Chất liệu tạo nên đồng hồ Rolex
Chất liệu làm nên một chiếc đồng hồ Rolex từ lâu đã trở thành một chủ đề thú vị dành cho những người đam mê đồng hồ bàn luận tới. Những chất liệu kim loại mà Rolex lựa chọn sử dụng, nhìn bề ngoài thì không có gì mới mẻ, chỉ đến khi người ta quan sát và nghiên cứu một cách tỉ mỉ, mới nhận ra những “giá trị tinh hoa” ẩn giấu bên trong, điều mà thật khó có thương hiệu nào làm được. Trong bài viết của Gia Bảo Luxury hôm nay, chúng tôi mong muốn đưa đến cho bạn cái nhìn chân thực nhất về những điều đã làm nên “giá trị tinh hoa” của các hợp chất đã làm nên chiếc đồng hồ Rolex nổi tiếng ngày nay.
1. Thép 904L
Nhắc đến Rolex, người ta nhắc đến chất liệu độc quyền đã góp phần làm nên sự nổi tiếng cho thương hiệu này - Thép 904L. Được sáng chế vào năm 1985, thép 904L trở thành một điểm sáng trong công nghệ chế tác đồng hồ Rolex. Một chất liệu với hình thức đẹp, có khả năng bảo vệ chiếc đồng hồ tối đa, ngay cả trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất là những ưu điểm vượt trội mà thép 904L mang lại.
Đối với những người đeo đồng hồ thường xuyên, việc chiếc đồng hồ phải tiếp xúc với nước, độ ẩm trong không khí cùng mồ hôi cơ thể là điều không thể tránh khỏi. Thép 904L của Rolex không chỉ khiến chiếc đồng hồ tránh được những hỏng hóc thông thường, tạo độ bền vượt trội hơn mà còn rất dễ làm sạch. Chỉ cần một chút nước ấm và xà bông, chiếc đồng hồ của bạn đã có thể bóng bẩy trở lại như lúc ban đầu.
2. Vàng
Rolex sở hữu 3 loại vàng 18ct sử dụng trong việc hoàn thiện bộ vỏ cùng các chi tiết khác của đồng hồ: vàng vàng, vàng trắng và vàng hồng Everose. Hợp kim vàng 18ct được tạo thành từ 75 % vàng nguyên chất và một khối lượng bí mật các nguyên tố khác, bao gồm đồng và bạc. Rolex kiểm soát rất nghiêm ngặt toàn bộ quá trình chế tác vàng tại một nhà máy riêng biệt, nằm tại Plan-Les-Ouates ở Geneva để đảm bảo độ bền và khả năng đánh bóng hợp kim theo các yêu cầu của mình.
Hợp chất vàng nổi tiếng nhất của Rolex phải kể tới Everose. Năm 2005, Rolex giới thiệu Everose, sự pha trộn đặc biệt độc quyền sáng tạo nên một chất liệu vàng hồng đảm bảo không bao giờ mất đi sắc đỏ ấm nóng, bao gồm vàng, đồng và một lượng nhỏ platinum. Các khóa platinum trong màu hồng tự nhiên của đồng cho phép hợp kim này giữ lại tọn vẹn màu sắc ban đầu của nó. Sự ra đời của Everose đã mang đến một khuynh hướng hiện đại của Rolex, đem đến những thiết kế mang tính biểu tượng và cổ điển, từ một chất liệu bền bỉ và đẹp đẽ hơn bao giờ hết.
3. Platinum
Platinum hay còn được gọi là bạch kim, là một trong những chất liệu quý hiếm nhất, mệnh danh là ông hoàng của các vật liệu kim loại. Bạch kim nổi bật với ánh sáng trắng bạc và cường độ tỏa sáng mạnh mẽ. Trải qua thời gian, bạch kim trở thành kim loại cao quý với khả năng phô bày vẻ đẹp mà không chất liệu nào so bì được.
Rolex sử dụng bạch kim 950, hợp kim chứa 95% thành phần bạch kim kết hợp cùng ruteni, đảm bảo cho kim loại này trở nên mạnh mẽ vượt trội, được dùng cho thiết kế vỏ đồng hồ mà vẫn giữ được vẻ đẹp sáng sủa đến chói lóa khi đứng dưới ánh nắng mặt trời. Chúng ta có thể không thấy sự xuất hiện thường xuyên của bạch kim trên đồng hồ Rolex, bởi đặc thù của chất liệu này đòi hỏi quá trình chế tác tỉ mỉ, cùng với giá thành cao hơn và độ quý hiếm của chất liệu này.
4. Cerachrom
Rolex là thương hiệu rất chú trọng tới sự độc quyền trong tất cả các phát minh của mình, nên mỗi chất liệu hay một cải tiến kỹ thuật được sáng chế, Rolex đều đặt tến riêng và cấp bằng chứng nhận cho chúng. Năm 2005 đánh dấu sự phát triền vượt bậc của Rolex, với sự ra đời của vành bezel Cerchrom dành riêng cho các phiên bản cao cấp, nhằm lưu giữ mãi vẻ đẹp và chức năng hoàn hảo dù đã trải qua nhiều điều kiện khắc nghiệt. Vành bezel Cerachrom là một vành gốm, sử dụng chủ yếu cho các dòng đồng hồ lặn hoặc đồng hồ ứng dụng chuyên môn cao như Sea-dweller, GMT Master,... Gốm là một chất liệu rất khó xử lý nhưng lại có khả năng chống trầy xước hoàn hảo, đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời hay muối từ nước biển.
Với khả năng tối ưu hóa hiển thị, dễ đọc, dễ nhận biết, những con số và vạch chia độ được khắc lên vành gốm và phủ lên một lớp vàng hoặc bạch kim mỏng bằng công nghệ mạ chân không PVD. Hoàn thiện bước cuối cho một vành bezel gốm Cerachrom là quá trình đánh bóng, loại bỏ bụi vàng và bạch kim khỏi bề mặt vành đồng hồ, mang đến vẻ đẹp sáng loáng, không tì vết.
5. Rolesor
Rolesor thực chất là sự kết hợp giữa hai kim loại vàng và thép khác nhau trên thiết kế đồng hồ của Rolex, mà chúng ta còn hay biết tới qua cụm từ Demi. Thuật ngữ này đã được Rolex sử dụng và cấp bằng sáng chế vào năm 1933. Đối với các thiết kế Rolesor, chủ yếu sử dụng vàng 18 ct hoặc Everose, vành bezel, núm chỉnh giờ và các đường liên kết trên dây đeo tay được đúc bằng vàng; còn mặt số và các đường nối bên ngoài bằng thép 904L. Các thiết kế Rolesor vàng trắng khác chỉ sử dụng hợp kim 18 ct trên viền ngoài và phần còn lại là thép không gỉ 904L.
6. Mother of Pearl
Mother of Pearl cũng được xếp vào danh sách những chất liệu đã tạo nên đồng hồ Rolex. Ngọc trai được lựa chọn kĩ càng. trải qua quá trình xử lý và hoàn thiện nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng vượt trội cho chiếc đồng hồ. Giống như một bông tuyết, mỗi miếng ngọc trai tạo nên sự độc đáo về màu sắc và kết cấu tùy thuộc vào phần vỏ được lấy, có thể là màu trắng, hồng, đen hoặc vàng và không bao giờ có màu nhân tạo.
7. Chromalight
Lớp sơn phản quang xanh trên bề mặt của những cọc số chỉ giờ trên đồng hồ Rolex được mọi người biết tới với cái tên Chromalight, chính thức được sử dụng và chứng nhận năm 2008. Chromalight được thay đổi với màu sắc xanh lá cây, khác với màu xanh dương của chất liệu trước đây mà Rolex sử dụng, sáng lâu hơn và có độ tương phản mạnh hơn.