Theo dòng lịch sử - Omega Seamaster
Nhắc đến Omega, giới mộ điệu luôn nhớ đến một trong những bộ sưu tập lâu đời nhất của thương hiệu này, đó chính là Seamaster. Mỗi năm, chúng ta đều mong chờ những cỗ máy thời gian được chế tác bởi đôi bàn tay khéo léo và khối óc thiên tài của những người thợ lành nghề mang ra giới thiệu đến đông đảo giới chơi đồng hồ trên toàn thế giới, và Omega Seamaster luôn nằm trong danh sách những chiếc đồng hồ đáng được chờ đợi nhất.
Không phức tạp cầu kỳ như Grand Complications của Patek Philippe, cũng không rầm rộ như Sport của Rolex, Seamaster của Omega đến với các kỳ triển lãm (như Baselworld 2018…) với những phong thái rất riêng của mình. Và chúng ta cùng điểm lại lịch sử cũng như quá trình chinh phục giới mộ điệu của bộ sưu tập Seamaster nhà Omega.
Vào năm 1936, Omega cho ra đời dòng đồng hồ lặn ( hồi đó mới chỉ được gọi là đồng hồ hàng hải – Marine) đầu tiên và được đeo bởi “ cha đẻ của bộ môn lặn” - Yves Le Prieur ( ông là một sĩ quan hải quân Pháp và là nhà phát minh ra mặt lạ nặn cùng bình dưỡng khí).
Và đến năm 1936, nhà thám hiểm Charles William Beebe đã đeo chiếc đồng hồ này để thám hiểm bờ biển Bermuda.
Cho đến năm 1948, Omega đã nổi tiếng với chiếc đồng hồ lặn bền bỉ, và bắt đầu từ thời điểm này họ cũng cho ra đời dòng đồng hồ Omega Seamaster nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập thương hiệu. Chiếc đồng hồ Omega Seamaster đầu tiên được thiết kế để sử dụng cho quân đội Anh trong Thế Chiến II.
Sự khác biệt của nó so với đồng hồ chống nước thông thường chính là vòng đệm tròn tăng khả năng chống nước cho chiếc đồng hồ ở độ sâu nhất định so với chiếc đồng hồ bình thường.
Phần vỏ của chiếc đồng hồ khi đặt ở độ sâu hơn 50m và ở mức nhiệt độ -40 -> 50 độ C vẫn giữ được nguyên vẹn. Các kỹ sư của Omega đã rất tự tin vào độ bền của Seamaster, đến mức họ đã gắn một chiếc đồng hồ này bên ngoài một chiếc máy bay và bay qua Bắc cực vào năm 1956.
Đến năm 1957, khi mà môn thể thao lặn được phổ biến rộng rãi, Omega cùng lúc cho ra đời 3 bộ sưu tập: Speedmaster, Railmaster, và Seamaster 300.
Cho đến những năm 1990, khi Omega thấy danh tiếng của Seamaster có vẻ như không còn hot trên thị trường, thương hiệu này đã giới thiệu ngay mẫu Omega Seamaster Professional. Tuy nhiên, phải đến khi được diễn viên Pierce Brosnan mà thậm chí là cả Daniel Craig sau này sử dụng trong serial phim bom tấn Jame Bond thì Omega Seamaster 300 mới thực sự trở thành một phần của lịch sử dòng Seamaster.
Quay ngược trở lại năm 1948 khi Seamaster được giới thiệu lần đầu tiên thì Omega đồng thời cũng trở thành thương hiệu đồng hồ chính thức cho Thế vận hội mùa đông Olympic London. Và 64 năm sau đó, khi Olympic tiếp tục được tổ chức tại London, thương hiệu này đã cho ra mắt phiên bản đặc biệt mang tên Omega Seamaster 1948 Co-Axial London 2012. Chỉ 1948 chiếc đồng hồ được phát hành, với mặt số có thiết kế giống hệt như Seamaster dòng classic, nhưng mặt sau của đồng hồ lại được chế tác từ chất liệu vàng, đóng dấu logo của thế vận hội Olympic London năm 2012.
Tại Baselworld 2017, Omega đã cho ra mắt phiên bản giới hạn kỉ niệm 60 năm đồng hồ Omega Seamaster (1957-2017). Phiên bản kỉ niệm này được cải tiến hơn rất nhiều so với phiên bản ngày đó như là: cọc số phủ dạ quang SuperLuminova (trước đây là radium), chất liệu nhôm bền bỉ được sử dụng cho vành Bezel 2 chiều (trước đây là acrylic), máy automatic caliber 8806 (trước đây sử dụng máy Cal.501).
Ngay từ khi ra mắt, dòng đồng hồ này nhanh chóng trở thành cú hích lớn, trở thành bộ sưu tập được bán chạy nhất trong lịch sử Omega. Cho đến ngày nay, Omega Seamaster vẫn là bộ sưu tập lâu đời nhất trong những bộ sưu tập hiện tại của thương hiệu này.