Đôi điểm khác biệt giữa hai dòng đồng hồ Hublot Orlinski và Hublot Sang Bleu
Với việc kết hợp cùng những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, thương hiệu Hublot đã có được những thiết kế đẹp mắt, mang cá tính của riêng mình. Có thể nói rằng với những thiết kế như Orlinski hay Sang Bleu, Hublot đã thoát khỏi tiếng xấu từ ngày xưa và đạt được những thành tựu quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Trong bài viết này, Gia Bảo Luxury sẽ đề cập tới hai dòng đồng hồ nổi bật của thương hiệu: Big Bang Unico Sang Bleu và Classic Fusion Orlinski. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về hai thiết kế này, ta cần phải lướt qua về quá khứ và xem người ta đã nói gì về cái tên Hublot.
Hublot của quá khứ
Trước đây, Hublot không được những người chơi đồng hồ lâu năm đánh giá cao. Tại sao vậy? Họ cho rằng Hublot là một cái nồi lẩu thập cẩm, chỉ biết vay mượn những thiết kế đỉnh cao của các thương hiệu nổi tiếng. Và tất nhiên, họ cũng có những lý luận của riêng mình như ở dưới đây:
-
Vành bezel có đinh vít lấy từ Royal Oak của Audemars Piguet
-
Phần tai đồng hồ chờm ra ngoài giống với Nautilus của Patek Philippe
-
Thiết kế Tonneau nhiều tầng lớp của Spirit of Big Bang lấy từ Richard Mille
-
Bộ máy chỉ sử dụng của ETA hay Sellita, với độ hoàn thiện không có gì đặc biệt, độ tinh xảo cũng không cao
Đó là những gì những người ghét Hublot thường nói. Và quả thật, trước đây thì Hublot cũng không có quá nhiều điểm nổi trội về kỹ thuật hay những yếu tố độc đáo mà người chơi lâu năm mong đợi. Tuy vậy, họ vẫn rất thành công nhờ thiết kế thể thao và chiến lược marketing thông minh.
Hublot chỉ đáng trách khi họ mãi giậm chân tại chỗ với những thiết kế nhàm chán, na ná nhau. Tuy nhiên, để giữ được vị trí và sự thành công của mình, thương hiệu này phải luôn luôn tiến lên phía trước, làm ra những thiết kế mới đẹp mắt, ấn tượng. Điều này chỉ có thể được thực hiện với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, thứ Hublot đã gây dựng thành công nhờ thiết kế và việc marketing.
Sau này, ta có nhiều phiên bản Hublot ấn tượng và sở hữu bộ máy In-House thay vì máy ETA. Đó là MP-05 LaFerrari, là Big Bang Unico, và tất nhiên không thể thiếu được Big Bang Unico Sang Bleu và Classic Fusion Orlinski.
Điểm tương đồng giữa hai bộ sưu tập Big Bang Unico Sang Bleu và Classic Fusion Orlinski
Điểm tương đồng dễ nhận thấy nhất của hai bộ sưu tập này nằm ở sự kết hợp của Hublot với nghệ nhân nổi tiếng thế giới. Với dòng Sang Bleu, đó là sự kết hợp giữa thương hiệu đồng hồ và nghệ nhân săm Maxime Plescia-Büchi. Anh là người sáng lập nên thương hiệu Sang Bleu, là tập hợp của những người hoạt động về nghệ thuật, thiết kế.
Dòng Orlinski là sáng tạo của nghệ nhân cùng tên - Richard Orlinski. Ông là nghệ nhân theo phong cách đương đại cực kỳ nổi tiếng trên thế giới, nhưng lại chẳng mấy người biết ở Việt Nam. Các tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều địa danh tại Mỹ và châu Âu.
Cả hai bộ sưu tập đều sở hữu những yếu tố đặc trưng của người thiết kế, với Sang Bleu là nhiều hình tam giác đan xen vào nhau, còn Orlinski là nhiều hình khối đa chiều kết hợp với nhau. Bên cạnh đó, Sang Bleu và Orlinski còn có thiết kế khác biệt hẳn so với bộ sưu tập gốc.
Ví dụ, với Royal Oak và Royal Oak Offshore, bộ vỏ về cơ bản có độ tương đồng khá cao, nhưng Royal Oak Offshore được làm đồ sộ và to lớn hơn. Nhưng với Big Bang Unico và Big Bang Unico Sang Bleu, bộ vỏ gần như khác biệt hoàn toàn, từ hình khối của thân vỏ cho tới vành bezel, tất cả đều được cải tiến mới lạ.
Tương tự với đó là dòng Orlinski và Classic Fusion, chúng ta có bộ vỏ của Orlinski được tạo nhiều hình khối, nhiều góc cạnh hơn. Bên cạnh đó, những chi tiết quen thuộc như đinh vít cố định dây cũng được loại bỏ, vành bezel cũng biến đổi hình dáng từ hình tròn qua hình đa giác.
Những chi tiết quen thuộc của Hublot như đinh vít chữ H trên vành bezel và lớp lót bằng resin vẫn sẽ được giữ nguyên trên cả hai bộ sưu tập. Bộ dây được sử dụng phần lớn vẫn sẽ là cao su được xử lý lưu hóa, tạo sự thoải mái cho người dùng.
Đó là về điểm tương đồng, còn bây giờ là sự khác biệt giữa hai dòng sản phẩm
Sự khác biệt giữa Orlinski và Sang Bleu
Đầu tiên, đó là bộ sưu tập gốc của hai dòng đồng hồ. Dòng Sang Bleu sử dụng nhiều yếu tố của bộ sưu tập Big Bang Unico, còn dòng Orlinski lại sử dụng Classic Fusion. Vì lẽ đó, thiết kế cơ bản và phong cách của hai dòng đồng hồ cũng có nhiều khác biệt.
Dáng vỏ và kích thước
Được làm theo bộ sưu tập Unico, Sang Bleu có thiết kế hầm hố hơn, kích thước lớn và dày dặn hơn. Bộ vỏ đồng hồ cũng được thiết kế theo phong cách Sandwich quen thuộc của dòng Big Bang, với hai lớp ở trên và dưới lớn hơn một chút so với lớp ở giữa. Ngược lại, Orlinski được làm theo Classic Fusion, do đó thiết kế có phần mảnh mai hơn.
Về kích thước, Sang Bleu có hai phiên bản với đường kính 39mm và 45mm, còn Orlinski lại có đường kính 40mm và 45mm. Không có quá nhiều khác biệt về mặt hình thức và tỉ lệ giữa các phiên bản, nhưng đây cũng là một điểm không giống nhau giữa hai bộ sưu tập.
Ngôn ngữ thiết kế
Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở thiết kế, và đây cũng là ngôn ngữ thiết kế đặc trưng của người nghệ sĩ sáng tạo nên hai mẫu đồng hồ. Maxime Plescia-Büchi thường tạo ra những hình săm được ghép lại bởi nhiều hình tam giác chồng lên nhau, và vì thế bộ vỏ và mặt số của Sang Bleu cũng có thiết kế tương tự.
Vành bezel của Sang Bleu vẫn có hình tròn, nhưng lồng vào bên trong là một hình lục giác. Nút bấm One Click của dòng Unico với hình thang cũng được đổi qua hình tam giác với dòng Sang Bleu. Nhân tiện đây, cơ chế One Click của Sang Bleu cũng tiện lợi hơn rất nhiều so với cách nối dây của Orlinski, giúp người dùng có thể dễ dàng thay đổi qua lại giữa nhiều mẫu dây.
Về mặt số, dòng Sang Bleu sở hữu ba cây kim giờ, phút, giây theo hình thoi cực kỳ ấn tượng. Đặc biệt hơn, khi bộ kim này di chuyển, ta sẽ thấy được sự đan xen giữa muôn vàn hình tam giác, tạo nên một mê hồn trận trên bề mặt đồng hồ. Lúc đầu, người xem có thể hơi hoa mắt với những hình khối đan xen đó, nhưng sau một thời gian thì ta sẽ thấy được nguyên lý và quen với việc xem giờ.
Nếu như Maxime Plescia-Büchi sử dụng các hình tam giác đặt trên mặt phẳng, thì Richard Orlinski lại sử dụng các hình khối trong không gian. Ông cũng dùng phương pháp này để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đương đại của mình, là những bức tượng được dựng lên từ các hình khối thô, giống như một mô hình 3D dựng trên máy tính nhưng không được render với chất lượng cao. Tuy nhiên, trên máy tính thì đây là một sự thất bại, còn ngoài thực tế thì phương pháp này lại gây được sự thú vị riêng.
Những hình khối của dòng Hublot Classic Fusion Orlinski xuất hiện trên cả bộ vỏ và mặt số đồng hồ. Vành bezel của bộ sưu tập này cũng được biến thành hình đa giác, thay vì hình tròn như truyền thống của thương hiệu. Tuy có mặt số lồi lõm ấn tượng, nhưng thiết kế chung của Orlinski vẫn rất dễ quan sát nhờ bộ kim truyền thống.
Bộ máy đồng hồ
Về bộ máy bên trong, hai bộ sưu tập có sự khác biệt rất lớn và kết hợp cả máy In-House lẫn máy Ebauche (của Sellita, ETA hoặc Zenith). Tính năng của mỗi phiên bản sẽ có sự khác biệt nhất định, nhưng có lẽ dòng Orlinski được đầu tư nhiều hơn.
Kể về tính năng, dòng Sang Bleu có hai phiên bản là Sang Bleu và Sang Bleu II. Trong đó, Sang Bleu chỉ có ba kim giờ, phút, giây còn Sang Bleu II được trang bị thêm cơ chế Chronograph. Với Orlinski, chúng ta có khá nhiều phiên bản khác nhau: từ ba kim cho tới Tourbillon, và tất nhiên có cả Chronograph.
Kết luận
Hai bộ sưu tập Big Bang Unico Sang Bleu và Classic Fusion Orlinski đều có những điểm độc đáo riêng, với thiết kế khác biệt hoàn toàn so với dòng đồng hồ nguyên bản. Đây chính là những luồng gió mới, những sáng tạo mới giúp Hublot trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn trong mắt người chơi đồng hồ. Để được tư vấn kỹ hơn về các dòng sản phẩm của Hublot, hay cụ thể hơn là Sang Bleu và Orlinski, quý khách có thể liên hệ trực tiếp tới các chi nhánh của Gia Bảo Luxury tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.