Worldtimer - Đồng hồ mang thương hiệu Andersen Genève tiến vào lòng giới sưu tầm

Worldtimer - Đồng hồ mang thương hiệu Andersen Genève tiến vào lòng giới sưu tầm

22/12/2022
Kiến thức

Mặc dù đã tạo ra hơn 100 chiếc đồng hồ độc nhất trong tổng số khoảng 1.500 chiếc đồng hồ kéo dài 41 năm trong sự nghiệp sáng tạo các cỗ máy cơ khí, nhà chế tác đồng hồ độc lập Svend Andersen lại có tiếng về một vài dòng đồng hồ chuyên biệt. Một trong số đó là đồng hồ thế giới, một chiếc đồng hồ phức tạp hiển thị thời gian ở 24 múi giờ, gắn liền với tên tuổi của thương hiệu Andersen Genève.

Sự ra đời của đồng hồ giờ thế giới

Sandford Fleming (1827-1915), kỹ sư trưởng của Canadian Pacific Railway, là người đầu tiên có tầm nhìn về tiêu chuẩn thời gian quốc tế. Ông công bố ý tưởng của mình về hệ thống thời gian tiêu chuẩn hóa vào năm 1876. Theo đó, có thể chia thành 24 múi giờ, mỗi múi giờ có 15 độ kinh độ, với mỗi múi giờ cách nhau một giờ.

Vào năm 1880, Sandford Fleming đặt làm một chiếc đồng hồ bỏ túi tại London để mô phỏng ý tưởng của mình. Rất có thể đây là chiếc đồng hồ worldtimer đầu tiên trên thế giới vì nó hiển thị đồng thời 24 vùng của Fleming trên một mặt số.

Vào năm 1884, một hình thái ý tưởng của Sandford Fleming đã được Meridian Conference (Hội nghị Kinh tuyến Quốc tế) chấp thuận. Sau đó một năm, vào ngày 1 tháng 1 năm 1884, khái niệm chính thức được điều chỉnh, mặc dù các múi giờ trên thế giới đã và đang tiếp tục được xác định theo một số thỏa hiệp chính trị. 

Chỉ đến năm 1929, tất cả các nước lớn trên thế giới mới chấp nhận cái gọi là múi giờ. Sau điều chỉnh chính thức, đồng hồ thể hiện nhiều múi giờ đã xuất hiện. Những chiếc đồng hồ như vậy thường có 6 mặt số chỉ thời gian phụ kèm theo tên của các thành phố. Loạt đồng hồ thể hiện giờ thế giới như ý tưởng của Fleming hiển thị tất cả 24 múi giờ trên một mặt số ít được sản xuất hơn.

Dấu mốc quan trọng về sự hình thành của đồng hồ worldtimer đích thực cần kể đến cái tên Louis Cottier (1894-1966). Ông là người thợ đồng hồ đến từ vùng ngoại ô Geneva Carouge. Louis Cottier đã phát minh và sản xuất ra chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên hiển thị thời gian thế giới được điều khiển bởi hai núm vặn. Sự kiện xảy ra vào năm 1950. Cùng năm đó, Louis Cottier đã trao tặng chiếc đồng hồ cho Patek Philippe - đơn vị cũng được cấp bằng sáng chế cho chiếc đồng hồ worldtimer thú vị tại Thụy Sĩ số 340191 vào năm 1959.

Bằng sáng chế của Cottier và Patek Philippe có điểm mạnh là mang tính thực tế cao: độ chính xác về hiển thị thời gian của nhiều địa phương, bảo vệ đồng hồ tránh bị “sốc” và mài mòn nhờ vào lớp kính bao phủ đĩa thành phố. Kèm theo đó, việc in tên trên đĩa thành phố cũng dễ đọc hơn các đĩa được khắc có trong các mẫu đồng hồ được sản xuất trong thời gian trước.

Đồng hồ Patek Philippe ref. 2523 HU

Ngoài ra, chiếc đồng hồ Cottier x Patek Philippe sử dụng duy nhất một bộ máy. Vào thời điểm đó, đồng hồ thể hiện nhiều múi giờ trên thế giới thường có hai bộ máy - là một áp lực lớn trong quá trình đồng bộ.

Cho đến năm 1966, Louis Cottier qua đời, ông đã thực hiện được tổng cộng 455 bộ máy đồng hồ có chức năng giờ thế giới. Như vậy, mỗi năm ông sản xuất 13 chiếc đồng hồ giờ thế giới. Trong quá trình nghiên cứu, Louis Cottier đã cải thiện bằng sáng chế năm 1959 của chính mình.

Cho đến ngày hôm nay, Louis Cottier vẫn là một cái tên mà thương hiệu Patek Philippe hằng tôn kính. Và không khó để hiểu, chàng thợ đồng hồ trẻ tuổi Svend Andersen khi ấy, người cũng đã dành chín năm trong xưởng chế tạo đồng hồ của Patek Philippe ngay từ đầu trong sự nghiệp, cũng sẽ tôn kính ngài Louis Cottier. Trong thời gian 9 năm tại xưởng chế tác Patek Philippe, Svend Andersen thường làm việc trên những chiếc đồng hồ có chức năng giờ thế giới do Cottier phát minh ra.

Andersen Genève tiếp nối lịch sử của đồng hồ thế giới

Svend Andersen chắc chắn được biết đến nhiều nhất với dòng đồng hồ về lịch. Một trong số đó là đồng hồ Worldtimer 1884 - mẫu đã được cải tiến với phiên bản mới nhất Tempus Terrae , dựa trên bằng sáng chế của Louis Cottier. Nhưng trước đó, chúng ta còn có:

Năm 1989, Andersen đã tạo ra chiếc đồng hồ thể hiện thời gian của các múi giờ thế giới đầu tiên với tên gọi Communication. Mô-đun giờ thế giới của riêng Svend Andersen được đặt lên trên bộ máy cơ bản từ Frédéric Piguet. Cả mô-đun và mặt số chỉ dày 0,9mm.

Năm 1993, Andersen Genève phát hành một loạt 24 chiếc đồng hồ Worldtimer Mundus, một chiếc đồng hồ siêu mỏng (chỉ 4,2mm) bằng bạch kim. Mặt số đồng hồ có phần trung tâm màu than antraxit được trang trí bằng bản đồ thế giới được mạ rhodium. Đĩa thành phố bên ngoài màu trắng có chỉ số màu đen được điều chỉnh bởi núm vặn thứ hai góc 9 giờ ngoài vỏ. 

Năm 2003, Andersen Genève đã giới thiệu Worldtimer 1884 - chiếc đồng hồ bày tỏ lòng tôn kính của người nghệ nhân với thời gian đã được tiêu chuẩn hoá do ngài Sandford Fleming tạo ra vào năm 1884. Rotor đồng hồ bằng vàng kèm theo trang trí bằng tên Sandford Fleming cũng như năm sinh và năm mất của ông, cùng dòng chữ "người phát minh ra thời gian thế giới". Đồng hồ có kích thước 40mm với số lượng 50 chiếc bằng vàng đỏ, 50 chiếc bằng vàng trắng và 20 chiếc bằng bạch kim.

Tại sự kiện Baselworld 2015, Andersen Genève tiếp tục kỷ niệm 25 năm phát hành chiếc đồng hồ giờ thế giới đầu tiên của hãng kiêm kỷ niệm bằng sáng chế ban đầu của Cottier vào những năm 1950 bằng thiết kế Worldtimer Tempus Terrae. Chiếc đồng hồ như phiên bản hoàn thiện của đồng hồ giờ thế giới nhà Tempus Terrae, có hai núm vặn, mặt số và rotor bằng vàng BlueGold đặc trưng của thương hiệu. Đây cũng là thiết kế mà Andersen Genève khuyến khích khách đặt hàng tùy chỉnh các yếu tố mang tính cá nhân lên.

Một trong những phiên bản đồng hồ giờ thế giới Tempus Terrae mới nhất của Andersen Genève là kết quả hợp tác với BCHH, chiếc đồng hồ có tên Celestial Voyager. Hiện có 7 mẫu đồng hồ Tempus Terrae tuỳ chỉnh trên trang web của hãng BCHH (Benjamin Chee Haute Horlogerie). Ở thiết kế này, nhà sưu tầm có thể tùy chỉnh mặt số ở Vòng tròn trung tâm, đĩa thành phố,... Như ở thiết kế này, Andersen Genève sử dụng đá aventurine để làm tăng thêm vẻ hấp dẫn, lấp lánh.

Đồng hồ được bao bọc bởi vỏ bằng bạch kim ở kích thước 37,7mm x 10,1mm, đồng hồ sở càng nối dây và núm vặn cổ điển. Hai núm vặn ở hai bên có chức năng riêng biệt. Núm vặn ở vị trí 9 giờ dùng để cài đặt chức năng giờ thế giới/thành phố, trong khi núm vặn ở vị trí 3 giờ dùng để lên dây cót và cài đặt thời gian. Andersen Genève sử dụng bộ máy AS Calibre 1876 cho chiếc đồng hồ này (có điều chỉnh lại) và dĩ nhiên, ông thêm vào mô-đun giờ thế giới độc quyền của mình bên trên.

Trong năm 2022, Andersen Genève x Asprey Heures du Monde - chiếc đồng hồ giờ thế giới Tempus Terrae mới nhất. Andersen Genève x Asprey Heures du Monde tràn đầy cảm hứng từ quá khứ của Andersen khiến cỗ máy trở nên khác biệt so với các phiên bản đặt làm riêng khác. Một trong những điều quan trọng nhất trong số này là các càng nối dây hình tam giác tuyệt đẹp mà Andersen đã từng thiết kế cho vỏ của của model Lịch vạn niên năm 1996, một thiết kế vào thời điểm đó được thực hiện theo mong muốn của nhà chế tác vỏ nổi tiếng Genevan Jean-Pierre Hagmann. Những dáng càng này này cũng được sử dụng cho Orbita Lunae năm 2002

Kiến thức
Zalo