Royal Oak hay Royal Oak Offshore? Tuy cùng tên nhưng thật sự khác biệt

28/03/2020
Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet

Royal Oak hay Royal Oak Offshore? Tuy cùng tên nhưng thật sự khác biệt

Royal OakRoyal Oak Offshore, hai cái tên gần như tương đồng mà thực chất lại là hai thiết kế khác biệt. Cái tên Royal Oak hẳn đã không còn xa lạ gì với những người chơi đồng hồ, nhưng dòng Offshore thì có lẽ vẫn cần phải giới thiệu thêm đôi chút. Và trong bài viết này, Gia Bảo Luxury sẽ giới thiệu tới các bạn hai bộ sưu tập đình đám này của thương hiệu Audemars Piguet.

Khi một thương hiệu bất kỳ có một sản phẩm thành công vượt mức, việc họ đưa ra một phiên bản “ăn theo” là điều cực kỳ phổ biến. Như là Rolex Deepsea theo Sea-Dweller, Patek Philippe Aquanaut theo Nautilus, hay là Omega Planet Ocean theo Seamaster. Vậy nói một cách nào đó, Royal Oak Offshore chính là phiên bản “ăn theo” của dòng Royal Oak vốn đã quá thành công.

Phiên bản này sẽ có chút gì đó của phiên bản gốc, nhưng sẽ có nét riêng để tạo ra sự khác biệt. Đó có thể là chất liệu, kích thước hay cũng có thể là tính năng. Điều này cũng đúng với dòng Royal Oak Offshore của Audemars Piguet. So với phiên người anh Royal Oak, dòng Offshore như một ông em sinh sau nhưng tập thể dục thể thao đều đặn: to lớn hơn, cứng cáp hơn và tất nhiên cũng khỏe mạnh hơn.

Nhưng trước hết, chúng ta sẽ điểm qua về lịch sử của hai dòng đồng hồ này đã…

Royal Oak

Lịch sử dòng Royal Oak thì hẳn mọi người đều đã biết, nhưng tôi vẫn sẽ điểm qua một số thông tin cần thiết. Bộ sưu tập này được thiết kế mới Gerald Genta – một huyền thoại trong giới đồng hồ, và được ra mắt vào năm 1972. Chiếc đồng hồ này khác biệt hoàn toàn so với những thiết kế cùng thời: nó có kích thước lớn (vào thời đó) với đường kính 39mm, bộ vỏ phức tạp và nhiều lớp, bộ dây gắn liền với vỏ và một mức giá khá “kinh khủng” (so với một chiếc đồng hồ vỏ thép).

Mặc dù không được ủng hộ trong thời gian đầu, nhưng dần dần dòng Royal Oak đã chiếm được cảm tình của người chơi và giúp thương hiệu Audemars Piguet gặt hái nhiều thành công. Kết quả là chúng ta có hàng tá phiên bản Royal Oak với đủ loại chất liệu, màu sắc, kích thước và cả tính năng.

Royal Oak Offshore

Vào năm 1993, Audemars Piguet quyết định cho ra mắt bộ sưu tập Royal Oak Offshore, lấy nền tảng là thiết kế của ngài Gerald Genta. Từ phần nền Royal Oak, nhà thiết kế Emmanuel Gueit đã thêm thắt một số ý tưởng riêng của mình để tạo ra chiếc Royal Oak Offshore Chronograph.

Royal Oak Offshore lại một lần nữa làm mọi người kinh ngạc về kích thước “quá khổ” (vẫn là vào thời điểm đó) với đường kính 42mm, một gioăng cao su nổi bật phía sau vành bezel bát giác, bộ dây cao su và phần núm chỉnh giờ cùng nút bấm Chronograph được bọc cao su. Lại một lần nữa, thiết kế của Audemars Piguet bị chê tơi tả khi ra mắt, thậm chí là từ Gerald Genta.

Và lại một lần nữa, giống với người tiền nhiệm của mình, Royal Oak Offshore đã thành công và chiếm được cảm tình của người chơi theo thời gian. Trong thời điểm hiện tại, Offshore là một trong những bộ sưu tập nổi tiếng nhất của Audemars Piguet, tách biệt khỏi cái bóng của Royal Oak.

Điểm khác biệt và tương đồng giữa Royal Oak và Royal Oak Offshore

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ai cũng có thể nhìn thấy những nét tương đồng về thiết kế giữa Royal Oak và Royal Oak Offshore. Nhưng khi đặt hai chiếc đồng hồ bên cạnh nhau, hẳn bạn sẽ thấy được rằng Offshore trông hầm hố hơn nhiều so với Royal Oak.

Những mẫu Royal Oak chỉ có kích thước khoảng 41mm hoặc nhỏ hơn (có một số trường hợp ngoại lệ dành cho những thiết kế với tính năng cực kỳ phức tạp), trong khi những mẫu Offshore thì có kích thước 42mm trở lên. Thêm vào đó, phần lớn những mẫu Offshore đều có tính năng Chronograph, điều này càng làm cho kích thước chiếc đồng hồ trở nên to lớn hơn trên cổ tay.

Mặc dù cả hai thiết kế đều có dáng vẻ thể thao, nhưng chắc chắn mẫu Offshore sẽ nổi bật hơn, còn Royal Oak thì thanh lịch hơn. Không chỉ mỏng hơn, các chi tiết của Royal Oak cũng nhỏ bé và tinh tế hơn, như họa tiết trên mặt số (“Grande Tapisserie” của Royal Oak và “Mega Tapisserie” của Offshore).

Dòng Royal Oak Offshore đa dạng hơn nhiều cả về màu sắc lần chất liệu, đặc biệt là những chất liệu hiện đại như cao su hay Ceramic. Bên cạnh đó, những tính năng thường xuất hiện của Offshore đó là Chronograph và Đồng hồ lặn. Mặt khác, Royal Oak thì hướng về các chất liệu truyền thống như thép, dây da và các màu cơ bản, kèm các tính năng truyền thống như Lịch vạn niên hay Tourbillon.

Tóm lại thì Royal Oak Offshore là phiên bản màu mè và nổi bật hơn so với phiên bản Royal Oak vốn rất thanh lịch. Tất nhiên, đó chỉ là bề ngoài và chúng ta sẽ cần đi sâu hơn một chút nữa.

Những bộ máy được sử dụng trong Royal Oak và Royal Oak Offshore

Như đã nói ở trên, dòng Royal Oak có rất nhiều phiên bản và nhiều cả về tính năng. Tuy nhiên, nếu xét về các thiết kế phổ biến thì Royal Oak có hai phiên bản chính: 3 kim 1 lịch và Chronograph. Tương tự với Offshore, chúng ta có Chronograph và Diver.

Thiết kế 3 kim 1 lịch vốn là thiết kế nguyên bản của Royal Oak, được ra mắt vào năm 1972. Tới nay, kích thước của dòng đồng hồ này đã được thay đổi từ 39mm lên 41mm, bộ máy cũng được cải tiến nhiều hơn. Ban đầu, mẫu Royal Oak sử dụng máy 2121 – vốn là máy cơ bản của Jaeger-LeCoultre được nâng cấp lên. Tới thời điểm hiện tại, bộ máy được sử dụng trong phiên bản 15500 mới nhất là máy 4302 được sản xuất In-House bởi Audemars Piguet.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về dòng Royal Oak Chronograph, bạn có thể tham khảo một bài viết trước của Gia Bảo Luxury, chúng tôi sẽ để đường link ở dưới đây. Có một điều cần chú ý rằng, dòng Royal Oak Chronograph mặc dù đã ra mắt hơn 20 năm nay nhưng vẫn chỉ trung thành với một bộ máy duy nhất – Caliber 2385.

Còn với Royal Oak Offshore? Chúng ta có dòng Chronograph nguyên bản ra mắt vào năm 1993, sử dụng máy 2126/2840 (và cũng là máy nền Jaeger-LeCoultre). Tới thời điểm hiện tại, “con quái thú” của nhà AP sử dụng máy 3126/3840 dựa trên máy nền 3120 được sản xuất In-House, nhưng vẫn sử dụng Module ngoài của Dubois-Depraz.

Còn cỗ máy nền 3120 kia thì được sử dụng trên những chiếc Offshore Diver, với tính năng hiển thị Giờ/Phút/Giây và Lịch ngày. Thêm vào đó, chúng ta có thêm cơ chế xoay vành bezel phía trong được thực hiện qua núm vặn ở góc 10 giờ.

Dòng nào có mức giá ổn định hơn?

Nhiều người nói rằng đồng hồ là một khoản đầu tư, nhưng tôi thì coi đây là một thú chơi hơn. Tất nhiên, khác với những thú chơi khác, việc thay đổi một chiếc đồng hồ diễn ra thường xuyên hơn, và vì thế người ta sẽ quan tâm tới khả năng thanh khoản của chiếc đồng hồ.

Nói về khả năng thanh khoản và giữ giá, dòng Royal Oak chắc chắn sẽ được đánh giá cao hơn Offshore. Đặc biệt là tại Việt Nam, với phần lớn người chơi không có cổ tay quá to, Offshore không thật sự có chỗ đứng vững chắc như Royal Oak. Thêm vào đó, với dáng vẻ thanh lịch của mình, Royal Oak có thể được sử dụng ở nhiều nơi hơn, phù hợp nhiều phong cách hơn so với dòng Offshore vốn hơi cồng kềnh.

Ngay cả về hệ khách hàng, Royal OakRoyal Oak Offshore cũng có nhiều điểm khác biệt. Audemars Piguet biết rõ rằng họ đang muốn bán sản phẩm của mình cho đối tượng nào, và họ có những sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng. Với Royal Oak, phân khúc khách hàng rộng lớn hơn, vì thiết kế kinh điển này có thể làm hài lòng bất cứ ai. Ngược lại, Offshore không thật sự thu hút những người có tuổi, với phong cách lịch sự, mà thay vào đó tập trung hơn vào nhóm người trẻ.

Qua bài viết này, mong rằng các bạn có được một cái nhìn rõ nét hơn về hai bộ sưu tập đình đám của thương hiệu Audemars Piguet. Bạn thích bộ sưu tập nào hơn? Hãy nói cho Gia Bảo Luxury biết nhé!

Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet
Zalo