ lặn xuống độ sâu mà đồng hồ lặn được thiết kế để hoạt động (trên 100m). 

Về mặt hình thức, van thoát khí Heli làm cho thiết kế của chiếc Seamaster được cân bằng hơn. Nhưng ngược lại, chiếc Submariner thì đã có độ cân bằng cần thiết, và việc thêm một núm vặn có khi làm hỏng cả thiết kế. Về mặt tính năng, cơ chế này không thật sự quan trọng.

Mặt kính Sapphire - Mặt kính của chiếc Omega Seamaster được làm hơi lồi một chút, và được quét chống lóa ở cả hai mặt. Ngược lại, mặt kính của Submariner được làm phẳng, không quét chống lóa và có thêm mắt kính Cyclops để phóng đại lịch ngày. Việc sử dụng lớp chống lóa sẽ tốt hơn cho độ hiển thị của mặt số, nhưng với mặt kính phẳng thì điều này cũng không thật sự cần thiết. Còn về mắt kính Cyclops, mỗi người sẽ có một nhận xét riêng, nhưng đây vẫn là đặc điểm nhận dạng của Rolex.

Tổng kết - Điểm nổi bật nhất trong phần so sánh này chính là mặt đáy trong suốt của chiếc Seamaster. Còn về những điểm khác, cả hai mẫu đồng hồ đều làm rất tốt cả về hình thức lẫn tính năng.

Mặt số và bộ kim – Seamaster vs Submariner

Tiếp đến, chúng ta hãy nói về mặt số và bộ kim

Mẫu Submariner 116610LN sở hữu mặt đen - và đây cũng là phiên bản phổ thông nhất của dòng Submariner. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một số biến thể như Sub Hulk với mặt số xanh lá, phiên bản sử dụng kim loại quý với mặt số xanh hoặc đen.

Mẫu Seamaster chúng ta lựa chọn ở đây có mặt số và vành bezel xanh lam - là phiên bản nổi tiếng được sử dụng trong bộ phim James Bond của Pierce Brosnan. Tất nhiên, theo thời gian, chúng ta có một James Bond khác - Daniel Craig với những mẫu Omega Seamaster khác biệt hơn.

Đồng Hồ Omega Seamaster 42mm Diver 300M Master Chronometer 210.32.42.20.03.001

Màu xanh hay đen sẽ thiên về sở thích của mỗi người, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng mặt số của Omega được làm từ Ceramic - và điều này cũng làm cho trải nghiệm đeo đồng hồ đặc biệt hơn. Với những đường vân sóng, mặt số của chiếc Omega thật sự bắt mắt và nổi bật hơn một mặt số trơn thông thường.

Mặt số đen của chiếc Submariner nhìn ổn, nhưng lại không thật sự nổi bật. Mặt khác, chúng ta có logo vương miện, thiết kế mặt số biểu tượng - điều này cũng sẽ đóng góp vảo trải nghiệm người dùng. Không chỉ thế, tuy đơn giản, nhưng tất cả các chi tiết trên mặt số đều được chăm chút và có vẻ ngoài hoàn hảo.

đồng hồ rolex submariner date 116610LN

Cọc số của Submariner sử dụng vàng trắng, trong khi đó Seamaster thì được mạ Rhodium. Chất phản quang của mỗi thương hiệu cũng có sự khác biệt: Rolex dùng Chromalight, trong khi đó Omega dùng Super-LumiNova. Tuy nhiên, về tính năng và ngoại hình thì cả hai đều hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tổng kết - Với cá nhân tôi, ở phần này hai mẫu đồng hồ ngang tài với nhau

Bộ máy – Omega Caliber 8800 vs Rolex Caliber 3135

Chúng ta hãy cùng nói tới trái tim của chiếc đồng hồ - bộ máy điều khiển hoạt động của hai cỗ máy thời gian. Cả hai thương hiệu Rolex và Omega đều rất nổi tiếng về độ chính xác và khả năng đếm giờ. Cả hai đều bỏ rất nhiều tiền của, thời gian và công sức cho việc cải tiến bộ máy của mình - và kết quả cũng hoàn toàn xứng đáng với công sức của họ. Trên thực tế, cả hai đều nằm trong top đầu về độ chính xác, và số lượng máy sản xuất cũng tương đồng với nhau. Vì vậy, chúng ta sẽ nói về thông số trước.

Bộ thoát Co-Axial - Nhắc tới Omega, chúng ta phải nói tới cơ chế đặc biệt này. Những gì Omega đạt được với bộ thoát Co-Axial thực sự khó có thương hiệu nào khác sánh được. Sau hơn hai thế kỷ sử dụng bộ thoát đòn bẩy truyền thống, Omega đã giới thiệu một cơ chế bộ thoát mới ổn định hơn, và quan trọng nhất là không cần dùng chất bôi trơn. Đây là đứa con tinh thần của một vĩ nhân trong làng đồng hồ - George Daniels.

Thông số kỹ thuật - Cả hai bộ máy Caliber 8800 và Caliber 3135 đều được phát triển và sản xuất In-house bởi Omega và Rolex. Cả hai đều có khả năng lên dây tự động, đều có lịch ngày, đều lên cót theo hai hướng, đều có tính năng dừng kim giây khi rút núm chỉnh giờ, cùng đạt chuẩn Chronometer của COSC. Nói chung, về thông số kỹ thuật thì cả hai bộ máy rất cân bằng.

Một điểm khác biệt nằm ở thời lượng cót: 55 giờ của Omega so với 48 giờ của Rolex. Mặc dù khác biệt không quá lớn, nhưng 7 tiếng cũng sẽ giúp chủ nhân chiếc Omega thoải mái hơn trong việc để chiếc đồng hồ trong tủ và đeo một chiếc đồng hồ khác.

Si14 và Parachrom - Omega sử dụng vật liệu Silicon Si15 với bánh xe cân bằng và dây tóc. Trong khi đó, Rolex sử dụng hợp kim Parachrom - không phải silicon. Đây là lựa chọn riêng của từng thương hiệu, nhưng Parachrom là một hợp kim, và có thể sửa chữa hay căn chỉnh dễ dàng hơn. Với Silicon, điều này là không thể vì vật liệu này rất giòn, và chỉ có thể thay mới.

Chuẩn Master Chronometer - Bên cạnh bánh xe cân bằng và dây tóc Si14, Omega còn đầu tư vào việc phát triển hợp kim cho nhiều bộ phận khác của bộ máy. Ở điểm này, Omega vượt trội hơn so với Rolex, khi họ đảm bảo rằng những chiếc đồng hồ đạt chuẩn Master Chronometer có khả năng chống từ hơn 15,000 Gauss. 

Rolex không nói rõ về thông số này, nhưng theo thông tin không chính thức thì những vật liệu của họ có khả năng chống từ 1,000 Gauss. Với việc nam châm xuất hiện ở rất nhiều nơi: từ túi xách cho tới điện thoại di động, khả năng chống từ thật sự hữu ích và cần thiết.

Độ chính xác - Những bộ máy của Omega có sai số vào khoảng 0/+5 giây mỗi ngày, trong khi đó, Rolex có sai số -2/+2 giây một ngày. Về cơ bản, cả hai bộ máy đều rất chính xác và còn được bảo hành lên tới 5 năm.

Tổng kết - Khá khó để phân định, nhưng với tôi thì với khả năng chống từ, 7 tiếng thời lượng cót và cơ chế bộ thoát đặc biệt, Omega Seamaster là người ghi điểm nhiều hơn.

đồng hồ rolex submariner date 116610LN

Tổng kết

Cuối cùng, chúng ta sẽ nói tới một số quan điểm khác không quá liên quan tới kỹ thuật.

Tính biểu tượng - Không cần bàn cãi nhiều, Rolex Submariner là mẫu đồng hồ có tính biểu tượng cao hơn. Đây quả thật là một thành công lớn của Rolex, và đã trở thành mẫu đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới.

Với Omega Seamaster, điều này không được như vậy, mặc dù Omega cũng là một thương hiệu có độ nhận dạng cao, đặc biệt khi kết hợp với những bộ phim James Bond. Tuy nhiên, tính biểu tượng có phát triển được hay không vẫn còn phụ thuộc vào chiếc lược của Omega trong những thập kỷ tới.

Mức giá - Việc mua một chiếc Submariner tại cửa hàng của Rolex với mức giá niêm yết là chuyện bất khả thi trong thời điểm này. Có thể là do nhu cầu quá lớn, cũng có thể do chính sách kiểm soát của Rolex, nhưng thực tế là bạn sẽ phải trả thêm một mức giá Premium để có thể sở hữu một chiếc Submariner 116610LN.

Việc mua một chiếc Omega Seamaster tại cửa hàng Omega không quá khó khăn. Khi mua, bạn sẽ nhận được chứng nhận METAS và có thể kiểm tra thông tin chiếc đồng hồ trên Website của Omega.

Và về mức giá, chiếc Rolex Submariner có giá niêm yết 7,800 EUR, trong khi đó Omega Seamaster Diver 300m có mức giá niêm yết 4,900 EUR. Và mức giá đó là trong trường hợp bạn mua được chiếc Submariner với mức giá bán lẻ, còn nếu mua với mức phí Premium, có lẽ phải cộng thêm khá nhiều tùy vào thị trường.

Đồng Hồ Omega Seamaster 42mm Diver 300M Master Chronometer 210.32.42.20.03.001

đồng hồ rolex submariner date 116610LN

Kiến thức
Đồng hồ Omega
Đồng hồ Rolex
Zalo